Đối tượng thứ hai, chúng ta không phải là người tội lỗi phạm pháp, nhưng chúng ta tin nhân quả theo Phật dạy. Ngày nay chúng ta được sanh làm người, nhưng thường ốm đau và gặp nghịch duyên, nghèo khó, khổ cực, bị cuộc đời khinh chê thì chúng ta nghĩ ngay đến lời Phật dạy về ba đời nhân quả, do đời trước làm gì đó mà đời này nghèo khổ, bệnh hoạn, xấu xí và bị ghét bỏ. Nhận ra được điều này có nghĩa là làm lại cuộc đời, từ cuộc đời không tốt đẹp, điều chỉnh thành người tốt đẹp. Trong hạng người thứ hai, tôi là một trong những người này. Tôi sanh ra ở vùng quê nghèo, nơi biên địa có chiến tranh. Những khó khổ này tôi suy nghĩ là nhân quả nhiều đời mình có liên hệ với chiến tranh, có liên hệ với nghèo khổ, nên nay mới bị như vậy; nhưng còn chút xíu thông minh để nhận thức được cuộc sống để xóa đi nghiệp ác của mình, thay đổi cuộc sống, từng bước đi lên. Trong hoàn cảnh như thế, tôi nhờ minh sư khai ngộ, ngài nói tuy ở trong hoàn cảnh nghèo và chiến tranh, nhưng chắc chắn có căn lành, vì tôi học kinh rất dễ, khi chưa xuất gia, nghe kinh đã thuộc, nên thầy bảo tôi có căn tu. Nói cách khác, đời trước tôi đã là thầy tu rồi, nhưng nay sanh trong gia đình nghèo ở nước có chiến tranh, tức sanh trong hoàn cảnh không tu được. Vì vậy, nhớ lại đời trước mình là thầy tu, nhưng làm mất bản chất thầy tu, nên nghèo khó, mới làm lại cuộc đời. Và xa hơn, đọc Sám Quy mạng nói rằng: "Tự di chơn tánh, uổng nhập mê lưu, tùy sanh tử dĩ phiêu trầm, trục sắc thanh nhi tham nhiễm…”. Đọc điều này, tự nhận ra được mình là thầy tu, đáng lẽ lên Niết-bàn, Cực lạc, sao lại rơi vào trần gian, vào hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, chết không biết về đâu, nghĩa là từ nơi tốt mà bỏ đi vào con đường sai lầm giống như biến mình thành người phạm tội. Làm lại cuộc đời là trở lại người bình thường và thứ hai, làm lại cuộc đời là làm người tu. Nguyên nhân là vô minh nổi dậy, một phút lỗi lầm rơi vô hoàn cảnh khổ đau.
Vì vậy, học Phật, Phật dạy trí tuệ quan trọng nhất của chúng ta. Phát huy được trí tuệ thì trở thành hiền thánh, nhưng mất trí tuệ, xuống thành người tù, hay xuống địa ngục, súc sanh. Có trí tuệ, chúng ta đi lên; không trí tuệ, phạm sai lầm, đi xuống gọi là tự di chơn tánh. Chơn tánh là bản tánh sáng suốt của con người mà chúng ta không giữ được, vì vô minh nổi dậy ngăn che, nên chúng ta phạm sai lầm. Chúng ta nhận ra sai lầm này từ chỗ nào, vô minh là gì. Lòng tham, sự bực tức là vô minh. Tôi nhận ra tánh mình hay nóng, nói tiếng thứ nhất, đến tiếng thứ hai là đánh. Vì nóng, chúng ta dễ phạm sai lầm. Tôi nhớ lúc học tiểu học, lớp 2, tôi bị một anh lớp 3 ức hiếp. Tôi nổi nóng đấm anh bể mũi. Anh này là con của hương quản, nên họ bắt tôi nhốt một ngày. Do nóng giận mất khôn, đánh người, bị nhốt bỏ đói, đó là nóng giận sanh ra vô minh. Nếu bình tĩnh như Hàn Tín biết nhịn chịu cho qua để mưu cầu việc lớn. Từ đó, tôi có nhận thức mới, khi bị ức hiếp, tôi nói hãy đợi đấy, để học xong rồi tính sổ. Bây giờ mình thấp cổ bé miệng, động tay chân dễ ở tù. Nhưng học xong, tu được, dẹp tự ái cá nhân thì vô minh là ý niệm gây sự trả thù cũng hết. Còn đợi cơ hội trả thù thì thù càng chồng chất là oan oan tương báo không chấm dứt. Vì vậy, làm lại cuộc đời là làm lại để thành hiền thánh, gần là làm người tốt, làm thầy tu đúng nghĩa.
Trên bước đường tu, chắc chắn chúng ta có sơ suất phải trả giá, thì phải có thức tỉnh, sai lầm, làm lại. Trong thời Phật có tướng cướp Vô Não, về sau ông phát tâm đi tu, nhưng đi đâu người ta thấy cũng nghĩ ông là sát nhân, nên đánh ông, dù ông tu rồi, hiền rồi; nhưng ông này quyết tâm làm lại cuộc đời, chấp nhận những gì đổ lên là kham nhẫn, chịu đựng thì cuối cùng, người ta thấy ông hiền. Gốc của ông là hiền, nhưng vì sai lầm mà trở thành sát nhân, nhưng làm lại cuộc đời, chấp nhận mọi khó khăn để thành hiền và đắc quả A-la-hán, được người cung kính. Vì túc nghiệp mà làm một số việc sai, người sẽ đánh giá ta thấp, ta làm lại, nghiệp sẽ thay đổi, trở thành tốt. Trong kinh Bản sanh, Đức Phật cũng nói không phải tự nhiên Ngài thành Phật, Ngài phải trải qua vô lượng kiếp tu hành có phạm sai lầm, nhưng mỗi lần sai có thức tỉnh, có nhận thức mới đi lên được, đó là kinh nghiệm của Phật.
Bồ-tát Quan Âm trong một tiền thân cũng có sai lầm. Ngài nói tiền kiếp xa xưa, ngài từng làm ác quỷ. Ác ma nào cũng có thần thông biến hóa, hay có quyền có thế, có quyền sanh sát. Bồ-tát Quan Âm từng có thần thông, quyền thế, quyến thuộc nhứt hô bá ứng, nhưng vì phạm sai lầm quan trọng, khi có đủ phước báo, người ta thường ỷ lại, nên dễ phạm tội.
Tôi có người bạn đồng tu gặp tôi ở Tokyo, thầy này có quyền thế mới phát biểu rằng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, muốn chơi thì chơi cho biết đá biết vàng, cuối cùng vàng và đá cùng vỡ, vì thế lực đụng thế lực thì cả hai cùng tan. Trong thời Chiến tranh lạnh, nếu nước Mỹ và Nga tranh nhau đến cùng thì trái đất này có thể nổ tung. Vì vậy, thế lực càng lớn, quả báo càng lớn.
Quan Âm xưa tu có quyền lực, có quần chúng, có thần thông, nhưng dựa vào thế lực, quyền năng, quần chúng và trí khôn để khống chế người khác, đưa đến hậu quả là mỗi lần thắng trận mỗi lần tổn tướng hao binh, nên tướng giỏi mất lần, nhưng giặc có người mạnh hơn. TruyệnTam quốc cho thấy lúc thế lực này mạnh lấn át thế lực kia, luôn có sự xoay vần. Người thương Quan Âm lần lần chết, người thù oán mỗi ngày mạnh lên, đưa Ngài vào thế hoàn toàn bị cô lập, không còn ai theo. Nhìn kỹ cuộc sống sẽ thấy như vậy, làm nên sự nghiệp là nhờ phước báo, nhưng trong cách sống, cư xử thế nào mà làm mất lần, cuối cùng người thân không còn, lại chống ta. May mắn là Quan Âm gặp Phật Tổ Như Lai, nên trên đầu Quan Âm luôn có Phật. Khi Ngài hiện hình ông Tiêu cũng có Như Lai, tức sa cơ đọa địa ngục mới gặp Như Lai, còn quyền thế thì không nghe ai. Sa cơ mới thấy Như Lai xuất hiện là điểm đặc sắc của đạo Phật.
Đọc cuộc đời hành đạo của ngài Ưu Ba Cúc Đa, ngài gặp người thí chủ giàu có thỉnh về cúng dường, nhưng ngài nói chưa đúng lúc, không nhận. Đến khi bà này sa cơ, bị thải ra bãi tha ma thì ngài tới độ. Bà nói không có gì cúng dường ngài, nhưng ngài nói bây giờ mới đúng lúc là bà còn có niềm tin, nên tôi đến, lúc có tiền có thế lực thì chưa có niềm tin.
Khi Quan Âm bị đọa, thì Như Lai xuất hiện, hay tôi phát tâm thọ trì kinh Pháp hoa từ năm 1963. Lúc đó tôi bị bắt biệt giam, tôi nghĩ mình không còn gì, nhưng đối với tôi còn Phật, còn niềm tin với Phật. Tận cùng khổ đau, ta có thể phát tâm, Quan Âm nói như vậy, khi ngài còn thế lực thì không phát tâm. Thế lực cạn kiệt mới phát tâm, hay thấy Như Lai, tức có huệ Như Lai sáng lần trong đầu. Nhờ ánh sáng trí tuệ rọi, ta thấy sai lầm từ trước. Công đức đã tạo mới có sự nghiệp, nhưng vì si mê sai lầm nên đánh mất phước đời trước và bị đọa địa ngục. Lúc đó, nhờ có ánh sáng trí tuệ Như Lai rọi vào đầu Quan Âm, Ngài thấy khác là thấy quyền lực quyền năng đều hại người. Chỉ có tình thương quan trọng. Vì vậy, Quan Âm mới phát tâm đại bi, có ý niệm thương người, giúp người dù gặp bất cứ ai cần đến Ngài, đó là nguyện của Quan Âm, không còn ý niệm hại người. Thế lực ác ma là có quyền lực thì ai không theo sẽ giết, nhưng bỏ ý thức giết người mà chuyển thành thương người, là Quan Âm làm lại cuộc đời.
Tuy nhiên, bắt đầu làm lại cuộc đời, túc nghiệp đã có nên phải trả giá. Còn có sẵn phước thì đi lên dễ. Đánh mất, làm lại khó; chưa lỗi lầm, người chấp nhận ta dễ, nhưng ta có lỗi rồi mà muốn người chấp nhận ta tốt, ta phải có sự thay đổi lớn trong cuộc sống. Vì vậy, hư rồi, tạo được lại uy tín khó. Quan Âm phát tâm đại bi, có ý thức cứu giúp người, nên kham nhẫn chịu đựng được những gì đổ lên Ngài. Thực tế cho thấy chúng ta muốn giúp, nhưng họ không cần, xem thường ta, nhưng ta vẫn chấp nhận và giúp là theo hạnh Quan Âm. Bình thường làm tốt dễ, nhưng nay ta muốn làm tốt, họ cũng không chấp nhận vì ta có sai lầm, ta làm lại, nên phải trả giá. Vì vậy, bình thường chúng ta thấy người muốn làm lại, nhưng gặp nghịch duyên thì họ không làm nữa. Nhưng ta theo hạnh Quan Âm, phát tâm cưu mang giúp đỡ, sẵn lòng muốn làm lại thì phải làm đến nơi đến chốn là phát đại bi tâm, giúp cách này không được, ta có cách khác. Ta nói họ không nghe, tìm người khác nói cho họ nghe. Quan Âm muốn cứu giúp chúng sanh, chỉ có mục tiêu duy nhất đó thôi, nên nay Ngài cứu một người, mai giúp một người, lần lần người thân thiện với Ngài, nên số người này càng đông càng làm được việc lớn. Số người thương Quan Âm và theo Ngài là Quan Âm biến thành người có một ngàn mắt, một ngàn tay, nghĩa là ta có thêm một người bạn tốt là ta thêm một cánh tay, thêm một con mắt. Thí dụ tôi ngồi ở đây, ở chùa Ấn Quang có người thương tôi thì người nào nói xấu tôi, muốn hại tôi, tôi cũng biết. Tôi làm được việc là nhờ như vậy. Một mình không làm được gì, nhưng chung quanh mình có nhiều người thương hợp tác thì có bao nhiêu người là ta có thêm bao nhiêu cánh tay, bao nhiêu đôi mắt. Phật nói Quan Âm là thế, cùng tột khổ đau nhận ra được là nhờ Phật huệ thấy biết việc nào làm người khác chấp nhận, người khác được lợi ích thì Ngài làm.
Làm lại cuộc đời là phục hồi uy tín mà Bồ-tát Quan Âm đã thành công và ta làm theo Quan Âm cũng sẽ thành công. Muốn làm ác ma, ai nghịch, ta hại họ, cho đến người thân mà ta cũng nghi ngờ và hại họ, thì làm sao ai chung sống với ta. Quan Âm tu hạnh đại bi, dù chúng sanh cang cường, Ngài cũng hạ quyết tâm cứu giúp, bây giờ không được, ngày mai cũng phải được, là ý nghĩa độ tận chúng sanh. Vì vậy, Đức Quan Âm có mười hai nguyện ứng vô tâm đại bi của Ngài, nên Ngài trở thành Bồ-tát vạn năng được tất cả mọi người kính trọng. Học hạnh Quan Âm, chúng ta phải có lòng từ bi, sẵn lòng giúp đỡ người khó khăn, thì đồng hạnh với Quan Âm, ta sẽ nhận được lực gia bị của Ngài trên bước đường làm việc từ thiện lợi ích cho xã hội.
Nguồn: chuahuenghiem.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét