CHƯƠNG I
BẠN VỐN KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG SUY TƯ, CẢM XÚC TIÊU CỰC
TRỞ NGẠI LỚN NHẤT ĐỂ ĐI TỚI GIÁC NGỘ
Giác Ngộ là gì?
Có một ông lão ăn xin ngồi ở bên lề đường đã hơn ba mươi năm… Ngày nọ, có một người khách lạ đi qua, ông lão đưa tay chìa chiếc nón cũ ra và nói:
- Xin ông có chút tiền lẻ nào cho tôi?
Người khách đáp:
- Tôi chẳng có gì để cho ông, nhưng kìa, ông đang ngồi trên cái gì vậy?
Lão ăn xin trả lời:
- Đó chỉ là chiếc hòm cũ thôi, tôi đã lê lết với nó từ rất lâu rồi!
Người khách lại hỏi:
- Ông có bao giờ để mắt nhìn xem bên trong có thứ gì không?
Lão ăn xin hờ hững trả lời:
- Chưa bao giờ!
Rồi lão nói thêm:
- Nhưng mở ra để làm gì chứ, tôi đã biết nó chẳng có gì bên trong mà!
Ông khách vẫn khuyến khích:
- Nhưng bây giờ ông hãy thử mở xem nào.
Lúc đó, vì nể lời vị khách nên lão ăn xin miễn cưỡng đưa tay mở nắp chiếc hòm ra. Vừa nhìn vào trong – ông lão bỗng sửng sốt – không thể tin vào mắt mình: Bên trong chiếc hòm cũ kỹ ấy chứa đầy những thỏi vàng…
Tôi chính là người khách qua đường ấy, tôi không có gì để tặng bạn, chỉ khuyên bạn nên quay vào bên trong, không phải nhìn vào cái hòm gỗ như trong câu chuyện ngụ ngôn trên, mà bạn hãy nhìn vào một nơi còn gần hơn thế nữa: Nhìn vào trong chính mình.
Bạn có thể bất mãn thốt lên: “Nhưng tôi không phải là kẻ ăn xin ấy!”.
Thật ra, bất cứ ai dù có sản nghiệp đồ sộ đến đâu đi nữa, mà vẫn chưa nhận ra niềm vui của sự ung dung tự tại và niềm an lạc sâu thẳm không gì có thể lay động của bản thân thì người đó vẫn chỉ là một người hành khất trong cuộc đời này. Ngay cả khi những người đang sở hữu sự giàu có và thừa thãi về vật chất, họ vẫn luôn đi tìm những mảnh vụn của những lạc thú nhất thời, sự thỏa mãn của bản thân để muốn chứng minh cho mình một giá trị, một cảm giác khẳng định, ngay cả trong tình yêu nam nữ. Họ không hề biết rằng họ vốn đã và đang sở hữu một kho báu ở bên trong. Gia tài vô giá ấy còn to lớn và ý nghĩa hơn bất kỳ những gì mà thế giới này có thể mang đến cho họ.
Từ “Giác Ngộ” thường gợi lên trong ta ý tưởng về một thành tựu tâm linh nào đó có tính chất siêu phàm – và tự ngã của bạn cứ mong là bạn mãi nắm khư khư lấy cái điều sai lầm này. Nhưng thực ra, đó chỉ là một trạng thái cảm nhận sự đồng nhất của mình với sự an nhiên tự tại. Đó là một trạng thái liên hệ mật thiết với Cái-Mà-Ta-Không-Thể-Khái-Niệm, Nghĩ-Bàn được. Đó là Cái Một, Cái Duy-Nhất, Cái Đại Thể không bao giờ có thể bị hủy diệt, khi ta mới thoạt nghe như là một điều rất nghịch lý, vì nó vừa là bạn nhưng cũng vừa lớn lao hơn chính bạn. Đó là sự tìm ra bản chất chân thực nhất của bạn, điều này vượt lên trên mọi hình tướng và tên gọi. Khi ta đánh mất khả năng trực nhận sự liên hệ mật thiết này ở trong ta, thì ta dễ phát sinh ra một ảo tưởng rằng mình đã bị tách rời ra khỏi Đại Thể. Từ đó ta cảm thấy một cách có ý thức hay không có ý thức, rằng mình chỉ là một mảnh vụn của đời sống, cách biệt hoàn toàn với thế giới chung quanh. Cảm giác sợ hãi sẽ dấy lên trong ta, và sự tranh chấp giữa bên trong và bên ngoài ta trở thành một điều không thể tránh khỏi.
Tôi rất thích cách định nghĩa đơn giản của Đức Phật về trạng thái Giác Ngộ. Đó là trạng thái đã “chấm dứt tất cả mọi mê muội” trong ta. Đâu có gì quá siêu phàm trong sự thực này, đúng không? Dĩ nhiên, nếu đó là một định nghĩa thì quả thực đó chưa phải là một định nghĩa toàn vẹn. Vì nó chỉ nói với bạn những gì ngược lại với trạng thái Giác Ngộ: Là Chấm Dứt Khổ Đau. Nhưng cái gì sẽ còn lại ở trong ta, khi ta đã dứt hết khổ đau? Đức Phật không nói. Sự im lặng của Ngài giúp bạn tự tìm ra câu trả lời cho chính mình. Ngài dùng định nghĩa theo lối phủ định để giúp cho trí năng(1) của ta không thể nắm bắt nó, hay bám vào đó như là một điều gì để tin theo. Hoặc sai lầm hơn khi ta cho đó là một thành tựu của những bậc siêu phàm, một mục tiêu mà chúng ta khó có thể đạt tới được. Mặc dù Đức Phật đã báo trước rõ như thế, đa số người học đạo vẫn tin rằng Giác Ngộ là trạng thái chỉ dành riêng cho Đức Phật và một số người đặc biệt, mà không phải cho chính họ, những con người bình thường. Ít ra thì trong kiếp sống hiện tại, họ vẫn tin rằng họ không bao giờ có thể đạt tới trạng thái này.
-----
Ông dùng hai chữ Hiện Hữu. Xin ông cho biết ông muốn nói về điều gì?
Sự Hiện Hữu là Đời Sống Duy Nhất, hiện tiền, vĩnh cửu, vượt lên trên tất cả mọi hình thái của đời sống thông thường – những gì vẫn còn chịu sự chi phối của quy luật sinh diệt. Tuy nhiên, Sự Hiện Hữu không những chỉ vượt lên hình sắc mà nó còn là tinh túy sâu thẳm và vô hình, không bao giờ có thể bị hủy hoại được. Nghĩa là bạn có thể tiếp xúc được với tinh túy ấy trong phút giây hiện tại như là một phần sâu thẳm của chính bạn, bản chất chân thực của bạn. Nhưng bạn đừng nhầm tưởng là sẽ nắm bắt được nó, nhất là nắm bắt bằng trí năng của mình. Bạn cũng đừng nên cố gắng để hiểu được điều đó, vì bạn chỉ có thể trực nhận được nó khi tâm thức của bạn thực sự lắng yên. Khi nào bạn thực sự hiện diện, và khi sự chú tâm của bạn tập trung tối đa như có thể “xuyên thủng” được phút giây hiện tại thì bạn có thể cảm nhận được Sự Hiện Hữu kỳ diệu này, một điều mà bạn sẽ không bao giờ hiểu được qua trí năng. Tìm lại được trực giác của mình về Sự Hiện Hữu và đi sâu vào trong trạng thái Cảm-Nhận-Bằng-Trực-Giác ấy tức là Giác Ngộ.
-----
Khi ông nói đến Sự Hiện Hữu, có phải ông muốn nói đến Thượng Đế? Nếu thế thì tại sao ông lại không gọi thẳng đó là Thượng Đế?
Hai chữ Thượng Đế đã trở thành một từ ngữ rỗng tuếch, vô nghĩa, vì nó đã trải qua hàng ngàn năm bị lạm dụng. Thỉnh thoảng tôi cũng có sử dụng đấy, nhưng chỉ sử dụng những khi thật cần thiết. Nói đã bị lạm dụng – là tôi muốn nói đến những người mà chính họ chưa bao giờ trực nghiệm, chưa bao giờ hé thấy, hay được tiếp xúc với cõi linh thiêng, với sự rộng lớn của cái Vô Cùng đứng đằng sau ngôn từ này. Nhưng họ lại thường sử dụng từ ngữ Thượng Đế với một sự quả quyết chắc nịch như thể họ biết họ đang nói về điều gì. Hoặc có khi họ chống đối, tranh luận với người khác về hai chữ ấy, họ cũng hăng hái như thể họ biết họ đang chống bang một điều gì. Sự lạm dụng này đã đưa đến những niềm tin rất kỳ quặc, hoặc những đoan quyết sai lầm đầy tính chấp ngã(2) như: “Thượng Đế của tôi/chúng tôi mới thực sự là Thượng Đế chân chính, còn Thượng Đế của anh/các anh là không chân chính”, hoặc nói kiểu như Nietzsche – triết gia Đức, khi ông tuyên bố: “Thượng Đế đã chết!”.
Thật vậy, từ lâu danh từ Thượng Đế đã trở thành một khái niệm chết cứng. Phút giây hai chữ này được thốt ra, tự động trong ta đã có một hình ảnh do trí năng tạo nên, có thể bây giờ nó không còn là hình ảnh của một cụ già với chòm râu trắng xóa nữa, nhưng dù sao, nó vẫn còn là một biểu tượng của trí năng về một cái gì hay một người nào đó – thường là nam – hết sức thần bí ở bên ngoài bạn.
Không phải danh từ Thượng Đế hoặc Sự Hiện Hữu(3) hoặc bất kỳ một danh từ nào khác có thể xác định hay giải thích được một Thực Tại Không Thể Nghĩ Bàn đằng sau những ngôn từ ấy, do đó câu hỏi quan trọng cho ta là: Ngôn từ ấy sẽ trở thành chướng ngại hay là lối thoát để giúp cho ta thực nghiệm được một thực tại(4) mà nó muốn tỏ bày. Tuy nhiên, chúng ta nên đặt ra một câu hỏi khác là: ngôn từ ấy sẽ dẫn lối và vượt qua khỏi chính nó để chỉ cho bạn mộtThực Tại Vượt Thoát(5), hay ngôn từ ấy tự nó sẽ trở thành một khái niệm trong đầu để bạn tin vào như một loại thần tượng của trí năng?
Hai chữ Hiện Hữu cũng giống như danh từ Thượng Đế, cũng chẳng giải thích được gì cả. Tuy nhiên, sự Hiện Hữu có lợi thế hơn vì nó vẫn là một khái niệm khoáng đạt. Nó chưa giảm thiểu cái Vô Hạn, cái Không Thể Nghĩ Bàn thành một thực thể hữu hạn. Tôi muốn dùng danh từ Hiện Hữu vì tôi biết danh từ này sẽ rất khó cho trí năng của bạn bám vào để từ đó tạo dựng nên một khái niệm trong tâm tưởng… Và cũng vì chưa ai dám tuyên bố, giành lấy chủ quyền tuyệt đối về ngôn từ này, nên sự Hiện Hữu chính là bản chất của bạn, và bạn có thể tiếp chạm được với nó như là một cảm xúc trực tiếp về sự hiện hữu của chính mình. Hãy trực nhận về Đại Thể(6), về cái “Tôi Nguyên Thủy”, cái “Tôi Đang Là(7)” rất vô hạn, trước khi cái tôi ấy bị đóng khung trong sự nhỏ bé để trở thành hữu hạn, là cái này hay cái kia… Do đó từ chỗ sử dụng ngôn từ Hiện Hữu, ta chỉ cần bước một bước rất nhỏ là có thể kinh nghiệm được về Sự Hiện Hữu.
-----
Trở ngại lớn nhất ngăn cản ta trải nghiệm được thực tại này là gì?
Đó là khi ta tự đồng hóa mình với trí năng(8) – tức là những suy-tưởng-miên-man, những cảm giác sợ hãi, buồn bã, lo lắng v.v… không có chủ đích ở trong đầu mình – và ta thường đuổi bắt, hoặc chạy theo chúng; ta cả tin và dễ bị sai khiến bởi thứ trí năng này. Điều này làm cho khả năng tư-duy-có-chủ-đích của ta trở nên bị giam hãm, và bó buộc. Khi ta không còn khả năng dừng lại những suy nghĩ lung tung, những cảm giác lo lắng, bất an v.v… ở trong đầu, ấy là lúc ta đã mắc phải một chứng bệnh nghiêm trọng. Nhưng thường thì chúng ta không nhận ra được điều này bởi lẽ: Hầu như mọi người ai ai cũng đều mắc phải chứng bệnh trầm kha ấy. Do đó căn bệnh được xem như là một điều gì rất bình thường. Chứng suy nghĩ lung tung, ồn ào náo nhiệt này ở trong đầu của chúng ta, cản ngăn ta tìm ra được một chiều không gian yên tĩnh ở bên trong, một trạng thái tỉnh thức lặng lẽ, vắng bặt các ý tưởng quấy nhiễu. Đây là một trạng thái không bị tách rời với Sự Hiện Hữu ở trong ta. Những suy nghĩ miên man như thế thường tạo nên một ảo tưởng của trí năng về sự có mặt của một “cái tôi” tách biệt hoàn toàn với thế giới chung quanh, cái mà chúng ta thường gọi là tự ngã. Đó là một cảm nhận rất thực trong chiều sâu tâm thức rằng “Tôi là một thực thể riêng biệt”. Cái tôi giả tạo đó cảm thấy thường trực bị bủa giăng bởi những cảm giác bất an, sợ hãi và khổ đau.
Triết gia Decartes tin rằng ông đã tìm ra chân lý quan trọng nhất của loài người với câu khẳng định nổi tiếng: “Tôi tư duy, nghĩa là tôi tồn tại”. Thật ra câu nói này của ông hàm chứa một sai lầm rất căn bản: đó là khi ông đã đánh đồng tư duy, suy nghĩ với Sự Hiện Hữu. Ông cho rằng mình chỉ là những suy-tưởng-không-có-chủ-đích-ấy ở trong mình. Cái phần suy tưởng, cảm xúc miên man, không thể dừng lại ấy trong ta(9), hầu như ai cũng có. Nó vận hành trong một sự tách biệt hiển nhiên với thế giới chung quanh. Con người hay suy tư ấy ở trong ta vận hành trong một thế giới của đảo điên, phức tạp, luôn luôn có sự bất đồng với người này hay người khác. Đó là một thế giới phản ảnh sự phân mảnh của tâm thức(10). Trái lại, Giác Ngộ là một trạng thái rất toàn vẹn, một trạng thái tĩnh lặng sâu sắc của tâm thức; đó là sự Hợp Nhất của ta với đời sống trong tất cả những biểu hiện của nó qua thế giới vật lý này, cũng như với Chân Ngã sâu kín nhất của bạn và cả với Vô Tướng – những khía cạnh Chưa Được Biểu Hiện của đời sống. Tất cả đều đồng nhất với Sự Hiện Hữu. Giác Ngộ không những chỉ là sự chấm dứt khổ đau và những bất đồng ở bên trong cũng như bên ngoài bạn, mà nó cũng là sự chấm dứt ách nô lệ đáng sợ của dòng thác suy tưởng không-kìm-hãm-được ở trong bạn. Đây mới thực sự là một giải thoát phi thường!
Khi tự cho mình chỉ là thứ trí năng, suy-tưởng-miên-man, không-có-chủ-đích, điều đó sẽ tự nhiên tạo nên trong ta một lăng kính đầy những khái niệm, tên gọi, hình ảnh, ngôn từ, những sự phê phán và định nghĩa… làm thành những chướng ngại bên trong chính ta, ngăn cản và không cho phép ta có được những quan hệ chân chính với những người khác. Niềm tin sai lạc vào loại trí năng ấy là chướng ngại giữa bạn và chính mình, giữa bạn với đồng loại, giữa bạn với thiên nhiên, và với Thượng Đế. Đó là một bức màn của những ý tưởng tạo nên một ảo giác cách biệt, một ảo giác cho rằng có ta và có một thế giới ngoài kia, không liên hệ gì đến ta cả(11). Và bạn sẽ quên rằng, sự thực là, bên dưới những hình thức vật lý riêng biệt kia, bạn Là Một Với Tất Cả. Khi nói “quên” là tôi muốn nói đến cảm giác của bạn khi không còn cảm nhận được Cái Một ấy như là một thực tại hiển nhiên ở trong bạn. Bạn có thể muốn tin rằng mình vẫn còn Là Một Với Tất Cả, nhưng bạn không còn khả năng cảm nhận trực tiếp điều ấy nữa như là một kinh nghiệm thực có. Khi có được một niềm tin như thế, ta sẽ cảm thấy yên ổn. Nhưng chỉ khi bạn kinh nghiệm trực tiếp được điều này thì bạn mới thực sự được giải thoát.
Khi thói quen suy-tưởng-miên-man, không-thể-dừng-lại-được đã trở thành một chứng bệnh của bạn, thì đó là biểu hiện của sự mất quân bình ở bên trong. Ví dụ, bạn sẽ không có vấn đề gì về sức khỏe cả khi tế bào trong cơ thể bạn phân chia và tăng trưởng bình thường, nhưng khi quá trình phân chia ấy phát triển quá mức thì cơ thể bạn sẽ có nguy cơ phát sinh bệnh tật.
Trí năng của ta thông thường là một công cụ tuyệt hảo nếu ta sử dụng nó một cách đúng đắn. Khi sử dụng sai thì nó sẽ trở thành một nguy cơ. Nói chính xác hơn, vấn đề không phải là bạn có sử dụng trí năng của bạn hay không, mà thực sự là bạn đã bị trí năng của bạn sai khiếnra sao. Đây chính là căn bệnh nguy kịch nhất của con người. Vì bạn cứ tin chắc rằng mình chỉ là trí năng, là những suy nghĩ miên man, những cảm giác lo sợ, bất an này. Đây quả là một sai lầm căn bản. Công cụ ấy đã chiếm lĩnh lấy bạn mất rồi.
Tôi không đồng ý. Quả thực là tôi thường suy nghĩ không có chủ đích như nhiều người khác, nhưng tôi vẫn có thể chọn lựa những lúc cần, tôi sẽ dùng đầu óc để nghĩ đến hoặc hoàn tất một công việc gì, và tôi vẫn thường làm như thế.
Không phải vì bạn có thể giải được những ô chữ phức tạp hay chế tạo được bom nguyên tử là bạn tưởng mình đã sử dụng được trí năng của bản thân. Giống như con chó thì thích gặm xương, còn đầu óc của ta thì thích nhai gặm một vấn đề, thử thách nào đó, và đây là lý do trí năng bạn thích chơi trò chơi đố ô chữ và chế tạo bom nguyên tử. Còn chính bạn thì bạn chẳng thiết gì đến hai thứ đó cả. Tôi xin hỏi: “Bạn có thể ngừng được, bất kỳ lúc nào bạn muốn, những suy nghĩ miên-man, không-chủ-đích ở trong đầu không? Nói một cách khác, bạn đã tìm thấy cái nút để “tắt” những thứ suy nghĩ ấy chưa?”.
Ông muốn nói, khi tôi cần tôi có thể tắt nút, dừng lại tất cả mọi suy tư?(12) Không, tôi chưa làm được điều này, họa chăng thì chỉ được trong một chốc lát.
Vậy thì trí năng của bạn đang sử dụng bạn mất rồi. Vì bạn không có ý thức khi cho rằng mình chỉ là những suy tư, ý nghĩ bận rộn ở trong đầu mình nên không biết mình đã trở thành nô lệ cho những suy tư, những ý nghĩ không có chủ đích đó… Do đó bạn đã bị trí năng của bạn quản chế, mà hầu như bạn đã không hay biết gì cả, trái lại bạn còn sai lầm khi cho rằngcái thực thể đang-cai-quản-mình-đó là mình! Tự do chỉ thực sự có mặt khi nào mình nhận thức được rằng mình đâu phải là sự ám ảnh đó – những suy tư, cảm-xúc-không-có-chủ-đích. Biết được điều này sẽ giúp bạn bắt đầu quan sát những suy tư, cảm xúc đó ở trong bạn. Giây phút bạn bắt đầu quan sát ấy chính là lúc bạn thực sự tiếp xúc lại được với một chiều tâm thức cao hơn. Từ đó bạn nhận ra rằng có một chiều không gian đầy thông thái và rộng lớn ở trong bạn. vượt lên trên những suy tưởng mông lung, những tình cảm vụn vặt, không chủ đích, vì những suy tưởng ấy chỉ là một phần rất nhỏ của chiều không gian đó. Bạn cũng nhận thức rằng tất cả những gì đáng quý – cái đẹp, lòng xót thương, sự sáng tạo, niềm vui, sự tĩnh lặng ở bên trong – đã đến từ chiều không gian này, mà không phải đến từ trí năng và những suy tưởng miên man… trong đầu bạn. Đó là lúc bạn bắt đầu tỉnh thức.
-----
GIẢI THOÁT CHÍNH BẠN KHỎI NHỮNG SUY TƯỞNG MIÊN MAN
Ông nói “quan sát những suy tưởng miên man ở trong mình” nghĩa là thế nào?
Nếu có một bệnh nhân đến gặp bác sĩ của mình và than phiền: “Tôi thường nghe có một tiếng nói luôn luôn vang vọng, thì thầm… ở trong đầu tôi!”, thì người này chắc chắn sẽ được đưa đến bệnh viện tâm thần để trị liệu. Nhưng thật ra hầu hết mọi người đều “bị” nghe một cách vô ý thức cái tiếng nói vang vang, triền miên ấy ở trong đầu! Dòng thác tư tưởng này cứ tuôn chảy ào ạt một cách mạnh mẽ, nối tiếp nhau đến nỗi ta không biết rằng mình có khả năng ngưng hẳn dòng suy tư ấy lại được!
Bạn đã từng gặp những người điên trên đường phố chưa? Họ vừa đi vừa nói chuyện một mình! Họ nói không ngớt, hoặc lẩm bẩm trong miệng một điều gì đó, ngay cả khi không có ai ở bên cạnh. Những người này cũng giống như bạn và những người mà ta vẫn nghĩ là “bình thường” khác, điểm khác biệt là những người ấy nói ra thành tiếng những ý tưởng của họ, còn bạn thì vẫn giữ im lặng, nhưng lại suy nghĩ lung tung ở trong đầu. Tiếng nói liên miên ấy ở trong bạn thường phê bình, hoặc tỏ vẻ thích cái này, hay không thích cái kia… về mình hay về người khác. Tiếng nói vang vang ấy cũng không nhất thiết phải dính dáng gì đến tình trạng hiện thời của bạn; mà thực ra nhiều khi chỉ là sự ôn lại những chuyện vừa mới xảy ra hoặc đã xảy ra với bạn trong quá khứ… Hoặc có khi chỉ là một sự thao diễn hoặc tưởng tượng về một chuyện hay một trường hợp nào đó… có thể xảy đến với bạn trong tương lai. Trong trường hợp này thì sự tưởng tượng trong đầu bạn thường cho rằng sự việc sắp sẽ xảy ra không hay, hoặc sẽ có một kết quả xấu cho bạn. Nhiều khi chiếc máy ghi âm cũ kỹ này còn được đi kèm với nhiều hình ảnh sống động nữa, giống như một bộ phim đang được trình chiếu ở trong đầu bạn. Ngay cả khi tiếng nói ấy có quan hệ đến tình trạng hiện tại, nó cũng sẽ được diễn giải theo một cách nhìn của quá khứ. Vì thứ trí năng, suy tưởng, cảm xúc không có chủ đích này thuộc về phần tâm thức bị điều kiện hóa. Vì đó chỉ là kết quả của những gì đã xảy ra cho bạn trong quá khứ và nghiệp lực của tâm thức cộng đồng. Cho nên bạn nhận xét và đánh giá hiện tại qua lăng kính của quá khứ và thường thì bạn sẽ có một kết luận rất sai lạc về vấn đề. Lắm khi tiếng nói không ngừng nghỉ ấy là kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân loại. Rất nhiều người đang sống trong tình trạng bị tra tấn, bị quấy nhiễu bởi tiếng nói vang vọng này. Họ thường xuyên bị nó công kích, trừng phạt và làm cho tắc nghẽn nguồn sống vui tươi… Đây là nguyên nhân gây ra nhiều khổ sở, bất hạnh cũng như bệnh tật, cả về thể xác lẫn tinh thần cho con người.
Điều đáng mừng là bạn có khả năng thoát ra được sự kiềm chế của thứ trí năng này. Đây mới là sự giải thoát thực sự. Và bạn có thể bắt đầu thực hiện điều đó ngay trong giây phút này.
Bạn hãy thường xuyên lặng lẽ, chú tâm quan sát và lắng nghe tiếng nói vang vọng ấy.
Hãy chú tâm đến những suy tưởng rập khuôn thường có ở trong bạn, những loại suy tưởng đã trở thành một lối mòn, một nề nếp cũ kỹ, lặp đi lặp lại như một chiếc đĩa hát cũ mèm nhưng vẫn còn rên rỉ trong đầu bạn nhiều năm qua. Sự chú tâm đó là cái mà tôi gọi là “quan sát trong yên lặng những suy tư, cảm xúc xảy ra ở bên trong đầu bạn”. Hoặc nói một cách khác:
Hãy lắng nghe, quan sát tiếng nói vang vọng trong đầu bạn một cách tỉnh táo, và sáng suốt. Hãy có mặt ở đó như một chứng nhân.
Khi bạn lắng nghe tiếng nói ấy, hãy lắng nghe với một tấm lòng vô tư, rộng mở, không phán xét, chê bai, hay lên án những gì bạn đang nghe, đang thấy. Vì khi bạn phê phán những gì đang xảy ra tức là bạn đã giúp cho tiếng nói ấy tránh né đi cửa trước, và lén lút chui vào cửa sau tâm thức của bạn. Lắng nghe được như thế, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng: Ồ, bên kia là giọng-nói-vang-vang ở trong đầu và bên này là Tôi; Tôi Đang lắng nghe và quan sát nó.Nhận thức về chủ thể, về cái Tôi Đang Là… ấy chính là cảm nhận sự hiện hữu chân chính của bạn. Điều đó đâu phải là một ý tưởng hão huyền! Nhận thức ấy đến từ một cái gì đó vượt ra ngoài trí năng thông thường của bạn.
-----
Do đó khi bạn lặng lẽ chú tâm đến một ý tưởng, hay một cảm xúc ở trong bạn là bạn không những đang ý thức về sự hiện diện của ý tưởng, hay cảm xúc đó mà bạn còn ý thức được cả chính bạn, vì bạn đang làm một chứng nhân của ý tưởng/cảm xúc đó. Sẽ có một chiều không gian mới của tâm thức được nảy sinh khi bạn lặng lẽ chú tâm đến một ý tưởng/một cảm xúc, bạn có thể cảm nhận được một sự hiện hữu có ý thức – một cái gì sâu kín, chân thật của bạn – nằm đằng sau, hay bên dưới những suy-tư-không-chủ-đích kia. Do đó nếu hiện giờ có một ý tưởng đang hiện hữu trong đầu bạn, và từ từ nó sẽ tự biến mất. Vì bây giờ bạn không còn làm cho phần trí năng, hay suy tưởng miên man ấy mạnh lên khi sai lầm tự đồng hóa mình với thứ trí năng hay loại suy tưởng đó. Đây chính là lúc bạn có thể bắt đầu để chấm dứt hẳn lối suy tư, hay cảm xúc không kiểm soát, không có chủ đích của mình.
Khi một ý tưởng như thế lắng xuống, bạn sẽ cảm nhận được một sự gián đoạn trong dòng chảy của những suy tư ở trong đầu bạn – một khoảng hở của tâm thức mà Thiền thường gọi là khoảng trống của Vô Niệm, trạng thái yên tĩnh của Tâm. Đó là một trạng thái tâm thức rất tỉnh táo, sáng sủa, nhưng không hề có những ý nghĩ lo sợ vẩn vơ, vắng bặt những tạp niệm, suy tưởng lăng xăng, miên man không thể dừng lại được ở trong bạn. Thoạt tiên, những khoảng hở Vô Niệm ấy trong dòng chảy liên miên của những suy tư trong bạn vẫn còn rất ngắn ngủi, có khi chỉ trong vài giây thôi, nhưng dần dần, khoảng hở đó sẽ dài hơn. Những khi có một khoảng hở này xuất hiện, bạn sẽ cảm nhận được một cảm giác yên tĩnh và an bình ở trong bạn. Đây là sự bắt đầu của trạng thái tự nhiên, trạng thái hợp nhất với Sự Hiện Hữu mà trước đây nó thường bị trí năng và những suy tưởng miên man, không có chủ đích che mờ. Nhưng với sự thực hành bền bỉ thì khả năng cảm nhận sự yên tĩnh và an bình của bạn sẽ càng ngày càng sâu sắc hơn. Quả thực bạn sẽ khó cảm nhận được hết chiều sâu của mức độ tĩnh lặng và an bình này. Bạn cũng sẽ cảm nhận được một niềm vui mơ hồ toát ra từ trong sâu thẳm của chính bạn: Niềm vui ung dung tự tại với toàn thể đời sống chung quanh bạn.
Tuy nhiên, đấy không phải là một trạng thái mê. Vì không có sự đánh mất ý thức sáng tỏ ở đây. Trái lại, trong trạng thái liên hệ mật thiết nội tại như thế, bạn sẽ trở nên tỉnh giác hơn, sáng suốt hơn là khi bạn ở trong trạng thái tự đồng hóa mình với những suy tưởng miên man, không chủ đích. Và bạn đang có mặt một cách toàn vẹn. Trạng thái này sẽ nâng cao tần số của những trường năng lượng chung quanh bạn, tạo nên một sức sống mới cho cơ thể bạn.
Khi bạn đi sâu vào trạng thái Vô Niệm, trạng thái Không-Có-Những-Tâm-Niệm-Suy-Tưnày, như người phương Đông vẫn thường gọi, bạn sẽ nhận ra được một trạng thái tinh chất của Tâm – trạng thái của trực giác thuần khiết. Trong trạng thái tưởng chừng như trống rỗng đó, bạn sẽ cảm nhận sự hiện hữu của mình với một cường độ và niềm vui mãnh liệt, đến độ tất cả những suy tưởng, tình cảm, thân thể cũng như thế giới chung quanh bạn đều trở nên không đáng kể nữa. Tuy nhiên đây không phải là một trạng thái ích kỷ, mà trái lại là khác, vì đó là một trạng thái vô ngã. Trạng thái ấy đưa bạn vượt thoát những gì trước đây bạn cho là bạn, là tự ngã. Sự hiện hữu đó chủ yếu vừa là bạn mà lại vừa to lớn hơn bạn, vượt thoát ra khỏi tầm hiểu biết của chúng ta. Điều này mới nghe có vẻ như rất nghịch lý, nhưng tôi không có cách giải thích nào khác hơn.
Hãy cương quyết chú tâm bền bỉ vào phút giây hiện tại. Thay vì “quan sát những suy tư, cảm xúc ở bên trong bạn”, bạn có thể chọn cách thứ hai để tạo nên một khoảng hở ở trong dòng chảy của tâm tư bằng cách hướng sự chú tâm của bạn vào phút giây hiện tại. Bạn chỉ cần ý thức một cách chăm chú vào phút giây hiện tại thôi đã là một điều thỏa mãn rất sâu xa cho bạn rồi. Vì khi làm như thế, bạn sẽ đưa tâm trở về với mình, rời xa những hoạt náo, và tạo nên một khoảng hở của Vô Niệm trong dòng chảy của tâm tư ở trong đầu, trong khi bạn vẫn rất tỉnh táo và sáng suốt mà trong đầu không vướng bận suy tư gì cả. Đây chính là tinh yếu của Thiền Tập.
Trong đời sống hằng ngày, bạn có thể thực tập điều này bằng cách làm bất kỳ một công việc gì đó với tất cả sự chú tâm của mình. Những việc mà thông thường bạn chỉ làm chiếu lệ thì bây giờ bạn hãy chú tâm để công việc ấy tự nó trở thành mục tiêu thu hút mọi giác quan của bạn. Ví dụ mỗi khi bạn đi lên, đi xuống cầu thang, bạn hãy tập chú ý đến mỗi bước chân, mỗi động tác, chú ý luôn cả hơi thở của chính bạn. Thực tập như thế nào để sự chú tâm ấy càng ngày càng hoàn thiện hơn. Hoặc khi bạn đang đứng rửa tay, hãy chú ý đến tất cả những cảm giác liên quan đến công việc này: tiếng nước chảy, cảm nhận của bạn với nước, động tác của hai tay bạn, mùi xà phòng v.v… Hoặc khi bạn ngồi vào yên xe, hãy thử ngưng lại một vài giây và lắng nghe nhịp thở của mình. Lúc đó bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được một sự hiện hữu yên tĩnh nhưng tràn trề năng lực ở trong bạn. Có một yếu tố mà bạn có thể dùng để làm thước đo sự thành công của bạn trong việc thực tập này: Đó là mức độ an lạc, niềm vui thanh thoát mà bạn cảm thấy ở trong lòng khi làm những việc đó.
-----
Tóm lại trong tiến trình đi tới Giác Ngộ, bước chủ yếu duy nhất là: thực tập để nhất định không còn tự đồng hóa mình với những suy tư, cảm xúc miên man không có chủ đích ở trong đầu mình nữa. Mỗi khi bạn tạo nên được một khoảng hở trong dòng chảy của những suy tư ở trong đầu, ánh sáng của tâm thức bạn sẽ càng tỏa sáng rộng hơn.
Một hôm nào đó bạn sẽ bắt gặp mình đang mỉm cười với giọng nói vang vang ở trong đầu, như bạn đang mỉm cười khoan dung với cái ngây ngô của một đứa trẻ thơ. Điều này có nghĩa là bạn đã thành công, bạn không còn quan tâm một cách nghiêm túc đến nội dung những ý tưởng, hoặc cảm xúc miên man, không có chủ đích luôn hiện diện trong đầu bạn nữa. Bạn đã không còn phụ thuộc vào chúng, cũng không còn sai lầm khi cho rằng những thứ đó chính là mình.
-----
GIÁC NGỘ: THOÁT KHỎI HAY VƯỢT LÊN TRÊN NHỮNG SUY TƯỞNG,
CẢM XÚC MIÊN MAN
Có phải những dạng suy tưởng ấy là thiết yếu để con người tồn tại?
Thật ra trí năng chỉ là một công cụ, một phương tiện của bạn mà thôi. Trí năng sinh ra là để cho ta sử dụng vào một công việc chuyên biệt nào đó, và khi đã xong việc, ta hãy buông thứ công cụ này xuống. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ chừng 80 đến 90% những suy tưởng của con người, không những là những thứ lặp đi lặp lại mà thực ra còn rất vô bổ, vì bản chất nó vốn đã mang tính tiêu cực. Đa số những suy tưởng kiểu ấy rất có hại cho ta. Hãy cảm nhận trong tâm bạn, bạn sẽ thấy điều này là đúng. Những suy tưởng, cảm xúc miên man ấy thường làm cho nguồn năng lượng trong bạn bị tiêu hao, lãng phí.
Lối suy nghĩ không kìm hãm được ấy thực ra là một chứng nghiện ở trong ta. Vậy thì sự nghiện ngập này có những đặc tính gì? Đơn giản chỉ là: bạn không còn cảm thấy rằng bạn có cách chọn lựa nào khác khi muốn chấm dứt thói quen bất trị ấy. Cơn ghiền ấy mạnh hơn bạn. Sự nghiện ngập ấy thường tạo cho bạn một ảo giác thỏa mãn, thứ thỏa mãn sau đó rất nhanh chóng biến thành một nỗi khổ.
Tại sao chúng ta không thể bỏ được thói quen suy tư?
Vì bạn tự đồng hóa mình với thói quen ấy, vì bạn cho rằng mình chỉ là nội dung và những hoạt động của suy tư. Vì bạn tin rằng mình sẽ không còn là chính mình nếu bạn ngừng lại những suy tư. Khi bạn sinh ra, lớn lên và đi qua giai đoạn trưởng thành, nói theo nghĩa thông thường, bạn thường tạo dựng trong đầu mình một hình ảnh về bản thân, tùy thuộc vào những điều kiện, tính cách, văn hóa, v.v… mà bạn đã tiếp thu. Đó là quá trình tạo nên một cái tôi giả tạo. Chúng ta gọi cái tôi giả tạo này là tự ngã. Tự ngã ấy bao gồm những suy tư, cảm xúc lo lắng, bất an, và tự ngã ấy chỉ được duy trì bằng những suy nghĩ liên miên. Hai chữ tự ngã có ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người, nhưng tôi sử dụng ở đây với nghĩa là một cái tôi giả tạo, tạo nên bởi sự tự đồng hóa mình một cách vô ý thức với những suy tư, cảm xúc miên man.
Đối với tự ngã, phút giây hiện tại hầu như chẳng bao giờ hiện hữu. Chỉ có quá khứ và tương lai mới được xem là quan trọng. Sự nhầm lẫn một cách toàn diện này chịu trách nhiệm cho tính chất không hoàn thiện trong quá trình tư duy của tự ngã. Vì nó chỉ quan tâm đến chuyện làm sao để bảo vệ sự sống còn của quá khứ, vì khi không còn quá khứ thì bạn là ai? Tự ngã thường xuyên phóng chiếu tự thân nó vào tương lai để đảm bảo sự tồn tại của nó được tiếp tục và tự ngã luôn tìm một sự thoát ly hoặc đáp ứng gì đó. Tự ngã thường tuyên bố:“Sẽ có một ngày khi chuyện này, hoặc chuyện kia xảy ra, tôi sẽ được toại ý, sẽ hạnh phúc và bình yên”. Ngay cả khi tự ngã có vẻ như là có quan tâm đến hiện tại, thì đó cũng chưa phải là thứ hiện tại đích thực: Nó hoàn toàn hiểu sai hiện tại vì tự ngã luôn luôn chỉ nhìn hiện tại qua một thứ lăng kính của quá khứ. Hoặc có khi tự ngã giảm thiểu phút giây hiện tại cho đến khihiện tại chỉ còn là một phương tiện không hơn không kém để tự ngã đạt bằng được mục tiêu, mà mục tiêu đó lại nằm trong loại tâm thức phóng chiếu về tương lai. Hãy quan sát tâm bạn và bạn sẽ nhận thấy rằng đây chính là cách vận hành của tự ngã. Phút giây hiện tại nắm giữ chìa khóa giúp bạn đạt tới giải thoát. Nhưng bạn đồng hóa mình với loại suy tư, cảm xúc miên man, không có chủ đích và không lối thoát ấy.
Tôi không muốn đánh mất khả năng phân tích và phân biệt. Tôi không ngại học hỏi thêm cách suy nghĩ trong sáng hơn, có sức tập trung hơn, nhưng tôi hoàn toàn không muốn đánh mất khả năng tư duy ấy như ông đã nói. Tôi nghĩ rằng khả năng suy tưởng là một món quà quý báu nhất mà chúng ta có, vì nếu không, chúng ta cũng chỉ là một loài sinh vật sống theo bản năng, đúng không?
Sự chiếm ưu thế của loại suy tư, cảm xúc miên man, không chủ đích này chỉ là một giai đoạn cần thiết mà chúng ta phải trải qua trong quá trình tiến hóa của tâm thức nhân loại. Nhưng bây giờ chúng ta cần phải khẩn cấp đi tới giai đoạn kế tiếp; nếu không thì chúng ta sẽ bị tiêu diệt vì thứ trí năng này. Tôi sẽ nói thêm một cách chi tiết hơn về đề tài này sau. Nên biết Trực giác và Suy nghĩ (tư tưởng) không phải là đồng nghĩa. Suy nghĩ chỉ là một trạng huống nhỏ của Trực giác (cái Biết trực tiếp). Suy nghĩ không thể có được nếu không có Trực giác, nhưng Trực giác thì không cần đến Suy nghĩ (chẳng hạn nhìn cảnh đẹp thì ta biết ngay cảnh đẹp, không phải nhờ suy nghĩ mới biết).
Giác ngộ có nghĩa là vượt lên trên những suy tưởng, cảm xúc miên man, chứ không phải là rơi tuột trở lại bên dưới những suy tư – mức độ tâm thức của loài vật và cỏ cây. Trong trạng thái giác ngộ, bạn vẫn có thể sử dụng trí năng khi cần thiết, nhưng lúc đó trí năng sẽ được sử dụng với sự chuyên chú và có hiệu quả hơn trước đây. Bạn sẽ sử dụng nó cho những mục đích rất thực tiễn, nhưng bạn sẽ có tự do, không còn bị lôi kéo vì những mẩu phiếm đàm ở trong đầu, ngoài ý muốn của bạn và bạn đang có sự hiện diện của niềm tĩnh lặng ở trong nội tâm của bạn. Khi bạn sử dụng trí năng, nhất là khi bạn cần tìm ra một giải pháp sáng tạo, bạn sẽ dao động nhu hòa trong một vài phút giữa hai trạng thái: tư duy và sự tĩnh lặng, giữa Tâm vàKhông-Tâm. Vì Không-Tâm là một trạng thái của tâm khi nó không bị những tâm tư, suy tưởng miên man đến quấy nhiễu. Chỉ trong trạng thái đó thì ta mới có thể tư duy một cách sáng tạo được, vì trong trạng thái đó, tư tưởng ta mới có năng lực cao nhất. Những ý tưởng đơn thuần mà không xuất phát từ một chiều không gian cao rộng của tâm thức sẽ nhanh chóng trở thành những ý tưởng khô khan, điên khùng và đầy tính hủy diệt.
Trí năng chủ yếu chỉ là một động cơ sinh tồn, có khả năng tấn công và bảo vệ chính nó, chống lại những biểu hiện tâm tư, tình cảm khác ở trong đầu ta. Trí năng thu lượm, lưu trữ, và phân tích dữ liệu – đây là thế mạnh của trí năng, nhưng thật ra nó chẳng có một tí khả năng sáng tạo nào. Tất cả những nghệ sĩ chân chính, dù họ có biết như thế hay không, đều sáng tạo từ một nơi chốn của Vô Niệm, tâm thức khi không bị vướng bận bởi suy tư, tức là từ sự tĩnh lặng của nội tâm. Sau đó trí năng của nhà nghệ sĩ mới bắt đầu hoạt động để định hình cho những gì đã được sáng tạo từ những cái thấy vỡ toang – một sự thấu suốt sâu xa. Ngay cả những nhà khoa học tài ba cũng đều biết rằng những phát minh vĩ đại, những sáng tạo có tính đột phá chỉ đến vào những lúc có sự tĩnh lặng hoàn toàn của trí năng. Kết quả bất ngờ của những thăm dò trên toàn nước Mỹ về những nhà toán học lớn, kể cả Einstein, để tìm ra phương pháp làm việc của họ, nhận thấy rằng: “Trí năng chỉ đóng một vai trò thứ yếu trong quá trình ngắn ngủi nhưng quyết định của quá trình sáng tạo”.
Không phải qua trí năng, qua tư duy mà xuất hiện sự sống trên địa cầu, không phải qua trí năng mà cơ thể bạn đã được sáng tạo và duy trì. Rõ ràng có một cái Biết đang được biểu hiện vượt lên trên khả năng giới hạn của trí năng. Làm sao mà một tế bào của con người, đường kính chỉ bằng một phần ngàn cm, lại có thể chứa những thông tin trong nhiễm sắc thể tương đương với lượng thông tin của 1.000 cuốn sách, mỗi cuốn dày 600 trang? Càng học và hiểu thêm về cách vận hành của cơ thể, chúng ta càng nhận thức rằng sự bao la của cái Biết đang được biểu hiện bên trong và những điều hiểu biết của chúng ta thật là hạn hẹp. Khi trí năng nối lại được sợi dây liên lạc với cái Biết đó, thì trí năng sẽ trở thành một công cụ tuyệt hảo. Lúc đó, trí năng sẽ phục vụ cho một cái gì đó cao cả hơn tự thân của nó.
-----
CẢM XÚC: PHẢN ỨNG CỦA CƠ THỂ VỚI NHỮNG SUY TƯỞNG TIÊU CỰC
Còn đối với tình cảm thì sao? Tôi thường hay bị vướng mắc vào tình cảm nhiều hơn là suy tưởng.
Từ ngữ “trí năng” tôi dùng ở đây không những chỉ đề cập đến những ý tưởng, mà trí năng còn bao gồm luôn cả những cảm xúc và những phản ứng vô thức, thường được lặp đi lặp lại trong đầu chúng ta. Nói một cách khác, cảm xúc là phản ứng của cơ thể đối với những cảm nhận, suy nghĩ tiêu cực ở trong ta. Chẳng hạn khi trong đầu ta dấy lên một ý nghĩ hằn học hay chống đối, ta sẽ tạo nên một nguồn năng lượng xung động trong cơ thể mà ta gọi đó là cơn giận. Cơ thể ta lúc ấy đang ở trong một tư thế sẵn sàng để chống trả. Mặt khác, khi ta có một ý nghĩ rằng thể xác hay tinh thần ta đang bị đe dọa, thì cơ thể ta tự nhiên sẽ co rúm lại trong một trạng thái gọi là sợ hãi. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những cảm xúc mạnh thậm chí còn gây ra những biến đổi sinh lý sâu sắc đến cơ thể. Những biến đổi này tiêu biểu cho trạng thái biểu hiện vật lý của cảm xúc. Tất nhiên ta thường không ý thức hết những tư tưởng rập khuôn của mình, chỉ nhờ thực tập quan sát những cảm xúc ở trong ta, chúng ta mới nhận thức được chúng.
Càng đồng hóa mình với tư tưởng, với những gì ta thích hay không thích hoặc những gì ta phán đoán hay suy diễn – nghĩa là ta càng ít có mặt như một chứng nhân yên lặng – thì những cảm xúc ở trong ta càng mạnh mẽ hơn, dù cho ta có ý thức hay không. Nếu ta đánh mất khả năng cảm nhận được những cảm xúc của chính mình hoặc ta cảm thấy rất cách biệt với những cảm xúc đó, thì đến một lúc nào đó, ta chỉ còn kinh nghiệm được những cảm xúc ấy một cách rất đơn thuần, như là những biểu hiện vật lý hay sinh lý ở bên ngoài mà thôi! Gần đây vấn đề này đã được đề cập đến rất nhiều, nên chúng ta không cần bàn thêm ở đây. Thông thường, một thói quen thiếu ý thức trong tình cảm có thể được biểu hiện như là một biến cố xảy ra cho bạn từ bên ngoài. Chẳng hạn, tôi đã gặp nhiều người chứa đầy tức giận trong lòng một cách vô thức. Những người này thường dễ bị những người nóng tính khác đến kích động, gây sự, hoặc hành hung… mà không cần một nguyên cớ nào cả! Vì họ đã mang sẵn nhiều năng lượng nóng giận bên trong nên khi tiếp xúc với những người có cùng năng lượng giận dữ, thì sự nóng nảy ngấm ngầm đó rất dễ bị bộc phát.
Nếu bạn có khó khăn trong việc thực tập nhận diện các loại cảm xúc đang có mặt ở trong bạn thì bạn hãy bắt đầu bằng cách hết sức chú tâm vào nguồn sinh lực bên trong cơ thể. Cảm nhận cơ thể từ bên trong sẽ giúp ta tiếp chạm những cảm xúc của mình. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết của vấn đề này ở phần sau.
-----
Nếu ông nói rằng cảm xúc tiêu cực là phản ứng của cơ thể trên trí năng thì tôi thấy đôi lúc có sự mâu thuẫn giữa hai bên: Có khi trí năng tôi bảo “không” nhưng cảm xúc của tôi lại nói là “có”, hay ngược lại?
Khi ta muốn hiểu rõ những gì đang xảy ra ở trong ta thì cơ thể ta là phần luôn luôn cho ta một phản ảnh trung thực nhất, do đó bạn hãy chú tâm đến những cảm xúc buồn giận, sầu khổ… đang có mặt ở trong bạn hoặc chú tâm đến cách những cảm xúc ấy biểu hiện lên trên cơ thể của bạn. Khi có mâu thuẫn giữa cảm xúc và ý tưởng thì bao giờ cảm xúc của bạn cũng “chân thực” hơn, vì cảm xúc là cái thường được biểu lộ ra bên ngoài, trong khi tư tưởng của ta thường ẩn kín ở bên trong.
Mâu thuẫn giữa những ý tưởng bề mặt và tiến trình không có ý thức vẫn thường xảy ra luôn. Ta chưa thể đem tất cả mọi hoạt động âm thầm của trí năng ra ánh sáng nhưng các hoạt động đó luôn tạo nên phản ứng trên cơ thể ta như là những cảm xúc tiêu cực: lo sợ, hoảng hốt… Nhờ đó ta có thể nhận ra những hoạt động âm thầm ấy. Trong trường hợp này, thực tập quan sát một cảm xúc tiêu cực ở trong ta, trên căn bản cũng giống như thực tập quan sát một ý tưởng tiêu cực ở trong đầu mà tôi đã diễn tả trước đây. Chỉ có điều khác là trong khi một ý tưởng tiêu cực: lo sợ, hoảng hốt… vừa xuất hiện ở trong ta, có thể ta chưa ý thức được ngay sự xuất hiện của ý tưởng đó vì nó vẫn còn nằm lẩn khuất ở một góc sâu nào đó ở trong tâm thức ta. Ngược lại, một cảm xúc tiêu cực: bồn chồn, vội vã… thì dễ bộc lộ ra trên cơ thể của ta hơn. Khi thực tập quan sát một cảm xúc như giận dữ, ta cứ trầm tĩnh thở và để chúng chi phối mình. Vì bây giờ ta không còn đồng hóa mình với những cảm xúc giận dữ ấy nữa. Ta bây giờ trở thành một chứng nhân, một người đang quan sát thực tại. Nếu bạn cứ thực tập như thế thì không bao lâu nữa, tất cả những mê mờ ở trong bạn sẽ dần dần bị loại bỏ hết, nhường chỗ cho ánh sáng của trạng thái tỉnh thức, an nhiên tự tại lớn dần lên ở trong bạn.
Có phải quan sát những cảm xúc tiêu cực nội tại cũng quan trọng như ta quan sát những ý tưởng ở trong mình?
Vâng. Bạn hãy tập cho mình một thói quen thường xuyên tự hỏi rằng: “Nội tâm của tôi đang như thế nào? Ý nghĩ/cảm xúc gì đang có mặt ở trong tôi lúc này?”. Câu hỏi này sẽ giúp bạn đi đúng đường. Nên nhớ là chỉ quan sát thôi, đừng phân tích gì cả. Cứ lắng lòng và chú tâm vào bên trong, cảm nhận năng lực của những ý nghĩ/cảm xúc đang hiện diện ở trong bạn. Nếu ngay trong lúc này mà bạn không có một ý nghĩ/cảm xúc nào hết, thì bạn hãy chú tâm thật sâu vào nguồn sinh lực ở bên trong cơ thể bạn. Đây chính là con đường đưa bạn vào trạng thái an nhiên, tự tại.
-----
Những cảm xúc sầu khổ thường được biểu hiện như những ý tưởng có tính chất rập khuôn – thường bị lặp đi lặp lại, và đã được khuếch đại lên nhiều lần. Do đó chúng ta không dễ gì giữ được sự trầm tĩnh để tiếp xúc và quan sát những cảm xúc ấy! Những cảm xúc mạnh này thường lấn lướt bạn và chúng luôn luôn chiếm phần thắng – trừ phi bạn đã có đủ sự trầm tĩnh, an nhiên. Nếu bạn, vì không ý thức mà để cho mình bị lôi cuốn vào những cảm xúc đang có mặt bằng cách tự đồng hóa mình với những cảm xúc ấy thì bạn sẽ “trở thành” những cảm xúc tiêu cực này! Do đó bạn sẽ tự tạo cho mình một vòng luân hồi, lẩn quẩn không lối thoát: Những suy nghĩ rập khuôn này sẽ gây ra các phản ứng mạnh mẽ dưới hình thức những cảm xúc, rồi sự rung động không ngớt của những cảm xúc đó lại quay ngược lại, hỗ trợ cho những ý tưởng rập khuôn lúc ban đầu… Và cứ thế tiếp tục mãi mãi.
Nói một cách khác, tất cả những cảm xúc tiêu cực đều là biến thể của một cảm giác nguyên thủy, một cảm xúc vô định bắt nguồn từ kinh nghiệm rằng ta đã tách rời khỏi nguồn cội của mình, đã đánh mất thiên đường của mình… Thật khó tìm một danh từ để xác định và diễn tả cảm xúc này một cách chính xác. “Sợ hãi” là một cảm xúc gần gũi nhất với cảm xúc nguyên thủy không tên gọi này, vì bên cạnh bản chất của nỗi sợ là một cảm giác bị đe dọa thường trực, nó còn đi kèm thêm một cảm giác bị ruồng rẫy và bất toàn. Và ta có thể dùng từ ngữ rất đơn giản để gọi cảm xúc căn bản này là “nỗi khổ”. Một trong những nhiệm vụ chính yếu của trí năng là chống trả hay loại trừ cảm xúc khổ sở đó. Đây cũng là lý do khiến trí năng ở trong ta làm việc không ngừng, nhưng điều mà trí năng chỉ có thể làm được là tạm thời che giấu nỗi đau ấy trong chốc lát mà thôi. Trí năng của ta càng cố gắng chống trả, để thoát ra khỏi nỗi khổ này thì nỗi khổ này lại càng gia tăng cường độ! Thực ra trí năng của ta không bao giờ có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề này; vì chính trí năng, tự trong bản chất của nó, đã là một phần căn bản của vấn đề. Nó giống như việc một cảnh sát trưởng hứa giúp cho bạn truy tìm thủ phạm gây ra vụ hỏa hoạn cho căn nhà bạn đang sinh sống, trong khi chính thực ông ấy là một trong những kẻ chủ mưu gây ra chuyện cháy nhà đó!
Chúng ta sẽ không bao giờ thoát ra khỏi một cảm xúc tiêu cực như lo sợ, hoảng hốt… cho tới khi ta chấm dứt đồng hóa mình với trí năng, và cái bản ngã giả tạo ở trong ta. Khi bạn đã thức tỉnh rồi, mọi ý tưởng tiêu cực ở trong bạn sẽ bị đốn sạch tận gốc rễ và bạn sẽ tiếp xúc lại được với bản chất tự nhiên chân thực, rỗng sạch, vắng lặng thường trực ở trong bạn.
Tới đây tôi biết bạn sẽ đặt câu hỏi:
Thế còn những cảm xúc tích cực như thương yêu và hạnh phúc thì như thế nào?
Những cảm xúc tích cực đó vốn không tách rời khỏi bản chất tự nhiên chân thực của bạn. Những khi có một thoáng thương yêu và sung sướng hay những phút giây bình yên, nội tại dấy lên ở trong bạn, đó là khi có một khoảng trống của trạng thái “Không-Tâm” được mở ra, xen giữa dòng suối tư tưởng miên man, tuôn tràn, không bao giờ ngừng nghỉ ở trong bạn. Phần lớn những khoảng trống này xảy ra rất hiếm hoi và do tình cờ mà thôi, đó là trong những phút thoáng qua, lúc cái đầu luôn suy tưởng miên man của bạn bỗng trở nên tĩnh lặng: Như đôi khi bạn bất ngờ trước một vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, hoặc khi phải đối diện với một nguy hiểm rất lớn… Lúc đó bỗng nhiên có sự vắng bóng đột ngột của các ý tưởng, vắng luôn những cảm xúc tiêu cực vẫn thường có mặt ở trong bạn. Và trong sự tĩnh lặng bất ngờ đó, có một niềm an lạc sâu xa, tuyệt diệu. Đó là Niềm Thương Lớn(13) và Niềm An Bình nội tại.
Thường thì những giây phút đó rất ngắn ngủi vì trí năng của bạn mau chóng phục hồi lại những hoạt động lao xao, dao động của nó mà ta gọi là suy nghĩ. Niềm Thương Lớn và Niềm An Bình nội tại không thể phát triển dài lâu được, trừ phi ta thoát ra khỏi sự khống chế của trí năng!
Từ ngữ “cảm xúc” (emotion) bắt nguồn từ cổ ngữ La tinh emovere có nghĩa là “động tâm” hay bất an. Nhưng Niềm Thương Lớn và Niềm An Bình nội tại đó không phải là những cảm xúc thông thường, có tính chất quấy nhiễu hay bất an vẫn luôn có ở trong ta. Vì Niềm Thương Lớn này nằm ở một bình diện sâu xa hơn. Vì thế chúng ta cần thực tập để cảm nhận được những cảm xúc thông thường, trước khi ta có thể cảm nhận được những cảm xúc sâu hơn như Niềm Thương Lớn và Niềm An Bình nội tại.
Niềm Thương Lớn chân thực và Niềm An Bình nội tại là những trạng thái sâu thẳm ở bên trong, hòa nhập với Thực Tại Tối Hậu nên sẽ không có sự đối nghịch; vì chúng phát sinh từ một bình diện vượt thoát lên tất cả mọi suy tư của trí năng. Trái lại, cảm xúc là một phần của tâm thức nhị nguyên, phân biệt(14)… nên bị chi phối bởi luật đối nghịch. Điều này có nghĩa là không thể có tốt mà không có xấu… Do đó trong trạng thái mê mờ, tự đồng hóa mình với trí năng, cái mà ta sai lầm gọi là hạnh phúc chẳng qua chỉ là những chút vui sướng ngắn ngủi của cái vòng lẩn quẩn hết sướng vui rồi lại khổ đau v.v… Những niềm vui tạm bợ này luôn luôn phải có những tác nhân hay điều kiện đến từ bên ngoài, trong khi Niềm An Bình nội tại thường phát xuất từ bên trong tâm bạn. Do đó, điều gì tạo cho bạn thú vui ngày hôm nay sẽ mang đến buồn bã luyến tiếc cho bạn ngày hôm sau, ngay khi bạn thiếu chúng. Tương tự như thế, trong những quan hệ yêu đương nam nữ thông thường, sự nồng nàn, đầm ấm thường chỉ trong thoáng chốc. Những cảm xúc yêu đương đó chẳng qua chỉ là một sự trói buộc, tham đắm và chắc chắn sẽ nhanh chóng trở thành sự bất đồng, vướng mắc, không cân bằng khi có một biến động, mâu thuẫn nhỏ. Biết bao chuyện tình, yêu đương kiểu ấy, sau thời gian nồng thắm ban đầu, dần dần từ “thương yêu” đã biến thành “thù ghét”.
Tình yêu chân thực không thể làm cho bạn khổ sở được. Vì niềm thương yêu ấy không thể trở thành sự ghét bỏ. Niềm an lạc không thể biến thành đau khổ. Cho nên trước khi bạn đạt đến trạng thái tỉnh thức – hay thoát khỏi sự khống chế của những ý tưởng/cảm xúc miên man ở trong mình – bạn vẫn có thể có những thoáng của niềm vui và niềm yêu thương rất chân thực; một cảm giác an bình sâu thẳm nội tại, thật lặng lẽ mà phong phú vô cùng. Đó là trạng thái an nhiên tự tại, chân thực của bạn không bị che lấp bởi những suy tưởng miên man thường có của trí năng bạn. Ngay cả trong các mối quan hệ bình thường, cũng có lúc ta cảm nhận một điều gì rất chân thật và bền vững… Nhưng chỉ một thoáng sau, bạn lại bị dòng thác tư tưởng tuôn chảy liên miên ở trong đầu khuất lấp, che mờ trạng thái an bình, chân thật này. Và bạn có cảm giác như mình vừa đánh mất một báu vật vô giá khi điều này xảy ra, nhưng trí năng của bạn lại cố thuyết phục bạn rằng: cảm nhận đó chỉ là một ảo giác mà thôi. Sự thực trạng thái an bình sâu thẳm ấy không phải là ảo tưởng vì bạn không bao giờ đánh mất trạng thái ấy. Những cảm nhận an lạc đó là một phần của bản thể rất tự nhiên, sẵn có ở trong bạn. Nhưng chỉ vì bạn luôn bị những vọng tưởng, bận rộn, suy tư… ở trong che lấp đi trải nghiệm quý báu này, cũng giống như ánh mặt trời rạng rỡ thường bị những đám mây đen che phủ; dù bạn có lúc không nhìn thấy mặt trời khuất sau đám mây, nhưng mặt trời vẫn luôn còn đó và luôn luôn tỏa sáng!
Đức Phật đã dạy ta rằng đau khổ hay phiền muộn của ta đều phát sinh từ những dục vọng không được thỏa mãn, và muốn hết khổ thì phải cắt đứt mọi tư tưởng thèm khát và tham đắm ấy trong ta.
Tất cả những tham đắm này đều do tư tưởng mong cầu sự cứu rỗi hoặc thỏa mãn từ những điều kiện ở bên ngoài hoặc trong tương lai để hy vọng rằng những thứ đó có thể thay thế cho niềm an lạc sâu xa của trạng thái ung dung tự tại. Bởi vậy khi nào ta còn đồng hóa ta với trí năng, tức cách suy nghĩ: Ta “chỉ là những đòi hỏi, ham muốn, vướng mắc…” cần được thỏa mãn ấy, ta luôn lo sợ rằng nếu mình tách rời tự thân ra khỏi những thứ này thì “ta” sẽ chết mất, ta không còn là “ta” nữa. Trong trạng thái mê mờ đó, cho dù ta có những ước muốn như đạt được tự do hay một sự tỉnh thức lớn, những ước muốn đó cũng chỉ là biểu hiện của sự tham đắm, và cầu tìm một cái gì ở ngoài ta để bảo đảm cho cái ta nhỏ bé được thỏa mãn hay hoàn hảo trong tương lai mà thôi. Do vậy ta đừng nên phí sức cầu tìm trong một trạng thái thiếu thốn nơi tự thân như thế, dù cho sự tìm cầu đó là để cho ta “đạt tới” giác ngộ. Bạn hãy thực tập an trú trong phút giây hiện tại, hãy quan sát và biết rõ những gì đang xảy ra ở trong đầu mình và chung quanh mình. Thay vì nghiên cứu và bàn luận về Đức Phật, bạn hãy là Phật, là một bậc giác ngộ. Vì từ “Phật” có nghĩa là giác ngộ.
Từ muôn kiếp, chúng ta đắm chìm trong khổ đau vì đã xa rời bản chất tự nhiên thanh tịnh và chân thực của mình… Chúng ta ngụp lặn trong thế giới của tư tưởng và thời gian, đánh mất khả năng nhận thức về cái đang hiện hữu. Trong trạng thái lạc lõng này, chúng ta có cảm giác rằng mình chỉ là một cá thể riêng biệt, vô nghĩa trong một vũ trụ xa lạ, không hòa hợp với nhau, và cũng không hòa nhập với Nguồn Sống Chân Thật.
Khi nào chúng ta vẫn còn đồng hóa mình với tư tưởng hay khi ta vẫn còn mê mờ thì khổ đau là điều không thể tránh được! Đau khổ ở đây là những cảm xúc như tức giận, thù ghét, cao ngạo, ganh tỵ, căng thẳng v.v… – cho dù một cơn giận nhỏ cũng là một hình thức của khổ đau. Những cảm xúc tiêu cực này là nguyên nhân chính của những bệnh tật và dằn vặt tinh thần ở trong ta. Quả thật, mọi thú vui tạm bợ hay những cảm giác cao độ mà chúng ta thường tìm kiếm đều ẩn chứa đằng sau chúng những mầm mống của khổ đau, và sự đối nghịch.
Những ai đã từng sử dụng bạch phiến hay những chất ma túy để hưởng thụ sự “thăng hoa” đều hiểu rằng đằng sau đỉnh cao của cảm giác này là sự tuột dốc thảm hại nhanh chóng của những cảm giác mê ly đó; cuộc vui sẽ nhanh chóng lụi tàn và biến thành một nỗi thống khổ. Nhiều người cũng có kinh nghiệm từ bản thân rằng những quan hệ luyến ái thân mật cũng rất chóng đổi thay; nhanh chóng biến dạng từ một “nguồn” hạnh phúc qua một “nguồn” sầu hận, khổ đau! Nói cách khác, hai thái cực “sướng – khổ” ấy như một thực thể nhị nguyên, như hai mặt của cùng một đồng tiền. Hai thái cực ấy cũng là một phần của nỗi đau khổ ngấm ngầm, không thể tách rời với trí năng, và cái bản ngã luôn đồng hóa tự thân bạn với những ý tưởng và cảm xúc tiêu cực miên man ở trong mình.
Có hai lớp khổ đau mà chúng ta luôn cưu mang: Khổ đau do ta đang tạo ra trong Hiện Tại và những khối khổ đau đã được tạo ra trong quá khứ, nhưng chúng vẫn còn đeo đẳng trong thâm tâm ta tới hôm nay. Làm cách nào để giúp bạn chấm dứt, không gây thêm những khổ đau khác cho chính mình trong phút giây hiện tại và làm thế nào để bạn có thể xóa tan những khổ đau trong quá khứ – đó chính là điều mà tôi muốn đề cập đến trong chương kế tiếp.
-----
Chú thích
1. Trí năng hay lý trí: Là những suy tư tiêu cực, hay cảm xúc lo sợ miên man, không có chủ đích ở trong đầu mình.
2. Tính chấp ngã: Niềm tin rằng có một cái tôi có tự tính riêng biệt của mình, không dính dáng gì với thế giới chung quanh. Cái tôi giả tạo ấy có cảm giác nó thường trực bị bủa giăng bởi những cảm giác bất an, sợ hãi và khổ đau.
3. Sự Hiện Hữu: Ám chỉ tất cả những gì đang có mặt trong vũ trụ bao la. Kể cả những gì ta không thấy được bằng mắt, không cảm được bằng giác quan.
4. Thực tại: Một sự vật, hay cái gì đang có mặt trong phút giây này.
5. Thực Tại Vượt Thoát: Một thực tại tuyệt đối vượt lên trên thế giới hiện tượng mà chúng ta đang sống.
6. Đại Thể: Toàn thể đời sống bao la, muôn màu muôn vẻ, đang diễn ra khắp nơi trong vũ trụ.
7. Tôi Đang Là: Cùng nghĩa với Đại Thể.
8. Tự đồng hóa (hay tự đồng nhất) mình với trí năng: Là khi bạn thiếu hiểu biết cho rằng mình chỉ là những suy tưởng miên man, không chủ đích hay những cảm xúc lo sợ vẩn vơ thường dấy lên ở trong đầu. Khi đã đồng nhất với những thứ đó, bạn cư xử và phản ứng theo những thói quen bó buộc, tiêu cực và thiếu tự chủ.
9. Cái phần suy tưởng, cảm xúc miên man, không thể dừng lại ấy trong ta: Hay nói như Đức Phật: “Tâm viên, ý mã” để nói về bản chất của loại tâm thức suy nghĩ, lo lắng lung tung này, như một con vượn nhảy từ cành này sang cành khác. Đó là một loại tâm thức đi hoang, luôn chực để phóng đi như một con ngựa không có người cầm cương.
10. Sự phân mảnh của tâm thức: Trạng thái chia cắt, vỡ vụn của tâm thức thành nhiều mảnh, làm cho ta cảm thấy phân tán, không liền lạc, hài hòa ở trong cảm nhận, suy nghĩ.
11. Quan niệm có ta và có thế giới ngoài kia, và những gì hiện hữu trong thế giới ấy không phải là ta: Tương tự như quan niệm “ngã”, và “chúng sinh” trong kinh Kim Cương, đó là cách nhìn thế giới từ cặp mắt nhị nguyên, phân biệt: thấy một cách sai lầm rằng có tavà có những cái không phải là ta.
12. Không thể dừng lại những suy tư ở trong đầu mình: Căn bệnh của đa số trong chúng ta: Không thể tự chủ trong chuyện dừng lại tất cả những suy tư của mình. Do đó Thiền Tập là cách thực tập để chúng ta có thể quan sát những gì đang xảy ra ở trong tâm của mình và khi thực tập đều đặn, chúng ta có thể làm chậm lại và dừng hẳn những suy nghĩ lung tung đó, giúp ta được nghỉ ngơi.
13. Niềm Thương Lớn: Hay Tâm Đại Bi, là lòng thương yêu tất cả mọi người như thương yêu chính mình. Khi ta không còn phân biệt ta với mọi thứ chung quanh nữa thì Lòng Từ Bi của ta sẽ trở thành Tâm Đại Bi, thứ tình thương phát sinh từ cái nhìn hiểu biết của Vô Ngã.
14. Tâm thức nhị nguyên, phân biệt: Đó là một loại tâm thức suy tư hay so sánh, lý luận, phân biệt ở trong ta. Theo cách suy nghĩ này ta phân biệt mọi việc, mọi chuyện theo các cặp đối nghịch: đúng/sai, tốt/xấu, trắng/đen, cao/thấp,…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét