Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Thực Tập Chánh Ngữ: CHẾ TÁC HẠNH PHÚC BẰNG ĐIỆN THOẠI

CHẾ TÁC HẠNH PHÚC BẰNG ĐIỆN THOẠI

Ở Làng Mai chúng ta đã được học Thiền điện thoại. Thiền điện thoại là gì? Thiền điện thoại là một phương pháp tạo hạnh phúc. Nhiều khi chúng ta trả hóa đơn điện thoại rất nặng. Chúng ta nói điện thoại rất nhiều, nhưng hạnh phúc mà chúng ta chế tác để trao truyền cho người khác không được bao nhiêu. Đó là tại chúng ta ngồi lê đôi mách. Chúng ta nói chuyện này, nói chuyện kia, nói chuyện thị phi một cách vô bổ, và người được lợi duy nhất là nhà dây thép. Trong khi đó chúng ta biết rất rõ rằng chỉ cần nói một hoặc hai câu là có thể làm cho một người lên tinh thần, có hạnh phúc. Nếu thực tập được pháp môn thiền điện thoại thì không những ta có thể tạo hạnh phúc cho nhiều người, mà chúng ta còn không phải trả tiền điện thoại nhiều quá. Chỉ cần nhớ rằng mỗi câu nói của chúng ta là châu ngọc, là gấm thêu, như trong bài kệ để thực tập thiền điện thoại:
Tiếng đi ngoài ngàn dặm,
Xây dựng niềm tin yêu,
Mỗi lời là châu ngọc,
Mỗi lời là gấm thêu.
Một hôm nào đó quý vị hãy thực tập bằng cách nhìn cái điện thoại mà mỉm cười và thở: A điện thoại! Em là một phương tiện để ta tạo hạnh phúc.
Trong bài Quy Nguyện có câu: "Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ". Chúng ta có thể sử dụng điện thoại để thực tập hạnh nguyện này được. Muốn thực tập thì ta dùng điện thoại buổi sáng một lần, và buổi chiều một lần. Buổi sáng nói một câu để dâng cho người niềm vui, buổi chiều nói một câu để làm cho người bớt khổ. Mỗi lần nói chỉ cần một hay hai phút. Nhiều lắm là năm phút điện thoại. Nếu tôi không đi tu mà tôi làm giám đốc nha bưu điện thì tôi sẽ quảng cáo rằng: Dùng điện thoại, quý vị có thể làm hạnh phúc cho rất nhiều người. Trước khi gọi quý vị nên thở cho đàng hoàng!
Trước khi gọi, ta phải có chủ đích: Lần gọi này là để làm hạnh phúc! Mình phải có tinh thần rất vững mới làm được, nếu không, mình sẽ bị kéo theo câu chuyện, và chúng ta sẽ chết chìm theo người kia. Ban đầu chúng ta có ý muốn cứu độ một linh hồn đang khắc khoải, ai dè khi bắt đầu câu chuyện thì chúng ta bị cái linh hồn đó kéo theo, và hai linh hồn cùng chìm đắm trong sông mê bể khổ. Chuyện chìm đắm đâu phải là chuyện xa lạ, chỉ cần nhắc điện thoại lên là chúng ta dìu nhau vào biển khổ, vào hỏa ngục, mà còn phải trả tiền nữa!
Cho nên nếu quý vị muốn làm thiền điện thoại thì phải sắp đặt trước, phải thiết kế đàng hoàng, nguyện rằng mỗi ngày ta cương quyết sẽ làm cho hai người bớt khổ, và hai người có hạnh phúc. Ngày mai ta sẽ làm cho hai người này có hạnh phúc, mình phải chọn hai người nằm trong cái waiting list của ngày mai. Khi nói với người đó, ta phải nói những câu nào để có tác dụng làm vơi bớt nỗi khổ trong người đó, và làm cho người đó có niềm tin nơi tự thân người đó. Ta phải có một cuốn tập ghi chép công phu của ta, gọi là "Sổ công phu".
Trước đây ở Làng Mai, mỗi thiền sinh về làng đều được phát một cuốn sổ công phu, mỗi ngày làm gì đều phải ghi vào đó hết. Nếu các sư cô, sư chú thấy truyền thống này đẹp, thì có thể thiết lập lại. Mỗi người được phát một sổ công phu, và mỗi đêm, trước khi đi ngủ, mình nghĩ rằng sáng mai mình sẽ thực tập những điều nào trong giờ ngồi thiền buổi sáng, điều nào trong giờ ăn sáng v.v..., đều phải ghi hết vào "To do list" đó. Mình phải tính trước thì mới được.
Có thể vào phút chót ta thay đổi đề tài, tại vì đêm qua ta có một giấc mộng và ta muốn quán chiếu, thì ta có thể thay đổi, nhưng tốt hơn hết là chúng ta phải thiết kế chương trình thực tập của chúng ta trước khi đi ngủ. Cũng như có người đã làm, họ nói ngày mai đến phiên mình nấu cơm, thế nào mình cũng phải có giá, có đậu hũ v.v... Quý vị cũng có thiết kế phải không? Vậy thì tại sao ngồi thiền mình lại không làm như vậy? Tại sao công phu hàng ngày mình không làm như vậy? Ngồi thiền cũng quan trọng bằng nấu cơm. Nấu cơm cũng là thiền tập, mà ngồi thiền cũng là thiền tập, tại sao mình lại cho chuyện nấu cơm nhiều sự chuẩn bị hơn?
Cho nên tôi đề nghị mỗi chúng ta nên có một cuốn tập công phu. Công phu phải hiểu theo nghĩa của đạo Bụt chứ không phải cái nghĩa của đấm đá đâu. Chúng ta công phu 24 giờ mỗi ngày, chứ không phải chỉ công phu khi tụng kinh sáng hay tụng kinh chiều. Ngồi thiền cũng công phu, đi thiền hành cũng công phu, ăn cơm cũng công phu, và nói điện thoại cũng là công phu.
Chúng ta không đến nỗi quá nghèo để mỗi ngày không nói được hai lần điện thoại. Một vào buổi sáng để dâng niềm vui cho một người, và một vào buổi chiều để làm cho một người bớt khổ.
Nếu đối tượng thực tập của chúng ta là người sống ngay trong xóm, thì chúng ta đâu cần điện thoại? Chúng ta đến với người đó, ngồi xuống cho tươi mát, tìm lúc thuận tiện và nói với người đó một vài câu để người đó bớt khổ, để người đó có hạnh phúc, đó là thực tập tạo hạnh phúc. Không thực tập được ở đây thì làm sao sau này chúng ta thực tập được ở nơi khác? Với sư anh, với sư chị, với sư em của chúng ta mà chúng ta không thực tập được thì chúng ta thực tập được với ai!
Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ, ta có thể thực tập điều đó bằng phương pháp nghe và bằng phương pháp nói. Chúng ta nên biết rằng khi làm hạnh phúc được cho một người, thì không phải người đó là người duy nhất có hạnh phúc. Hạnh phúc nó trở về với ta. Khi làm cho một người nở nụ cười, thì trong mình cũng có một đóa hoa nở ra. Chúng ta hà tiện làm gì? Chúng ta tưởng nói câu đó thì chúng ta mất mát! Không, nói câu đó thì chúng ta sẽ giàu có hơn lên. Khi nói được một câu điện thoại hay nói được một lời ái ngữ với người đang sống với ta, là chúng ta đang thực tập công phu, chúng ta đang nuôi dưỡng tâm từ bi. Một câu nói đủ để làm nở hoa nơi người kia, thì khi hoa nở, trong lòng chúng ta cũng có một đóa hoa nở ra. Một mũi tên cứu được hai con chim! Ngoài đời họ nói một mũi tên bắn được hai con chim, nhưng mình nói ngược lại. Tại vì mình không nhắm hai con chim mà mình nhắm cành cây để cho hai con chim bay đi, khỏi bị người khác bắn.
Vậy thì tối nay trước khi đi ngủ, ta nói ngày mai ta quyết làm cho ít nhất là hai người có hạnh phúc. Đừng có ôm đồm, đừng nói tôi phải độ hết tất cả chúng sanh, hơi ham hố! Mình nói mình chỉ làm hạnh phúc cho hai người thôi. Tới 12 giờ trưa mà chưa làm thì mình phải chuẩn bị để buổi chiều mình có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét