Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Ðoạn Trừ Tâm Lý Kiêu Ngạo và Dua Nịnh - Kinh Di Giáo


Từ "Các thầy tỳ kheo hãy tự xoa đầu lấy chất trực làm căn bản": Ðoạn kinh này về tu tập đoạn trừ tâm lý kiêu ngạo và dua nịnh. Ðây là những loại tâm lý làm ô nhiễm tâm và chướng ngại cho lộ trình tu tập:

1. Tâm kiêu ngạo: là tâm lý phiền não phụ thuộc của tâm lý mạn, là tâm lý thường tình của con người. Ðối với người xuất gia, nó là một chướng ngại lớn. Kinh văn dạy: "các thầy tỳ kheo, hãy tự xoa đầu mình, đã bỏ sự trang sức và đồ tốt đẹp, mình mặc áo hoại sắc, tay cầm đồ thích ứng, khất thực để sống, tự thấy như vậy mà kiêu ngạo còn nổi lên thì phải cấp tốc tỏa chiết". Người đời thường có tâm lý kiêu ngạo khi họ giàu có về vật chất, hoặc họ có địa vị cao trong xã hội, hoặc họ là người có nhan sắc đẹp đẽ. Trong khi đó người xuất gia từ bỏ tất cả tiền tài, danh vọng, sắc đẹp...đáng lẽ ra không có gì để kiêu ngạo. Kinh dạy "tự xoa đầu mình" là để ý thức điều đó, là người đã buông xả những gì thuộc về thế tục, mặc áo hoại sắc, xin thực phẩm mà sống, mà tu có gì đáng kiêu ngạo đâu ?! Tuy nhiên thực tế nhiều người xuất gia cũng có điều kiện để kiêu ngạo:
a) Người xuất gia nhờ phước báu được quần chúng ái mộ nên cúng dường vật chất đầy đủ, ăn mặc, phương tiện đi lại, nhà ở...nên ỷ lại vật chất mà sinh kiêu ngạo.
b) Người xuất gia vì được quần chúng tôn kính coi là bậc đạo sư, là Tăng bảo nên họ luôn luôn cung kính nghe lời, nên sinh tâm kiêu ngạo.
c) Người xuất gia có học, có trí thức có bằng cấp cao viết sách hay, thuyết pháp giỏi, chức vị lớn trong giáo hội, được nổi tiếng...nên sinh tâm kiêu ngạo.
d) Người xuất gia có tu tập, có chút sở đắc, có chút ít công phu sinh khen mình chê người mà kiêu ngạo.
Nếu không cảnh giác chú tâm ngăn ngừa tâm bất thiện khởi lên thì đôi khi chỉ một lý do nhỏ nhặt cũng dễ khởi tâm kiêu ngạo (chẳng hạn đẹp trai một chút ). Người tu hành đã dựa vào một thế lực nào đó; tiền tài, danh vọng, tài năng...thì sẽ vướng vào kiêu ngạo. Có người sự kiêu ngạo bộc lộ một cách rõ rệt, có người thì kiêu ngạo hoạt động thầm kín hơn, tất cả đều đem đến ô nhiễm tâm và chướng ngại con đường giải thoát. Kinh Pháp Cú đức Phật dạy:
"Việc đáng làm không làm
Không đáng làm lại làm
Người ngạo mạn phóng dật
Lậu hoặc ắt tăng trưởng (PC kệ 292)
Phải chú tâm cảmh giác chế ngự tâm kiêu ngạo đường đạo mới khai thông, ngược lại tâm kiêu ngạo là khiêm tốn, đó là tâm người tu hành. Người đời họ có đủ các điều kiện để kiêu ngạo, nếu họ giữ tâm kiêu ngạo thì sự nghiệp của họ không thể lâu bền, phải biết khiêm tốn thì mới tồn tại lâu dài. Huống gì người xuất gia với mục đích giải thoát, về mặt thế tục đã xả bỏ không có vật gì đáng kể, về mặt tâm linh phải vượt thoát phiền não, mà mang nặng tâm kiêu ngạo thì thật không đáng.

2. Tâm dua nịnh: là tâm lý phiền não phụ thuộc của tham và si, là loại tâm lý ô nhiễm làm tâm hồn xu hướng thế tục. Tâm dua nịnh, một khía cạnh nào đó thì đi đôi với tâm kiêu ngạo, người kiêu ngạo với kẻ ngang hay dưới mình thì sẽ dua nịnh người trên mình, người hơn mình. Người có tâm dua nịnh thì nói hay làm chiều theo ý người khác, tâng bốc họ quá đáng để mưu cầu lợi lộc nào đó, với tâm dua nịnh họ không nói thật, nói thẳng mà nói quanh co xoa dịu bản ngã kẻ khác. Kinh văn Phật dạy: "tâm lý dua nịnh quanh co trái ngược đạo pháp, thế nên các thầy phải chất trực tâm mình. Phải ý thức dua nịnh quanh co chỉ để dối trá, mà người nhập đạo thì không thể như vậy." Dua nịnh khác với ca ngợi tán dương người khác, trong khi ca ngợi tán dương một sự thật ưu việt của ai đó thì dua nịnh là những lời tâng bốc láo tóet có mục đích mờ ám. Ðó không phải là đức tính tốt của người xuất gia. Kinh Tăng Chi Ðức Phật dạy:"Mục đích của đời sống phạm hạnh không phải vì lừa dối quần chúng, mơn trớn quần chúng, không vì mục đích lợi dưỡng, danh vọng, cung kính...mà vì mục đích chế ngự, đoạn tận, ly tham, đoạn diệt..."(Tăng chi I Tr. 377).

Ðể giữ cho tâm mình được thanh thoát, thẳng thắn phù hợp với đức tính giải thoát, và cũng để giữ gìn tư cách của một vị tỳ kheo thì phải như kinh dạy: "ngay thẳng tâm mình, lấy đức tính chất trực làm căn bản" và trong Trung Bộ kinh, định nghĩa về Tăng rằng: "Ðệ tử của Thế Tôn đủ các đức tính diệu hạnh, trực hạnh, như lý hạnh và chánh hạnh" (kinh Ví dụ tấm vải).

Tóm lại kiêu ngạo và dua nịnh là những tâm lý ô nhiễm đều có tác dụng làm cho tâm hoen ố, rối loạn, chướng ngại con đường giải thoát, không xứng đáng cho tư cách phẩm chất của một vị tỳ kheo.

Nguồn: http://www.budsas.org/uni/u-kinhdigiao/digiao-02.htm

Kinh Suy Đồi

Kinh Suy Đồi
(Parabhava Sutta)

[1]

Tôi có nghe như vầy:
Vào một thời nọ Đức Thế Tôn ngự tại Jetavana (Kỳ Viên), của Trưởng Giả Anathapindika (Cấp Cô Độc), gần thành Savatthi (Xá Vệ).
Lúc bấy giờ, đêm về khuya, có một vị Trời hào quang chiếu diệu sáng tỏa toàn khu Kỳ Viên, đến hầu Phật, lại gần nơi Phật ngự, đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi đứng sang một bên. Khi đã đứng yên, vị Trời cung kính bạch với Đức Thế Tôn bằng lời kệ:
1. Con xin đến đây hầu Đức Thế Tôn và bạch hỏi Ngài về con người suy đồi. Kính xin Đức Gotama (Cồ Đàm) mở lượng từ bi, hoan hỷ chỉ dạy chúng con vì nguyên nhân nào người ta suy đồi.
2. Tình trạng tiến bộ dễ hiểu biết, tình trạng suy đồi dễ hiểu biết. Người biết thương Giáo Pháp (Dhamma) là tiến bộ. Ghét bỏ Giáo Pháp là suy đồi.
3. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân đầu tiên làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ nhì đưa con người đến tình trạng suy đồi.
4. Thân thiện với kẻ hư hèn, không thấy gì tốt nơi người đạo đức, người thật lòng vui thú với thói hư tật xấu - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.
5. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ thì làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ ba đưa con người đến tình trạng suy đồi.
6. Người dể duôi dã dượi, ham vui ở chỗ đông người, không chuyên cần, biếng nhác và nóng nảy - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.
7. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ ba làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ tư đưa con người đến tình trạng suy đồi.
8. Người giàu có mà không cấp dưỡng cha mẹ già đã quá tuổi xuân xanh - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.
9. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ tư làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ năm đưa con người đến tình trạng suy đồi.
10. Người giả dối, gạt gẫm một vị Bà La Môn, một vị đạo sĩ ẩn dật hay một đạo sĩ du phương hành khất - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.
11. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ năm làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ sáu đưa con người đến tình trạng suy đồi.
12. Người có tiền của dồi dào, nhiều vàng, lắm vật thực, nhưng chỉ thọ hưởng riêng mình - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.
13. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ sáu làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ bảy đưa con người đến tình trạng suy đồi.
14. Người kiêu căng, tự phụ với dòng dõi, với tài sản sự nghiệp hoặc giai cấp mình và khinh khi những người khác - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.
15. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ bảy làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ tám đưa con người đến tình trạng suy đồi.
16. Người trụy lạc, say sưa rượu chè và phung phí tài sản - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.
17. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ tám làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ chín đưa con người đến tình trạng suy đồi.
18. Không biết an phận với chính vợ nhà, ăn ở với gái giang hồ và vợ người khác - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.
19. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ chín làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ mười đưa con người đến tình trạng suy đồi.
20. Người đã quá tuổi xuân xanh, cưới về bà vợ quá trẻ và ăn ở sống chung không phải vì tình thương chăm sóc - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.
21. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ mười làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ mười một đưa con người đến tình trạng suy đồi.
22. Người tự đặt mình dưới quyền một người đàn bà hay một người đàn ông phung phí, vô độ lượng - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.
23. Điều này như vậy, chúng con được học, là nguyên nhân thứ mười một làm cho con người suy đồi. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chỉ dạy nguyên nhân thứ mười hai đưa con người đến tình trạng suy đồi.
24. Người có ít phương tiện mà nhiều tham vọng, dòng dõi chiến sĩ mà khát khao cần quyền tối thượng - đó là nguyên nhân làm cho con người suy đồi.

25. Thấu rõ những nguyên nhân đưa đên tình trạng suy đồi trên thế gian, bậc Hiền Trí Cao Thượng sống với trí tuệ trong cảnh giới nhàn lạc.

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Hỏi Đáp: Nên Xử Sự Đối Với Người Hủy Báng Mình như thế nào?


Câu hỏi:
Thưa sư, với những kẻ từng tổn hại sức khỏe, danh dự mình, khi mình gặp lại thì xử sự thế nào ạ?
Con xin sư cho con lời khuyên để ứng xử cho tinh tế ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cách xử sự nào không quan trọng, mà chủ yếu là thái độ của con đối với người ấy. Thái độ thường diễn biến đúng hướng như sau:
Từ oán hận muốn loại trừ đối tượng cho đến khi mệt mỏi căng thẳng thì cũng dịu bớt và nguôi ngoai dần rồi bắtđầu thấy chịu đựng được chứ không oán hận làm gì cho mệt. Thế là vô tình khả năng 
nhẫn nại được phát huy. Nhẫn được thì thấy mình thoải mái ra nên không chấp nữa. Mà kỳ lạ thật, từ khi không chấp nữa thì tâm bắt đầu tự nhủ thầm: "Thôi tha thứ cho nó đi để khỏi bận lòng". Mà khi tha thứ được rồi thì lại thấy: "Nó cũng tội nghiệp, chắc nó cũng sân cũng khổ không thua gì mình", thế là tự nhiên đồng cảm rồi thông cảm với nó. Thông cảm rồi thì lòng thương yêu chớm nở và ngay khi đó thấy "Mình thật là hạnh phúc. Mầu nhiệm thay! Sao bây giờ mình không còn oán hận mà lại thanh thản nhẹ nhàng, ngập tràn thương yêu và hạnh phúc thế này?"... 
"Thì ra có trải nghiệm thử thách khó khăn này mình mới vượt qua được cái ta đầy bảo thủ và đối kháng để giờ đây mình mới hiểu được thế nào là an lạc"... 
"Thì ra nhờ hắn ta mà mình giác ngộ giải thoát khỏi thành trì của cái ta ảo tưởng"... 
"Vậy hắn ta là ân nhân chứ đâu phải là kẻ thù như mình tưởng khi trong lòng còn chấp chứa đầy thù hận nhỉ?"... 
"Chân thành cám ơn bạn thật nhiều nhé, vì nhờ bạn mà mình đã biết được thế nào là nhẫn nại, tha thứ, thông cảm, thương yêu"... 
"Và bây giờ xin bạn hãy tha thứ cho mình vì mình đã từng có ý nghĩ xấu về bạn và thậm chí muốn bạn đừng hiện hữu trên đời"...
Thảo nào người Ấn Độ có 4 quy tắc tâm linh:
1) Bất cứ người bào bạn
 gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp.
2) Bất cứ điều gì xảy ra thì đó chính là điều nên xảy ra.
3) Trong mỗi khoảnh khắc mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm.
4) (Vậy thì:) N
hững gì đã qua, cho qua. 

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Ngây Thơ & Không Hiểu Biết - Osho

“Không hiểu biết” và “ngây thơ” cũng có chỗ giống nhau nhưng chúng không phải là một. Ignorance là tình trạng không biết, giống như ngây thơ. Nhưng có một khác biệt lớn mà cả nhân loại đến bây giờ cũng không biết. Ngây thơ là không có kiến thức nhưng không hề khao khát có được kiến thức. Ngây thơ tự nó tròn đầy ý nghĩa.

Một đứa con nít không có tham vọng, không có ước vọng. Nó luôn luôn sống hết mình trong từng khoảnh khắc sống của nó… Một con chim bay qua, đứa trẻ nhìn không chớp mắt; hay chỉ thoáng thấy một con bướm màu sắc đẹp cũng đủ để đứa trẻ hát ca. Với một cái cầu vổng trên trời, đứa trẻ sẽ ngây ngất như không còn biết điều gì huy hoàng hơn nữa. Cũng cảm giác như thế đến với trẻ con, khi chúng nhìn thấy trăng sao vằng vặc trong đêm tối mênh mông.

“Ngây thơ vô nhiễm” là tinh khiết, là tràn đầy, là giàu có. “Không hiểu biết” là nghèo nàn, là ăn xin… là tôi muốn điều này, tôi muốn điều kia, tôi muốn được hiểu biết, tôi muốn được kính trọng, tôi muốn được giàu sang, tôi muốn được quyền lực.

Không hiểu biết (ignorance) đi trên con đường của khát khao. Ngây thơ vô nhiễm (innocence) là trạng thái không hề khao khát. Nhưng bởi vì cả hai trường hợp cùng là tình trạng không có kiến thức (knowledge) nên chúng ta thường lầm lẫn và qui kết rằng chúng cũng như nhau.

Bước đầu tiên trong nghệ thuật sống là nhìn thấy cái ranh giới phân biệt giữa cái không hiểu biết(ignorance) và sự ngây thơ vô nhiễm (innocence). Sự ngây thơ vô nhiễm phải được cũng cố và bảo vệ, bởi vì đứa trẻ được sinh ra với sự ngây thơ nghĩa là với một kho báu lớn, cái kho báu mà các nhà thông thái phải đi tìm cả đời với nỗ lực nhọc nhằn. Các minh sư thường nói rằng họ đã trở lại trẻ thơ một lần nữa, họ đã được tái sanh.

Ở Ấn Độ, một người Bà-la-môn thực sự, nghĩa là một người hiểu biết thực sự, tự gọi mình là Dwij, nghĩa là được sinh hai lần. Tại sao lại được sinh hai lần? Cái gì đã xảy ra trong lần sinh thứ nhất? Tại sao cần phải có lần sinh thứ hai? Lần sinh thứ hai ông ấy được gì? Trong lần sinh thứ hai ông ấy lấy lại tất cả những cái ông ta đã có trong lần sinh thứ nhất, những cái mà cha mẹ, xã hội, và tất cả những người xung quanh đã hủy diệt và triệt tiêu chúng.

Trẻ con đang bị nhồi nhét đầy ắp những kiến thức. Cái đơn thuần và trong sáng vì thế bị cướp mất, lí do là ai cũng biết cái đơn thuần không giúp được gì cho đứa trẻ trong cái xã hội cạnh tranh này. Một đứa trẻ đơn thuần (simple) thường bị coi là ngốc nghếch, và đứa trẻ ngốc nghếch sẽ bị cuộc đời lợi dụng và bóc lột. Sợ hãi xã hội, sợ hãi thế giới, chúng ta tự thay đổi mình để thích ứng và cũng muốn làm cho trẻ con trở thành thông minh, sắc sảo, đầy kiến thức, để chúng được hội nhập vào thế giới quyền lực mạnh mẽ, chứ không để chúng rơi vào sự yếu kém hay bị áp bức. Và một khi đứa trẻ lớn lên sai định hướng, nó sẽ tiếp tục con đường sai lầm đó, cả cuộc đời nó sẽ tiếp tục bị sai lầm.

Bất cứ khi nào bạn thấy rằng dường như bạn đã đánh mất cuộc sống, nguyên tắc đầu tiên là tìm lại sự ngây thơ (innocent).

Buông kiến thức xuống, quên hết kinh điển đi, quên tôn giáo đi, quên thần học và triết lí đi, trở lại ngây thơ… và điều này bạn có thể làm được, bằng cách: Tẩy sạch tâm trí của bạn, tẩy sạch tất cả những gì không phải là bạn, tẩy sạch tất cả những gì vay mượn, tất cả những gì thuộc về truyền thống, qui ước, tất cả những gì thuộc về người khác như cha mẹ, thầy giáo, trường đại học… tẩy sạch, vất tất cả. Một lần nữa ta trở nên đơn thuần.

Đời sống là khám phá, chứ không phải là tham vọng để trở thành cái này cái nọ, như trở thành tổng thống một quốc gia, một thủ tướng, một bộ trưởng. Sống là để tìm ra “Tôi là ai?”. Một điều rất lạ lùng là người ta thường không biết mình thực sự là ai, lại mong muốn trở thành một người như thế nào đó. Người ta không biết mình là ai ngay trong hiện tại, không quen thuộc với chính hiện hữu của mình nhưng bao giờ cũng muốn trở thành cái gì đó!

Trở thành một cái gì (becoming), đó là căn bệnh của tâm hồn. Hiện hữu (being) mới chính là bạn.
Ngay lúc khám phá ra hiện hữu của mình thì đời sống bắt đầu. Rồi thì cứ mỗi khoảnh khắc sống của ta là một khám phá mới mẻ. Bất cứ một khoảnh khắc nào cũng là một niềm vui. Cánh cửa bí mật đã mở, tình yêu mới đâm chồi, đam mê mới xuất hiện, cảm xúc mới về cái đẹp, cái tốt. Bạn trở thành thật nhạy cảm, chỉ một cạnh sắc của lá cỏ cũng đem đến vô vàn cảm giác. Sự nhạy cảm làm cảm giác bạn rõ ràng đến mức dù là hiện hữu của chỉ một lá cỏ cũng bằng như hiện hữu của một vì sao; không có lá cỏ này hiện hữu dường như thiếu đi; và bởi vì lá cỏ này là duy nhất không có gì thay thế cho nên nó có riêng tính cá thể của nó.

Sự nhạy cảm sẽ tạo nên nhiều tình bạn. Tình bạn với cỏ cây, với chim muông, với thú vật, với núi đồi, với sông suối, với đại dương và với cả những vì sao. Đời sống trở thành giàu có hơn vì tình yêu lớn dậy, vì tình bạn lớn lên.

Cuộc đời của thánh Francis đầy những chuyện đẹp. Ngài thường phải đi trên một con lừa đây đó để chia sẻ những thể nghiệm của mình. Vị thánh sắp chết. Tất cả đệ tử vây quanh để nghe lời cuối của ngài. Lời cuối của một vị thầy luôn luôn là điều gì tiêu biểu nhất vì nó chứa toàn bộ kinh nghiệm sống của thầy. Nhưng các đệ tử không tin rằng mình đã nghe một điều như thế! Thánh Francis không nói gì với các đệ tử mà vấn an con lừa của ngài. Vị thánh nói: “Người anh em, tôi vô cùng mang ơn người anh em. Người anh em đã mang tôi đi khắp mọi nơi mà không hề than vãn, không hề càu nhàu. Trước khi rời bỏ thế giới này tất cả điều tôi muốn nói là xin hãy tha lỗi cho tôi; tôi đã không đối xử với người anh em bằng tình người chan chứa.”

Đó là những lời cuối của thánh Francis. Cảm xúc bén nhạy trong lời nói với con lừa, “người anh em”, “xin hay tha lỗi”. Nếu bạn nhạy cảm hơn, cuộc sống sẽ lớn hơn. Nó sẽ không là cái ao nhỏ mà là một đại dương...

Một thiền sư, Linh Chi, đang hấp hối. Hàng ngàn đệ tử vây quanh chờ nghe bài pháp cuối cùng. Nhưng Linh Chi chỉ nằm xuống vui vẻ mỉm cười, không nói một lời. Một người thiền sư bạn cũ nhắc nhở, “Linh Chi, sao thầy quên không nói những lời cuối cùng, trí nhớ thầy không được tốt rồi, thầy đang hấp hối, thầy cố đừng quên.” Linh Chi nói, “Hãy lắng nghe này”… và trên mái nhà, hai con sóc đang chạy nhảy vui đùa. Linh Chi chỉ nói, “Đẹp làm sao” rồi chết. Ngay khi ông nói “Hãy lắng nghe này” thì mọi người im lặng phăng phắc để chuẩn bị nghe những lời vĩ đại. Nhưng chỉ nghe thấy tiếng hai con sóc đùa giỡn cắn nhau chạy nhảy trên mái nhà mà thôi. Vị thầy chỉ cười rồi chết.

Thực ra vị thầy đã gởi đi thông điệp cuối: Đừng phân biệt chuyện lớn chuyện nhỏ, đừng phân biệt cái tầm thường cái quan trọng. Ngay phút giây đó sự kiện Linh Chi chết cũng giống như sự kiện hai con sóc chạy đuổi trên mái nhà. Không có gì khác biệt. Trong hiện hữu, tất cả đều giống nhau. Đây là toàn bộ triết học, toàn bộ sự nghiệp giảng dạy của vị thầy. Chẳng có cái gì lớn chẳng có cái gì nhỏ, tất cả đều tùy thuộc vào bạn...

Osho
Biên dịch - Phạm Doãn