Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Sống Không Làm Người Khác Buồn Khổ (Sưu Tầm)

Để sống một cuộc sống có ý nghĩa, con người luôn phải phấn đấu học hỏi, trau dồi và sửa sai suốt cả cuộc đời. Sự nhận thức dần dần được hình thành từ những hình ảnh thấy người khác đau khổ, lo lắng, đau buồn và sợ hãi, hiểu được "ý nghĩa cuộc sống là mang niềm vui và hạnh phúc đến cho người, lấy niềm vui và hạnh phúc đó làm niềm vui và hạnh phúc cho mình."

Từ đó mỗi người rút ra được những cách sống hay, đúc kết những kinh nghiệm sống hữu ích để trang bị cho hành trình của mình những bông hoa hạnh phúc tươi sáng. Vậy những kinh nghiệm và bài học nào đáng để chúng ta lưu ý học hỏi và ứng dụng vào đời sống thực tế. Xin mời các bạn cùng nghiên cứu.

1.    Sống luôn thương yêu và tha thứ: không nói cái sai, cái lỗi, cái xấu trước mặt lẫn sau lưng của bất kỳ ai.
2.    Luôn giúp đỡ mọi người khi họ yêu cầu, nhờ vả hay mong đợi, không nên từ chối.
3.    Không nên làm cho người khác thất vọng.
4.    Sống nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng để cho mọi người cùng vui. Dù ai nói xấu mình, chê bai, chỉ trích, nói cái sai của mình, nhận xét đúng sai phải trái như thế nào, mình đều im lặng không cãi lại, không biện minh, không tìm cách đối phó chống trả thì đó gọi là nhẫn nhục. Sau khi nhẫn nhục được thì tùy thuận theo ý kiến, lời nói và hạnh động của họ để làm cho họ vui. Giả sử họ chê bai chỉ trích, nói xấu nói cái sai của mình thì mình cứ cám ơn họ đã góp ý tốt, giúp mình phản tỉnh lại. Nếu thấy mình sai thì nên xin lỗi ngay để họ bớt giận. Sau khi tùy thuận được thì mình bằng lòng vui vẻ không bực tức giận dự thì mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp.
5.    Sống cung kính và tôn trọng người, luôn lễ độ không dùng những lời nói thô tục, xưng hô mày tao, nó, thằng, …
6.    Sống thành thật, chân thành, không dối gạt người.
7.    Không tham lam trộm cắp, lấy đồ của người không xin phép dù là vật nhỏ như cây kim hoặc là chỉ  cầm lên xem.Thấy đồ ai đánh rơi thì đem trả lại.
8.    Đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, mọi dân tộc màu da, nông thôn hay thành thị, nghèo hay giàu, sang hay hèn, đồng tôn giáo hay khác tôn giáo, có học thức hay thiếu học thức, chủ hay tớ, nam hay nữ…
9.    Không la mắng, nói lớn tiếng, quát mắng, phạt bất kỳ ai dù là trẻ con, đầy tớ hay người dưới quyền. Dù ai làm sai chỉ nên dùng lời nói ôn tồn nhã nhặn dịu dàng nhẹ nhàng để nói chuyện, khuyên bảo.
10. Trước khi nói hay làm việc gì nên suy nghĩ trước lời nói đó, hành động đó có đem đến làm khổ mình và người hay không. Nếu có thì chớ nên nói và hành động.
11. Không nói những lời nói, câu chuyện làm cho người khác lo lắng, sợ hãi như chuyện ma, chuyện cướp của giết người, chuyện liên quan đến tiền bạc tài chánh eo hẹp, chuyện vỡ nợ, chuyện thất bại trong làm ăn, chuyện xích mích với người khác, chuyện tranh giành danh lợi trong xã hội, cơ quan hay tổ chức nào đó,... 
12. Không nhát ma, hù họa làm cho người khác giật mình sẽ dẫn đến các bệnh đau tim.
13. Không nói những điều nghi ngờ xa gần.
14. Không tài lanh dạy đời hay khuyên bảo người khác. Bất kỳ ai cũng có tự ái, do vậy hãy cẩn thận vì dạy đời khuyên bảo người khác sẽ làm cho lòng tự tôn của họ bị đụng chạm.
15.  Không bình luận, nhận xét đúng sai phải trái về tôn giáo, chính trị của bất kỳ ai.
16. Không để cho người khác lo lắng về bất kỳ chuyện gì trong gia đình. Đừng để ai nhắc làm việc gì đến lần thứ hai. Ví dụ: ai nhờ sửa ống nước, bàn ghế, dọn dẹp phòng thì nên làm ngay, hoặc khi mình thấy cần sửa hay dọn dẹp cái gì trong nhà là tự mình làm ngay, đừng nhờ vả ai, đừng ra lệnh cho ai, dù là mình có vai vế lớn trong gia đình.
17. Khi bị bệnh đau không rên la, không lộ vẻ sợ hãi lo lắng. Càng rên la, sợ hãi lo lắng thì càng làm cho người xung quanh lo lắng thêm. Hãy nhắc tâm: "Tâm phải bất động trước mọi bệnh tật. Bệnh tật là vô thường, đến rồi đi, không việc gì phải lo lắng và sợ hãi cả."
18. Đi đâu ra khỏi nhà cũng nên báo trước cho ai đó biết để mọi người không lo lắng cho mình, khi về trể cũng nên gọi điện về báo. Không nên đi về quá khuya, ra nhà quá sớm.
19. Luôn giữ lời hứa, không hứa lèo.
20. Không mượn tiền, xin tiền của bất kỳ ai.
21. Sống chung thủy trước mặt lẫn sau lưng, không lăng nhăng bắt cá 2 tay. Sống không chung thủy sẽ phá hoại gia đình mình và gia đình người khác.
22. Không nên bỏ rơi bạn bè lúc khó khăn.
23. Giúp ai thì giúp đến cùng.
24. Làm sai, có lỗi thì xin lỗi ngay và sửa sai.
25. Không nên tự ý dời đồ của người khác hay cất đi chổ khác trừ khi đã hỏi trước.
26. Không nên giết người, đánh người, chém, đâm hại người khác.
27. Không nên rượu chè, hút chích nghiện ngập các chất kích thích. 
28. Không nên chơi cờ bạc, cá độ, chơi đề, chơi cổ phiếu, mua vé số.
29. Không nói những lời nói ly gián, chia rẻ bất kỳ ai.
30. Không nên xuyên tạc, nói chuyện không có, hoặc chuyện có thì nói không.
31. Không nên quát mắng, chê bai, chỉ trích ai.
32. Không nên lấy ai ra làm đề tài để nói chuyện cười đùa hay giễu cợt. Không nên cười trên sự đau khổ của người khác.
33. Không nên quá quan tâm, quản lý hoặc kiểm tra người khác, vì họ sẽ cảm thấy mất tự do.  
34. Khi nói chuyện không nên bắt bí người khác, dồn người khác vào ngã cụt.
35. Luôn tôn trọng mọi quyết định của người khác, dù là họ đang dấu ta điều gì, không nên moi móc tìm hiểu. Mỗi người có nổi khổ riêng, có mối lo riêng, có đời sống riêng. Dù là vợ chồng, cũng nên tôn trọng cuộc sống riêng của mỗi người, không nên lúc nào củng phải quản lý, nghi ngờ. Ngược lại phải luôn tin tưởng nhau tuyệt đối rằng người kia có lý do và nguyên nhân để làm những việc gì đó mà họ không muốn chia sẻ với ta.
36. Tình yêu không phải là sự chiếm hữu hay ai là của ai. Mỗi người vẫn có cuộc sống riêng và sự tự do của mình. Không nên nghĩ rằng vợ là của mình, chồng là của mình. Hãy luôn tự do tôn trọng cuộc sống riêng của mỗi người, tôn trọng sở thích riêng, lối sinh hoạt riêng, những chuyện thầm kính bí mật riêng của mỗi người.
37. Đối xử với con cái như là đối xử với bạn bè. Không nên la mắng đánh đập hay phạt con mà ngược lại luôn thương yêu và tha thứ cho con. Tôn trọng cuộc sống riêng của con. Dùng lời nói ôn tồn, nhã nhặn và dịu dàng nói chuyện với con, không nên quát hay lớn tiếng với con mình.
38. Không nên sắp xếp, ép buộc hay áp đặt cuộc đời cho con mình, hãy luôn tôn trọng sở thích và quyền quyết định của con. Là cha mẹ chỉ nên gợi ý, còn quyết định theo hay không thì tùy theo ý của con cái. 
39. Là con cái, nên hiếu thảo với cha mẹ. Khi giàu có chớ khinh thường cha mẹ nghèo. Dù cha mẹ có lỗi gì thì con cái không nên giận, chỉ có luôn mở rộng vòng tay ra thương yêu và tha thứ.
40. Lái xe luôn cẩn thận, giữ gìn trật tự luật lệ an toàn giao thông.
41. Ra hay vào nhà đều khóa cửa cẩn thận.
42. Trước khi ngủ kiểm tra cửa nẻo có khóa chưa.
43. Không nên kết bạn xấu. Không tham gia vào những băng đảng xã hội đen, không lui tới những nơi có những băng nhóm xã hội đen tụ tập như quán bar, dancing, quán nhậu, quán karaoke, caffee ôm, bia ôm, massage,...
44. Khi thấy ai làm sai cái gì hay bị thất bại thì chớ nên đổ thêm dầu vào lửa, châm chích, mỉa mai, nói rằng họ không nghe lời mình khuyên,...Chỉ nên an ủi họ "Lấy cái sai, sự thất bại này làm bài học" hoặc "Biết đâu trong cái rủi có cái mai", hoặc "Đừng thất vọng, hãy bình tĩnh lại",...
45. Nếu đã cho người khác mượn tiền thì phải tính trước khả năng người ấy không có tiền để trả hoặc trả chậm. Do vậy khi thấy họ trả chậm thì nên an ủi trấn an họ để họ yên tâm. Ví dụ như "Nếu bị kẹt tiền chưa có thì từ từ cũng được, tụi tôi vẫn chưa cần đến số tiền đó"
46. Không nên kiện tụng ra tòa, cố gắng tự thu xếp ổn thỏa đôi bên.
47. Không nên mướn xã hội đen đòi nợ dùm mình và cũng không nên dính đến xã hội đen.
48. Nếu có hẹn thì nên đến sớm hơn hoặc đúng giờ.
49. Nếu được hẹn, người khác đến trễ hơn thì không nên giận, vẫn vui vẻ và trả lời rằng mình có dư nhiều thời gian, được ngồi yên tĩnh một mình cũng là một cái thú, giúp đầu óc được nghỉ ngơi thanh thản.
50. Đừng để người khác chờ đợi mình, nên thông báo cho mọi người biết trước để không ai phải chờ mình nếu mình bận.
51. Dù ở hoàn cảnh nào cũng không nên làm cho người khác giận, lo lắng, buồn phiền và sợ hãi.
52. Đừng tạo cơ hội cho người khác phạm pháp. Ví dụ như không nên để xe nơi công cộng mà không khóa, ra vào nhà không khóa cửa, đeo dây chuyền, bông tai, hoặc đồ trang sức quý giá ra ngoài đường,...
53. Đừng làm điều gì trái ý người khác. 
54. Khi nói chuyện nên nắm được ý của người khác muốn gì để không nói trái ý người.
55. Không nên bác bỏ ý kiến, lời nói của người khác.
56. Không nên nói lên quan điểm của mình khi biết quan điểm đó khác với ý của người khác.
57. Không nhắc đến những quá khứ và chuyện đau buồn của người khác.
58. Buôn bán không nên cân non, cắt xén, bán hàng không chất lượng, có độc tố hóa học hoặc hàng giả.
59. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nơi công cộng, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn nhà cửa, nơi ngủ và nơi làm việc ngăn nắp.
60. Không nên trốn học, bỏ học, kết bạn xấu để gia đình và người thân lo lắng. 
61. Không nên sử dụng kiến thức, sự hiểu biết để phá hoại, ví dụ như những hackers cài virus vào mạng internet.
62. Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện tự tử. Hãy mạnh dạn đối diện với thực tế và vượt qua. 
63. Không tranh chấp tài sản tiền bạc thừa kế với bất kỳ ai (anh chị em,...). Sự tranh chấp chỉ làm cho mất tình cảm giữa những người trong gia đình, con người trở nên độc ác hơn và kẻ bị hại có khả năng không còn mạng để sống. Nếu mình được thừa kế nhiều hơn, thì cùng bàn thảo lại với người trong gia đình để chia đều lại, giúp cho mọi người cùng vui vẻ.
64. Khi nghe ai đó nói chuyện về người thứ ba, không nên chỉ tin một chiều. Sự vội vã tin vào những gì người khác nhận xét hay đánh giá sẽ đem đến những hậu quả nghiêm trọng. Do vậy nên tìm hiểu kỹ thêm từ nhiều ý kiến khách quan khác.
65. Không nên có định kiến xấu về những người đã phạm tội, bởi vì chính thành kiến đó có thể làm tổn thương đến họ. 
66. Sự cư xử vô tình đối với người không thiện cảm, kẻ phạm tội, đôi khi sẽ gây cho họ tâm lý rằng họ bị cô lập với xung quanh. Từ đó sẽ nảy sinh những hậu quả nghiêm trọng. Do vậy dù là ai, người tốt hay xấu, người có thiện cảm hay không thiện cảm, chúng ta hãy luôn tôn trọng họ. Đối xử bình đẳng, thương yêu, dịu dàng, quan tâm và luôn nhìn họ với ánh mắt đầy thiện cảm.
67. Đừng bao giờ dồn người khác vào đường cùng. Ngược lại khi thấy ai rơi vào đường cùng thì nên ra tay giúp đỡ ngay.
68. Không nên hấp tấp, vội vã, luôn từ tốn và bình tĩnh.
69. Sống nên biết đủ, nghèo chớ tham giàu, chớ sài sang, tiêu xài hoang phí. 
70. Không nên đổ oan cho người khác khi chưa có bằng chứng chứng minh.
71. Không nên tranh công với người khác.
72. v.v...
Tóm lại, còn rất nhiều bài học hay cần được góp ý và học hỏi. Đây chỉ là một khía cạnh về cách sống không làm khổ người khác. Còn những khía cạnh khác cũng không kém quan trọng đó là cách sống không làm khổ mình, không làm khổ muôn loài vạn vật có sự sống khác. Chỉ khi thỏa mãn 3 điều này thì cuộc sống mới được gọi là hoàn mỹ đạo đức.


Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Đau Khổ Là Liều Thuốc Đắng Kỳ Diệu Nhất!

Cuộc sống, quả thật, đầy phiền não khổ đau, nhưng đó cũng chính là môi trường tốt nhất cho giác ngộ giải thoát, đúng như một danh ngôn: “Cảnh khổ là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng cho người khôn khéo và là vực thẳm cho những kẻ yếu đuối”.

Và thật là thông minh, chính xác khi nói rằng:

Con người là kẻ học nghề,
Mà thầy là nỗi ê chề đớn đau,
Không ai tự biết mình đâu,
Nếu chưa từng trải đớn đau nhiều bề.

Đau khổ chính là liều thuốc đắng kỳ diệu nhất có thể loại trừ được bệnh tà kiến và tham ái. Nếu tà kiến và tham ái không đưa đến khổ đau thì không bao giờ bạn thấy được đó là những thái độ sai lầm. Vậy cuộc đời là một trường học giác ngộ mênh mông vô tận. Và những vị thầy lỗi lạc nhất chính là những khổ đau mà bạn gặp phải trong suốt đời mình. Những vị thầy tận tụy này, không ngừng chỉ cho bạn thấy những sai lầm trong cách sống, cách ứng xử... để bạn có thể biết cách điều chỉnh nhận thức và hành vi nơi chính mình; giúp bạn phát huy được những đức tính cần yếu như nhẫn nại, yêu thương, cảm thông, chia sẻ v.v...

Nói cách khác, đời là tấm gương phản ánh trung thực nhất diện mạo bạn trong mọi tình huống để bạn thấy ra chính mình. Do đó bài học giác ngộ chính xác nhất không phải là một phương pháp cố định nổi tiếng nào để bạn phải tuân thủ suốt đời, mà chính là thái độ nội tâm đầy nhẫn nại, từ bi, trầm tĩnh và trong sáng để có thể tự tại vô ngại giữa dòng đời biến hóa không ngừng trong bản chất vô thường, khổ, vô ngã của nó.

Ví dụ, khi có người mạt sát bạn, đó là vị thầy đang trực tiếp chỉ cho bạn thấy chính xác nhất diễn trình phản ứng của bạn ngay lúc đó là gì: bình tĩnh hay nóng giận, dịu dàng hay hung dữ... Vậy mà bạn không đủ kiên nhẫn để học và nhận chân sự thật ngay đó trong tình trạng hiện thực của nó. Bạn để nó qua đi, ẩn vào đáy sâu vô thức, rồi loay hoay tìm kiếm cây đũa thần từ một vị đạo sư lừng danh, hay một phương pháp thiền của một thiền sư nổi tiếng, tin rằng nhờ đó tương lai bạn sẽ đạt đến thiền định, trí tuệ, thần thông, Cực Lạc hay Niết-bàn. Nhưng nếu bạn không trở lại để thấy (ehipasiko) ngay trên sự kiện hiện thực (opanayiko), thì làm sao tự mình thấu rõ (paccattaṃ veditabbo) thực tại ngay đây (sandiṭṭhiko) và bây giờ (akāliko). Nếu bạn cứ mong đợi ở vị cứu tinh hay cố gắng phấn đấu cho ngày mai thì bạn chẳng bao giờ thấy được thực tại, mà không thấy được thực tại thì cái gọi là thiền định, trí tuệ, Cực Lạc, Niết-bàn mãi mãi chỉ là ảo mộng.

Trích Chương VI - Sống Trong Hiện Tại - Viên Minh

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Chấp nhận những gì đang xảy ra

Chấp nhận những gì đang xảy ra: Thường khi có chuyện gì xảy ra, chúng ta thường có khuynh hướng không chấp nhận rằng chuyện ấy đã hoặc đang xảy ra, như thể chúng ta có năng lực không cho chuyện ấy xảy ra. Không ít thì nhiều, chúng ta có sự chống đối ở trong lòng. Chúng ta bất mãn và khổ sở với sự chống đối nó như thể sự việc ấy chưa xảy ra. Thực ra thì những gì mà ta đang chống đối đã xảy ra rồi.


  • Sức Mạnh Của Hiện Tại
    (The Power Of Now)
  • Tác giả: Eckhart Tolle
  • Dịch giả: Diện Mục Nguyễn Văn Hạnh

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

SUỐI NGUỒN TÂM LINH - Ajahn Chah


Nguyên tác Ajahn Chah
Việt dịch Minh Vi
Giọng đọc: Kiều Hạnh-Kiều Phương


Ngài Ajahn Chah là một thiền sư lỗi lạc đương đại người Thái ,sau đây là tập hợp những bài pháp về cách dụng tâm trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, cũng như trong thiền minh sát ,hi vọng với những kinh nghiệm giản dị mà quý giá này của ngài sẽ đem lại lợi lạc trong tiến trình học pháp và hành thiền của bạn,và tôi chắc rằng cho dù bạn đã nghiên cứu rất nhiều về thiền học đi nữa nhưng sau khi nghe những thời pháp này của ngài ,bạn sẽ thay đổi cái nhìn về nhân sinh quan và thế giới quan, thôi tôi không nói nhiều nữa, bạn hãy nghe và thực hành ngay đi...
14. Cơn lũ dục vọng
15. Hai mặt của thực tại
16. Hai mặt của thự tại tiếp theo
17. Món quà chánh pháp
18. Sự quân bình nội tâm
19. Sự hài hòa trong đạo
20. Điều phục tâm
21. Điều phục tâm tiếp theo
22. Nhận biết tâm
23. Thiền minh sát
24. Chìa khóa của sự giải thoát
25. Giới, định, huệ là chìa khóa
26. Năng lực của thiền định
27. Năng Lực của thiền định
28. Tu hành thành tâm
29. Thiết lập cơ sở cho sự hành thiền
30. Thiền định
31. Pháp chiến, cứ làm đi
32. Tu hành đúng là tu hành kiên định
33. Huấn luyện tâm
34. Chánh định tu hành với sự xả bỏ
35. Trong màn đêm dầy đặc
36. Đường lối và cách thức tu hành- Hạnh Đầu Đà
37. Quán chiếu là gì ?
38. Pháp tánh
39. Sống với rắn hổ mang
40. Trung đạo
41. Sự bình an xuất thế gian
42. Qui ước và giải thoát
Ngưòi Gửi CD: Lê Tâm Minh (Australia)

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Chửi Mắng Và Lời Dạy Của Đức Phật

Một lần, Phật đi giáo hóa vùng Bà La Môn, Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo… sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh , họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
- Cù-đàm có điếc không?

- Ta không điếc.
- Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
- Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
- Quà ấy về tôi chứ ai.
- Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.
* Người kêu tên Phật chửi mà Ngài không nhận. Còn chúng ta , những lời nói bóng, nói gió ở đâu đâu cũng lắng tai nghe, để buồn để giận. Như vậy mới thấy những lời cuồng dại của chúng sanh Ngài không chấp không buồn. Còn chúng ta do si mê, chỉ một lời nói nặng nói hơn, ôm ấp mãi trong lòng, vì vậy mà khổ đau triền miên. Chúng ta tu là tập theo gương Phật, mọi tật xấu của mình phải bỏ, những hành động lời nói không tốt của người, đừng quan tâm. như thế mới được an vui.
chui mang va loi day cua phat Chửi mắng và lời dạy của đức Phật
Trong kinh, Phật ví dụ người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận lời mắng chửi đó thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Thế nên có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Từ đây về sau quí vị có nghe ai nói gì về mình, dù tốt hay xấu, chớ nên thọ nhận thì sẽ được an vui.
Tuy có chướng duyên bên ngoài mà chúng ta biết hóa giải, không thọ nhận, đó là tu. Không phải tu là cầu an suông, mà phải có người thử thách để có dịp coi lại mình đã làm chủ được mình chưa. Nếu còn buồn giận vì một vài lí do bất như ý bên ngoài. Đó là tu chưa tiến.
Đa số chúng ta có cái tật nghe người nói không tốt về mình qua miệng người thứ hai , thứ ba, thì tìm phăng cho ra manh mối để thọ nhận rồi nổi sân si phiền não, đó là kẻ khờ, không phải người trí.
(sưu tầm)

Đặc Tính Của Sân Hận

Người ác luôn luôn muốn hại người hiền. Thái độ của người hiền là không nên phản ứng lại.
Thông thường, người ta khi bị chửi mắng thì nổi nóng mắng lại, đó là điều dễ hiểu và thông cảm. Nhưng đối với người Phật tử tu tập thì phải làm chủ tâm lý của mình, đừng phản ứng theo thói thường. Sự khác nhau giữa người tu tập Thánh đạo với người thường là ở chỗ đó.
Người ta mắng mình, khiêu khích mình là mong cho mình bị đau khổ, phiền muộn thì người mắng mình đã thành công, nếu mình không mắng lại, không tức tối thì họ thất bại. Kinh Tăng Chi nói về 7 pháp mà kẻ thù của ta ưa thích.
1. Kẻ thù của ta mong cho ta trở thành xấu xí, nếu ta nóng giận nhan sắc của chúng ta sẽ xấu xí.
2. Kẻ thù của ta mong cho ta ngủ một cách khổ sở, nếu ta giận hờn thì giấc ngủ của ta khổ sở không yên
3. Kẻ thù của ta mong ta không đạt được lợi ích gì, nếu ta nóng giận thì ta chẳng đạt được lợi ích gì cả.
4. Kẻ thù ta mong ta không có tài sản, nghèo hèn, nếu ta nóng giận sẽ khó có tài sản hay sẽ đánh mất tài sản trở nên nghèo hèn.
5. Kẻ thù ta mong ta không có danh tiếng, nếu ta nóng giận thì ta chẳng có danh thơm tiếng tốt gì.
6. Kẻ thù ta mong ta cô độc, không có bạn bè, nếu ta nóng giận thì ta sẽ cô độc không có bạn bè.
7. Kẻ thù ta mong ta chết trong đau khổ và đọa vào địa ngục. Nếu ta thường nóng giận thì ta sẽ chết trong đau khổ và rơi vào địa ngục.
Người tu hành phải làm chủ tâm lý của mình, không phản ứng theo tự nhiên là đánh lại người đánh mình, chửi lại người chửi mình như những người bình thường khác.
Hơn nữa, người nào thường chửi mắng kẻ khác, họ tự đào hố chôn mình, ta không cần mắng chửi lại làm gì.

Nhân Quả Báo Ứng Cùng Luật Nhân Quả

Nhân quả báo ứng cùng luật nhân quả
Mỗi tôn giáo đều có phương thức lí luận nhân quả của riêng mình, nội dung cũng không giống nhau. Luật nhân quả báo ứng được quan niệm khác nhau, thậm chí đang tồn tại sự khác biệt khác lớn. Phật giáo, đối với “nhân quả báo ứng“, có cái nhìn đầy đủ và thấu triệt, bài viết này theo lí luận của Lời Phật Dạy để làm căn cứ cho vấn đề nghiên cứu nhân quả.
Nội dung lí luận nhân quả trong Phật pháp rất rộngNhân quả báo ứng  thảo luận những vấn đề cốt yếu nhất của nhân quả báo ứng, song nó chỉ là hạt nước nhỏ bé trong biển luật nhân quả mênh mông của Phật giáo.
Nói một cách đơn giản, “nhân quả báo ứng” chính là làm thiện được quả báo thiện, còn làm các điều ác bị quả báo ác. “Luật nhân quả” chính là phương thức, qui tắc cùng định luật cố định của nhân quả báo ứng.
Còn nói rõ hơn, những hành vi thuộc ác chủ yếu là “thập ác và ngũ nghịch”. Mỗi hành vi xấu ác, đều phải chịu ác báo tương xứng với hành vi đó. Vả lại, căn cứ vào những hành vi xấu ác nặng hay nhẹ mà có quả báo khác nhau. Làm mười điều ác, sau khi chết chắc chắn phải thọ khổ trong địa ngục, còn tạo ác nhẹ hơn, sau khi chết chuyển sinh thọ khổ trong loài ngạ quỉ, nếu tạo ác nhẹ hơn nữa, thọ khổ trong loài súc sinh. Sau khi thọ hết tất cả thống khổ trong các đường này rồi, sẽ được chuyển sinh trở lại làm người, và tiếp tục bị thọ các quả báo như dưới đây:
1. Sát sinh: Sẽ bị quả báo như: nhiều bệnh, tàn tật, chết yểu, nhiều tai họa, cốt nhục chia lìa… (Trực tiếp hoặc gián tiếp sát hại, đánh đập, ngược đãi, tổn hại người, động vật, đều thuộc hành vi sát sinh, đều bị những quả báo như trên).
2. Trộm cắp: Sẽ bị quả báo nghèo khổ, tài sản bị người khác chiếm đoạt… (Hễ tài vật hoặc đồ dùng của người khác,chưa được sự đồng ý của họ mà ta tự lấy dùng hoặc chiếm đoạt, đều thuộc trộm cắp).
3. Tà dâm: Bị quả báo gặp những người vợ (chồng) hung dữ, không chung thủy, vợ con bị người khác cưỡng hiếp, bà con không vừa lòng. ( Làm bậy, quan hệ với nam nữ, cho đến làm những việc có liên quan đến sắc tình, đều thuộc tà dâm).
4. Nói dối: Quả báo bị người phỉ báng, khinh khi. (Nói không đúng sự thật, làm chứng bậy, không giữ chữ tín, đều phạm vào tội nói dối).
5. Nói lời trau chuốt: Bị quả báo nói ra lời nào mọi người đều không tin, không tiếp thu, lời nói không rõ ràng, diễn đạt người ta không hiểu. (Nói những lời tà dâm, những lời khiến cho mọi người nghĩ chuyện ái ân, đều gọi là nói lời trau chuốt).
6. Nói lưỡi đôi chiều: Bị quả báo quyến thuộc chia lìa, thân tộc xấu ác. (Đâm bị thóc, thọc bị gạo, gây chia rẽ, đều phạm tội nói lưỡi đôi chiều).
7. Nói lời hung ác: Quả báo thường bị người mắng chửi, gặp nhiều chuyện kiện cáo tranh chấp. (Dùng lời tàn bạo, độc ác mắng người, đều thuộc nói lời ác).
8. Tham dục: Bị quả báo tâm không biết đủ, tham dục không chán. (Tham cầu hưởng thụ các loại như tiền tài, sắc đẹp, danh lợi… say mê không có ý niệm xa rời, tất cả những thứ này đều thuộc tham).
9. Sân nhuế: Bị quả báo thường bị người dị nghị, nhiễu loạn khiến cho phiền não, hoặc bị hãm hại. (Gặp chuyện không vừa lòng liền sinh tức tối oán hận, đây tức là sân nhuế).
10. Nghi: Bị quả báo sinh vào gia đình tà kiến, sinh ra nơi xa xôi hẻo lánh thiếu Phật pháp và văn minh, tâm nịnh nọt, không ngay thẳng, nhiều mưu mô quỉ kế, thích những người có tâm nịnh hót. (Nghi chỉ cho những người có cái  nhìn tà, không tin nhân quả).

Nhân quả báo ứngNguồn: http://loiphatday.org/nhan-qua-bao-ung-cung-luat-nhan-qua

Niệm Lành Sanh Tướng Đẹp - Thầy Thích Pháp Hòa

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Sức Mạnh Của Hiện Tại - Chương 5 - Eckhart Tolle


CHƯƠNG V

TRẠNG THÁI CÓ MẶT SÂU SẮC Ở HIỆN TẠI
ĐIỀU ĐÓ KHÔNG PHẢI NHƯ BẠN NGHĨ ĐÂU

Ông đã đề cập nhiều đến trạng thái có mặt sâu sắc như là một chìa khóa. Tôi cho rằng tôi có thể hiểu được trên mặt trí năng nhưng không rõ là tôi đã từng kinh nghiệm được trạng thái ấy chưa. Liệu trạng thái ấy có như tôi nghĩ không hay nó chỉ là một cái gì hoàn toàn khác hẳn?
Điều đó không phải như bạn nghĩ đâu! Bạn không thể nào nghĩ gì về trạng thái có mặt sâu sắc, lý trí của bạn không thể hiểu được trạng thái đó. Để hiểu về sự hiện diện sâu sắc thì bạn phải “là” sự hiện diện đó.
Hãy thử làm một thí nghiệm nhỏ. Bạn nhắm mắt lại và tự bảo mình “không biết ý tưởng sắp đến ở trong tôi sẽ là ý tuởng gì đây”. Xong bạn rất tỉnh táo và chờ đợi sự xuất hiện của ý tưởng đó. Hãy giống như một con mèo đang canh chừng một hang chuột. Ý tưởng nào của bạn sẽ xuất hiện từ hang chuột đây? Hãy làm thử đi.
-----
Sao rồi?
Tôi phải đợi một thời gian khá lâu mới thấy một ý tưởng xuất hiện.
Đúng vậy, chừng nào bạn có mặt thật sâu sắc, bạn sẽ không còn một chút suy nghĩ nào nữa. Bạn cảm thấy rất yên tĩnh, nhưng tỉnh táo cao độ. Khi sự chú tâm của bạn bị chùng xuống dưới một mức nào đó, thì ý tưởng mới bắt đầu có thể tràn vào. Tiếng ồn ào của những suy nghĩ miên man mới bắt đầu trở lại, sự tĩnh lặng sẽ biến mất. Bạn lại trở về với thời gian – quá khứ và tương lai.
Để đo lường mức độ có mặt của đệ tử mình, một thiền sư thường từ từ im lặng tiến đến sau lưng một người học trò của mình, rồi bất thần đưa cây gậy lên quất. Thật là một sự bất ngờ! Nhưng nếu một thiền sinh đang hoàn toàn có mặt, và đang ở trong trạng thái tỉnh táo cao độ, như cách nói của Chúa Jesus “Hãy che chở từng thớ thịt ở trong mình và giữ cho ngọn đèn tiếp tục cháy”, khi đó hẳn họ sẽ nhận ra rằng thầy của mình đang từ phía sau tiến lại, và họ sẽ đưa tay ra ngăn chiếc gậy lại, hay tránh đi bằng cách bước sang một bên. Nếu bị thầy đánh, tức là thiền sinh đó đang bị chìm trong suy tưởng, chưa thực sự có mặt, tức là thiếu sự tỉnh thức.
Thực tập có mặt trong đời sống hàng ngày giúp bạn bồi đắp gốc rễ ở trong ta, nếu không thì những suy nghĩ miên man, với quán tính rất mạnh của nó, sẽ cuốn bạn đi như một dòng sông hoang dại.
Vậy “gốc rễ ở trong ta” là gì?
Là an trú, là sự có mặt hoàn toàn với thân thể của mình. Là luôn hướng sự chú tâm của mình vào trường năng lượng bên trong của cơ thể. Có thể nói: đó là cảm nhận cơ thể của bạn từ bên trong. Nhận thức về cơ thể giúp ta hiện diện. Nhận thức về cơ thể giúp ta cắm neo trong Giây Phút Hiện Tại.
-----

Ý NGHĨA MẬT TRUYỀN CỦA SỰ “CHỜ ĐỢI” TRONG CẢNH GIÁC

Về một mặt nào đó, ta có thể so sánh trạng thái có mặt với sự chờ đợi trong cảnh giác. Chúa Jesus từng nói về trạng thái chờ đợi như thế này trong những câu chuyện ngụ ngôn của Ngài. Đây không phải là sự chờ đợi trong nôn nóng và chán nản bình thường, tức là phủ nhận hiện tại như tôi đã đề cập trước đây. Đó cũng không phải là loại chờ đợi khi tâm ý của bạn được tập trung vào một tiêu điểm trong tương lai và hiện tại lúc đó được xem như là một chướng ngại không đáng có, ngăn không cho bạn đạt được những gì mình mong muốn. Đây là một sự chờ đợi có tính chất khác, nó đòi hỏi ta phải tỉnh táo hoàn toàn. Nếu không hoàn toàn tỉnh táo, không tuyệt đối yên tĩnh, ta sẽ bỏ qua một cách đáng tiếc một chuyện gì đó sẽ xảy ra trong bất kỳ lúc nào. Đây là kiểu chờ đợi Chúa Jesus đã từng nói đến. Trong trạng thái đó, tất cả sự chú ý của bạn là ở phút giây hiện tại. Không mơ màng, nghĩ ngợi, nhớ nhung hay phỏng đoán. Không có sự căng thẳng hay sợ hãi mà chỉ là sự hiện diện đầy tỉnh táo. Bạn có mặt với toàn bộ sự Hiện Hữu của mình, có mặt với từng tế bào trong cơ thể bạn. Trong trạng thái đó, cái “ta” có quá khứ có tương lai – có khi được gọi là cá tính – khó mà tồn tại được. Bạn sẽ không mất đi thứ gì cà. Vì căn bản bạn vẫn là bạn. Thực ra, lúc đó bạn mới thực là bạn, một cách đầy đủ hơn bao giờ hết, hay nói đúng hơn, chỉ có bây giờ bạn mới thực sự là bạn.
Chúa Jesus đã từng nói: “Hãy như là một người hầu chờ đợi chủ về”. Người hầu đâu biết khi nào thì chủ mình về nên luôn luôn sáng suốt, tỉnh táo, đĩnh đạc, yên lặng trong trạng thái sẵn sàng chờ đón. Ở một câu chuyện khác, Chúa Jesus kể về năm người đàn bà bất cẩn (mê lầm) họ không có đủ dầu đốt (sự tỉnh thức) để giữ cho ngọn đèn tiếp tục cháy (an trú trong phút giây hiện tại) vì vậy, không đón được chàng rể (phút giây hiện tại) và không được đi dự tiệc cưới (giác ngộ). Năm người này khác hẳn với năm người đàn bà khôn ngoan khác, họ có đủ dầu (vẫn duy trì được sự tỉnh thức).
Qua những câu chuyện ngụ ngôn này, Chúa đã không có ý nói về ngày tận thế mà là về việc chấm dứt sự thống trị của thời gian – quá khứ và tương lai – trên tâm thức của con người. Những câu chuyện ấy muốn nói về trạng thái vượt thoát ra khỏi sự khống chế của tâm thức tự ngã và khả năng sống trong trạng thái hoàn toàn mới mẻ của nhận thức.
-----

CÁI ĐẸP PHÁT SINH TỪ SỰ CÓ MẶT TĨNH LẶNG CỦA BẠN

Chỉ những khi ở một mình giữa thiên nhiên, thỉnh thoảng tôi có cảm nhận được, dù chi trong thoáng chốc, những gì ông vừa đề cập đến.
Vâng, các Thiền sư thường dùng chữ Ngộ, satori, để mô tả một ánh chớp của sự tỉnh thức, một thoáng của trạng thái Tâm không hề suy tư nhưng lại rất hoàn toàn có mặt. Dầusatori không phải là sự chuyển hóa bền lâu, bạn hãy tri ân khi nó đến vì trạng thái đó giúp ta nếm được mùi vị của trạng thái giác ngộ. Hẳn là bạn đã trải nghiệm trạng thái đó nhiều lần rồi, nhưng có thể bạn không ý thức được nó là gì cũng như không hiểu tầm quan trọng của trạng thái tỉnh thức đó. Ta cần có sự hiện diện sâu sắc để ý thức được nét đẹp, vẻ tráng lệ, linh thiêng của đất trời. Bạn đã từng ngước nhìn lên bầu trời đêm và thán phục bởi vẻ tĩnh lặng tuyệt đối và sự bao la của đất trời? Bạn đã từng nghe, thực sự nghe, âm thanh của một dòng suối đang chảy ở trong rừng? Hay tiếng chim hót vào lúc hoàng hôn một chiều hè vắng lặng? Để cảm nhận được những nét đẹp đó, tâm bạn cần phải tĩnh lặng, cần phải tạm thời trút bỏ những gánh nặng của suy tư, ưu phiền, về quá khứ hay tương lai, cũng như những tri thức cạn cợt của mình. Nếu không thì thấy mà như không thấy, nghe mà như không nghe, vì bạn đã không có mặt một cách hoàn toàn.
Ngoài vẻ đẹp của những hình thể ở bên ngoài, ở đây còn có một cái gì không thể gọi tên, không thể diễn tả bằng lời, một cái gì đó rất thiêng liêng, sâu xa ở bên trong. Bản chất này sẽ luôn chiếu sáng, bằng một cách nào đó, bất cứ khi nào có sự hiện hữu của cái đẹp. Nó chỉ biểu hiện bạn khi bạn thực sự có mặt. Có phải cái tinh chất không tên gọi này và sự hiện diện của bạn là một không? Liệu nó có tồn tại khi không có sự hiện diện của bạn không? Hãy đi sâu vào trong đó. Hãy tự tìm ra cho chính mình.
-----

Có lúc bạn đã trải qua những phút giây có mặt sâu sắc như thế, nhưng có thể bạn không nhận ra là mình đang ở trong trạng thái tâm thức không vướng chút suy tư, dù chỉ trong thoáng chốc. Đó là vì khoảng cách giữa giây phút không suy tư đó và dòng suy tưởng miên man xuất hiện sau đó là quá ngắn ngủi. Trạng thái satori, chỉ kéo dài được vài giây trước khi dòng suy tưởng miên man tràn vào, nhưng nếu không có giây phút đó thì ta không thể cảm nhận được cái đẹp đang hiện hữu. Lý trí của bạn sẽ không thể nhận ra cái đẹp; lý trí của bạn cũng không bao giờ có thể tạo ra được cái đẹp. Chỉ khi bạn hoàn toàn có mặt thì nét đẹp và sự linh thiêng ấy mới xuất hiện, dù chỉ một vài giây. Vì khoảng cách quá ngắn ngủi và vì bạn thiếu cảnh giác và tỉnh táo, nên bạn không thấy được sự khác nhau rất cơ bản giữa hai khái niệm: sự cảm nhận vẻ đẹp mà không thoáng một chút suy tư nào, với việc suy diễn và đặt tên của quá trình hình thành một ý tưởng ở trong bạn. Vì khoảng cách thời gian quá ngắn nên cái này xảy ra tiếp theo cái kia rất nhanh và bạn chỉ nhận thức chúng như là một sự kiện mà thôi. Tuy nhiên, vì bạn không có mặt để nắm bắt hết được những gì đang xảy ra lúc ấy, nên khi dòng suy tưởng tràn vào, tất cả những sự kiện đó chỉ còn là một ký ức mơ hồ ở trong bạn.
Khoảng cách thời gian giữa nhận thức trong sáng và dòng suy tưởng miên man ở trong bạn càng rộng, thì chiều sâu đời sống tâm linh của bạn với tư cách là một con người càng sâu hơn, tức là bạn càng thêm tỉnh thức.
Nhiều người bị giam hãm vì những suy nghĩ miên man đến nỗi vẻ đẹp thiên nhiên thực sự không bao giờ hiện hữu đối với họ. Họ có thể nói “Hoa rất đẹp” nhưng đó chỉ là sự cố gắng dán nhãn hiệu của lý trí một cách máy móc. Vì lòng họ không yên lắng, vì họ không có mặt, nên họ không thực sự nhìn thấy bông hoa, họ không cảm nhận được vẻ tinh túy và thiêng liêng của bông hoa – cũng như họ không hiểu được chính họ, không cảm được bản chất thần thánhcủa chính mình.
-----

NHẬN THỨC TRẠNG THÁI TINH CHẤT CỦA TÂM

Sự có mặt sâu sắc cũng giống như Hiện Hữu(1)?
Khi ta ý thức được Tâm thì lúc đó Tâm cũng tự nhận ra được chính Tâm. Khi Hiện Hữu nhận ra được chính nó thì đó cũng chính là sự có mặt, mà bạn cảm nhận được ở trong bạn. Như thế, các danh từ: Hiện Hữu, Tâm, nhận thức hay đời sống đều có cùng một nghĩa như nhau, ta có thể nói rằng sự có mặt là khi nhận thức trở thành tự nhận thức, hay đời sống đạt mức tự nhận thức được chính nó.
Tuy nhiên, xin đừng bám vào từ ngữ, cũng đừng cố gắng để hiểu được nó. Đừng cố gắng hiểu một cái gì trước khi bạn trở thành có mặt.
Tôi hiểu những gì ông vừa nói, nhưng dường như là Hiện Hữu – thực tại tối hậu vượt thoát mọi hiểu biết của con người – vẫn chưa được hoàn thiện, rằng nó đang trong quá trình phát triển. Thượng Đế cũng cần thời gian để tự phát triển ư?
Đúng, nhưng chỉ đúng từ cái nhìn giới hạn của thế giới hữu hình. Trong Kinh Thánh, Thượng Đế đã phán: “Ta là Alpha và Omega, ta là Đời Sống Duy Nhất”. Cõi không-có-thời-gian nơi Thượng Đế ngự trị, nơi đó cũng là “căn nhà của bạn”, nơi bắt đầu và kết thúc, Alpha và Omega, đều là Cái Một và bản chất của tất cả mọi thứ trước đây và sau này cũng thế, đang hiện diện miên viễn dưới một trạng thái hợp nhất và hoàn thiện không hình tướng – hoàn toàn vượt khỏi bất cứ cái gì mà con người có thể hình dung hoặc thông hiểu được. Tuy nhiên, trong thế giới của các vật hữu hình có vẻ như tách biệt này của chúng ta, khái niệm sự hoàn thiện không bị chi phối bởi thời gian là một khái niệm mà chúng ta khó có thể hình dung được. Ở đây, ngay cả nhận thức, tức là ánh sáng phát ra từ Nguồn bất tận, dường như cũng đang trong quá trình phát triển, đây là do sự giới hạn về mặt cảm nhận của chúng ta. Trong thế giới tuyệt đối thì không phải vậy. Tuy nhiên, tôi muốn nói thêm về sự tiến hóa của nhận thức của con người trong thế giới này.
Mọi vật đang tồn tại đều có Hiện Hữu, đều có tinh-chất-của-Thượng-Đế, đều có một mức độ nhận thức nào đó. Ngay cả hòn đá cũng có một mức độ nhận thức thô sơ nào đó. Nếu không thì nó không thể tồn tại được, vì những nguyên tử và phân tử sẽ tự phân ly. Mọi thứ đều là ở thể sống. Mặt trời, quả đất, cây cối, động vật, con người… đều là thể hiện của nhận thức ở các mức độ khác nhau, các biểu hiện hữu hình khác nhau của nhận thức.
Thế giới chúng ta hình thành khi nhận thức mang hình và dạng, dạng suy tư và dạng vật chất. Hãy nhìn hàng triệu thể sống chỉ riêng trên hành tinh này. Chúng ở ngoài biển, trên đất liền, trong không trung; và mỗi thể sống đó nhân ra hàng triệu lần. Để làm gì? Có ai đó đang chơi trò chơi, một trò chơi “hình thể” không? Đây là câu hỏi mà các nhà hiền triết Ấn Độ xa xưa thường hỏi. Họ xem thế giới là lila, một loại trò chơi thiêng liêng mà Thượng Đế đang chơi. Trong trò chơi này, từng cá thể rõ ràng là không quan trọng. Ở ngoài biển, hầu hết các thể sống thường không sống lâu hơn vài phút sau khi được sinh ra. Hình hài con người cũng hóa thành cát bụi khá chóng vánh, và khi đã biến mất, có thể nói rằng sự biểu hiện ấy hình như chưa từng bao giờ có thực. Điều này có bi thảm hay tàn nhẫn quá không? Điều này chỉ bi thảm khi ta muốn tạo ra một thực thể riêng biệt cho mỗi hình dạng, chỉ bi thảm khi ta quên là nhận thức chính là bản chất của Thượng Đế (hay Phật Tánh) đang tự biểu hiện thành hình dạng. Nhưng ta chưa thể biết được điều này khi ta chưa nhận ra được “bản chất Thượng Đế” (hay Phật Tánh) của riêng ta, như là nhận thức thuần túy.
Nếu có một con cá được sinh ra trong bể và ta đặt tên cho nó là John, viết cho nó một giấy khai sinh, cho nó một hoàn cảnh gia đình và hai phút sau đó, nó bị một con cá khác ăn, thì quả là bi thảm. Nhưng sở dĩ điều đó trở thành bi thảm vì ta đã phóng chiếu ra một thực thể riêng biệt – John – khi thực sự không có cái gì riêng biệt cả. Đó là vì bạn bám víu vào một phần nhỏ của một quá trình năng động của đời sống, một điệu múa ở cấp phân tử, và tạo cho nó một thực thể riêng.
Nhờ thông qua bạn, Tâm mới có thể giả vờ đóng vai những hình tướng cho đến khi những hình tướng này đạt đến một mức độ tinh vi nào đó thì Tâm tự đánh mất mình ở trong đó. Ở con người ngày nay, Tâm đã bị đồng hóa với cái mặt nạ chính nó tự đeo vào(2). Tâm quên đi bản chất thiêng liêng của chính mình, và chỉ biết nó chỉ là một hình tướng thôi và vì thế nó luôn sợ hãi rằng hình hài của nó sẽ bị hoại diệt về thể chất cũng như tâm lý. Đây chính là cảm nhận hạn hẹp của bản ngã(3) và cũng là nơi sự băng hoại được bắt đầu. Từ đó, bạn bỗng cảm thấy hình như có một điều gì rất sai đang xảy ra đâu đó trên con đường tiến hóa. Nhưng đây cũng là một phần của lila, trò chơi của Đấng thiêng liêng. Cuối cùng, dưới áp lực lớn lao của đau khổ do sự băng hoại của tự ngã ở trong bạn gây ra buộc Tâm phải thoát ly khỏi hình tướng, đưa nó ra khỏi giấc mơ hình tướng; Tâm “tự tỉnh thức” nhưng lần này sự tỉnh thức xảy ra ở một cấp độ sâu xa hơn trước đây, khi Tâm tự đánh mất chính mình.
Quá trình này được Chúa Jesus giải thích trong câu chuyện ngụ ngôn về đứa con rời bỏ nhà đi lưu lạc, tiêu hết của cải, trở thành cơ cực, do khổ đau quá sức chịu đựng mà phải trở về lại nhà. Khi người con trở về thì người cha đem lòng yêu thương con mình hơn trước nữa. Tâm trạng của người con cũng giống như trước đây, nhưng bây giờ có thêm chiều sâu. Câu chuyện ngụ ngôn này diễn tả cuộc hành trình của Tâm thức của chúng ta, bắt đầu đi từ sự hoàn thiện nhưng vẫn còn thiếu hiểu biết, cho đến khi sự bất toàn rất hiển nhiên và cả những “thói hư” tật xấu, sau đó thì nhờ thông qua bạn, Tâm mới đạt đến sự hoàn thiện về nhận thức.
Do đó bạn có nhận thấy ý nghĩa rộng lớn và sâu xa hơn khi bạn trở nên có mặt, làm một kẻ quan sát tất cả những ý nghĩ, cảm xúc đang xảy ra ở trong mình không? Khi bạn quan sát tâm mình, là bạn tách nhận thức ra khỏi mọi loại suy nghĩ, biến nó thành một chứng nhân. Rốt cuộc phần quan sát ở trong bạn, tức là nhận thức thuần túy vượt lên trên hình tướng – trở nên mạnh hơn và những tâm tư đang hình thành khác(4) ở trong bạn trở nên yếu hơn. Khi chúng ta nói về thực tập theo dõi những gì xảy ra ở trong tâm ta, chúng ta đang cá thể hóa một sự kiện có ý nghĩa vũ trụ: vì nhờ thông qua bạn, mà Tâm đang thức dậy, đi ra khỏi giấc mơ đồng nhất nó với thế giới hình tướng và rút lui khỏi sự mê đắm này.
Đây là điềm báo, và là một phần của một biến cố lớn xảy ra trong tương lai. Biến cố ấy được gọi là “ngày khi mà thời gian chấm dứt”(5). Đó là khi thời gian tâm lý – tức quá khứ và tương lai – không còn thống trị chúng ta nữa. Nhưng điều này thường bị người đời diễn dịch một cách sai lầm rằng: “ngày khi thời gian không còn nữa” (The end of time), tức là “ngày tận thế”.
-----


Khi nhận thức thoát ra khỏi trạng thái đồng nhất với hình tướng, vật chất cũng như tinh thần, nó trở thành cái ta có thể gọi là nhận thức thuần túy, nhận thức giác ngộ hay hiện hữu. Hiện nay điều này đã xảy ra ở một vài cá nhân, và có thể sẽ xảy ra với một quy mô lớn hơn. Hầu hết tâm thức nhân loại đang bị khống chế bởi loại nhận thức đầy tính bản ngã: tự đồng nhất mình với những lo sợ, những suy nghĩ miên man hay xuất hiện ở trong đầu mình và bị những tâm thức lo sợ ấy kềm chế. Nếu không kịp thời thoát ra khỏi sự khống chế này, chúng ta sẽ bị nó tiêu diệt. Chúng ta sẽ chứng kiến những cảnh hỗn loạn, xung đột, bạo lực, ốm đau, thất vọng và điên cuồng ngày càng gia tăng trên thế giới. Tâm thức bản ngã của nhân loại giống như một con thuyền đang chết chìm. Nếu chúng ta không thức tỉnh để bước ra khỏi thuyền, chúng ta sẽ chết chìm với nó.
Nếu loài người muốn tồn tại thì chúng ta phải đi qua giai đoạn phát triển tâm thức tiếp theo. Tâm thức đang tiến hóa khắp vũ trụ qua hàng tỷ dạng khác nhau. Nên cho dù loài người chúng ta không tiến hóa kịp, trên bình diện vũ trụ, điều đó sẽ không thành vấn đề. Nhận thứcchỉ có thêm chứ không bao giờ bị mất đi, mà nó chỉ tự thể hiện qua các dạng khác. Việc tôi đang nói ở đây và các bạn đang đọc hoặc đang nghe tôi là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhận thức mới đang giành được chỗ đứng trên hành tinh này.
Không phải tôi đang dạy các bạn mà chính bạn là nhận thức và bạn chỉ đang lắng nghe chính mình. Người phương Đông có câu: “Dạy dỗ là kết hợp giữa người dạy và cái được dạy”. Dù sao đi nữa thì ngôn từ tự nó cũng không quan trọng mấy. Ngôn từ đâu phải là Chân lý. Chúng chỉ giúp bạn hướng đến đó mà thôi. Tôi nói trong khi tôi đang hiện diện, và khi tôi nói, bạn có thể tham dự được với tôi ở trong trạng thái hiện diện đó. Mặc dù những chữ tôi dùng đều có một lịch sử riêng và chúng đã được hình thành trong quá khứ, nhưng giờ đây những chữ mà tôi đang nói với bạn đều mang một tần số rất cao của sự hiện diện, khác với ý nghĩa mà chúng thường có.
Sự im lặng còn là một con thuyền lớn chuyên chở được sự có mặt, cho nên khi bạn đọc, hay lắng nghe những gì tôi đang nói, bạn hãy ý thức về khoảng trống im lặng giữa hay đằng sau những từ đó. Hãy luôn chú tâm đến những khoảng trống im lặng ấy. Dù bất cứ đang ở đâu, bạn hãy lắng nghe sự im lặng vì đó là cách dễ dàng và trực tiếp nhất để giúp bạn trở nên có mặt. Dù đang có tiếng ồn đi nữa, vẫn luôn có một khoảng lặng ở đằng sau hoặc giữa những âm thanh ồn ào ấy. Lắng nghe sự im lặng ngay lập tức tạo ra sự yên tĩnh ở trong bạn. Và chỉ có sự yên tĩnh ở bên trong đó mới giúp bạn cảm nhận được những im lặng ở bên ngoài. Và sự yên tĩnh, không phải chính là sự có mặt của bạn, là nhận thức đã được giải phóng khỏi cả những biểu hiện khác nhau của suy tư đó sao? Đây chính là nhận thức sống động nhất về những gì chúng ta đang nói đến.
-----

ĐỨC PHẬT: HIỆN THÂN CỦA SỰ HIỆN HỮU SIÊU PHÀM CỦA BẠN

Đừng bị vướng mắc vào bất cứ ngôn từ nào. Bạn có quyền thay thế chữ “Phật” bằng những từ ngữ: an nhiên tự tại, hay ChúaVũ Trụ,… nếu những danh từ này có ý nghĩa hơn đối với bạn. Phật Tánh hay “tự tánh”, nói theo danh từ Phật giáo, chính là bản chất vốn đã có sẵn ở trong bạn. Sự khác nhau giữa Đức Phật hay Chúa Jesus và sự hiện hữu là ở chỗ, Đức Phật, hay Chúa là tượng trưng cho tính siêu phàm sẵn có ở trong bạn, bất kể bạn có ý thức về điều này hay không, trong khi sự hiện diện có nghĩa là sự tỉnh thức thiêng liêng hay tinh chất của Thượng Đế ở trong bạn.
Những hiểu lầm và niềm tin sai lạc về Chúa Cứu Thế sẽ bị xóa tan nếu bạn nhận thức rằng Chúa không thuộc về quá khứ cũng không thuộc về tương lai. Nếu nói rằng Chúa “đã” hay “sẽ là” thì ta sẽ có sự mâu thuẫn trong ngôn từ. Vâng, có Jesus, một người có tên như thế đã sống cách đây hơn 2.000 năm và đã nhận chân được sự hiện hữu thần thánh – bản chất thực sự của mình. Vì vậy Chúa mới nói “Trước khi có Abraham, tôi hiện hữu” (Before Abraham was, I am.). Ngài đã không nói “Tôi đã có mặt trước khi Abraham sinh ra” vì điểu đó có nghĩa là Ngài vẫn đang còn trong cõi bị chi phối bởi không gian và thời gian và vẫn còn đồng nhất mình với hình tướng. Cụm từ Tôi là (I am) được sử dụng trong một câu bắt đầu bằng thì quá khứ(6)(Before Abraham was, I am.) biểu hiện một sự thay đổi tận gốc rễ, một sự bất liên tục trong cõi thế tục – cõi còn chịu sự chi phối bởi thời gian. Một cách nói rất thâm thúy của Thiền. Chúa Jesus muốn truyền đạt một cách trực tiếp, mà không qua những ý tưởng lan man, những ý nghĩa của sự có mặt, của sự nhận thức về tự tánh của mình(7). Ngài đã vượt qua chiều nhận thức vẫn còn bị chi phối bởi thời gian, và đi sâu vào vương quốc phi thời gian. Cõi bất diệt đã đi vào thế giới này. Dĩ nhiên bất diệt không có nghĩa là có thời gian liên tục, hay vô tận mà chỉ có nghĩa là không có thời gian. Như thế, cái người có tên là Jesus đã trở thành Chúa Cứu Thế, hiện thân của nhận thức thuần túy. Và Thượng Đế đã tự định nghĩa về mình như thế nào trong Kinh Thánh? Phải chăng Ngài đã nói: “Ta đã và sẽ luôn (hiện hữu)”? Dĩ nhiên là không, vì điều đó tạo ra một thực tại cho quá khứ và tương lai. Mà Thượng Đế nói: “Ta chỉ là ta mà thôi”. Không có thời gian ở đây, chỉ có sự hiện diện.
-----

Đừng cá thể hóa Đức Phật hay Chúa. Đừng biến Đức Phật, Chúa thành một thực thể có hình dạng. Những bậc hóa thân, các thánh nữ, những bậc thầy giác ngộ là một thiểu số rất ít nhưng là những gì rất thật, nhưng không phải đặc biệt như những con người bình thường. Vì họ không còn một cái tôi giả tạo để bám víu, nuôi nấng hay bảo vệ. Họ rất đơn giản, đơn giản và bình thường hơn những người bình thường. Những người nào còn bản ngã lớn sẽ xem những bậc này là những người vô danh tiểu tốt, không đáng kết giao.
Nếu trong bạn có sự thôi thúc nội tâm muốn tìm đến một bậc thầy giác ngộ, chính bởi vì bạn đã có đủ sự hiện diện ở trong bạn để nhận ra sự hiện diện ở người khác. Nhiều người không nhận ra Chúa Jesus hay Đức Phật, cũng như ngược lại, luôn có những người thường bị cuốn hút bởi những bậc thầy giả hiệu. Bản ngã của ta thường bị thu hút bởi những bản ngã khác lớn hơn. Bóng tối không thể nhận ra ánh sáng. Chỉ có ánh sáng mới nhận ra được ánh sáng. Nhưng đừng tin rằng ánh sáng ấy ở ngoài bạn, hay nó chỉ có thể được biểu hiện qua một hình tướng đặc thù nào đó. Nếu thầy bạn đã là một hóa thân của Thượng Đế, thì bạn là ai, nếu không phải là một hóa thân khác của Thượng Đế(8)? Nếu bạn cho rằng bạn chỉ là một tư cách nào khác với tư cách này thì tất cả đều là tự đồng nhất mình một cách sai lầm với những biểu hiện của hình tướng, và khi bạn đã tự đồng hóa mình với hình tướng thì đó chỉ là sự đồng hóa mình với bản ngã nhỏ bé ở trong mình, dầu có được ngụy trang dưới hình thức gì đi nữa.
Hãy dùng sự có mặt, năng lực hiện diện của thầy mình để giúp mình suy gẫm về bản chất chân thật của chính mình, vượt lên trên Danh và Sắc(9), trở về lại với tự thân ta và trở nên có mặt sâu sắc, mạnh mẽ hơn. Ta sẽ sớm nhận ra là trong hiện hữu không có “của tôi” hay “của anh”. Hiện hữu chỉ là một.
Nếu được, bạn nên tìm đến để sinh hoạt trong một tăng thân hay một đoàn thể tu học. Điều này rất hữu ích, vì thực tập chung với tăng thân sẽ làm cho mạnh hơn ánh sáng của sự có mặt ở trong bạn. Khi nhiều người đến với nhau trong trạng thái có mặt, điều này giúp tạo ra một trường năng lượng tập thể có sức mạnh lớn của trạng thái hiện diện. Không những điều đó sẽ nâng cao mức độ hiện diện của từng thành viên mà còn giải phóng nhận thức tập thể của con người khỏi tình trạng bị chi phối bởi những suy tưởng miên man. Thực tập với tăng thân sẽ giúp cho mỗi cá nhân tiếp xúc được với trạng thái có mặt dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong nhóm ít nhất phải có một người đã có căn bản vững chắc để duy trì tần số năng lượng ở trạng thái có mặt đó, nếu không thì tâm thức bản ngã sẽ dễ dàng bước ra, tự khẳng định mình và phá hoại sự cố gắng của tập thể đó. Tuy nhiên, mỗi người chúng ta cũng không nên phụ thuộc vào đoàn thể mà quên đi nỗ lực và đóng góp bằng việc thực tập chuyên cần của riêng mình, ngoại trừ trong thời gian chuyển tiếp, khi bạn đang học hỏi và luyện tập để trở nên có mặt sâu sắc hơn trong mỗi phút, mỗi giây.
-----


Chú thích
1.      Hiện Hữu: Sự sống đang có mặt khắp mọi nơi trong vũ trụ.
2.      Hãy tưởng tượng rằng bạn, một vị vương tử giàu có, đi dự một dạ tiệc hóa trang. Đêm ấy bạn đóng vai một người hành khất và cuối bữa tiệc, bạn quên bẵng rằng mình nguyên là một bậc vương tử.
3.      Tâm thức bản ngã: Cách nhìn giới hạn, phân biệt giữa mình và thế giới chung quanh. Thấy có sự cách biệt giữa mình và thế giới chung quanh. Thấy có sự cách biệt, lẻ loi với thế giới bên ngoài. Thấy có một cái tôi cô đơn, cần được bảo vệ.
4.      Những tâm tư đang hình thành khác: Những biểu hiện của tâm như sợ hãi, giận hờn, lo lắng,…
5.      “Ngày khi thời gian không còn nữa”: Một câu nói trong Thánh Kinh. Nguyên văn câu tiếng Anh là “The end of Time” thường được người đời diễn dịch sai lầm rằng đó là ngày Tận Thế. Thực ra, theo người Mayan, đó là ngày đánh dấu sự chấm dứt của sự khống chế của thời gian (quá khứ và tương lai) trong tâm thức của chúng ta. Theo lịch của người Mayan (The Mayan Calendar), đó là ngày 21 tháng 12, năm 2012, ngày đánh dấu một chuyển hướng mới trong tâm thức nhân loại.
6.      Thì quá khứ: Cách dùng ngữ pháp trong tiếng Anh để chỉ về một chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ (nguyên văn là “past tense”). Ví dụ trong tiếng Việt, ta dùng từ “đã” trước một động từ để diễn tả thì quá khứ.
7.      Sự nhận thức về tự tánh của mình: Trạng thái đắc đạo, trạng thái cảm nhận sâu xa bản chất thực sự của mình, hiểu được con người chân thật của mình là cái gì.
8.      Nếu Thầy bạn (Chúa) đã là một hóa thân của Thượng Đế, thì bạn là ai, nếu không phải là một hóa thân khác của Thượng Đế. Hoặc ta có thể nói một cách khác, nếu thầy của ta, Đức Phật, có Phật Tánh, và là một con người bình thường như chúng ta; Ngài có khả năng giác ngộ và đã đạt được giác ngộ viên mãn.Vậy thì mỗi người chúng ta, ai cũng có sẵn Phật Tánh như thế, và cũng có khả năng đạt đến giác ngộ như Ngài. Nên sự thị hiện của Chúa và Phật là để giúp chúng ta thấy được bản chất chân thực của mỗi người chúng ta, giúp chúng ta nhận ra được khả năng to lớn trong mỗi người.
9.      Danh và Sắc: Tên gọi và hình tướng mà ta gọi và đặt tên cho mọi chuyện, mọi vật.