Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Đối diện với đau khổ


image
Lo âu và sầu muộn là hai thứ phiền não đồng sinh. Ở đâu có lo âu, ở đó có phiền muộn. Chúng đồng hiện hữu và liên kết chặt chẽ trong việc chi phối đời sống con người.
Chúng ta phải luôn luôn đối diện với thực tế nghĩa là không trốn chạy trước thế lực của giặc phiền não. Mặt khác ta phải tìm cách khắc phục chúng bằng chính sức cố gắng của mình, với sự hỗ trợ của ý chí sắt đá và nhẫn nại kiên trì.

Đau khổ của chúng ta do chính chúng ta tạo nên và tích lũy trong tâm hồn bởi bất lực hay không thấu hiểu được những tình cảm sâu kín nội tại trong chúng ta, và đánh giá sai lầm đối tượng ngoại giới. Nếu chúng ta có một kiến thức chân chính và trí tuệ thích ứng để nhận thức thực tướng của vạn hữu nghĩa là thấy hiện tượng ngoại giới đều là vô thường và bản ngã chỉ là vọng tưởng của một tâm hồn chưa được rèn luyện, thì chúng ta đã tiến xa trong việc tìm kiếm một phương thuốc trị liệu căn bệnh phiền não.

Phải huấn luyện khối óc và con tim thế nào để chúng ta có thể hy sinh tự ngã cho mục đích cao cả hơn là phụng sự nhân loại, chúng sinh. đó cũng chính là một trong những điều kiện giúp chúng ta tìm thấy chân hạnh phúc và thái bình.

Nhiều người có những ham muốn, khát vọng, những sợ hãi, lo âu mà không biết làm thế nào để thanh lọc, hay tệ hơn nữa có khi họ không dám nhìn nhận thực trạng đó ngay với chính lương tâm mình. Nhưng dẫu họ có lẩn tránh thì cũng vô phương vì thực trạng ấy vẫn hiện hữu và bành trướng ảnh hưởng.
Cũng có khi vì không biết nguyên nhân tâm bịnh của mình, họ đã dùng những phương pháp trị liệu sai lầm để đè nén những cơn khủng hoảng tinh thần, nhưng càng đè nén, những tình cảm này lại tìm lối thoát bằng cách làm xáo trộn sinh hoạt cỏ thể để trở thành tâm bệnh.
Đó là trường hợp một người tìm quên sầu muộn của mình trong rượu chè, cờ bạc hay dùng những thứ dược phẩm có khả năng làm lắng dịu phiền não trong chốc lát như các chất ma túy, cần sa... Phương pháp trị liệu này không những không có hiệu quả lâu bền cho tâm bịnh mà còn làm cho cỏ thể suy nhược thêm.

Tất cả bịnh trạng tâm vật lý ấy đều có thể chữa trị bằng phương pháp rèn luyện tinh thần, tức là thiền định, vì một tâm hồn chưa được rèn luyện kỹ càng là nguyên nhân của mọi phiền não.

Trước hết chúng ta cần phải can đảm chịu đựng mọi khổ đau, không nên tỏ ra cho người khác biết những lo âu, sầu muộn của mình, vì làm như thế đã không lợi ích gì cho mình mà còn gây thêm phiền lụy cho kẻ khác. Trừ khi người mà ta tiết lộ tâm trạng riêng tư là người khách quan sáng suốt có thể giúp chúng ta phấn khởi tinh thần để chiến đấu tích cực hơn.

Nhưng sự thật đã chứng minh rằng nhiều người đánh mất tình bằng hữu chỉ vì thổ lộ quá nhiều lo âu, phiền muộn của mình cho bạn biết. Thật là cao đẹp, nếu chúng ta biết giữ sắc diện trầm tĩnh và tưỏi cười dù đã gặp nhiều khó khăn trở ngại. điều này không phải không thể thực hiện được nếu chúng ta thực sự cố gắng.

Bất hạnh của chúng ta phát xuất từ nhận thức sai lầm về bản chất và mục tiêu tối hậu của cuộc sống, Chính vô minh chi phối nhận thức sai lầm này để đưa đến kết quả là tà kiến và tà tư duy. Quan niệm và tư tưởng sai lầm thì lời nói và hành động cũng sai lầm tức là tà ngữ và tà nghiệp. Cũng chính quan niệm và tư tưởng sai lầm đưa đến cố gắng sai lầm (tà tinh tấn), nuôi mạng sai lầm (tà mạng).

Vì nhận thức đóng một vai trí quan trọng trong việc định đoạt một đời sống hạnh phúc hay khổ đau như thế nên Đức Phật đã dạy rằng: nơi đâu có phiền muộn lo âu khởi sinh, chúng chỉ khởi sinh nơi kẻ thiểu trí chứ không khởi sinh nơi người trí tuệ.

Nếu tư tưởng tiêu cực sinh ra lo âu, sầu muộn và tư tưởng tích cực đưa đến hy vọng, lý tưởng, thì sự lựa chọn một trong hai mẫu tư tưởng này hoàn toàn tùy thuộc nơi ta. Và như thế, nếu cố gắng, mọi người có khả năng kiểm soát được những sinh hoạt nội tâm của mình.

Những định luật thiên nhiên từ ngoại giới có thể chi phối chúng ta mọi phương diện nhưng không thể chi phối được tư tưởng của chúng ta. Sự thật ngay cả đời sống vật chất ngày nay cũng không còn lệ thuộc ở thiên nhiên vì khoa học đã một phần nào chế ngự được ảnh hưởng của tạo hóa. Những bệnh tật nguy hiểm, những thiên tai khủng khiếp mà ngày xưa được xem là hình phạt của trời đất hay là cơn thịnh nộ của quỉ thàn đã bị nhân loại làm chủ. Nếu đời sống tinh thần đã do ta hoàn toàn chủ động và ngay cả vạn pháp cũng do tâm tạo thì tất cả những bệnh trạng của tâm hồn đều có thể chữa trị được dễ dàng như y học chữa thân bịnh.

Người ta có lý khi nói rằng lo âu làm cho con người chóng già hơn năm tháng. Băn khoăn sợ hãi ở mức độ bình thường là bản năng tự vệ nhưng nếu để chúng trở thành những nguồn động lực thường trực chi phối chúng ta mà chúng ta không có thể kiểm soát được thì thật là nguy hiểm, vì chúng có thể làm đảo lộn mức sinh hoạt bình thường của guồng máy tâm vật lý và có khi làm cho nhiều người quẩn trí điên loạn. Các nhà y học cho biết phần đông bệnh thần kinh gây ra do bị lo sợ chi phối thường xuyên. Thậm chí có người không đủ nghị lực để phấn đấu với giặc phiền não, họ đã tìm lấy cái chết như một lối thoát cuối cùng.

Nhưng Đạo Phật dạy rằng lẩn trốn thực tế như vậy là vô ích, vì thực ra khi chết họ vẫn chất chứa mầm mống phiền não như một tên tội phạm vượt ngục, anh ta khó có thể sống an lành khi án trạng vẫn còn. Chỉ khi nào được phóng thích anh mới thoát được cảnh tù đày; cũng vậy, chỉ khi nào phiền não chấm dứt chúng ta mới được an vui tự tại.

Khổ đau và sầu muộn chỉ là những kết quả của nhân bất thiện ta đã tạo ra từ trước. Đức Phật dạy rằng: Người trí thức chỉ sợ nhân chứ không sợ quả. Nghĩa là điều mà chúng ta cố gắng không phải để trốn tránh trách nhiệm về hành động sai lầm của ta đã làm, nhưng để tránh gieo thêm những nhân bất thiện mới. Như một người vay một số tiền phải vui vẻ tìm cách trả món nợ ấy, vì đó là bổn phận tất nhiên, không phải lo âu, sợ sệt hay miễn cưỡng trốn tránh và hay hơn hết là không nên vay thêm nợ mới.

Đức Phật không còn bị chi phối bởi những phiền não nội tâm, tuy vậy đôi khi Ngài vẫn còn gặp phải những trở ngại từ bên ngoài đưa đến. Nhưng Ngài luôn luôn bình tĩnh đối diện với mọi trở lực bất cứ từ đâu tới.

Một hôm Ngài cùng đại đức Ananda vào khất thực trong thành Kosambi, bị hoàng hậu Magandhà xúi giục dân chúng trong thành hễ gặp Đức Thế Tôn và đệ Tử Ngài ở đâu thì phải tìm cách hạ nhục và phỉ báng. Nghe như vậy đại đức Ananda bạch với Đức Phật rằng:

"Bạch Đức Thế Tôn, người trong xứ này phỉ báng chúng ta, vậy chúng ta nên đi xứ khác."

"Này Ananda, nếu người ở xứ ấy cũng phỉ báng chúng ta, bấy giờ chúng ta phải làm sao?"

"Bạch Đức Thế Tôn, chúng ta lại đi đến xứ khác nữa".

"Này Ananda, nếu nơi ấy người ta cũng phỉ báng thì sao?"

"Bạch Đức Thế Tôn, chúng ta lại đi xứ khác nữa vậy
."

Đức Thế Tôn liền ôn tồn bảo đại đức Ananda rằng:

"Này Ananda, làm như vậy không phải đâu. Việc gì sanh ở nơi nào thì diệt ở chỗ đó. Chúng ta phải ở đây nhẫn nhịn cho đến bao giờ họ hết phỉ báng rồi hãy đi. Như vị võ tướng dũng cảm xông pha nơi trận mạc, không sợ gươm đao, không khiếp tên đạn, chúng ta hãy thản nhiên, bình tĩnh trước những lời phỉ báng của kẻ khác."

Như vậy thái độ của bậc trí thức là không sợ khổ đau. Chúng ta phải sáng suốt tìm ra nguyên nhân nào làm cho chúng ta lo âu, sầu muộn để dùng một biện pháp thích nghi khả dĩ diệt tận gốc rễ của chúng, chứ không cần lẩn tránh hay tự phần nàn phiền trách.

Một nhà phân tâm học nổi tiếng người Anh, khi trả lời một sinh viên câu hỏi phương pháp nào hoàn hảo nhất để khắc phục lo sợ, ông ta nói: "Hãy cố gắng làm lợi ích cho tha nhân."
Cậu sinh viên rất đỗi ngạc nhiên trước câu trả lời đó. Nhưng nếu anh ta xét kỹ và áp dụng định luật bất khả đồng hiện hữu trong tâm lý học, nghĩa là hai tư tưởng đối nghịch không bao giờ khởi sinh đồng một lúc, chúng chỉ có thể thay thế hay kế tiếp nhau, như khi có tư tưởng này thì không thể có tư tưởng kia. N
hư thế khi tâm hồn ta mang tư tưởng vị tha thì không có sự hiện hữu của tư tưởng ích kỷ, và như chúng ta đã đề cập ở trên, tư tưởng tiêu cực vị kỷ là nguyên nhân của mọi lo âu sợ sệt. Thật vậy, đúng như lời nhà phân tâm học, phương pháp hoàn hảo nhất để giải trừ lo sợ là cố gắng làm lợi ích cho tha nhân.

Đức Phật là bằng chứng cụ thể nhất chứng tỏ rằng Ngài đã thoát ly được phiền não nhờ hy sinh đời sống vị kỷ để thực hiện lý tưởng vị tha.

Nếu chúng ta biết cách xoa dịu đau khổ của kẻ khác, thì chúng ta đã xoa dịu đau khổ của chính mình. Một người thật sự muốn được hạnh phúc, không nên phá hoại hạnh phúc của kẻ khác. Tìm hạnh phúc bằng cách lừa đảo, hãm hại kẻ khác là phương pháp sai lầm, vì như Abraham Lincoln đã nói: "Ta có thể lừa dối vài người bất cứ khi nào, và tất cả mọi người trong một thời gian nào đó. Nhưng ta không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi."

Tất cả những ham muốn, khát vọng, những cố gắng, nỗ lực của con người hầu như đều nhắm vào việc tìm kiếm một đời sống hạnh phúc. Nhưng nếu quá vị kỷ, tư lợi người ta có thể dẫm đạp lên hạnh phúc của tha nhân. Và khi bị kẻ khác phản ứng không thuận lợi cho mình, người ta dễ sinh ra bất mãn, nóng nảy hay hung dữ.
Như thế hóa ra khi đi tìm hạnh phúc vô tình họ đã rước lấy thêm phiền lụy. Vì một người không thể có hạnh phúc khi nội tâm chứa đầy bất mãn, sân hận và sợ hãi.

Phương pháp duy nhất để diệt trừ những tệ trạng này là phá "ngã chấp" và tạo cho mình cuộc sống đầy bác ái vị tha.
Theo: Sách Con đường Hạnh phúc

Hồi hướng công đức cho người quá cố


image
Trong khi những người khác cầu nguyện thánh thần cho người chết thì người Phật Tử trải tâm từ-ái trực tiếp đến họ. Bằng cách làm những việc thiện, họ có thể hồi hướng công đức này đến người yêu quí để những người này được hưởng lợi lạc. Đó là cách thức tốt nhất để tưởng nhớ, để đem vinh dự thật sự và để khắc ghi mãi mãi tên người đã khuất.
Ý NGHĨA CỦA VIỆC HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC CHO NGƯỜI QUÁ CỐ
Nếu thực tình bạn muốn tôn kính và giúp đỡ người quá cố, bạn hãy hành những hành vi công đức dưới danh nghĩa của những người ấy, và hồi hướng phước báu đến cho họ.
Theo Phật Giáo, hành vi thiện hay "hành động công đức" mang hạnh phúc cho hành giả ngay trong thế giới này và sau này. Chúng ta tin rằng hành động công đức chắc chắn dẫn đến mục tiêu cuối cùng là hạnh phúc trường cửu. Hành động công đức có thể thực thi qua thân, khẩu và ý. Mọi hành động thiện đều tạo công đức sẽ tích lữy vào thiện nghiệp của hành giả. Phật Giáo cũng dạy công đức tạo được có thể hồi hướng cho người khác hay có thể chia sẻ với người khác. Nói một cách khác, công đức có thể "chuyển hoán" và có thể chia sẻ với người khác. Người nhận được công đức có thể đang sống hay đã chết.
Phương pháp hồi hướng công đức rất đơn giản. Trước tiên ta phải thực hiện một số công đức. Người làm công đức chỉ mong muốn phước báu đã tạo dành đặc biệt cho người nào đó, hay cho "tất cả chúng sanh". Phúc nguyện này có thể được niệm thầm trong tâm hoặc diễn tả bằng lời.
Tâm nguyện khi thể hiện này có khả năng được cảm ứng bởi người thọ nhận. Khi người thọ nhận hay biết được hành động hay nguyện ước này, thì sẽ cùng nhau phát khởi một niềm hoan hỉ. Nơi đây, người thọ nhận trở thành một người tham gia hành vi nguyên thủy bằng cách tự liên kết với công đức đã làm. Nếu người thọ nhận tự đồng hóa với cả hành vi lẫn hành giả, đôi khi có thể đạt được công đức to lớn hơn hành giả nguyên thủy, vì tâm hoan hỉ của người ấy lớn hơn, hay vì nhận thức được giá trị của công đức này căn cứ trên sự hiểu biết Phật Pháp và, do vậy hưởng nhiều phước báu hơn. Kinh điển Phật Giáo chứa nhiều câu truyện về truờng hợp này.
Niềm vui hồi hướng phước báu cũng có thể sanh khởi dù người làm công đức có kiến thức hay không. Điều cần thiết phải làm là cốt cho người thọ nhận cảm thấy hân hoan trong tâm khi nhận biết được nghĩa cử này. Nếu mong muốn, người đó có thể bày tỏ niềm vui bằng cách nói lên chữ "Sadhu" có nghĩa là "Lành thay". Đó là cách bày tỏ sự tán thán bằng ý hoặc bằng lời. Để chia sẻ công đức do người khác làm, điều quan trọng là phải có sự chấp thuận thật sự, và niềm hoan hỉ phát sanh từ tâm người thọ nhận.
Ngay cả khi mong muốn được như vậy, người làm công đức không thể ngăn người khác chia vui với công đức mình vì không có quyền gì đối với tư tưởng của người khác. Theo Đức Phật, trong tất cả mọi hành động, tư tuởng mới là điều thực sự quan trọng. Hồi hướng công đức căn bản là một hành động của tâm.
Hồi hướng công đức không có nghĩa là cho hết phước báu mà mình đạt được khi làm việc thiện. Trái lại, hành động của hồi hướng công đức chính nó là một công đức làm phước báu đã tạo càng được tăng thêm nữa.
TẶNG PHẨM CAO CẢ NHẤT CHO NGƯỜI QUÁ VÃNG
Đức Phật nói rằng tặng phẩm tốt đẹp nhất cho thân nhân đã quá vãng là làm công đức và hồi hướng phước báu vừa tạo này đến họ. Ngài cũng nói là những ai hành hạnh hồi hướng cũng nhận những được quả phước của những công đức mình làm. Đức Phật khuyến khích những ai làm việc thiện chẳng hạn như cúng dường cho các bậc thánh thiện, hãy hồi hướng phước báu đó đến những người thân đã qua đời. Hãy nên cúng dường với danh nghĩa người quá cố bằng cách hồi tưởng lại trong tâm những điều như " Khi vị ấy còn sống, vị ấy đã cho tôi của cải này, vị ấy đã làm cho tôi những việc này, vị ấy là thân nhân của tôi, là người bầu bạn với tôi vân vân... (Tirokudda Sutta - Khudakapatha). Không nên khóc lóc, đau buồn, than van và nuối tiếc; những thái độ như vậy không đem lợi ích gì cho người đã chết.
Hồi hướng công đức đến các hương linh được căn cứ trên sự tin tưởng thông thường là khi một người chết đi, phước và tội được đem cân nhắc và hành động của người ấy sẽ định đoạt người ấy tái sanh vào một cảnh giới sung sướng hay thống khổ nào. Hoặc tin là các nguời chết có thể xuống cảnh giới của các vong linh không siêu thoát. Những chúng sanh trong những hình thái thấp kém này không thể tạo được phước đức m?i, và phải sống nhờ vào những công đức tạo được từ trên thế gian này.
Những ai không làm hại người khác, và hành các hạnh thiện lành trong đời mình, chắc chắn có cơ may tái sanh vào nơi nhàn cảnh. Những người như vậy không cần đến sự giúp đỡ của thân nhân hiện tiền. Tuy nhiên, với những người không có cơ duyên để được sanh vào cảnh giới sung sướng, luôn luôn chờ đợi các công đức của những thân nhân đang sống để bù đắp những thiếu hụt và giúp họ có thể tái sanh vào một nơi tốt đẹp hơn.
Những người tái sanh dưới hình thái ma quỷ bất hạnh có thể giải thoát được khổ cảnh nhờ sự hồi hướng phước báu do công đức được tạo của bè bạn và thân nhân .
Lời dạy về hồi hướng công đức đến người quá cố là thể thức tương ứng với tập tục Ấn Độ Giáo đã truyền thừa qua các thời đại. Nhiều nghi lễ được cử hành để vong linh các tổ tiên được sống trong bình an. Tập tục này đã có một ảnh hưởng to lớn vào đời sống xã hội của một số quốc gia Phật giáo. Người chết bao giờ cũng được nhớ đến khi ta hoàn tất bất cứ một công việc phước thiện nào, và vào các dịp liên quan đến đời sống của họ, như những ngày sanh hay ngày giỗ. Vào những dịp như vậy, ta thưòng cử hành một vài nghi lễ. Người hồi hướng công đức rót nước từ một cái bình đến một bình khác tương tự, trong khi đọc một câu kệ bằng tiếng Pali được dịch như sau :

Như con sông, khi đầy phải chảy
đem nước tràn đến tận nơi xa

Cũng như vậy, điều được nơi đây
sẽ đem phước đến vong linh tại đấy
Như nước nguồn rót từ ngọn núi
chảy xuống và dâng ngập cánh đồng
Cũng như vậy điều được nơi đây
sẽ đem phước đến vong linh tại đấy.
-- (Kinh Nidhikanda trong Khuddakapatha)

Nguồn gốc và ý nghĩa việc hồi hướng công đức được các học giả đem ra bàn cãi. Mặc dầu tập tục cổ xưa này còn hiện hữu đến ngày nay tại nhiều quốc gia Phật Giáo, một số rất ít Phật Tử theo tập tục cổ xưa này hiểu được ý nghĩa của việc hồi hướng công đức và cách thức thích đáng để thi hành.
Nhiều người đã phí phạm thì giờ và tiền bạc vào những lễ nghi và trình diễn vô nghĩa để tưởng niệm người đã qua đời. Họ không hiểu là không thể nào giúp đỡ được người chết đơn giản bằng cách xây dựng mộ phần, mộ chí và nhà táng to lớn và những đồ tế nhuyễn khác. Cũng chẳng có thể giúp đỡ được người chết bằng cách đốt hương, vàng mã vân vân...; và cũng chẳng thể giúp đỡ người chết bắng cách giết các súc vật và đem các loại thực phẩm khác để dâng cúng . Ta cũng không nên phí phạm đem đốt các vật dụng của người chết cho rằng họ sẽ được hưởng do hành động này, đáng ra các vật dụng này nên đem phân phát cho những người nghèo khó.
Cách duy nhất để giúp đỡ người chết là làm một số công đức theo đúng cách thức đạo giáo để tưởng nhớ đến họ. Công đức gồm có những hạnh lành như bố thí, xây trường học, tự viện, cô nhi viện, thư viện, bệnh viện, ấn tống kinh sách để tặng, và các công việc từ thiện tương tự.
Tín đồ của Đức Phật nên hành động khôn ngoan và không nên mù quáng làm theo bất cứ điều gì. Trong khi những người khác cầu nguyện thánh thần cho người chết thì người Phật Tử trải tâm từ-ái trực tiếp đến họ. Bằng cách làm những việc thiện, họ có thể hồi hướng công đức này đến người yêu quí để những người này được hưởng lợi lạc. Đó là cách thức tốt nhất để tưởng nhớ, để đem vinh dự thật sự và để khắc ghi mãi mãi tên người đã khuất. Được hoan hỉ, người quá cố sẽ đền đáp phúc lành lại cho những thân quyến hiện tiền. Cho nên bổn phận của thân quyến là tưởng nhớ đến người đã ra đi bằng cách hồi hướng công đức, và rải tâm từ-ái trực tiếp đến họ.
Thích Tâm Quang (dịch)
Theo: Sách "Vì sao tin Phật"
Nguồn: Phật tử Việt Nam

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN (.pdf)

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN - Phẩm Thứ Mười Ba

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
---------
Dặn-Dò Cứu-Độ Nhân Thiên
PHẩm THứ mƯời ba:

1.Đức Phật giao-phó
  Lúc bấy giờ Thế-Tôn trong hội, 
Cất cánh tay như khối vàng ròng, 
Xoa đầu bồ-Tát, bảo rằng;
“Địa-Tạng! Địa-Tạng! Oai phong ai bì, 
Thần-lực Ông chẳng chi bàn nổi, 
Trí-huệ Ông chẳng lỗi mảy may, 
biện-tài khôn kẻ sánh tày!
Dầu cho chư Phật đủ đầy mười phương, 
Muốn khen-ngợi, tìm đường tuyên-thuyết; 
Qua trăm nghìn muôn kiếp chẳng xong, 
này Địa-Tạng! Địa-Tạng Ông!
Ở trời Đao-Lợi, trong cung Thiên-đình, 
Trước pháp-hội thiện-lành các cõi, 
Số Phật-Đà chẳng nói hết đâu, 
Các vị bồ-Tát hàng đầu,
Cùng chúng bát bộ Ma-hầu, Thiên, Long... 
Một lần nữa, Ta mong giao-phó 
Hàng chúng-sinh quốc-độ Ta-bà, 
vướng trong ba cõi, chưa ra
Ở trong nhà lửa rất là hiểm-nguy. 
Mong Ông hãy từ-bi thương-xót, 
Độ chúng-sinh khỏi lọt đường tà, 
Một ngày khổ cũng gọi là,
Huống chi để chúng đọa-sa A-Tỳ, 
Hoặc địa-ngục nặng-nề vô-gián 
Đoạ vào rồi ai đoán ngày ra? 
ngàn muôn ức kiếp cõi ma,
Chịu bao thống-khổ thật là đáng thương! 
này Địa-Tạng! Hãy tường tâm-tánh 
Của chúng-sinh địa-lãnh Diêm-Phù. 
Phần đông tâm địa mịt-mù,
Quen theo thói ác khó tu pháp lành! 
Thảng hoặc có kẻ sanh tâm thiện, 
Không bao lâu cũng chuyển thối lui! 
Trong khi duyên ác sục-sôi,
Luôn luôn tăng-trưởng phá người muốn tu. 
vì lẽ đó, Ta dù vất-vả 
Phân thân này giáo-hoá chúng-sanh, 
Trăm ngàn hình tướng ác, lành,
Tùy theo căn-tánh chúng-sanh hộ-trì. 
Làm cho chúng một khi tỉnh mộng, 
Sẽ chuyển tâm mà sống thanh-bình. 
Quyết tu giải-thoát tử sinh,
Lìa xa ba cõi, hoàn-thành đạo chân. 
Địa-Tạng! Ta ân-cần nhắn-nhủ 
Đem Trời người giao-phó cho Ông. 
Đời sau, những kẻ có lòng,
Hoặc nam hoặc nữ gieo-trồng thiện-duyên, 
Dù chút ít bằng viên cát nhỏ, 
Hay mảy lông, mờ tỏ mây trần... 
Mong Ông hãy dụng lực-thần,
Độ cho chúng được lần lần liễu-tri. 
Đạo vô-thượng liệu bề tu-tập, 
Mong độ người mà lập chí cao, 
Đừng cho tâm đạo hư-hao,
Đừng cho thối-thất lạc vào nẻo ma. 
Địa-Tạng-vương! nay Ta giao-phó! 
Trong đời sau, nếu có Trời, người 
vì dòng nhân-quả sinh thời,
Phải chịu nghiệp-báo vào nơi ngục-hình. 
Trước khi vào Diêm-Đình nghe xử, 
nhớ được câu kinh chú Đại-thừa, 
Hay danh-hiệu của Phật-Đà,
Danh-hiệu bồ-Tát niệm ra một lần. 
Ông nên dùng lực-thần, gậy sắt 
Hiện thân ra trước mặt chúng sanh 
Phá cho Địa-ngục tan-tành,
Đưa hồn tội chúng vãng-sanh cõi Trời. 
Đức Thế-Tôn tức thời trùng-tụng, 
Lời kệ sau để chúng lắng nghe, 
những lời phó-chúc trên kia
Dặn ngài Địa-Tạng thương về chúng sanh:
“Đời này cho đến đời sau,
Trời người mắc đọa khổ đau!
Hãy dùng lực-thần độ chúng 
Ta nay dặn bảo trước sau!”

1. Bồ-Tát Tuân Chỉ
 bấy giờ ngài Địa-Tạng bồ-Tát, 
Hướng Phật tiền qùy tác-bạch rằng: 
“Thế-Tôn! Con sẽ vâng làm,
Trong đời sau có người nam, nữ nào, 
Trong Phật Pháp, ly-hào gìn-giữ, 
Lòng kính tôn kinh chú, tượng hình. 
Con xin vận sức tận-tình,
Độ cho người ấy tử sinh khỏi nàn. 
bày phương-tiện trăm ngàn giải-thoát, 
nghe pháp lành tạo-tác công-phu, 
Đạo vô-Thượng chẳng thờ-ơ,
Tu-hành tâm chẳng bao giờ thối lui.”

2. Hư-Không-Tạng bạch hỏi
  Địa-Tạng-vương dứt lời bạch Phật, 
Hư-Không-Tạng bồ-Tát đứng lên, 
Hướng về Đức Phật hiện tiền,
Chắp tay, qùy gối thưa lên câu này: 
“bạch Thế-Tôn! ngài hay khen-ngợi, 
Tại cung trời Đao-Lợi hôm nay, 
Sức thần Địa-Tạng sâu dày,
Oai-linh vi-diệu khó thay nghĩ bàn. 
Trong đời sau các hàng nam nữ, 
Hàng Trời, Rồng, Thần chủ v.v... 
Kinh-điển này tụng một lần,
Hoặc nghe danh-tự, trải thân lạy ngài, 
Thì phước-lợi chẳng ai biết được, 
Xin Thế-Tôn, ở trước chúng-sinh, 
nói lên phước-lợi tốt lành,
Chúng con nghe biết tâm sanh vui mừng.”

3. Hai Mươi Tám Điều Lợi
  Phật bảo: “Hư-Không-Tạng bồ-Tát! 
Ta vui lòng nói các Ông nghe, 
Đời sau thiện nữ, nam kia,
Thấy hình Địa-Tạng hay nghe kinh này, 
Đem đến hương hoa bày cúng lễ, 
Đồ ăn mặc bố-thí cúng-dường, 
Hai mươi tám lợi-ích thường
Hoàn về cho kẻ cúng-dường tượng Kinh: 
Một, Trời Rồng hiển-linh hộ-niệm, 
Hai, quả lành, phước hiếm nhiều hơn, 
Ba là nhân của Thánh-vương,
Là nhân vô-thượng cúng-dường mai sau. 
Bốn, tâm Đạo không đâu thối thất, 
Năm, uống ăn, vật-chất đủ đầy, 
Sáu là bệnh-tật trong ngoài,
Thân không vướng-mắc chẳng hay ưu-phiền, 
Bảy, chẳng khổ vì miền tai-ách, 
nạn nước trôi, sạch bách lửa thiêu, 
Tám, nạn trộm cướp cũng tiêu.
Chín, đi đâu cũng được chiều, được tôn. 
Mười, Thần-Qủy sớm hôm hộ vệ, 
Mười một là thân-thể đời sau 
Chẳng làm thân gái dãi dầu,
Mười hai, con gái công-hầu, vương-gia, 
Mười ba là sanh ra xinh đẹp, 
Mười bốn, khi thác hiệp cõi trời. 
Mười lăm, vua chúa nối ngôi,
Mười sáu, trí biết việc đời đã qua. 
Mười bảy, mong gì là toại ý, 
Mười tám, thân-thuộc chỉ có vui, 
Mười chín, tai-nạn cấp thời
Đều tiêu dứt sạch, nơi nơi thái-hoà. 
Hai mươi, tránh nghiệp sa ác đạo, 
Hăm mốt là đi dạo dọc đường 
Không hề trở-ngại tai-ương,
Hăm hai, khi ngủ mộng thường an-vui. 
Hăm ba, quyến-thuộc, người đã chết, 
Tội có mang cũng hết khổ đau. 
Hăm bốn, đời trước phước sâu
Đời này sinh chốn chẳng sầu, bình-yên. 
Hăm lăm, chư Thánh chuyên khen-ngợi, 
Hăm sáu thường lanh-lợi thông-minh. 
Hăm bảy lân-mẫn hữu-tình,
Hăm tám rốt-ráo quả thành như-Lai.

5. Bảy Điều Lợi
  Hư-Không-Tạng! Ta nay sẽ nói, 
Chúng Trời, Rồng cho tới Qủy Thần, 
Đời này chẳng kể bao lần,
Phước lành tích-tụ đến phần đời sau. 
nghe danh-hiệu khẩn-cầu bồ-Tát, 
Hoặc bái-chiêm Địa-Tạng tượng, tranh 
Theo Kinh bổn-nguyện tu-hành,
Tâm hằng khen-ngợi pháp lành cao-siêu, 
Sẽ đạt được bảy điều lợi ích: 
Một là mau tới đích Thánh-nhân. 
Hai là ác nghiệp sạch dần,
ba là chư Phật hóa-thân độ-trì. 
bốn là tâm bồ-Đề bất thối, 
năm, lực thần vô-đối trưởng-tăng, 
Sáu, việc đời trước rõ ràng,
bảy là thành Phật nhập hàng như-Lai.

6. Đại-Hội Tán-Thán
 bấy giờ thảy trong ngoài chư Phật, 
nói chẳng ra đầy chật hư-không, 
bồ-Tát cùng chúng Trời, Rồng
Mười phương đến hội thảy đồng ngợi-khen. 
Đây là việc chưa phen từng có, 
Đức Thích-Ca bày tỏ niềm vui, 
Tán-dương Địa-Tạng hết lời,
Còn đem gửi gấm Trời, người, chúng-sanh. 
Lúc đó pháp-hội lành Đao-Lợi, 
Khắp không trung mưa rưới hương hoa, 
Thiên y, ngọc báu mưa sa,
Cúng-dường lên Đức Phật-Đà Mâu-ni. 
Cùng bất khả tư nghì bồ-Tát 
Địa-Tạng-vương, hương ngát mười phương. 
Dâng xong lễ phẩm cúng-dường,
Đồng-thanh chúc-tụng kiết-tường mà lui.

------------
HếT QUYểN HẠ

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN - Phẩm Thứ Mười Hai

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
-----------
Thấy Nghe Được Lợi-Ích
PHẩm THứ mƯời Hai:

1.Đức Phật phóng quang tuyên-cáo
  Lúc đó từ đảnh môn Đức Phật 
Phóng hào-quang chất-ngất chói loà, 
Trăm nghìn tia sáng tỏa ra:
Có tia lớn nhỏ trắng loà trời mây, 
Tia sánh lành tốt thay to nhỏ, 
Tia sáng ngọc, tia tỏ màu xanh, 
biếc, hồng, tiá, lục, đua tranh,
Tia vàng y lớn, mây lành tướng khoe, 
Tia nghìn vòng lớn che nhật nguyệt, 
Tia vương cung, tia biển mây trời, 
Muôn hồng nghìn tía sáng ngời,
nhỏ to muôn sắc rực trời hào-quang. 
Từ đảnh môn nghiêm-trang rực-rỡ 
Phóng hào-quang lớn nhỏ vừa xong, 
Lại tuyên lời rất diệu-thông,
Mà đem huấn-dụ Trời, Rồng, chúng-sanh: 
“này các vị thiện lành các cõi 
Trời, Rồng, nhân cùng với phi nhân... 
Lắng nghe Ta sẽ tỏ phân
Tại cung Đao-Lợi ân-cần ngợi-khen, 
những lợi-ích trong Thiên nhân đạo, 
những sự-tình chẳng thấu nghĩ bàn, 
những nhân-hạnh bậc Thánh Phàm,
những quả chứng Thập-Địa hàng Thánh-nhân, 
Sự rốt-ráo không phần nhân-nhượng 
nơi đạo sâu vô-Thượng chánh-chân, 
Chính-đẳng, chính-giác diệu-tâm...
Của ngài Địa-Tạng thâm-trầm tự tu”.

2. Quán-Thế-Âm cầu thỉnh
  Lúc Đức Phật vừa thu lời phán, 
Trong đạo-tràng, Đức Quán-Thế-Âm  
bước lên trước Phật quỳ chân,
Chắp tay cung kính, ân-cần thỉnh thưa: 
“bạch Thế-Tôn! ngài vừa khen-ngợi 
Địa-Tạng-vương phước-lợi đủ đầy. 
Từ-bi công-đức cao dày,
ngài hay thương-xót muôn loài chúng-sinh 
Đang mắc khổ ức nghìn thế-giới 
nên hoá thân cứu tội hằng sa. 
Oai-thần linh-hiển bao-la.
Thật là khó thể nêu ra luận bàn. 
Con từng nghe đồng hàng chư Phật, 
Cũng tán-dương công-đức của ngài, 
Hiện-đời, quá-khứ, vị-lai
Chư Phật dẫu kể công ngài Tạng-vương 
Cũng không thể mỗi phương nói khác 
Lòng từ-bi, bồ-Tát lực-thần. 
Dường như chẳng thể phân-trần,
Hạnh-nguyện Địa-Tạng mười phần mãn-viên. 
vừa rồi đây nhân Thiên chúng-hội 
nghe Thế Tôn muốn nói sự tình 
những điều lợi-ích hiển-linh 
Địa-Tạng bồ-Tát xả mình cứu nguy. 
Xin Thế-Tôn hãy vì tất cả 
Chúng-sinh trong Hiện, Quá, vị-Lai, 
Từ-bi tuyên-thuyết công khai,
những điều vi-diệu khó ai nghĩ bàn, 
Của bồ-Tát hằng cam kham-khổ 
Để chúng sanh, tám bộ Trời Rồng, 
ngưỡng-chiêm lễ-lạy tôn-dung
Của ngài Địa-Tạng hầu mong phước lành”.

3. Đức Phật tán-thán và hứa khả
  Đức Thế-Tôn vị tình tuyên-phán, 
nói cùng bồ-Tát Quán-Thế-Âm: 
“nhân-duyên Ông cũng thậm thâm,
Cũng cam nhẫn-nhịn giáng-lâm Ta-bà. 
Độ Trời Rồng, hằng-hà chủng loại, 
Đang đắm chìm ba cõi, sáu đường, 
Chúng-sanh hết sức tán-dương
nhờ Ông họ được vô-lường an-vui. 
Đạo vô-thượng chẳng lơi tu-tập, 
Cõi Trời ngườimọi cấp tái sanh. 
Quả, nhân khi đủ duyên lành,
Được Phật thọ ký tựu-thành đạo chân. 
nay Ông lại ân-cần bày tỏ, 
vì chúng-sinh, tám bộ Trời, Rồng 
Mở lòng thương-xót vô-cùng,
Mà xin ta nói hết công-đức lành, 
Địa-Tạng-vương thực-hành cứu-độ, 
Lợi-ích vô-biên khó nghĩ bàn. 
Hãy nghe, lòng lắng, tâm an!
Ta vì Ông nói cho hàng chúng-sinh”. 
Đức Quán-Âm thưa trình trân-trọng: 
“bạch Thế-Tôn! Con lóng ưa nghe!” 
Phật rằng: “Các cõi nước kia,
Ở đời hiện-tại hay về mai sau, 
nếu có vị Trời nào mãn-phước, 
Hiện trên mình năm tướng suy-hao  (20)
Hoặc người đường ác phải vào,
Trong cơn nguy hiểm ai nào giúp cho? 
nếu trong lúc đang lo-lắng ấy, 
Tượng Tạng-vương được thấy hiện tiền, 
Hoặc nghe đọc tụng đến tên,
Một lần đảnh lễ, khổ liền giảm ngay. 
Các vị Trời phước trời thêm lớn, 
Cảnh bình-an vui sướng rất nhiều. 
ba nơi ác đạo tiêu-điều,
Chẳng con lo-ngại một chiều gửi thân. 
Huống chi kẻ có phần phúc lạc, 
Cúng thờ hình bồ-Tát đêm ngày, 
Hương hoa, lễ phẩm cúng bày,
vô-lượng công-đức, phước dày càng tăng.

4. Người bệnh được lợi
  Lại vầy nữa, Thánh-Quan bồ-Tát! 
Trong hiện-đời hoặc các đời sau, 
Có người bệnh nặng đã lâu!
Hết phương cứu chữa mạng hầu sắp vong. 
nếu lúc ấy trong vòng thân-thuộc, 
Có người dùng phương thuốc trì-danh, 
Địa-Tạng bồ-tát anh-linh,
ba ác đạo chẳng thác sinh mà vào. 
Huống chi lúc suy-hao sắp tuyệt, 
Cha mẹ hay thân-quyến trong nhà, 
bạc tiền, châu báu, lụa là...
Của người sắp chết đem ra cúng-dường. 
Làm chi-phí đúc tượng bồ-Tát, 
Khiến cho người sắp thác biết rằng, 
bạc tiền châu báu đã dâng
Thay cho người ấy cúng-dàng Tạng-vương. 
nếu người ấy tuổi dương chưa dứt, 
Thời bệnh kia lập tức giảm-suy. 
Thọ mạng cũng được duy-trì
nhờ oai Địa-Tạng thần-kỳ chứng-minh. 
nếu thọ mạng đã đành phải dứt, 
Thời cũng nhờ công-đức cúng-dường, 
Khẩn-cầu Đức Địa-Tạng-vương,
Mà tội nghiệp-chướng vô-lường tiêu-tan. 
Tội đáng đọa ba đàng ác thú, 
nhờ cúng-dường nẻo dữ lìa xa, 
Mạng chung trong cõi Ta-bà,
Liền sanh về chốn an-hoà Thiên nhân.

5. Tiên vong được phước.
  Lại vầy nữa! Quán-Âm bồ-Tát, 
Trong đời này hoặc các đời sau, 
người nam, kẻ nữ đồng nhau
Hãy còn bú mớm hoặc dầu lên ba, 
Hoặc năm tuổi hoặc là mười tuổi 
Mất mẹ cha trong buổi ấu-thơ, 
Lớn khôn tưởng nhớ bơ-vơ,
Mẹ cha, anh chị bây giờ nơi đâu? 
nỗi nhớ-nhung âu-sầu quyến-luyến, 
Tình thâm sâu thắt quyện lòng đau! 
Muốn tìm cha mẹ chốn nào?
Thác sinh thiên-giới hay vào cõi ma? 
nếu người đó vẽ ra hình tượng, 
Địa-Tạng-vương và hướng về ngài, 
bái chiêm, đảnh lễ sáu thời
Một ngày cho đến bảy ngày nhất tâm; 
Thì khi ấy người thân sớm thác, 
vì nghiệp-khiên đường ác đọa-đầy, 
nay nhờ công-đức cao dày
vẽ tô hình tượng của ngài Tạng-vương, 
Lại nhất tâm cúng-dường lễ-bái, 
Của anh em, con cái nguyện-cầu, 
Tội kia đáng trả rất lâu,
nay được giải-thoát còn đầu thai lên 
Cõi Trời người hưởng duyên thù-thắng, 
Quả an-vui thực chẳng đâu bì. 
nếu như người sớm thác kia,
Có phước lành đã sinh về cõi trên. 
Công-đức này tăng thêm sức mạnh, 
Làm nhân cho Quả Thánh tương-lai. 
nguồn vui tận-hưởng lâu dài,
Cũng nhờ oai Địa-Tạng ngài giúp cho. 
Lại như muốn thăm dò gốc-gác, 
nơi quyến-thân đã thác sinh vào.  
Hăm mốt ngày tận công lao
Chiêm lễ hình tượng khẩn-cầu Tạng-vương. 
Danh-hiệu ngài đủ muôn lần niệm, 
Địa-Tạng vương sẽ hiển oai-thần, 
Hiện thành vô-lượng hóa thân,
Mách cho tín chủ đang cần tìm ra, 
nơi thác sinh mẹ cha, thân-thuộc. 
Hoặc đêm đêm đèn đuốc nhang dầu, 
nhất tâm khấn-nguyện hồi lâu,
Thì trong mộng-mị pháp mầu hiển-linh. 
Trong cơn mơ thấy mình được dắt 
Đến được nơi gặp mặt mẹ cha. 
Thần thông Địa-Tạng bao-la,
Tìm phương độ tận Ta-bà chúng-sinh. 
nếu có người thực-hành pháp diệu, 
Mỗi ngày niệm danh-hiệu ngàn lần, 
ngàn ngày liên-tục chẳng phân,
Sẽ được bồ-Tát, Quỷ-Thần độ cho. 
Đồ ăn mặc tự do chẳng thiếu, 
Ách-nạn nguy chẳng chiếu đến thân, 
Tâm không bệnh khổ hồng-trần,
Tạng-vương thọ-ký chắc phần tương-lai.

6. Nguyện lớn sớm thành
  Hãy lắng nghe! này Đại bồ-Tát! 
Trong đời này hay các đời sau, 
Thiện nam tín nữ cõi nào,
Phát tâm rộng lớn mưu cầu độ sanh. 
nguyện độ khắp sinh-linh các cõi, 
Hoặc muốn siêu tam giới vượt ra, 
Muốn thành đạo cả sâu xa,
Phải nên thành khẩn trước toà Tạng-vương. 
Phải cúng dường hoa hương vật thực, 
niệm hồng-danh vạn-đức của ngài, 
bồ-đề-nguyện chẳng nhạt-phai,
Ước mơ thành-tựu chẳng nài thối tâm. 
Lại vầy nữa Quán-Âm bồ-Tát! 
nếu đời sau có các tín gia, 
nữ, nam trong cõi Ta-bà
Mong cầu muôn sự rất là khẩn-trương. 
Mong thành-tựu trong đường hiện-tại, 
Hoặc viên thành nguyện hải mai sau, 
Thì nên cung kính cúi đầu,
Trước hình Địa-Tạng khan-cầu quy-y. 
Lòng tin tưởng, việc chi cũng đặng, 
Dạ sắt-son, nguyện chẳng khó thành. 
Địa-Tạng bồ-Tát hiển-linh,
Trong mơ thọ ký tựu-thành đạo chân.

7. Được trí-huệ
  Lại vầy nữa, Quán-Âm bồ-Tát, 
Đời sau này có các chúng-sanh, 
người nam kẻ nữ tâm lành,
Sinh lòng trân-trọng với Kinh Đại-Thừa, 
Lại phát tâm muốn ưa đọc tụng, 
nhưng gặp Thầy, dẫu đúng minh-sư, 
Khổ công dạy-dỗ truyền-thừa,
Qua bao năm tháng vẫn chưa biết gì! 
vì sao thế? bởi vì đời trước, 
nghiệp-chướng còn chưa được tiêu-vo
nên dù học có khổ công,
Ở nơi kinh- điển cũng không lối vào. 
nay muốn biết cách nào học được, 
Khi nghe tên hay trước tượng ngài, 
Hết lòng cung-kính tỏ bày,
Hương hoa, y-phục ngày ngày cúng dân
Dùng một chén nước trong mà cúng, 
Trước tượng ngài qua đúng một đêm,
Rồi sau xoay mặt hướng nam,
Chắp tay thỉnh chén nước làm thức ăn
nước vào miệng phát tâm trịnh-trọng
Cữ ngũ tân, lời vọng, dâm tà, 
Sát sanh, rượu thịt trong nhà,
giữ gìn chẳng phạm cho qua bảy ngày.
Hoặc hăm mốt ngày này chẳng phạm
nghi-thức trên, để sám tội căn. 
Trong mơ Địa-Tạng hóa thân,
Quán-đảnh thọ-ký tâm-thần mở-mang.
Khi thức dạy tuệ-đăng thường chiếu, 
Một phen nghe liền hiểu đạo mầu. 
Chẳng còn học trước quên sau.
Thông-minh phước-trí làu làu tuệ-tâm

9. Tai-nạn tiêu trừ
  Lại vầy nữa, Quán-Âm bồ-Tát, 
Trong đời sau có các chúng sanh, 
ăn mặc chẳng đủ no lành,
Cầu chi cũng chẳng tựu-thành ước-mong. 
Hoặc thân-thể mắc vòng bệnh-tật, 
Đời sống thường chật-vật khó-khăn, 
Cửa nhà lục-đục quanh năm,
Hung suy khuấy nhiễu, quyến-thân chia lìa, 
Hằng mộng mị tai kia nạn nọ, 
nằm chiêm-bao khủng-bố tinh-thần, 
Tai bay vạ gió rần rần,
Suốt đời phiền-não tâm-thần chẳng yên. 
người như thế phải nên hướng thiện, 
Trước tượng ngài muôn biến trì-danh, 
Không lâu sẽ thấy hiển-linh,
Đủ ăn đủ mặc tâm-tình an-vui. 
Họa-tai sẽ lần hồi tiêu sạch, 
Mộng-mị không hồn-phách hãi-kinh. 
Một lòng tạo-tác nghiệp lành,
Địa-Tạng bồ-Tát chứng-minh hộ-trì.

10. Khỏi hiểm nguy
  Quán-Thế-Âm! nhớ ghi vầy nữa! 
Trong đời sau nam nữ chúng sanh. 
Làm ăn chẳng quản thân mình,
Ra vào rừng núi, mặc tình biển sông. 
vì công chuyện chẳng trông lành dữ, 
Chẳng quản đường sinh tử hiểm-nguy, 
Trèo non lội suối mà đi,
Sài lang thú dữ, khó chi cũng đành. 
những người ấy cầu sanh khỏi nạn, 
Danh-hiệu ngài Địa-Tạng niệm cầu, 
Được muôn biến niệm làu làu,
Quỷ-thần bảo vệ đi đâu cũng lành. 
Loài thú dữ chẳng đành xâm-phạm, 
Mọi hiểm-nguy chẳng chạm đến thân, 
Hiển-linh bồ-Tát oai-thần,
Chở-che tín-chủ thập phần bình-yên”. 
Thế-Tôn lại tiếp liền lời phán, 
Phật bảo: “này ngài Quán-Thế-Âm! 
nhân-duyên Địa-Tạng thâm-trầm,
Hạnh-nguyện vô-lượng với dân Diêm-Phù. 
Chỉ riêng nói công-phu chiêm-ngưỡng, 
Cung-kính thờ hình tượng của ngài, 
Hồng-danh ngài niệm đêm ngày,
bao nhiêu lợi-ích khó bày nói ra. 
Dù có nói hằng-sa số kiếp, 
Cũng chẳng sao nói hết công-ơn. 
Của bồ-Tát Địa-Tạng-vương,
Đã vì muôn loại bày phương cứu nàn. 
này Quán-Âm! nên mang thần-lực, 
Của Ông ra hết sức lưu-truyền, 
Kinh này quảng-bá khắp miền,
Chúng sanh ba cõi bình-yên an-hoà” 
bấy giờ tại pháp-toà Thiên-Đế, 
Phật trùng tuyên lời kệ sau đây:
  Ta xem oai-thần Địa-Tạng, 
Từ hằng-sa kiếp khó phân, 
Chúng sanh các cõi Thiên nhân, 
Lợi ích vô-ngần công-đức,
  Một lòng bái-chiêm tận sức, 
Hoặc nghe danh-hiệu Tạng-vương, 
Hết lòng ngợi-khen công-đức, 
Phước-lợi tăng-trưởng vô-lường,
  Dù Thần, Rồng, dân nam nữ, 
Phước suy đọa ba dường dữ, 
Hướng về Đại-Sĩ qui-y, 
Tội tiêu, thọ mạng ai bì!
  Trẻ thơ mất đi cha mẹ, 
Hoặc anh em chị trong nhà, 
Lớn khôn khổ sầu tưởng nhớ, 
người thân hiện ở đâu là?
 nỗi nhớ nặng tình thương-tưởng, 
Chẳng hay tìm đâu phương-hướng, 
vẽ tranh bồ-Tát khẩn-cầu, 
Một lòng chí-thành chiêm-ngưỡng.
  Suốt trong hăm mốt ngày đêm, 
Địa-Tạng hóa-thân hiện đến, 
Chỉ mách thân-quyến nơi đâu, 
Hoặc dắt tay đi gặp mặt. 
nếu họ đang sa ác-đạo 
Liền được giải-thoát khổ báo.
 nếu chuyên niệm chẳng thoái lui, 
Liền được bồ-Tát xoa đầu 
Thọ-ký chứng quả an-vui. 
Đạt ngôi Chánh-giác nhiệm-mầu.
 nguyện tu vượt ra ba cõi, 
Thoát vòng sinh tử luân-hồi, 
Mở lòng Đại-bi phát nguyện, 
Qui-y Đại-Sĩ trọn đời.
Trước tượng nhất tâm chiêm-bái,
nghiệp-chướng không hề ngăn ngại,
bao nhiêu ước-nguyện sớm thành,
Chẳng quản tu lâu mệt-mỏi.
Có người phát tâm trì-tụng,
Học-hành kinh-điển Đại-thừa,
Muốn độ chúng sinh ba cõi,
Lià mê, phiền-não vượt bờ.
Tuy lập nguyện-thề tha-thiết,
nguyện sâu chẳng thể nghĩ bàn,
nhưng dầu gặp Thầy tâm-huyết,
Học rồi chẳng nhớ, thở than.
Ấy bởi nghiệp sâu đời trước,
Kinh-điển Đại-thừa khó được,
nay đem lễ vật hương hoa,
báu châu cùng một chén nước,
Trước tượng bồ-Tát nguyện cầu,
Cung-kính xin tiêu phiền trược.
Qua hết một ngày một đêm,
Hướng nam xoay mặt uống nước.
Phải phát tâm nguyện sâu dày,
ngũ tân, vọng ngữ, giữ được,
Sát sinh, rượu thịt, tà dâm...
Từ nay chẳng còn mong ước.
Chuyên lòng niệm danh Đại-Sĩ,
ngài hóa thân trong mộng-mị,
Cúi đầu đảnh lễ tôn-dung,
Tỉnh dậy sáng loà tâm-trí.
Đại-thừa kinh giáo qua tai ,
nghìn muôn kiếp thông nghĩa-lý.
nhờ oai lực-thần Đại-Sĩ ,
Độ muôn ngàn đời thông-tuệ.
Chúng-sinh nghèo khổ ốm đau,
Cửa nhà, thân quyến lìa nhau,
Chiêm-bao chẳng lành kinh-hãi,
Làm chi cũng trái ý cầu.
Dốc lòng chiêm-bái Địa-Tạng,
Quỷ-thần luôn theo hộ mạng,
Ác mộng thảy được tiêu-trừ
Thức ăn, y-phục dư thặng.
người vượt rừng sâu biển cả
Ác thú, cướp đường gây họa,
gian-nan lạnh nóng gió mưa,
Mạng sống chỉ mành đe-doạ.
Lúc đi đối trước tượng ngài,
Khẩn-cầu thi-triển thần-oai,
bao nhiêu tai-nạn nói trên,
Lực-thần triệt-tiêu tất cả.
Quán-Âm bồ-Tát hãy nghe Ta,
Đem hết lực-thần tuyên-thuyết xa,
Công-ơn Địa-Tạng muôn nghìn kiếp,
ba đời chẳng thể nghĩ bàn ra.
Chúng-sanh có phước nghe danh ngài,
Cúng-dường chiêm-ngưỡng khó chẳng nài,
Công-đức hồi-hướng cho pháp-giới.
Sanh tử xa lìa, chứng như-lai.”

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN - Phẩm Thứ Mười Một

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Địa-Thần Hộ Pháp
PHẩm THứ mƯời mộT:

  Lúc đó trong các vì hội-chúng, 
Có Kiên-Lao, là bực Địa-Thần 
Hướng về Đức Phật bạch rằng:
“Xưa rày Con có duyên từng ngưỡng-chiêm 
và đảnh lễ vô-biên bồ-Tát, 
Đều là bậc quảng-bác biện-tài, 
Thần-thông, trí-tuệ vượt đời,
Các ngài thường độ khắp loài chúng sinh. 
Hôm nay được duyên lành diện-kiến 
Địa-Tạng-vương thệ-nguyện rất sâu! 
Sánh cùng bồ-Tát hàng đầu,
Thì thệ-nguyện đó cơ-mầu  (19) khó so! 
ngài Địa-Tạng có cơ-duyên lớn 
với chúng-sinh trong chốn Diêm-Phù! 
So cùng bồ-Tát văn-Thù!
Phổ-Hiền, Di-Lặc, đại-từ Quán-Âm, 
Cũng hoá thân nghìn trăm độ chúng, 
Khắp sáu đường mà ứng-hiện thân, 
Cũng còn có lúc mãn-hoàn,
Còn ngài Địa-Tạng không màng lâu xa. 
Phát thệ-nguyện giáo tha chẳng chán, 
Quyết một lòng chuyển-hoán hoàn-toàn 
Chúng-sinh ba cõi sáu đàng,
Dù qua số kiếp như Hằng-hà-sa. 
bạch Thế-Tôn! Con là Thần-Địa, 
Có lời khuyên hiện-thế, đời sau, 
Chúng sanh muốn lợi cao sâu,
Trong vườn nên cất khám lầu phương nam. 
Thờ Địa-Tạng nghiêm-trang sạch sẽ, 
Đúc tượng đồng, hoặc vẽ tranh hình, 
ngày đêm lễ-bái, tụng kinh,
Khẩn-cầu Địa-Tạng hiển-linh oai-thần. 
Thời sẽ được mười phần lợi-ích: 
Một là tăng mậu-dịch đất-đai, 
Hai là nhà cửa an-vui,
ba là người chết sinh nơi trời lành. 
bốn là kẻ hiện sanh lợi-lạc, 
năm, cầu chi cũng đắc-ý thành, 
Sáu là tai-hoạ tránh mình,
bảy là trừ việc chẳng lành hư-hao. 
Tám là chẳng chiêm-bao ác mộng, 
Chín có thần hộ-tống vào ra  
Chở-che khỏi nạn phong-ba,
Mười là gặp Thánh-nhân mà náu-nương. 
bạch Thế-Tôn! Con thường khuyên bảo, 
Chúng-sinh hiện đời đáo vị-lai, 
nghe lời Con đã chỉ bày,
Cúng-dường Địa-Tạng ở ngay trong nhà, 
Sớm tối lại thiết-tha chiêm-ngưỡng, 
Lợi ích trên được hưởng bền lâu.” 
Địa-Thần lại bạch như sau:
“Thế-Tôn! Con cũng nguyện cầu phát tâm
nếu sau này thiện nam tín nữ 
Ở tại nơi cư trú có thờ, 
Hình Địa-Tạng, đắp hoặc tô,
Có thêm kinh-điển Phật vừa thuyết ra. 
Hằng thờ cúng, thiết-tha đọc tụng, 
Kinh-điển này thời chúng Địa-Thần, 
Sẽ đem oai-lực vô-ngần,
Chở-che, bảo-vệ thập phần bình-an. 
Tránh hoạ nước, lửa, ngăn trộm cướp, 
nạn nhỏ to cũng được tiêu-trừ.” 
Phật rằng: “Ông có lòng từ,
Lực-thần rộng lớn chẳng ngờ-vực đây! 
Thần-lực ấy nào ai dám sánh? 
bởi vì sao? Địa-lãnh Diêm-Phù 
Đều nhờ oai lực công-phu
Của Ông hỗ-trợ hưng-phù mà nên. 
Từ cỏ cây, thuốc men, cát đá 
Lúa, mè, tre, đến cả ngọc châu 
Trong lòng đất chứa nông sâu,
Đều nhờ thần-lực nhiệm-mầu của Ông. 
nay Ông lại truyền-thông lợi-ích, 
Địa-Tạng-vương nguyện đích độ đời. 
Thần-thông công-đức cao vời
Của Ông càng được đời đời trưởng-tăng. 
này Địa-Thần! nhược bằng nam nữ, 
Trong đời sau gìn-giữ căn-lành, 
Cúng dường Địa-Tạng tượng, hình
Đem Kinh “bổn-nguyện” chí-thành tán-dương. 
Dù tu-hành chỉ nương một chuyện, 
Dạy trong Kinh bổn-nguyện Tạng-vương, 
Ông nên cố gắng lo-lường,
Hãy dùng thần-lực mà thương người này. 
Thường ủng-hộ đêm ngày, sau trước, 
ngăn trở điều ngang-ngược đến tai. 
Huống-hồ nạn khổ quấy rầy.
Đừng cho khổ cảnh vò-dày đến thân. 
Chẳng phải chỉ Địa-Thần ủng-hộ, 
Còn có hàng thân-cố Phạm-vương, 
Chư Thiên, Đế-Thích đương trường,
Cũng đều chiếu-cố tìm phương hộ-trì. 
Sao Hiền-Thánh đều vì người ấy, 
Mà ra công hết thảy hộ-trì? 
Cũng do người ấy chẳng nghi,
nhất tâm lễ-bái tụng-trì tượng kinh. 
Kinh bổn-nguyện chí-thành đọc tụng, 
Tượng Tạng-vương thờ cúng đêm ngày. 
Tự nhiên biển khổ xa bay,
Chứng được đạo-quả vào ngay niết-bàn. 
vì thế nên khó bàn công-đức, 
Của người thường chân thực cúng-dường 
Địa-Tạng bồ-Tát nguyện-vương
nên được bảo-hộ sánh dường báu châu. 

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN - Phẩm Thứ Mười

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
QUYỂN HẠ
--------
So-Sánh Nhân-Duyên Công-Đức Của Sự Bố-Thí
pHẩm THứ mƯời:

  Lúc đó ngài Địa-Tạng bồ-Tát 
nương oai thần Đức Phật đứng lên, 
Chắp tay quỳ gối Phật tiền,
bạch lên Đức Phật nhân-duyên sau này: 
“bạch Thế-Tôn! Con hay xem xét, 
nghiệp chúng sinh khi kết duyên lành, 
như tâm bố-thí thực-hành,
nghiệp báo nặng nhẹ tựu-thành khác nhau! 
Quả phước lợi có sâu, có cạn, 
Kẻ một đời, người đặng mười đời, 
Trăm ngàn đời cũng có người...
Con vì không hiểu, thỉnh mời Thế-Tôn 
Xin vì con, kim ngôn khai-ngộ. 
Cho con được hiểu rõ ngọn-ngành!” 
Thế-Tôn trong pháp-hội lành,
bảo ngài Địa-Tạng chí-thành lắng nghe: 
“này Địa-Tạng, Ta vì Ông nói 
Tại nơi này, Đao-Lợi Thiên-Cung, 
giảng điều công-đức không cùng
Của việc bố-thí ở trong Diêm-Phù.” 
Địa-Tạng cảm duyên thù-thắng ấy, 
Trước Thế-Tôn cúi lạy trình thưa: 
“việc ấy con có nghi-ngờ,
Thế-Tôn khai-thị, Con chờ lắng nghe.” 
Phật dạy: “Diêm-Phù-Đề hằng có 
Hàng Quốc-vương, Tể-Phụ, Đại-Thần, 
Đế-Lợi, Trưởng-giả, vân vân...
gặp kẻ nghèo túng, tâm-thần bất an, 
Hoặc kẻ chẳng vẹn toàn thân-thể, 
Què quặt, câm ngọng chí điếc đui... 
Mà lòng cảm-khái chẳng thôi,
Đem của bố-thí, dùng lời thăm nom, 
Chẳng ỷ mình ngôi tôn cao-cả, 
Phát lòng từ, tự hạ phận mình, 
Dùng tâm hoan-hỷ thật tình,
Hỏi thăm, bố-thí sinh-linh tật-nguyền, 
Được công-đức vô-biên vô-hạn, 
như cúng-dường trăm vạn Thế-Tôn. 
Phước lành cao sánh núi non,
Trăm nghìn đời kế, phước còn hưởng lâu, 
ngọc mã-não, trân-châu, thất bảo, 
Đủ đầy do quả báo nghiệp lành, 
nói chi ăn uống thường tình, 
Y-phục xung-túc gia-đình giàu-sang. 
Lại nữa này Địa-Tạng bồ-Tát, 
Đời sau này có hạng Quốc-vương, 
bà-La-Môn ...khắp mười phương,
gặp chùa tháp Phật, đạo-trường Thánh-nhân, 
Của bồ-Tát, Thanh-văn, Duyên-giác, 
Sửa sang cùng tô đắp tượng hình, 
Cúng-dường, bố-thí chí-thành,
Suốt trong ba kiếp cõi lành gửi thân, 
Hưởng quả vui Trời, Thần, Đế-Thích 
nếu lại đem lợi ích, nhân lành, 
Hồi-hướng tất cả chúng-sanh,
Thì Quốc-vương đó phước lành càng tăng. 
ngôi Đại Phạm-Thiên-vương dành sẵn, 
Trong mười đời hơn hẳn kiếp này. 
nếu Quân-Chủ đó lại hay
gặp chùa tháp cũ rạn-dày gió mưa, 
Hoặc kinh, tượng hao-hư mục-rã, 
Mà phát tâm hỷ-xả cúng-dường, 
Tự mình tu sửa Phật đường,
Hoặc khuyên người khác chủ-trương tu-bồi, 
Hoặc khuyến-hoá nhiều người chung sức, 
Kết duyên lành công-đức vô-biên, 
Đời sau số đến trăm nghìn,
Chuyển-Luân-vương đó phần riêng hưởng đền. 
Còn những người góp duyên bố-thí, 
Trăm nghìn đời cũng sẽ làm vua. 
nếu đem phước báu sửa chùa,
Hồi-hướng về đạo nhất-thừa chánh-chân, 
Thì công-đức vô-ngần rộng lớn, 
Quốc-vương cùng đồng bạn gieo duyên, 
ngày sau ngôi vị Thánh-Hiền,
Đều thành Phật cả, chẳng nên nghi-ngờ. 
này Địa-Tạng! bây giờ nghe kỹ, 
Trong đời sau có vị Quốc-vương, 
Hay hàng giáo-sĩ  (17) mười phương...
gặp người già yếu lại thường ốm đau, 
Hoặc sản-phụ đang cầu giúp đỡ... 
Thấy khó nghèo chẳng nỡ quay đi, 
Phát tâm bố-thí đại-bi,
Đem cho cơm nước, cấp kỳ thuốc men, 
Phước-đức ấy khó nên suy nghĩ, 
Quả-báo lành chẳng thể đo-lường, 
Tịnh-cư là chốn thiên-đường,
Một trăm kiếp thác sinh thường làm vua. 
Hai trăm kiếp vui đùa cõi dục, 
Sáu từng trời đủ đức làm vua, 
Tiếng khổ, ác đạo không chờ,
Trăm nghìn đời chẳng bao giờ nghe tên. 
Rốt-ráo ngồi toà sen vô-thượng, 
viên-mãn hành vô-lượng bốn tâm  (18). 
nhân-duyên bố-thí cao thâm,
Lại đem hồi-hướng đạo-tâm bồ-Đề, 
Đem công-đức nguyện thề hồi-hướng, 
Chẳng so-đo vọng-tưởng ít nhiều, 
Phật quả dù có cao-siêu,
Rốt-ráo cũng đạt, chớ nhiều băn-khoăn. 
Huống chi quả do nhân đức tích, 
như vua Trời, Đế-Thích, Chuyển-Luân! 
Thế nên Địa-Tạng! Ông cần
Khuyên-răn chúng phải tu nhân thực-hành. 
Lại vầy nữa, chúng sanh nam nữ, 
Đời sau nghe pháp-nhũ độ sanh, 
gieo trồng chút ít phước lành
Dẫu rằng nhỏ-nhiệm như hình sợi lông, 
Hoặc như tóc, như cùng mảy bụi, 
Cũng là nhân phước-lợi vô cùng, 
Quả lành thọ-hưởng vô chung,
Công-đức thù-thắng thật không thể bàn. 
Lại vầy nữa thiện nam tín nữ, 
Trong đời sau ví thử thấy hình, 
Thấy tượng Phật tại tháp đình,
Thấy tượng bồ-Tát, hoặc hình bích-chi, 
Mà phát tâm bồ-đề cung-kính, 
Dùng tâm thành quyết-định cúng-dường, 
Kể cả hình Chuyển-Luân-vương,
Cũng đặng hưởng phước vô-lường nhân Thiên. 
nếu lại đem phước duyên thù-thắng, 
Hồi-hướng cho bình-đẳng chúng-sanh, 
Phước-lợi cùng với nhân lành,
Khó đem so-sánh tinh-minh rạch-ròi. 
Lại vầy nữa trong đời sau đến, 
người nào gặp kinh-điển Đại-Thừa, 
Hoặc nghe phúng-tụng sớm trưa,
Một câu một kệ tâm ưa vui mừng, 
Mà phát tâm cúng dâng bố-thí, 
Quả báo lành chẳng kể hết đâu, 
Lại đem công-đức cao sâu,
Phát tâm hồi-hướng chẳng cầu lợi riêng, 
Thời công-đức phuớc-duyên tích-tụ, 
Khó thể nào ví dụ cho thông. 
Địa-Tạng! Ta lại vì Ông,
nói thêm ích-lợi của lòng kính tin. 
Trong đời sau có thiện nam nữ, 
gặp tháp chùa, kinh chú đại-thừa. 
Phát lòng cung-kính tin ưa,
 Cúng-dường, chiêm-ngưỡng tháp chùa trang-nghiêm. 
Kinh tháp mới, một niềm lễ lạy, 
Kinh tháp hư, áy-náy sửa-sang. 
Cúng-dường tiền-của bạc vàng,
Ra công tu-bổ nghiêm-trang tháp chùa. 
Hoặc tự mình sắm mua vật-dụng, 
Hoặc khuyên người góp cúng-dường thêm. 
Công-trình tu-bổ mãn-viên,
Lợi-ích là đặng phước-duyên báo đền. 
người góp sức cũng thêm công-đức, 
ba mươi đời tiểu-quốc làm vua. 
Còn người tu-bổ tháp chùa,
Chuyển-Luân ngôi-báu làm vua Trời, người. 
Đem pháp lành mọi thời giáo-hoá, 
Các tiểu vương, khắp cả nhân Thiên, 
Làm cho dứt sạch ưu-phiền,
Thấm-nhuần pháp Phật gieo duyên phước-lành. 
Lại vầy nữa! Chúng-sanh hậu kiếp, 
nếu có người liên-tiếp một lòng 
Ở trong pháp Phật gieo trồng,
Hạt nhân bố thí, ra công cúng-dàng, 
Hoặc tu-bổ sửa-sang chùa tháp, 
Hoặc giữ-gìn bảo-pháp chú kinh, 
Ít nhiều chẳng kể trọng khinh,
Sợi lông, mảy bụi cũng thành phước-duyên. 
nếu lại trải khắp miền pháp-giới, 
Hồi-hướng cho phước-lợi chúng-sanh, 
Thời công-đức đó kết thành
Quả vui thượng-diệu quang-vinh ngàn đời. 
nếu chỉ hướng trong ngoài thân-quyến 
Hoặc lục thân, hoặc nguyện cho mình, 
Quả vui cũng được tựu-thành,
Suốt trong ba kiếp duyên lành an-vui. 
Cứ một phần tu-bồi sự tốt 
Quả báo lành muôn một trội hơn. 
Địa-Tạng! Ta đã tỏ phân
Công-đức bố-thí! Ông cần lắng nghe”.

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN - Phẩm Thứ Chín

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
---------
Xưng danh-hiệu chư Phật
pHẩm THứ CHíN:

  Lúc đó ngài Địa-Tạng bồ-Tát, 
Quỳ hướng lên Đức Phật trình tâu: 
“bạch Thế-Tôn! Chúng đời sau
vì còn ngu dại, Con cầu nói ra, 
Cho chúng cõi Ta-bà sanh tử, 
biết lợi lạc, lành dữ là chi! 
Thế-Tôn! Mở lượng từ-bi,
Cho Con được nói cũng vì chúng-sanh” 
Phật bảo: “Ôi! thật lành bồ-tát! 
vì muôn loài, khao-khát độ sanh, 
Lòng từ độ chúng hữu-tình
Đang mắc tội khổ thác sinh sáu đường. 
Muốn nói sự suy-lường chẳng thấu, 
Lợi ích cho kiếp hậu lai sinh, 
bây giờ phải lúc thuyết-trình,
Ông nên gấp nói chúng-sanh đương chờ. 
giả như sớm thời-cơ hoàn-tất, 
nguyện của Ông day-dứt lâu nay, 
niết-bàn ta muốn nhập ngay,
Không còn lo ngại đời này kiếp sau, 
Chúng-sanh chẳng biết đâu nương-tựa. 
Địa-Tạng-vương lần nữa trình thưa: 
“Thế-Tôn! vô-lượng kiếp xưa,
Có Phật đem pháp đại-thừa độ sanh, 
Chúng được nghe pháp lành chân-thật, 
Của vô-biên-Thân Phật, như-Lai. 
Chỉ nghe danh-hiệu của ngài,
Mà lòng cung-kính tạm thời phát-sanh, 
bốn mươi kiếp tội-tình đã tạo. 
nhờ oai danh rốt-ráo tiêu-trừ, 
Huống chi tượng đắp, hình tô,
Được bao lợi ích tiền-đồ lai sanh! 
Lại hằng-sa kiếp lành quá-khứ, 
Thánh-nhân vào sanh tử luân-hồi, 
Đắc thành đạo quả như-Lai,
Danh-hiệu bảo-Thắng ngự đài kim-cang. 
nếu có kẻ thiện nam thiện nữ, 
Được nghe danh khởi sự qui-y, 
Móng tay vừa khảy, tức thì
nơi đạo vô-thượng chẳng hề thối lui. 
Lại một thuở trong đời quá khứ, 
Phật giáng thần, danh-tự của ngài, 
ba-Đầu-Ma-Thắng như-Lai.
Đại-từ tâm trải muôn loài triêm-ân. 
nếu như có thiện nhân nam nữ, 
Để lọt tai danh-tự của ngài, 
nghìn lần trong kiếp hậu lai,
Sáu từng trời dục là nơi sanh về. 
Huống chi là mải-mê xưng niệm, 
Danh-hiệu ngài chẳng đếm, chẳng ngưng, 
Phước lành nào có chi bằng,
Toà sen vô-thượng siêu-thăng lên ngồi. 
Lại bất khả thuyết thời quá-khứ, 
Phật ra đời cứu-độ hàm-linh, 
Hiệu Sư-Tử-Hống chính danh,
Có người nam nữ tâm lành được nghe. 
Tâm chí-thành hướng về Đức Phật, 
vận trực-tâm chân-thật qui-y, 
vô-lượng chư Phật hả hê,
Xoa đầu thọ-ký hậu kỳ như-Lai. 
Lại vô-số kiếp dài thuở trước, 
Chúng Diêm-Phù lại được nghe danh, 
Câu-Lưu-Tôn Phật đã thành,
giảng rao Chánh-pháp thực-hành đạo thâm. 
người nam nữ thành-tâm chiêm-ngưỡng, 
Hoặc cúng-dường hình tượng như-Lai, 
Đời Hiền-kiếp pháp-hội khai,
Của nghìn Đức Phật, lên đài Phạm-vương. 
Được chư Phật mười phương thọ-ký, 
Kiếp hậu lai thong-lý sinh-linh, 
vô-tình cùng chúng hữu-tình,
Học đạo vô-thượng mà thành như-Lai. 
Thuở quá-khứ kiếp dài vô-số, 
Phật ra đời cứu-độ chúng-sanh, 
Tỳ-bà-Thi, có hiệu-danh,
Hành-trì tứ đẳng  (16)
, đắc thành như-Lai. 
Danh-hiệu ngài dẫu ai nghe được, 
ba nẻo tà nhờ phước chẳng sa. 
Dầu sanh tại cõi Ta-bà,
Cõi vui thù-thắng ấy là nhân Thiên. 
Lại vô-lượng vô-biên đời trước, 
Phật giáng thần ngũ trược cõi mê. 
Dạy người bỏ ác quay về,
Qui-y chánh-pháp lầm mê dứt trừ. 
Danh-hiệu Đa-bửu như-Lai, Phật 
Trải tâm từ chân-thật độ người. 
Ai nghe danh-hiệu Phật rồi,
Lià ba đường ác, cõi trời hưởng vui. 
Thuở quá-khứ kiếp đời vô-lượng, 
Thị-hiện thân bửu-Tướng như-Lai, 
Rộng truyền chánh-pháp không hai,
Chúng-sinh nghe pháp nạn tai tiêu-trừ. 
Phát khởi tâm phụng-thờ cung-kính, 
Không bao lâu chánh-định thân tâm, 
A-La-Hán quả dự phần,
niết-bàn chứng nhập chẳng cần tái sanh. 
Lại vô-lượng đời lành quá-khứ, 
Ca-Sa-Tràng danh-tự như-Lai, 
vì thương sáu nẻo vào đời,
Ai nghe danh-hiệu đều vui thoát trần. 
vượt sinh tử một trăm đại kiếp. 
Công-đức hồng-danh nhiếp nạn tai, 
Khó bàn oai-lực như-Lai,
nếu lòng nhứt niệm tụng hoài hồng-danh. 
Lại nói về duyên lành quá-khứ, 
Đại-Thông-Sơn-vương tự như-Lai, 
Chúng sinh tội khổ ai-hoài,
Xuống trần cứu-độ muôn loài bình yên. 
người nam nữ ưu-phiền chẳng đoạn, 
nghe danh ngài chuyển hoán thức tâm. 
Được chư Phật giải mê lầm,
nhờ vi-diệu pháp đạt tâm bồ-Đề. 
Hằng-sa kiếp trở về quá-khứ. 
Hằng-sa Phật, Điều-ngự giáng trần, 
Đức Tịnh-nguyệt, Đức Sơn-vương,
Đức Trí-Thắng, Đức vô-Thượng đản-sanh, 
 Trí-Thành-Tựu,Tịnh-Danh-vương giáng, 
Đức Diệu-Thinh, Đức Mãn-nguyệt lai, 
Thế-Tôn, Phật-đà, như-lai...
Hiện thân cõi thế muôn loài triêm-ân. 
Chúng sinh cõi hồng-trần hiện-tại, 
Hoặc vị-lai đều phải nên làm, 
Thiên, nhân, hoặc nữ hoặc nam,
niệm danh-hiệu Phật dành làm thiện-nhân, 
niệm một Phật vô-ngần công-đức, 
Huống chi niệm muôn ức Phật-đà. 
Lúc sanh, lúc tử ấy là
 nhờ chuyên niệm Phật, nẻo tà chẳng vương. 
Trong nhà có người đương hấp-hối, 
gia-quyến lo tội-lỗi sinh tiền, 
Ra sức niệm Phật tinh-chuyên,
Thì bao nghiệp-báo khổ liền tiêu-tan. 
Trừ năm tội đoạ sang vô-gián, 
Muốn thoát ra phải quán rất sâu: 
Đáng muôn ức kiếp khổ đau,
Đã vào vô-gián dễ dầu thoát ra! 
Lúc lâm-chung người nhà lo-liệu, 
Thay nhau niệm danh-hiệu Phật-đà, 
Khẩn-cầu lực Phật cứu ra,
Tội kia dù nặng dần-dà tiêu-tan. 
nhờ chẳng thể nghĩ bàn tha-lực, 
nếu tự mình ra sức thực-hành, 
Xưng danh-hiệu Phật chí-thành,
Lợi ích vô-hạn, phước lành vô-biên.

-----------
HếT QUYểN TRUNG