Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Câu chuyện DƯƠNG VINH - chứng minh công đức của việc tích chứa phước thiện


Có một người làm đến chức Thiếu sư, tên là Dương Vinh, thuộc huyện Kiến Ninh tỉnh Phúc Kiến. Tổ tiên của ông làm nghề chống thuyền đưa khách sang sông để kiếm sống. Có một lần, mưa xuống rất lâu, sông suối ngập tràn, thế nước ào ạt, cuốn phăng nhà cửa của dân. Rất nhiều người đã bị nước cuốn, số chết, số đang vật vã trong dòng nước xiết. Những thuyền khác đều lo đi vớt của cải trôi theo dòng nước, chỉ ông cố và ông nội của Dương Vinh lo đi cứu những người mắc nạn bị nước cuốn, mà không vớt một món vật nào. Người trong làng đều cười chê, cho họ là ngu. Đến khi cha Dương Vinh ra đời, sinh kế của gia đình lần lần khá giả. Có một vị đạo sĩ nói với cha Dương Vinh rằng: “Cha và ông nội của ông tích chứa được rất nhiều âm đức, con cháu nhất định sẽ thành đạt làm quan lớn. Ông nên đem hài cốt cha mình an táng tại chỗ kia”.

Cha Dương Vinh nghe xong, y lời đạo sĩ, đem hài cốt của cha và ông nội chôn tại chỗ đại sĩ chỉ. Ngôi mộ đó, ngày nay mọi người đều biết là mộ Bạch thố. Sau đó Dương Vinh ra đời, đến năm hai mươi tuổi thi đậu Tiến sĩ. Làm quan mãi đến chức Thiếu sư thuộc hàng Tam công. Hoàng đế còn truy phong cho cha, ông nội, ông cố của Thiếu sư chức tước như ông.  Con cháu đời sau của Thiếu sư vô cùng thành đạt, mãi cho đến ngày nay vẫn còn rất nhiều bậc hiền tài.

Dương Thiếu sư! Dương Thiếu sư! Ông cố, ông nội tích âm đức, tích âm đức. Lụt lội chỉ lo cứu vớt người, của cải chẳng quan tâm. Người cười như thế là khờ ngu! Đâu ngờ ngu mà được đại phước, được đại phước.

Góc độ dụng công thứ ba: Cải đổi lỗi lầm từ tâm niệm


Thế nào là cải đổi lỗi lầm từ tâm niệm?

Người ta gây tạo lỗi lầm vốn nhiều vô số, song tất cả đều từ tâm niệm mà ra. Nếu tâm ta không động niệm, thì không có tạo ra bất cứ nghiệp gì. Như vậy lỗi lầm từ đâu mà sinh? Phàm người ta thường có nhiều lỗi lầm như tham đắm nữ sắc, danh tiếng, tiền của, hoặc hay nóng giận, v.v...  Chúng ta không cần tìm hiểu phương pháp để cải đổi từng lỗi lầm một, mà chỉ cần nhất tâm nhất ý khởi niệm lành, làm việc thiện, lúc nào cũng chánh niệm hiện tiền, thì không có ý niệm tà ác nào xen khởi, làm ô nhiễm tâm ta được.

Ví như  mặt trời soi sáng giữa từng không, tất cả những hắc ám đều không chỗ dung thân. Đây chính là yếu quyết tu tâm, sửa lỗi chân chánh duy nhất. Phải biết tất cả lầm lỗi tội ác đều do một tâm này gây tạo, nên chỉ cần ngay nơi tâm này sửa đỗi lỗi lầm. Đây giống như trừ cây độc, phải đốn tận gốc, trốc tân rễ, mới không sợ mọc trở lại, mà đâu cần phải chặt từng nhánh, bẻ từng lá!

Phương pháp cải đổi lỗi lầm cao minh nhất vẫn là tu tâm. Nếu biết tu tâm thì sẽ lập tức khiến tâm thanh tịnh. Vì tất cả sai lầm đều do tâm khởi niệm bất chánh mà ra. Nếu biết tu tâm, chánh niệm tỉnh giác, khi khi tà niệm vừa khởi liền phát giác. Tà niệm ngay đó sẽ không còn, tâm trở lại thanh tịnh bất động. Nếu ta không làm được như vậy, khi tà niệm khởi lên phát giác muộn màng , và không đủ sức giác chiếu để khiến nó tiêu diệt, thì phải dùng đạo lý để suy xét, thống trách, thì sẽ hóa giải được tà niệm đó. Còn như không biết dùng đạo lý để suy xét thống trách, thì cố gắng dằn lòng, tránh xa duyên phạm lỗi.

Cả ba phương pháp này tuy có cao có thấp khác nhau, song đều có giá trị riêng, và bổ túc cho nhau. Ta cần phải biết rõ mình, để có thể tùy cơ, tùy lúc vận dụng cả ba phương phá một cách thích đáng tu sửa lỗi lầm, ắt sẽ công hiệu. Song phương pháp tu tâm, chánh niệm tỉnh giác vẫn là chánh yếu, không nên bỏ qua.

Góc độ dụng công thứ 2: Dựa trên đạo lý cải đổi lỗi lầm


Thế nào là dựa trên đạo lý cải đổi lỗi lầm?

Một người lập chí sửa đổi lỗi lầm, trước khi ngăn giữ không làm một điều sai quấy nào đó, phải hiểu rõ đạo lý tại sao ta không nên làm. Ví dụ như một người đối với lỗi lầm của việc sát sinh, trước hết anh ta phải nghĩ rằng: Đức hiếu sinh là đạo lý tự nhiên. Phàm là loài só sinh mệnh ai lại chẳng tham sống sợ chết? Thế mà ta lại giết loài vật để nuôi thân mình, thử hỏi trong tâm có yên ổn không? Những con vật mà ta cắt cổ, nhổ lông, lột da, xào nấu v.v..., chúng phải chịu bao đau đớn khổ sở lúc lâm chung, như vậy có phải tội lỗi lắm không? Ăn uống trên sự tướt đoạt sinh mệnh, gây tạo khổ đau cho chúng sinh, song miếng ngon khi qua khỏi miệng lập tức trở thành đồ dơ mà ai cũng nhờm, cũng gớm! Như Vậy có đang cho chúng ta vì thế mà gây tạo sát nghiệp, chàđạp trên quyền được sống còn của sinh vật, khiến phải chịu tội báo, tổn giảm phước đức không? Ăn chay đạm bạc, thực ra cũng đủ no và dinh dưỡng.

Lại suy nghĩ rằng: Phàm loài có sinh mệnh huyết khí đều có tri giác tánh linh. Đã có tri giác tánh linh, thì có khác gì chúng ta đâu?  Ngày xưa bậc Thánh như vua Thuấn, nhờ đạo đức cao thượng mà được voi cày ruộng giúp, chim nhổ cỏ giùm. Ta nay tuy chưa thể tu dưỡng được như người xưa, khiến loài vật đến tôn trọng, thân cận, song cũng không thể tàn hại sinh mệnh của chúng, khiến kết nên nhân duyên oán thù. Mối hận này đeo đuổi chúng ta đến lúc nào mới hết?

Người biết suy nghĩ như thế, không thể nào nuốt trôi những cá thịt trên bàn.

Ví dụ như tánh tình của ta của ta trước kia hay nổi sân, nên suy nghĩ rằng: Ai cũng có điều tốt, ai cũng có chỗ xấu. Khi gặp chỗ xấu của người, xét về tình lý, nên thương cho họ, mà tha thứ chỗ xấu đó, vì chính họ cũng là nạn nhân, chịu khổ não bởi thói xấu bản thân. Nếu có người ngang ngược, vô lý mạo phạm đến ta, thì lỗi đó ở họ có dính dáng gì đến ta, vậy tại sao ta phải nổi giận?

Lại nghĩ rằng: Trên đời này không có ai dám tự cho rằng mình là hoàn hảo, không chút lỗi lầm. Một người cho rằng mình là hoàn hảo, mới chính là kẻ ngu nhất. Trên đời cũng không có đạo lý nào dạy chúng ta oán hận người xung quanh. Người càng có học vấn thì càng phải khiêm tốn, nghiêm khắc với mình, khoan dung với người, sao lại oán hận người khác?

Cho nên, một người làm việc không được vừa lòng đắc ý, đều do đạo đức của mình không tu dưỡng tốt, còn thiếu công đức, không đủ sức cảm động lòng người. Vì vậy phải phản tỉnh, kiểm điểm lại mình, xem có chỗ nào có lỗi với người không?

Người có thể suy xét được như vậy, dụng công sửa mình, thì người khác phỉ báng sẽ trở thành sự trui rèn, thành tựu phẩm cách cho ta, bằng những bài học phản diện. Ta nên hoan hỉ tiếp nhận sự giáo huấn, phê bình của người khác, còn oán hận điều gì?
Lại nữa, nghe người khác nói xấu mà ta không nổi giận, dầu lời nói đó ác độc đến đâu; khác nào như đem lửa đốt trời, hư không vẫn rỗng rang, không có gì để cháy, lửa cuối cùng cũng tắt. Nếu người ta nghe người khác hủy báng mà tìm cách biện hộ, thì khác nào như tằm nhả tơ, tự trói buộc lấy mình. Đó là tự mình chuốc lấy khổ. Cho nên, nổi giận không những vô ích mà còn có hại.

Đó là nói về hậu quả của nóng giận. Còn như những lỗi lầm và tội ác khác, cũng nên y theo đạo lý này mà suy xét, thì tự nhiên sẽ không phạm phải lỗi  lầm.

Ba góc độ dụng công của sửa đổi lỗi lầm


Một người lập chí sửa đổi lỗi lầm, nếu có đầy đủ ba tâm hổ nhục, sợ tội và dũng mãnh, thì có thể lập tức sửa được lỗi lầm; như lớp băng mỏng mùa Xuân gặp phải ánh dương quang, lo gì không tan rã? Song sửa đổi lỗi lầm có ba góc độ dụng công. Một là từ trên thực tế để sửa đổi. Hai là từ trên đạo lý để sửa đổi. Ba là từ trên tâm niệm để sửa đổi. Do ba cách dụng công khác nhau, nên kết quả cũng bất đồng. Trước hết, nói về từ trên thực tế sửa đổi lỗi lầm.

Ví dụ như hôm qua sát sinh, hôm nay chấm dứt không sát sinh nữa. Hôm trước nổi giận mắng người, hôm nay bỏ qua không giận nữa. Đây là phương pháp chấm dứt lỗi lầm không tái phạm, bằng cách sửa đổi lỗi lầm khi sự việc đã phát sinh. Song sửa lỗi như vậy là miễn cưỡng dằn lòng, tuy qua được một lúc song mầm mống lỗi lầm vẫn còn trong tâm. Chỉ cần có cơ hội thích hợp là nó lại tái phát, đôi khi còn mãnh liệt hơn nữa. Người ta bảo tức nước vỡ bờ là vậy. Nên đây không phải là phương pháp sửa lỗi lầm một cách triệt để.