Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

66 Câu Phật Học Làm Chấn Động Thiền Ngữ Thế Giới




1. Sở dĩ người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm.
2. Nếu anh không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không cách nào gây phiền não cho anh. Vì chính tâm anh không buông xuống nỗi.
3. Anh hãy luôn cảm ơn những ai đem đến nghịch cảnh cho mình.
4. Anh phải luôn mở lòng khoan dung lượng thứ cho chúng sanh, cho dù họ xấu bao nhiêu, thậm chí họ đã làm tổn thương anh, anh phải buông bỏ, mới có được niềm vui đích thực.
5. Khi anh vui, phải nghĩ rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng. Khi anh đau khổ, anh hãy nghĩ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn.
6. Sự chấp trước của ngày hôm nay sẽ là niềm hối hận cho ngày mai.
7. Anh có thể có tình yêu nhưng đừng nên dính mắc, vì chia ly là lẽ tất nhiên.
8. Đừng lãng phí sinh mạng của mình trong những chốn mà nhất định anh sẽ ân hận.
9. Khi nào anh thật sự buông xuống thì lúc ấy anh sẽ hết phiền não.
10. Mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành.
11.Người cuồng vọng còn cứu được, người tự ti thì vô phương, chỉ khi nhận thức được mình, hàng phục chính mình, sửa đổi mình, mới có thể thay đổi người khác.
12.Anh đừng có thái độ bất mãn người ta hoài, anh phải quay về kiểm điểm chính mình mới đúng. Bất mãn người khác là chuốc khổ cho chính anh.
13. Một người nếu tự đáy lòng không thể tha thứ cho kẻ khác, thì lòng họ sẽ không bao giờ được thanh thản.
14. Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác.
15. Hủy diệt người chỉ cần một câu, xây dựng người lại mất ngàn lời, xin anh “đa khẩu hạ lưu tình”.
16. Vốn dĩ không cần quay đầu lại xem người nguyền rủa anh là ai? Giả sử anh bị chó điên cắn anh một phát, chẳng lẽ anh cũng phải chạy đến cắn lại một phát?
17. Đừng bao giờ lãng phí một giây phút nào để nghĩ nhớ đến người anh không hề yêu thích.
18. Mong anh đem lòng từ bi và thái độ ôn hòa để bày tỏ những nỗi oan ức và bất mãn của mình, có như vậy người khác mới khả dĩ tiếp nhận. 
19. Cùng là một chiếc bình như vậy, tại sao anh lại chứa độc dược? Cùng một mảnh tâm tại sao anh phải chứa đầy những não phiền như vậy?
20. Những thứ không đạt được, chúng ta sẽ luôn cho rằng nó đẹp đẽ, chính vì anh hiểu nó quá ít, anh không có thời gian ở chung với nó. Nhưng rồi một ngày nào đó khi anh hiểu sâu sắc, anh sẽ phát hiện nó vốn không đẹp như trong tưởng tượng của anh.
21. Sống một ngày là có diễm phúc của một ngày, nên phải trân quý. Khi tôi khóc, tôi không có dép để mang thì tôi lại phát hiện có người không có chân.
22. Tốn thêm một chút tâm lực để chú ý người khác chi bằng bớt một chút tâm lực phản tỉnh chính mình, anh hiểu chứ?
23. Hận thù người khác là một mất mát lớn nhất đối với mình.
24. Mỗi người ai cũng có mạng sống, nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đó, thậm chí trân quý mạng sống của mình hơn. Người không hiểu được mạng sống thì mạng sống đối với họ mà nói chính là một sự trừng phạt.
25. Tình chấp là nguyên nhân của khổ não, buông tình chấp anh mới được tự tại.
26. Đừng khẳng định về cách nghĩ của mình quá, như vậy sẽ đỡ phải hối hận hơn.
27. Khi anh thành thật với chính mình, thế giới sẽ không ai lừa dối anh.
28. Người che đậy khuyết điểm của mình bằng thủ đoạn tổn thương người khác là kẻ đê tiện.
29. Người âm thầm quan tâm chúc phúc người khác, đó là một sự bố thí vô hình.
30. Đừng gắng sức suy đoán cách nghĩ của người khác, nếu anh không phán đoán chính xác bằng trí huệ và kinh nghiệm thì mắc phải nhầm lẫn là lẽ thường tình.
31. Muốn hiểu một người, chỉ cần xem mục đích đến và xuất phát điểm của họ có giống nhau không, thì có thể biết được họ có thật lòng không.
32. Chân lý của nhân sinh chỉ là giấu trong cái bình thường đơn điệu.
33. Người không tắm rửa thì càng xức nước hoa càng thấy thối. Danh tiếng và tôn quý đến từ sự chân tài thực học. Có đức tự nhiên thơm.
34. Thời gian sẽ trôi qua, để thời gian xóa sạch phiền não của anh đi.
35. Anh cứ xem những chuyện đơn thuần thành nghiêm trọng, như thế anh sẽ rất đau khổ.
36. Người luôn e dè với thiện ý của người khác thì hết thuốc cứu chữa.
37. Nói một lời dối gian thì phải bịa thêm mười câu không thật nữa để đắp vào, cần gì khổ như vậy?
38. Sống một ngày vô ích, không làm được chuyện gì, thì chẳng khác gì kẻ phạm tội ăn trộm.
39. Quảng kết chúng duyên, chính là không làm tổn thương bất cứ người nào.
40. Im lặng là một câu trả lời hay nhất của sự phỉ báng.
41. Cung kính đối với người là sự trang nghiêm cho chính mình.
42. Có lòng thương yêu vô tư thì sẽ có tất cả.
43. Đến là ngẫu nhiên, đi là tất nhiên. Cho nên anh cần phải “tùy duyên mà hằng bất biến, bất biến mà hằng tùy duyên”.
44. Từ bi là vũ khí tốt nhất của chính anh.
45. Chỉ cần đối diện với hiện thực, anh mới vượt qua hiện thực.
46. Lương tâm là tòa án công bằng nhất của mỗi người, anh dối người khác được nhưng không bao giờ dối nổi lương tâm mình.
47. Người không biết yêu mình thì không thể yêu được người khác.
48. Có lúc chúng ta muốn thầm hỏi mình, chúng ta đang đeo đuổi cái gì? Chúng ta sống vì cái gì?
49. Đừng vì một chút tranh chấp mà xa lìa tình bạn chí thân của anh, cũng đừng vì một chút oán giận mà quên đi thâm ân của người khác.
50. Cảm ơn thượng đế với những gì tôi đã có, cảm ơn thượng đế những gì tôi không có.
51. Nếu có thể đứng ở góc độ của người khác để nghĩ cho họ thì đó mới là từ bi.
52.Nói năng đừng có tánh châm chọc, đừng gây thương tổn, đừng khoe tài cán của mình, đừng phô điều xấu của người, tự nhiên sẽ hóa địch thành bạn.
53. Thành thật đối diện với mâu thuẩn và khuyết điểm trong tâm mình, đừng lừa dối chính mình.
54. Nhân quả không nợ chúng ta thứ gì, cho nên xin đừng oán trách nó.
55. Đa số người cả đời chỉ làm được ba việc: Dối mình, dối người, và bị người dối.
56. Tâm là tên lừa đảo lớn nhất, người khác có thể dối anh nhất thời, nhưng nó lại gạt anh suốt đời.
57. Chỉ cần tự giác tâm an, thì đông tây nam bắc đều tốt. Nếu còn một người chưa độ thì đừng nên thoát một mình.
58. Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ này, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi.
59. Nếu anh có thể sống qua những ngày bình an, thì đó chính là một phúc phần rồi. Biết bao nhiêu người hôm nay đã không thấy được vầng thái dương của ngày mai, biết bao nhiêu người hôm nay đã trở thành tàn phế, biết bao nhiêu người hôm nay đã đánh mất tự do, biết bao nhiêu người hôm nay đã trở thành nước mất nhà tan.
60. Anh có nhân sinh quan của anh, tôi có nhân sinh quan của tôi, tôi không dính dáng gì tới anh. Chỉ cần tôi có thể, tôi sẽ cảm hóa được anh. Nếu không thể thì tôi đành cam chịu.
61. Anh hi vọng nắm được sự vĩnh hằng thì anh cần phải khống chế hiện tại.
62. Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng bị nhiễm ô, anh hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của anh.
63. Người khác có thể làm trái nhân quả, người khác có thể tổn hại chúng ta, đánh chúng ta, hủy báng chúng ta. Nhưng chúng ta đừng vì thế mà oán hận họ, vì sao? Vì chúng ta nhất định phải giữ một bản tánh hoàn chỉnh và một tâm hồn thanh tịnh.
64. Nếu một người chưa từng cảm nhận sự đau khổ khó khăn thì rất khó cảm thông cho người khác. Anh muốn học tinh thần cứu khổ cứu nạn, thì trước hết phải chịu đựng được khổ nạn.
65. Thế giới vốn không thuộc về anh, vì thế anh không cần vứt bỏ, cái cần vứt bỏ chính là những tánh cố chấp. Vạn vật đều cung ứng cho ta, nhưng không thuộc về ta.
66. Bởi chúng ta không thể thay đổi được thế giới xung quanh, nên chúng ta đành phải sửa đổi chính mình, đối diện với tất cả bằng lòng từ bi và tâm trí huệ.

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

TÔI MUỐN HẠNH PHÚC

Có một người đến gặp Đức Phật và hỏi rằng:
- Thưa Đức Phật, TÔI MUỐN HẠNH PHÚC.
Ngài trả lời rằng:
- Đầu tiên, hãy bỏ chữ "TÔI" vì "tôi" là bản ngã. Sau đó, bỏ chữ "MUỐN" vì "muốn" là ham muốn, và tham lam. Khi đã bỏ được rồi thì ta có "HẠNH PHÚC".

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Câu chuyện:TĂNG SÂM GIẾT NGƯỜI


Ông Tăng Sâm ở đất Phị ở đấy có kẻ trùng danh với ông giết chết người.
Một người hớt hãi chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: "Tăng Sâm giết người." Bà mẹ nói: "Chẳng khi nào con ta lại giết người." Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi.
Một lúc lại có người đến bảo: "Tăng Sâm giết người." Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi.
Một lúc lại có người đến bảo: "Tăng Sâm giết người

." Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.

LỜI BÀN:
Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo, bà mẹ vốn là người trung tín, một bụng tin con. Thốt nhiên có kẻ bảo: "Tăng Sâm giết người". Bà mẹ không tin, và người thứ hai bảo, còn chưa tin; đến người thứ ba bảo, thì cuống cuồng chạy trốn. Như thế mới hay cái dư luận của thiên hạ rất là mạnh. Một việc, dù cho sai lầm đến mười mươi, nhiều người đã có cùng một nghị luận đều như thế cả, thì cũng dễ khiến người ta nghi nghi hoặc hoặc rồi đem bụng tin mà cho là phải, nom đỉa hóa ra con rươi, trông con chó thành con cừu. Đến như giữa chợ, làm gì có cọp! Thế mà một người, hai người, đến ba người nói có cọp, thiên hạ cũng tin có cọp thật nữa là! Những bậc ra được ngoài vòng dư luận, giữ vững được bụng như cây giữa rừng, như kiềng ba chân rất là hiếm, nhưng có thế được mới cao. Một chân lý có chứng minh rõ ràng, mười phần chắc chắn, thì mới nên công nhận.

GIẢI NGHĨA:
Tăng Sâm: Người thời Xuân Thu, tính chất chân thật và có hiếu, học trò đức Khổng Tử và mau truyền được đạo của ngài.
Trùng danh: Cùng giống tên nhau
Điềm nhiên: Biết mà cứ im lặng như không.





Trích CỔ HỌC TINH HOA - Câu chuyện số 12

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

HẠI NGƯỜI THÀNH HẠI MÌNH

Thuở xưa có một người thù địch với một người khác, anh nghĩ không ra phương pháp báo thù, cứ uất ức trong lòng mãi không lúc nào vui. Có người hỏi:
- Anh vì sao uất ức buồn rầu?

Anh trả lời:
- Có một người thường hay nói xấu tôi thậm tệ, tôi tức giận vô cùng, tôi hằng nghĩ cách báo phục mối thâm thù ấy, nhưng nghĩ mãi không ra, cho nên tôi tức giận và khổ buồn vô hạn

.

Người kia nói:
- Chỉ cần đọc một câu chú bí mật kêu là Tỳ Ðà La có thể giết người kia chết tức khắc. Nhưng trì chú nầy sẽ có một triệu chứng nguy hiểm, nghĩa là sau khi trị xong thì chính thân anh phải chết trước. Tôi nhận thấy tốt hơn anh đứng trì, thì khỏi bị thảm cảnh người thù chưa hại mà chính thân anh đã bị hại rồi.

Người kia nghe thế không cần tính toán, suy nghĩ, vui vẻ phi thường:
- Xin ông làm ơn dạy tôi câu chú ấy, tâm muốn báo thù của tôi mãnh liệt vô cùng, miễn sao kẻ thù của tôi có thể chết, dù thân tôi có chết trước tôi cũng vui lòng.

** Chuyện nầy tỉ dụ: Tánh sân giận kết oán gây thù, tai hại không ít, muốn hại người, thường thường chưa bị hại mà trước đã hại mình; có một ít người vì lòng sân hận sai khiến, hủy hoại thân mình một cách đáng thương. Bọn họ bị lòng sân dẫn dắt, luống đưa mình vào con đường hại mình hại người vô cùng bi thảm, trầm luân vĩnh kiếp không thôi! Chỉ cần mau mau phản tỉnh dùng pháp từ bi thanh tịnh hòa bình để sửa đổi trị thân tâm, khiến cho mình và người đều được an lạc, mới phù hợp với đạo giải thoát, chơn thường.





Trích "KINH BÁCH DỤ" - Chuyện số 68

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Thuật Xử Thế Của Người Xưa - Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Tóm lại, tất cả mật pháp của thuật xử thế có thể gồm trong hai nguyên tắc quan trọng:
  1. Chớ chạm vào lòng tự ái của ai cả.
  2. Ẩn ác dưỡng thiện.
...
Cái gì mình không muốn người làm cho mình, thì đừng làm cho kẻ khác. Có ai là người muốn bị người ta chạm đến lòng tự ái của mình không? Thế sao mình lại thích lấn áp người trong lời nói để người ta phải đỏ mặt, tía tai cho cam. “Làm cho người ta cùng lý đến phải ngậm miệng, đỏ mặt, toát mồ hôi, mình tuy hả lòng thật, nhưng đấy là người nông nổi khắt khe làm sao…” (1) Thế là bất công, mà cũng là bất nhân nữa…

Nhưng rồi, hả lòng được một ít mà lắm khi còn di hại cho mình đến thảm khốc cũng không chừng… Thế thì đâu phải chỉ bất công, bất nhân mà lại còn bất trí nữa là khác.
...

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Một Câu chuyện ngộ nghĩnh

Hai ông bạn già nói chuyện với nhau:
- Tại sao anh chưa lo gả con nhỏ anh cho rồi, đợi nó già hay sao?
- Tôi đợi nó có thêm chút khôn ngoan rồi hãy gả. Muộn gì!
- Anh mới nói ngược đời! Nếu để nó khôn thì làm sao mà gả?... Con trai hay con gái gì cũng vậy, nếu mà nó khôn thì nó bao giờ chịu cưới vợ lấy chồng!

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Những Châm Ngôn Hay Trong Cuộc Sống

  1. Đừng quá xem trọng điều gì. Hãy tiếp nhận mọi sự may rủi một cách nhẹ nhàng( Jepfecson).
 2       "Trong những lúc khó khăn nhất của cuộc sống, đừng cố gắng trở thành một người thành công hay hạnh phúc, tốt hơn hãy trở thành một người có giá trị" (Albert Einstein).
3       Không nên bày tỏ những lo âu và thất bại của bạn cho những người bạn nghe. Tốt hơn hết nên kể với những kẻ thù của bạn - ít ra thì bạn cũng cung cấp cho họ những phút giây thoải mái, ngoài ra, bạn còn chắc rằng: họ sẽ dỏng tai lên mà nghe bằng hết những lời nói của bạn. (B.Sou)
4       Người có đạo đức thì luôn kính trọng các bậc đạo đức hơn mình. Người mà không biết kính trọng các bậc đạo đức thì phải biết rằng đạo đức của mình vẫn còn kém dở.
5       Thế giới này đầy ắp những đau khổ là do người ta chỉ biết sống cho mình, hướng về mình.

6       Đừng khóc vì nước mắt chỉ làm đấy thêm bể khổ, đừng cười vì ngạo mạn sẽ làm tan vỡ cả tương lai.
7       Nếu không biết cúi xuống để nhặt một cây kim thì đừng nghĩ rằng sau này sẽ làm được việc lớn; Nếu chưa thể tiết kiệm vài số điện ở bóng đèn, cái quạt trong nhà thì đừng nghĩ rằng sau này mình sẽ giàu.
8       Kẻ nào nghĩ mình là giỏi, thì biết rằng kẻ ấy vẫn còn quá ngu dốt. Người nào nghĩ mình vẫn còn kém cỏi mà vẫn không tự ti, luôn cố gắng thì đó là 1 suy nghĩ đúng.
9       Người kiêu mạn hay bị những tai nạn bất ngờ, càng kiêu mạn càng thêm đau khổ. Người khiêm hạ thường có nhiều niềm vui bất ngờ! Càng khiêm hạ bao nhiêu càng hạnh phúc bấy nhiêu.
10  Người không khoe khoang chưa biết họ tốt hay xấu nhưng là người có bản lĩnh, biết giấu kín thực lực của mình.

11  Đừng tiêu xài hết tiền bạn đang có, không nên muốn ngủ bao lâu thì ngủ.
12  Cuộc sống của chúng ta có lắm thăng trầm. Thăng vì đôi lúc chúng ta biết khiêm hạ nhưng trầm vì chúng ta còn mắc bệnh khoe khoang.
13  Nếu thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc. ( Platon). 
14  Người hay nói dối thì không có việc xấu gì mà người đó không thể làm.  
15  Khi khoe khoang điều hay thì những điều đang có sẽ mất, đang đến sẽ không đến nữa, việc đang làm sẽ không làm được và thường gặp nhiều rủi ro, bất trắc. 

16  Biết đủ không nhục, biết dừng không nguy. Như thế có thể giữ được lâu dài.( Lão Tử).  
17  Người nào hay bị kích động, người đó có một tinh thần yếu đuối. Người nào không bị kích động, người đó có một tinh thần mạnh mẽ. 
18  Hãy khôn ngoan như rắn và hiền lành như chim bồ câu!  
19  Hãy có thái độ không sợ hãi của một anh hùng và trái tim thương yêu của một trẻ thơ. 
20  Việc gì trong đời sống cũng khó khǎn cả, vì chưa thành thói quen khi đã có thói quen thì việc gì cũng không khó.  

21  Trên sân khấu chỉ có kẻ bại trận mới ngồi nói dai. Kẻ thắng trận đã mĩm cười bỏ đi mất với chiến lợi phẩm. 
22  Can đảm không phải là dám chết mà là dám sống và làm ích lợi cho đời.  
23  "Có nhiều điều kỳ diệu chợt đến trong cuộc sống, nhưng hầu hết những điều tuyệt vời trong đời là do ta thận trọng vun đắp, nỗ lực đeo đuổi hoặc đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ mới có được." 
24  Người trí thì sự vui hay sự khổ không làm cho bồng bột hay suy sụp.  
25  Con người ta giỏi lên phần nhiều nhờ lúc thực hành, chứ không phải lúc học. 

26  Người không chịu sửa mình mà muốn có tiếng thơm để đời thì khác nào mặt xấu mà muốn có cái hình đẹp trong gương.  
27  Người có trí tuệ càng cao thì càng thấy mình nhỏ bé. 
28  Cổ nhân dạy: "Y nghĩa bất y ngữ". Nghĩa là chúng ta không nên bận tâm với những lời nói, những câu văn không có ý nghĩa gì cả. Thí dụ như có người nói chúng ta ngu như con bò, nếu chúng ta nổi giận, thì quả là chúng ta ngu thực rồi, còn gì nói nữa. Những câu nói vô nghĩa tương tự khó có thể làm động tâm những người cố gắng tìm hiểu đạo lý.  
29  Cái gì cũng nói biết nghĩa là không biết gì cả( Tục ngữ Anh). 
30  Ngu ngốc không phải là do thiếu kiến thức, không phải là do không muốn học mà do tin rằng đã biết hết tất cả. (Anita Joachim-Daniel).  

31  Nếu không tìm thấy hạnh phúc ngay trong chính bản thân mình thì không thể tìm được ở nơi nào khác( Agnes replier). 
32  Nếu còn tin ở đất đaiBao nhiêu gánh nặng trên vai cũng thườngNếu còn là kẻ bất lươngBao nhiêu bão tố mười phương đổ vào. 
33  Chúng ta không yêu quý điều gì, thì điều đó sẽ rời khỏi tầm tay của chúng ta. 
34  Chẳng gìn giữ hạnh nhỏ, tất lụy đến đức lớn.  
35  Người vượt đèn đỏ là người đã có hành vi ăn cắp (thậm chí ăn cướp) quyền sử dụng đèn xanh của người khác. 

36  Cố gắng là sức mạnh của tinh thần nhưng không phải tự nhiên mà có. Chúng ta phải rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ. Khi đã qua thời tuổi trẻ, chúng ta rất khó rèn luyện vì Ý chí sẽ không khởi được nữa. Bởi vậy, khi còn trẻ, nếu có được những cảnh khổ để rèn luyện, chúng ta nên xem đó là một diễm phúc của cuộc đời. Phần lớn những người có một thời tuổi trẻ sung sướng là những người không có ý chí, nghị lực. Những người ấy chưa biết cố gắng là gì nên rất dễ dàng chùn bước trước khó khăn hay gục ngã trước hoàn cảnh.  
37  Người có tâm tự mãn, tự hào thầm kín giống như cái đĩa cạn, nước không thể rót được nhiều. 
38  "Hạnh phúc là sự bình an của tâm hồn, không phải ở những trò vui giả tạo hay cuồng dại."  
39  Không làm điều mình thích, Chỉ làm điều có ích! 
40  Sự tôn trọng không đến từ công việc mà bạn đang làm, nó đến từ cái cách mà bạn đang làm công việc đó.  

41  Người mà sống buông thả, bừa bãi, lười biếng là người có nội tâm không chặt chẽ được. Nội tâm cẩu thả, lười biếng là người không chiến thắng được bản thân. Ngay đến thói lười biếng, cẩu thả còn không chiến thắng được thì dĩ nhiên, phần nhiều ta biết rằng họ không chiến thắng được ngoại cảnh, những tác động từ bên ngoài, nói cách khác là dễ bị kích động. 
42  Người không bị kích động là người có một nội tâm mạnh mẽ, trong những hoàn cảnh bất ngờ, những biến cố dữ dội vẫn giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt không cuốn theo hoàn cảnh và không đau khổ.  
43  Bạn có thể không thể lựa chọn được những gì xảy đến với mình nhưng bạn hoàn toàn có thể lựa chọn thái độ tích cực nhất để đối mặt với chúng.  
44  Con người ta khi chưa thành danh, phải tập sống tiết tháo, theo khuôn mẫu, phép tắc, ước thúc bản thân vì sống bừa bãi, phóng dật thì sau này khó tiến bộ.   
45  Người nào mà đạo đức không vững vàng thì khi gặp cơ hội rất dễ làm chuyện sai trái, lầm lỗi. 

46  Khi ta chưa có địa vị, ai nói gì mình cũng nhịn được, nhưng có địa vị rồi, tâm lại trở nên hẹp hòi, cho nên được ca ngợi thì mình mới vui, ai xem thường thì mình khổ đau.  
47  Sự cảm phục về người này chỉ xuất hiện trong tâm người kia nhưng có thể làm cho họ sung sướng khi biết người khác cảm phục mình. 

48  Một người nghĩ mình giỏi, đôi khi là do họ tự nghĩ mình giỏi, chỉ là cảm xúc và đánh giá cá nhân, không hoàn toàn bởi sự công nhận của những người khác.  
49  Thích nói ra những cái hay, cái tốt của mình cho người khác biết, đó là tâm lý thường tình của con người. Vì người ta nghĩ rằng, những điều đó làm cho họ tăng thêm giá trị và khiến người khác phải nể phục. Tâm lý thèm khát sự cảm phục của người khác là tâm lý rất mãnh liệt của con người. 
50  Làm việc khó bắt đầu nơi chỗ dễ. Làm việc lớn bắt đầu nơi chỗ nhỏ". Chính vì săn sóc, chăm lo cho những điều nhỏ mà làm được những điều lớn bất ngờ. Bắt đầu từ những việc làm căn bản, nhỏ bé mà thiết thực. Giọt nước chảy lâu cũng làm thủng cối đá. Lỗ mọt nhỏ cũng có thể làm chìm thuyền. Điều thiện cũng như điều ác cũng đều nên được ý thức từ những điều rất nhỏ.  

51  Nếu cái nhỏ gì cũng xem thường, để cho qua loa thì sẽ có ngày trở thành những cái khó lớn. Biết khó mà không xem thường thì có thể đối mặt với mọi hoàn cảnh mà không rơi vào sự lúng túng, dao động. Biết nhỏ thì có thể lấy mềm buộc chặt, lấy ít ngăn chế nhiều. 
52  Người hiểu đạo trị luôn giữ thái độ điềm đạm. Xem cái nhỏ cũng như cái lớn, cái ít như nhiều, lấy đức báo oán. Giải quyết việc khó từ khi còn dễ, thực hành việc lớn từ khi còn nhỏ. Cho nên người đắc đạo trước sau không làm việc gì lớn mà thực hiện được việc lớn.  
53  Người tài không lộ tướng, lộ tướng thì không phải người tài! Người có bản lĩnh khác thường thì tính tình kín đáo, chẳng mấy ai nhìn ra được. 
54  Người có thể tiến bộ thì không tự mãn, không cố chấp, cũng không tự ái. Vì vậy nên mới có thể bỏ cái qua cái cũ mà chấp nhận cái mới được. Khi thấy mình là giỏi nhất thì không còn học hỏi được nữa( vì mình đã là nhất rồi). Khi xem xét sự vật, không được quên mặt đối lập của nó. Nghĩ đến cái hữu hạn thì đừng quên cái vô hạn.  
55  Người không ham giàu thì nghèo không là nỗi khổ; không thương yêu thì xa nhau không tiếc nhớ; không ghét nhau thì gần nhau không bực bội; không tự ái thì bị nhục mạ không khó chịu; không cần danh vọng thì mất chức không là nỗi bận tâm. 

56  Đừng bị kích động trong những trường hợp khẩn cấp. Hãy giữ đôi chân của bạn trên mặt đất.  
57  Giới hạn việc vay mượn: Những người sống bằng tiền vay mượn và thẻ tín dụng sẽ không thể giàu được. Do đó không nên vay mượn một khoản tiền lớn để tiêu dùng hay đầu tư. Cũng không nên thế chấp. Nhiều người cứ tưởng mình quản lý được nợ nần nhưng lại khốn đốn vì chúng tốt nhất là chỉ mượn đến số tiền bạn có thể trả và hãy đầu tư bằng tiền tiết kiệm của chính mình. 
58  Người ta buồn vì có vui (hết vui thì thấy buồn) và người ta vui vì có buồn (hết buồn thì thấy vui). Chỉ có những người thiết lập được sự bình an, tâm tư lắng đọng không bị cảnh bên ngoài chi phối, vượt lên sự buồn vui thường tình mới thực sự vững chải, an trú trong hạnh phúc và tịnh lạc.  
59  Đối với những người nóng giận, nhìn thái độ biểu hiện bên ngoài, tưởng chừng những người hay giận dữ có một bản tính mạnh mẽ, nhưng thực chất, họ có một nội tâm yếu ớt. Vì tâm và thân vốn ngược nhau. Người có thân mạnh là người làm được nhiều việc, hăng hái, năng nổ nhưng tâm chưa hẳn đã mạnh. Tâm mạnh là tâm trầm tĩnh, không dễ dàng bị kích động. 
60  Người sâu sắc thường biết mà tỏ ra không biết, đó là buông xả. Họ biết nhưng không cố chấp cái biết của mình, vẫn ưu ái, thương yêu mọi người. Nếu như các vị Thánh lúc nào cũng biết mà tỏ ra biết, chúng ta sẽ không bao giờ dám đến gần họ. Ở đây, biết mà như không biết, sâu sắc mà buông xả là xuất phát từ tâm từ bi, tâm thanh tịnh. Đó cũng là tế hạnh. Vì vậy, người chưa có tế hạnh, chưa kín đáo thường hay bộc lộ sự hiểu biết của mình trước mặt mọi người.  

61  Ta phải sống khiêm hạ nhưng không hèn hạ, khúm núm. Khi gặp người khác, chúng ta luôn tôn trọng họ nhưng tuyệt đối không khúm núm, không có thái độ của một kẻ cầu cạnh vì đó là thái độ của người mất tư cách. 
62  Người quân tử khi tai họa đến thì không sợ, khi phúc đến thì không mừng. (Khổng Tử).  
63  Khi sống sung túc, phẩm hạnh lớn nhất là sự điều độ,Khi gặp tai họa phẩm hạnh lớn nhất là kiên cường(Ba con ). 
64  Sự trả thù là dấu hiệu của một tinh thần yếu ớt, bất lực không thể chịu đựng được những sự lăng mạ.( La Rochefoucaulol). 
65  Ngưỡng cửa dẫn đến ngôi nhà khôn ngoan đó là sự tự hiểu mình còn ngu dốt.

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Lời Phật dạy: Người Phật tử tu học thế nào để có tướng mạo đẹp?


Người có tâm hoan hỷ, hòa ái, bình tĩnh, khoan dung và tràn đầy tình thương thì nét đẹp trên dung mạo vốn có của họ càng được nhân lên nhờ năng lượng của hoan hỷ và hòa ái, rất dễ gần gũi và thân thiện.
Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, tinh xá ông Anathapindika. Có thanh niên Subha Todeyyaputta đi đến Thế Tôn, sau khi chào và hỏi thăm, liền ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn :

Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì giữa loài người với nhau chúng tôi thấy có người xấu xí, có người đẹp đẽ.

Vậy, này Thanh niên, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói:

Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói đến một chút thời bất bình, sân hận, chống đối và tỏ lộ bất mãn. Do nghiệp ấy, sau khi mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú. Neu được tái sanh trong loài người, người ấy phải chịu xấu xí.

Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không phẫn nộ, không nhiều phật ý, dầu cho bị nói đến nhiều cũng không bất bình, không sân hận, chống đối và tỏ lộ bất mãn. Do nghiệp ấy, sau khi mạng chung được sanh vào thiện thú, thiên giới. Nếu tái sanh trong loài người, người ấy được đẹp đẽ.

(ĐTKVN, Trung Bộ III, kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.473)



LỜI BÀN:

Mỗi con người khi được sinh ra trên cõi đời đã mang một thân phận. Ai cũng mong muốn mình đẹp đẽ, khả ái đồng thời chẳng ai muốn mình xấu xí, khiếm khuyết và khó nhìn. Tuy nhiên, chính dung mạo của mỗi cá nhân trong hiện tại đã phản ánh một cách trung thực, rõ ràng nhất nghiệp nhân của chính họ.

Tác nhân cơ bản và quan trọng nhất ảnh hưởng đến dung mạo xấu xí, khiếm khuyết là nghiệp được tạo ra do sự nóng nảy, sân hận, thiếu kiềm chế, bức xúc, chống đối và bất mãn. Không cần đợi đến kiếp sau, chỉ ngay trong hiện tại, những tâm lý và hành vi kể trên đã tàn phá, hủy hoại và làm thay đổi đáng kể diện mạo của người nóng giận.

Ngược lại, người có tâm hoan hỷ, hòa ái, bình tĩnh, khoan dung và tràn đầy tình thương thì nét đẹp trên dung mạo vốn có của họ càng được nhân lên nhờ năng lượng của hoan hỷ và hòa ái, rất dễ gần gũi và thân thiện. Bởi tâm không bị lửa nóng giận thiêu đốt, mặt mũi không bị phẫn nộ làm biến dạng mà rạng rỡ, tươi vui làm họ đẹp thêm lên. Đây cũng chính là nghiệp nhân cho nhan sắc đáng yêu của người ấy trong hiện tại và mai sau.

Vì thế, người con Phật cần giữ vững chánh niệm để đạt được tự chủ, bình tĩnh trong mọi tình huống của cuộc sống. Mặt khác, nuôi dưỡng và tăng trưởng lòng từ để thương yêu, tha thứ, bao dung và nhất là dùng từ tâm chuyển hóa nóng nảy, giận hờn là nghệ thuật sống an vui theo lời Phật dạy. Chính những điều ấy là chất liệu để hình thành thành nên vẻ khả ái, đáng yêu nơi tự thân của mỗi cá nhân.

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Những ngày kinh nguyệt có nên tụng niệm bái sám không?


Hỏi: Là người nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, chúng con có được phép tụng Kinh bái sám như những ngày thường được không?

Đáp: Xin thưa ngay là không có gì trở ngại cả. Trong Luật Phật không có ngăn cấm điều nầy. Bởi lẽ, kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý tự nhiên của người phụ nữ. Điều đó, không ai muốn như thế. Đó là một định lý tự nhiên mà không người phụ nữ nào tránh khỏi. Đã thế, thì tại sao Phật tử lại lo sợ? Phật tử đừng có ái ngại lo sợ gì cả. Chỉ lo sợ là Phật tử giải đãi rồi viện cớ lý do mà bỏ ngang sự tu hành, thì đó mới là điều đáng trách và đáng nói. Ngoài ra, không có gì phải bận tâm lo lắng.

Nếu bảo rằng, đó là những bài tiết dơ dáy, thì thử hỏi trong cơ thể con người, tất cả những chỗ bài tiết khác có chỗ nào sạch sẽ hết đâu? Phật dạy, thân nầy vốn là bất tịnh kia mà! Không lẽ vì sự bất tịnh mà chúng ta lại bỏ phế việc tu hành sao? Hơn nữa, chư Phật, Bồ tát, các Ngài đâu còn có tâm phân biệt chấp trước nhơ sạch như phàm phu tục tử chúng ta. Các Ngài lúc nào cũng mong mỏi khuyến khích chúng ta tinh tấn tu hành. Đã thế, thì thời gian đối với sự tu hành của người Phật tử phải nói là vàng bạc quý báu. Không giờ phút nào lại không tu hành. Dù tu theo thời khóa hay không thời khóa cũng thế. Vì một ngày qua, thân ta mỗi suy tàn già yếu. Bệnh hoạn và cái chết đến với chúng ta không biết lúc nào. Thử hỏi có mấy ai lường trước được?

Thế thì, tại sao chúng ta không nghĩ đến sự vô thường nhanh chóng mà nỗ lực gắng chí lo tu? Phật tử nỗ lực tu hành, công phu tụng kinh, bái sám, chư Phật, Bồ tát, các Ngài thương không hết có đâu lại quở trách sự không trong sạch của Phật tử.

Đối với Phật Pháp, sự nhơ bên ngoài không đáng kể, mà đáng kể nhứt là cái nhơ trong lòng của chúng ta. Cái cấu trược phiền não tham, sân, si, mới là cái đáng cho chúng ta quan tâm mà gấp lo tiêu trừ. Nói thế, không phải chúng ta coi thường phần sự tướng bên ngoài. Nhưng chúng ta phải biết cái nào quan trọng và cái nào thứ yếu. Cái nào gốc, cái nào ngọn. Cái quan trọng, thì chúng ta phải quan tâm nhiều hơn. Đó là sự sáng suốt khéo biện biệt của người Phật tử trong lãnh vực tu hành.

Tóm lại, Phật tử cứ yên tâm không có gì phải lo ngại. Phật tử cứ sinh hoạt tụng kinh bái sám như thường lệ. Không có gì là tội lỗi cả. Chỉ mong sao Phật tử cố gắng giữ thời khóa tụng niệm bình thường. Được vậy, chư Phật và Bồ tát rất hoan hỷ và khen ngợi sự tinh tấn tu hành của Phật tử.

Chúc Phật tử luôn an vui và luôn tinh tấn trên bước đường tu niệm, cầu nguyện Phật tử chóng đạt thành đạo quả.

Nguồn: http://www.tangthuphathoc.net/phvd/phathocvandap-67.htm

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Lạy Phật Nhiều - Thường Gặp Điều Lành


Mỗi năm tại Vạn Phật Thành, lễ Tắm Phật đều được cử hành ở ngoài trời. Hôm nay trời quá nóng, có số người đứng đợi ở bên ngoài hơi lâu, bị phơi nắng đến toát cả mồ hôi. Thật ra, nắng mặt trời cũng là cái thử thách xem quý vị có thành tâm đến đây tắm Phật hay không đó thôi. Giả như quý vị có lòng thành, bị nắng chiếu chút chút, quý vị cũng không cảm thấy khổ. Còn nếu không thành tâm, quý vị sẽ không chịu nổi. Tuy nhiên, đã có một số người chịu không nổi rồi. Vậy sau nầy chúng ta có thể sẽ thay đổi phương thức tắm Phật cho tốt hơn. Từ chánh điện đi ra, đại chúng có thể đi xa thêm một chút, rồi dạo vòng lại để tắm Phật và đi trở về chánh điện. Như vậy mọi người sẽ miễn phải chờ lâu ở ngoài trời.
Phương thức tắm Phật ở đây gọi là “nhị long thổ thủy,” tức như hai con rồng phun nước. Người ta đi ra từ hai bên chánh điện, trông giống như hai con rồng cùng đến để tắm Phật.
Trong số người đến dự hội hôm nay, có người bị bệnh hoặc có người gặp những chuyện khốn khổ. Tình hình hoàn cảnh của mỗi người thì không giống nhau. Nhưng bởi vì mọi người đều quá thành tâm, tôi tin rằng chư Phật và Bồ Tát sẽ rất hoan hỷ mà nói: “Hỡi thiện nam tử, thiện nữ nhân! Các con nhẫn chịu được sự nóng bức như vậy để đến Vạn Phật Thành dự lễ Tắm Phật. Vậy tất cả những điều mà các con mong muốn, các con đều sẽ được mãn nguyện, toại lòng như ý!” Thế là người có tật bệnh sẽ thuyên giảm, người có chuyện nguy khốn sẽ chuyển thành kiết tường, tất cả tai nạn vô hình trung đều tiêu diệt hết.
Quý vị chân thành phát tâm Bồ Đề để tin Phật, điều nầy dù có dùng tiền cũng không mua được. Cho nên hôm nay, tôi xin chú nguyện đến mọi người. Mong cho quý vị mọi việc đều được như ý nguyện, và luôn tinh tấn đi trên đường Bồ Đề, sớm thành Phật đạo.
Khi đến Vạn Phật Thành, quý vị có để ý coi nơi đây có gì khác biệt so với những chỗ khác không? Tôi nói cho quý vị nghe là ở đây lúc ăn cơm, chúng ta không nói chuyện, đó là chỗ không giống với các nơi khác. Nếu chúng ta không nói chuyện, thức ăn sẽ tiêu hóa dễ dàng hơn. Chúng ta mà nói nhiều quá thì khó tiêu hóa, và sẽ sanh ra biết bao chứng bệnh kỳ quái. Vạn Phật Thánh Thành vì muốn cứu vãn cho toàn nhân loại, cho nên trước hết chúng ta phải giúp cho mọi người được khỏe mạnh. Nếu thân thể mình không mạnh khỏe, mình làm sao cứu giúp được người khác đây? Do vậy, sở học của chúng ta là trí huệ, điểm chú ý của chúng ta là thân thể khỏe mạnh.
Trong lúc ăn cơm, chúng ta nên chuyên tâm mà ăn, chứ đừng lựa chọn. Dù thức ăn không ngon, mình cũng nên ăn một chút. Nếu chúng ta xua đuổi bọn quỷ tham ăn, quỷ lười biếng, quỷ ngủ gục chạy hết, như vậy mọi chuyện đều sẽ tốt lành. Cái triết lý nầy hàm chứa sự thật rất phong phú. Chỉ cần quý vị hiểu được, ăn như thế nào, mặc như thế nào, ngủ như thế nào, nhất định quý vị sẽ phát tài. Tại sao người ta không phát tài? Bởi vì họ lười biếng quá đi thôi! 
Cho nên nói: “Cần kiệm trị gia, gia nghiệp phú; thư hương giáo tử, tử tôn hiền.” Vậy chúng ta đâu cần phải mua cổ phần, cổ phiếu gì để cầu phát tài. Nếu muốn kiếm thêm tiền, quý vị chỉ cần lạy Phật nhiều thêm.
Có người nói: “Tôi suốt ngày lo mua cổ phiếu, tại sao thầy nói những lời không kiết tường như thế? Vậy là tôi nhất định sẽ không kiếm được tiền rồi.” Quý vị muốn kiếm tiền à thì lạy Phật nhiều thêm một chút. Lạy Phật so với mua cổ phiếu còn tốt hơn đó.
Sau nầy, nếu các vị có bạn bè đến tham gia lễ Phật Đản, các vị nên báo trước cho họ biết là ở đây không ăn thịt, không uống rượu, không hút cần sa ma túy, cũng không nhảy đầm. Chỗ nầy không phải là khu vực để ngắm cảnh giải trí, cũng không giống như trung tâm cờ bạc ở Reno. Quý vị nên nói với người ta rằng, ở đây chúng ta chỉ chú trọng đến việc thân thể khỏe mạnh và việc bồi dưỡng trí tuệ. Bởi vậy chúng ta không nên tham hưởng thụ, như tham xe sang, quần áo đẹp, vì đó là tiêu phí tiền bạc. Tiền tài như phân như đất, chỉ xem quý vị có biết dùng nó hay không. Như phân thì có thể dùng làm phân bón cho lúa mạ, chớ đâu có ăn được. Đồng với lý trên, tiền cũng phải biết cách dùng thì mới đúng với ý nghĩa của nó.

Hòa Thượng Tuyên Hóa 
Giảng ngày 23 tháng 6 năm 1987

Thiền Điện Thoại

Điện thoại rất có ích cho ta trong đời sống hiện tại, nhưng nếu không khéo léo, ta sẽ bị nó hành hạ không ít.
Nhiều lúc ta muốn bực lên vì tiếng kêu không dứt của nó. Khi xử dụng nó, đôi khi ta quên khuấy là ta đang nói chuyện bằng điện thoại, do đó mà ta phí phạm rất nhiều thì giờ và tiền bạc.
Ta nói huyên thuyên không cần biết những chuyện đó có đáng nói hay không qua điện thoại, đến khi nhận hóa đơn, ta mới giật nảy mình vì số tiền lớn phải trả. Tiếng điện thoại reo tạo một chấn động đôi khi làm ta lo lắng. Ta tự hỏi: "Ai kêu vậy, chuyện buồn hay vui?" Và ta bị một sức mạnh không cưỡng lại được đẩy ta tới cầm ống điện thoại lên.
Ta trở thành nạn nhân của máy điện thoại.
Tôi đề nghị là lần sau khi bạn nghe chuông điện thoại reo, bạn vẫn đứng yên tại chổ, theo dõi hơi thở vào ra, mỉm cười và đọc bài kệ này: "Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm", tiếng chuông reo lần thứ hai, bạn đọc lại lời kệ một lần nữa, vẫn mỉm cười vì nụ cười làm thư giản những bắp thịt trên mặt, sự căng thẳng tan biến và bạn cảm thấy vững chải hơn. Người gọi nếu có chuyện cần muốn nói với bạn sẽ đủ kiên nhẫn để chờ bạn ít nhất là sau tiếng reo thứ ba, cho nên bạn đừng lo ngại, hãy bình tâm thực tập hơi thở và nụ cười để khi nghe tiếng chuông thứ ba, bạn chậm rãi đi về phía diện thoại, hơi thở vẩn đều đặn và nụ cười vẩn giữ trên môi.
Bạn cũng biết không phải bạn chỉ cười cho bạn mà bạn cười cho người bên kia đầu dây nữa. Bởi nếu bạn nóng nảy bực bội thì người bên kia đầu dây sẽ lãnh đủ. Trái lại nếu bạn giữ vững nụ cười và hơi thở chánh niệm, bạn sẽ đem nhiều an lạc cho người đang gọi bạn. Cho nên trước khi gọi giây nói cho ai, bạn cũng tập thở vào và thở ra ba lần. Có bài kệ cho bạn thực tập:

Tiếng đi ngoài ngàn dặm
Xây dựng niềm tin yêu
Mỗi lời là châu ngọc
Mỗi lời là gấm thêu

Bạn hãy thở theo bài kệ ấy, một dòng cho hơi thở vào và một dòng cho hơi thở ra.
Khi nghe tiếng chuông reo bên kia đầu giây, bạn cũng biết là người bạn ấy cũng đang tập thở và cười như bạn trước khi cầm ống nghe lên sau ba tiếng reo. Bạn tự bảo: "Chị ấy đang tập thở, tại sao mình không làm được như chị ấy?"
Thế là cả hai bên đều tập thở cùng một lúc, thật là đẹp, phải không?
Bạn không cần phải vào thiền đường mới có thể tập thiền. Bạn có thể tập thiền ngay tại văn phòng làm việc hay tại nhà. Tôi không biết các nhân viên tổng đài điện thoại có thể thực tập thiền điện thọai hay không vì quá nhiều điện thoại reo cùng một lúc. Tôi nhờ các bạn tìm cho họ một phương pháp để tập thiền điện thọai. Riêng chúng ta, chúng ta nên tập ba hơi thở trước khi cầm ống nghe hay gọi điện thọai cho ai.
Tập thiền điện thọai giúp ta bớt căng thẳng và sống có chánh niệm hơn.
Thích Nhất Hạnh

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

5 Điều Quán Niệm Trước Khi Ăn


1. Thức ăn này là tặng phẩm của đất, trời, của muôn loài và công phu lao tác.
2. Xin nguyện ăn trong chánh niệm và lòng biết ơn để xứng đáng thọ nhận thức ăn này.
3. Khi ăn, xin nhớ nhận diện và chuyển hóa những tâm hành xấu, nhất là tật ăn uống không có chừng mực.
4. Xin nguyện ăn như thế nào để giảm thiểu khổ đau của muôn loài, bảo hộ được trái đất và chuyển ngược lại quá trình hâm nóng địa cầu.
5. Vì muốn xây dựng tăng thân, nuôi dưỡng tình huynh đệ và độ đời nên xin thọ nhận thức ăn này.

Truyện Cổ Phật Giáo: Người Mẹ

Truyện Thơ

Tâm Minh Ngô Tằng Giao


Nắng hồng rực rỡ trời mây
Chim muông ríu rít, cỏ cây rộn ràng
Hào quang chói lọi ánh vàng

Theo chân Đức Phật lên đàng sáng nay

Ngài đi khất thực trong ngày
Tìm cơ giáo hóa những ai lầm đường.
*
Nhà kia kín cổng cao tường
Đế Đô là chủ, giàu sang nhất vùng
Tham lam, ích kỷ vô cùng,
Hôm nay chủ vắng. Chó trông chừng nhà,
Nhe nanh hăm dọa người qua
Mắt ngầu hung dữ như là cuồng điên.
*

Phật ngừng khất thực trước hiên

Chó lao vội đến sủa lên, cắn Ngài
"Hãy im!" Ngài nói khoan thai
Chó bèn lui lại để rồi chồm lên
Phật đưa tay đỡ thản nhiên
Đón hai chân trước xong liền nói ngay:
"Ngươi là Mẹ chủ nhà này!
Chớ nên nóng giận. Ta đây rõ rồi
Kiếp xưa hung ác hại người
Quanh năm lừa lọc, suốt đời tham lam
Cửa nhà, châu báu, bạc vàng
Mưu mô thâu góp vô vàn bất lương
Chết rồi còn vấn còn vương
Luyến lưu trần thế, tiếc thương gia tài
Lựa ngay kiếp Chó đầu thai
Trở về nhà cũ giữ hoài của kia
Còn tham lam nữa làm chi!
Phải lo tu tỉnh ngay đi từ giờ!".
*

Oai phong Đức Phật vô bờ

Lời vàng nhiếp phục. Chó như ngộ liền
Ăn năn, hối cải, lặng im
Gục đầu, lệ tủi dâng lên ngập tràn
Phật bèn lui bước nhẹ nhàng,
Chó từ khi đó chẳng màng giữ canh
Lui vào một xó quẩn quanh
Bỏ ăn, bỏ sủa, mặc tình chủ gia.
Đế Đô dò hỏi người nhà
Mới hay chuyện Phật ghé qua bữa nào
Đế Đô căm tức biết bao
Chạy đi tìm Phật hỗn hào hét la.
*
Phật ôn tồn dạy: "Nghe ta!
Chó này kiếp trước chính là Mẹ ngươi
Tham lam, độc ác, hại người
Nên nay muốn trở về nơi chốn này
Hóa làm kiếp Chó khổ thay
Quẩn quanh giữ của đọa đầy tấm thân!"
Đế Đô bực bội vô ngần

Nghĩ lời vu khống, mười phần chẳng tin.

Phật thêm: "Ngươi hãy về liền
Dưới gầm Chó ngủ đào lên có vàng
Mẹ ngươi chôn dấu kỹ càng
Chết rồi chẳng kịp trối trăn câu nào!"
*
Đế Đô kinh ngạc xiết bao
Lòng tham tan biến! Nỗi đau dâng tràn

Niềm tin đạo pháp dần lan

Về nhà đào bới, thấy vàng dấu chôn
Chao ơi tan nát tâm hồn!
Đế Đô ôm Chó lệ tuôn tràn trề
Ăn năn cuộc sống u mê
Giờ đây sám hối quay về đường ngay
Quỳ xin Đức Phật chỉ bày
Cứu cho Mẹ khỏi cảnh đầy khổ đau.
*
Từ bi Phật dạy đôi câu:
"Mẹ ngươi nghiệp chướng từ lâu nặng nề
Ngươi mau mau hãy tìm về
Nương nhờ Tam Bảo quy y tức thì
Lại thêm ngũ giới thọ trì
Tiền này bố thí, của kia cúng dường
Chân thành sám hối trong lòng
Mẹ yêu hồi hướng mới mong phước lành!
Ta từng chỉ dạy chúng sanh
Con đường giải thoát tự mình phải theo
Ở đời sướng khổ mình gieo
Nhân nào quả nấy chớ kêu ai cùng!"
*
Đế Đô chợt hiểu. Vui mừng!
Làm theo lời Phật một lòng thiết tha.

Thời gian thấm thoắt trôi qua

Một hôm Chó duỗi mình ra lìa trần
Trút hơi thỏa mãn vô ngần
Tâm hồn thanh thản! Xác thân nhẹ nhàng!
*
Hôm sau trong giấc mộng vàng
Đế Đô thấy một Bà dang tay cười
Trên nền mây trắng giữa trời
Gật đầu vui sướng, nói lời dịu êm:
"Mẹ gây lầm lỗi triền miên
Chó kia là Mẹ đọa miền khổ đau
Nhờ ơn Phật độ nhiệm mầu
Nhờ con hiếu thảo trước sau tâm thành
Ngày nay Mẹ được vãng sanh
Vào nơi thế giới an lành thảnh thơi!
Chớ quên nhân quả ở đời
Luật Trời đã định! Nhớ lời nghe con!
Gắng công tu học cho tròn

Mẹ dù vĩnh biệt mãi còn an vui!"


(phỏng theo bản văn xuôi của Đức Thương)