Quá trình tự thiêu qua ảnh
Lời Ban Biên Tập TVHS: Trong ba biến cố cao điểm của phong trào tranh đấu Phật Giáo năm 1963—cái chết của tám Phật tử đêm 8/5/1963 tại đài phát thanh Huế, cuộc tự thiêu của HT. Quảng Đức ngày 11/6/1963 tại Sài Gòn và chiến dịch “nước lũ” tổng tấn công chùa chiền toàn quốc đêm 20 rạng ngày 21/ 8/1963—là ba biến cố lịch sử quan trọng của phong trào Phật Giáo tranh đấu. Dưới đây là một số ảnh do phóng viên Malcome Browne, trường văn phòng đại diện AP tại Việt Nam chụp diễn tiến cuộc tự thiêu lịch sử của Hòa Thượng Thích Quảng Đức vào 10 giờ sáng ngày Chủ Nhật 11 tháng 6 năm 1963. Cùng có mặt tại hiện trường với Browne là David Halberstam lúc đó là phóng viên trẻ của báo The New York Times. Halberstam cùng nhận giải thưởng Pulitzer năm 1964 với Browne nhờ bài báo nói về sự kiện này.
01. Chư tăng ni làm lễ tại chùa Phật Bửu Tự, do Hòa thượng Thích Minh Trực tổ chức, tại đường Cao Thắng, Quận 3 Sài Gòn.
03. Sau khi xong khóa lễ, chư tăng ni xuống đường trực chỉ đi về phía ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt. Chiếc xe Austin của cư sĩ Trần Quang Thuận chở HT. Thích Quảng Đức (ngồi sau) và thầy Thích Trí Minh (ngồi trước) - theo lời thuật của HT. Thích Đức Nghiệp
04. Chư tăng ni vừa đi vừa niệm Phật, dân chúng và trẻ em hiếu kỳ đứng hai bên đường xem.
05. Đại Đức Thích Chơn Ngữ tưới xăng lên đầu và thân mình HT. Thích Quảng Đức. "Tay trái tôi xách thùng xăng, tay mặt tôi dìu Ngài bước ra xe và mời Ngài ngồi xuống. Ngài ngồi “Kiết Già”tay mặt đặt lên tay trái. Tôi cầm thùng xăng đáng lẽ tưới lên vai Ngài, nhưng vì hốt hoảng lo sợ mật vụ tới nên đã đổ xăng từ đầu Ngài trở xuống. Ngài mở hộp diêm rút 5, 6 que rồi quẹt mạnh. Lửa tức tốc bừng cháy đốt ngay thân xác Ngài như một pho tượng trong khi các tăng ni quỳ xuống vừa khóc vừa niệm: A Di Đà Phật." - ĐĐ. Thích Chơn Ngữ thuật lại
06. Hình số 2 (phía bên phải) trong loạt hình 9 tấm bên dưới được phóng lớn chỉ rõ Đại đức Thích Chơn Ngữ đã để thùng xăng xuống cách Ngài khoảng một mét rồi bước vội về phía các Tăng Ni, để Ngài ngồi lại một mình trên vũng xăng lênh láng tự tìm cách bật lửa.
07. Ảnh của Malcolm Browne đoạt giải World Press Photo năm 1963. Bức ảnh gây xúc động đến nỗi Tổng thống Mỹ lúc đó là John F. Kennedy phải thốt lên: "Không một bức ảnh thời sự nào trong lịch sử thế giới lại tạo ra nhiều cảm xúc như thế!" Mới đây, trong danh sách các ảnh thời sự vĩ đại nhất mọi thời đại, do báo New Statesman (Anh) công bố, bức ảnh này của Malcolm Browne được xếp thứ hai (bức ảnh phóng viên Nick Út chụp cô bé 9 tuổi Kim Phúc bị phỏng do bom napalm xếp đầu danh sách).
08. Lữa tiếp tục cháy. Can xăng bị nóng nên lật nghiêng. Tiếng niệm Phật rất não nùng thê thảm trong lúc ngọn lửa càng bốc cao, phủ kín cả người Ngài, nhưng Ngài vẫn ngồi vững như bàn thạch chấp hai tay trước ngực. - ĐĐ. Thích Chơn Ngữ kể tiếp
09. Hòa Thượng tiếp tục ngồi thiền định. Can xăng bị nóng nên lật nghiêng
10. "Sau 7 phút toàn thân Ngài ngã xuống nhưng hai tay vẫn còn chắp trên ngực. Xung quanh các tăng ni vừa bái lạy vừa khóc, vừa niệm Phật, nhưng có một người vẫn đứng thẳng như một trụ đá, không khóc, nét mặt rất đau thương đến độ trông rất lạnh lùng, chấp hai tay nhìn thẳng vào thân xác cháy đen của Ngài Quảng Đức. Đó là Thượng tọa Thích Tâm Châu mà nay là Hòa thượng tu hành tại nước Pháp." - ĐĐ. Thích Chơn Ngữ thuật lại. (Hiện nay, Hòa Thượng Thích Tâm Châu là Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên Thế Giới và đang trụ trì Tổ Đình Từ Quang, Montreal, Canada – Ghi chú của người viết)
Cùng có mặt tại hiện trường với Browne là David Halberstam lúc đó là phóng viên trẻ của báo The New York Times. Halberstam cùng nhận giải thưởng Pulitzer năm 1964 với Browne nhờ bài báo nói về sự kiện này. Halberstam viết:"Tôi thể thấy cảnh đó thêm lần nữa, một lần là đủ lắm rồi. Ngọn lửa phun ra từ một con người; thân thể ông cháy héo khô dần và teo nhăn lại, đầu của ông đen dần và hóa than. Trong không khí thoảng mùi cháy khét của thịt người; loài người có thể cháy nhanh một cách đáng ngạc nhiên. Từ phía sau tôi có thể nghe tiếng thổn thức của những người Việt giờ đang tụ tập. Tôi đã quá sốc để khóc, quá bối rối để ghi chép hay đặt câu hỏi, quá ngỡ ngàng để cả suy nghĩ ... Khi cháy, ông ấy không hề cử động một cơ bắp nào, không hề bật ra một âm thanh nào, sự điềm tĩnh của ông thật trái ngược với cảnh những người đang rền rĩ khóc than xung quanh.” Trong ảnh: Hòa thượng đổ xuống đường trong ngọn lửa vẫn bùng cháy.
11. Lời thuật lại của những chứng nhân lịch sử hôm ấy như • Hoà Thượng Thích Đức Nghiệp, cựu Đại Đức Thích Chơn Ngữ và • Cựu nhiếp anh gia Nguyễn Văn Thông đều thấy và kể lại rằng “Ngài mở hộp diêm rút 5, 6 que rồi quẹt mạnh”. Sự kiện này được chứng minh bởi chín tấm hình đen trắng bấm liên tục của thông tín viên Malcolm Browne chụp từ cùng một góc độ nhìn, lấy chiếc xe Austin làm nền hình, ghi lại khá chi tiết và trung thực diễn tiến động thái tự thiêu của HT. Thích Quảng Đức, đặc biệt trong một tấm hình (ảnh số 2), Đại Đức Chơn Ngữ đã bước đi ra xa về phía các chư Tăng Ni, để lại HT Quảng Đức một mình tìm cách tự quẹt diêm giữa vũng xăng lênh láng. [http://iconicphotos.wordpress.com/2009/06/19/the-immolation-of-quang-duc/]
Malcolm Browne (1931-2012), phóng viên duy nhất của AP (Associates Press) có mặt tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt. Tấm hình mà Malcolm Browne chụp đã xuất hiện trên trang nhất toàn thế giới khiến Tòa Bạch Ốc rùng mình và TổngThống Kennedy đã phải ra lệnh tái lượng giá chính sách đối với Việt Nam và chỉ thị Đại Sứ Henry Cabot Lodge qua nhận nhiệm sở ở Sài Gòn. Ông Malcolm Browne mất vào Thứ Hai 27/8/2012 tại bệnh viện New Hampshire, thọ 81 tuổi.
Cảnh sát đã cố ngăn vụ tự thiêu nhưng không thể xuyên qua được đám đông Phật tử đang vây quanh Thích Quảng Đức. Một cảnh sát phi mình vào và phủ phục trước hòa thượng nhằm tỏ lòng kính trọng. Những người chứng kiến phần lớn sửng sốt trong yên lặng, số khác thì khóc thét và bắt đầu cầu nguyện. Nhiều nhà sư và ni cô cũng như người qua đường vì quá bàng hoàng đã quỳ lạy trước vị hòa thượng đang cháy bừng. Một nhà sư tuyên bố nhiều lần qua một micrô bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt: "Một nhà sư đã tự thiêu. Một nhà sư đã trở thành con người tử vì đạo".
Chừng 10 phút sau thì lửa tàn, Thích Quảng Đức đổ gục xuống đường. Một nhóm sư sãi đã bọc thi hài ông bằng áo cà sa vàng và đặt vào một chiếc áo quan bằng gỗ, nhưng không thể gập được tứ chi cho vừa khít. Một cánh tay của Thích Quảng Đức thò ra ngoài trong lúc áo quan được chở đến chùa Xá Lợi gần đó. Lúc 13:30, khoảng 1000 nhà sư tập trung trong chùa để họp trong khi bên ngoài, đám đông sinh viên ủng hộ Phật giáo tập trung giương biểu ngữ: "Một hòa thượng đã tự thiêu vì 5 yêu cầu của chúng tôi" và dàn thành hàng rào xung quanh ngôi chùa.
Cuộc họp nhanh chóng kết thúc và các nhà sư quay trở lại ngã tư nơi Thích Quảng Đức tự thiêu. Khoảng 18:30, 30 ni cô và 6 nhà sư đã bị bắt vì tội tổ chức cầu nguyện trên phố bên ngoài chùa Xá Lợi. Cảnh sát lúc đó đã bao vây ngôi chùa và chặn đứng sự tiếp xúc với bên ngoài. Những người chứng kiến cảm thấy rằng một cuộc đàn áp vũ trang sắp xảy ra.
Bộ phim "MONDO CANE"
Dưới đây là trích đoạn trong bộ phim tài liệu "MONDO CANE" của 2 nhà làm phim Gualtiero Jacopetti, Franco Prosperi (Italia), sản xuất năm 1963 về những vụ đàn áp biểu tình tại Saigon và vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức tại ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng.
Trái tim bất tử
Theo nhân chứng Tống Hồ Cầm lúc đó là phó ban quản trị chùa Xá Lợi, sự lựa chọn An Dưỡng Địa ở Phú Lâm để hỏa thiêu thi hài Bồ tát Thích Quảng Đức là có tính toán cẩn thận. Lò hỏa thiêu nằm trên phần đất của chùa Ấn Quang được các tăng ni, phật tử bảo vệ chặt chẽ trước sự trấn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Điều huyền diệu bất ngờ đã xảy ra khi thi hài Bồ tát được hỏa thiêu hàng giờ đã cháy thành than tro nhưng vẫn còn lại quả tim đỏ hồng. Sự kiện linh thiêng kỳ lạ này được các nhà sư cấp báo về chùa Xá Lợi. Những hòa thượng lãnh đạo Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo quyết định đưa trái tim của ngài vào thiêu thêm lần nữa. Nhưng thật kỳ lạ trái tim vẫn tiếp tục nguyên vẹn và trở thành một khối rắn chắc như đá.
Các tăng ni, phật tử bàng hoàng xúc động. Người quỳ xuống tụng kinh. Người òa khóc. Họ đặt quả tim linh thiêng của Bồ tát Thích Quảng Đức vào bình thủy tinh và cung thỉnh về chùa Xá Lợi.
Trong lúc đó ở bên ngoài có những tin đồn xuyên tạc xuất phát từ người của chính quyền Ngô Đình Diệm rằng “quả tim đã bị tráo, không thể có quả tim nào còn được sau hàng giờ cháy trong lò hỏa thiêu”. Nhiều nhân chứng, kể cả những người không phải là Phật tử và cảnh sát theo dõi cuộc tự thiêu đã bác bỏ sự bịa đặt này.
Chính ông Nguyễn Văn Thông được lực lượng mật vụ của chính quyền Ngô Đình Diệm cử bí mật theo dõi từ đầu đến cuối cuộc hỏa thiêu cũng khẳng định sự huyền diệu này. “Tôi đã tận mắt chứng kiến sự thật bắt đầu từ chùa Xá Lợi đến khi lấy quả tim ra. Khoảng 8 giờ sáng, thi hài ngài được đưa vào lò hỏa thiêu. Lửa bắt đầu bùng lên từ hai đầu quan tài và rừng rực cháy.
Đến 2 giờ chiều thì lửa tắt và người ta đã tìm thấy quả tim ngài vẫn nguyên vẹn trong đống tro tàn. Không thể có sự mở nắp lò thiêu, tráo đổi quả tim nào” - ông Thông xúc động kể chính mình là mật vụ cũng không kìm được nước mắt trước sự mầu nhiệm. Ông Tống Hồ Cầm cũng kể: “Rất nhiều người đã đứng gần lò thiêu tụng kinh tiễn đưa ngài lần cuối. Sự thật về trái tim xá lợi được hàng trăm cặp mắt chứng kiến, kể cả các nhà báo trong nước lẫn quốc tế”.
Trong một cuộc họp báo, có phóng viên quốc tế hỏi hòa thượng Thích Đức Nghiệp về bí ẩn khó hiểu của trái tim không thể bị thiêu cháy này, hòa thượng trả lời: “Đó là do ngài Thích Quảng Đức phát đại thệ nguyện, nung nấu một ý chí phi thường vì đạo pháp và hòa bình cho dân tộc nên đã biến thành một năng lượng đặc biệt làm trái tim bất hoại”.
Còn ông Nguyễn Văn Thông sau này có hỏi thượng tọa Thích Pháp Hoa ở chùa Ấn Quang và được trả lời: “Ngài có nguyện nếu việc tự thiêu của ngài thành chứng đạo thì sẽ để lại trái tim. Chúng tôi tin đó là điều mầu nhiệm của bậc chân tu hết lòng vì đạo pháp và chúng sinh”.
Hòa Thượng Thích Huyền Quang với trái tim bất diệt
của Bồ Tát Thích Quảng Đức
Bí mật bảo vật quốc gia
Theo hòa thượng Thích Đức Nghiệp, trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức sau khi thỉnh về chùa Xá Lợi được cất trong tủ sắt của cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Đêm 20-8-1963, cảnh sát đã tràn vào đây bắt bớ các hòa thượng và lục lọi cướp trái tim, nhưng không hiểu điều huyền bí nào đã che mắt họ không thể nhìn thấy trái tim linh thiêng.
Về sau, trái tim được đưa qua chùa Việt Nam Quốc Tự để hòa thượng Thích Từ Nhơn bảo vệ. Lúc đó, trái tim đã được đặt trong một chiếc tháp đồng cao gần nửa mét mà nhìn từ ngoài vào không thể thấy bên trong. Nắp tháp được đóng kín và có chữ ký niêm phong của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết.
Năm nay đã 85 tuổi và trụ trì Việt Nam Quốc Tự, hòa thượng Thích Từ Nhơn vẫn còn minh mẫn kể rằng ông đang tu dưới Sa Đéc thì được Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết gọi lên Sài Gòn nhận nhiệm vụ đặc biệt của Phật giáo.
Nhận bảo vệ trái tim Bồ tát, đầu tiên hòa thượng Thích Từ Nhơn cất nguyên chiếc tháp chứa trái tim Bồ tát trong tủ sắt lớn ở phòng trụ trì Việt Nam Quốc Tự. Lúc đó khuôn viên Việt Nam Quốc Tự rất rộng, cây cối um tùm. Phòng trụ trì chỉ là một gian nhà đơn sơ. Cảnh sát và mật vụ thường xuyên tràn vào trấn áp, quấy nhiễu phật sự nơi này.
Hòa thượng Thích Từ Nhơn xin gửi vào chi nhánh Ngân hàng Pháp ở Sài Gòn. Ngân hàng giao cho ông một két sắt dưới tầng hầm và trái tim được ông đặt vào tháp đồng rồi cất trong két đó. Ngân hàng chỉ có hai chìa khóa mở két. Ông giữ một chìa, chìa kia do trụ sở ngân hàng chính giữ ở Pháp. Chi nhánh ngân hàng ở Sài Gòn cũng không có chìa để có thể tự mở được két này.
Trước năm 1975 ông thường vào thăm trái tim Bồ tát. Nhân viên ngân hàng chỉ mở cửa tầng hầm rồi để tự ông vào mở két sắt. Không được hương khói dưới hầm ngân hàng, ông đành ứa nước mắt, vái lạy trái tim linh thiêng: “Hoàn cảnh đất nước loạn lạc chưa cho phép chúng con thỉnh trái tim từ bi của ngài về thờ phụng đàng hoàng”.
Sau năm 1975, Nhà nước gìn giữ trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức một thời gian. Đến năm 1991, trái tim được giao lại Ngân hàng Nhà nước ở TP.HCM gìn giữ trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền, ngân hàng và hòa thượng Thích Từ Nhơn, Thích Giác Toàn, Thích Thiện Hào. Không ai mở ra xem tình trạng trái tim, nhưng thấy chiếc tháp đồng chứa trái tim vẫn nguyên vẹn chữ ký niêm phong của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết. Và theo hòa thượng Thích Từ Nhơn, từ đó đến nay không ai mở ra xem nữa.
Tâm sự về trái tim linh thiêng này, hòa thượng Thích Từ Nhơn xúc động nói: “Hi vọng khi hoàn thành tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức tại ngay nơi ngài đã tự thiêu ở TP.HCM, trái tim ngài sẽ được đưa về gìn giữ ở chính nơi này để phật tử, dân chúng được chiêm ngưỡng, thờ phụng!”. Đó là trái tim thiêng liêng mà vị Bồ tát đã để lại cho hậu thế như lời nhắn nhủ rằng dù thế cuộc có thăng trầm thì đạo pháp vẫn trường tồn và sự công bằng, hòa bình cuối cùng vẫn sẽ đến với nhân dân.
Sưu tầm từ Internet
Source:
• http://www.google.com/search?q=malcolm+browne&hl=en&biw=10 24&bih=643&prmd=imvnso&tbm=isch&tbo=u&source=univ&sa=X&ei=0wS6Tuj_IqPniAKznqCBBQ&ved=0CD8QsAQ
• http://en.wikipedia.org/wiki/Thich_Quang_Duc
• BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC NGỌN LỬA VÀ TRÁI TIM - Lê Mạnh Thát Chủ biên
• Báo Tuổi Trẻ Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét