Lời nói đầu
Trong loạt bài giảng tại chùa Huyền Không năm 1993 tôi chia ra hai phần: Phần thứ nhất giới thiệu về LÝ (để thấy thực tánh), phần thứ hai trình bày về SỰ (để sống thuận pháp). Phần LÝ đã được ghi chép lại trong cuốn THỰC TẠI HIỆN TIỀN xuất bản năm 2004. Phần SỰ tôi hứa sẽ biên tập thành cuốn SỐNG TRONG THỰC TẠI để xuất bản tiếp theo, nhưng mãi đến nay tâm nguyện đó mới thực hiện được. Tôi thành thật xin lỗi quý bạn đọc về sự chậm trễ quá lâu này.
Thiền Phật giáo đã được truyền khắp năm châu, nhưng cũng vì thế mà hiện nay có rất nhiều trường phái khác nhau, tựu trung chúng ta có thể phân ra ba loại tùy theo căn cơ trình độ hay nhu cầu của hành giả:
- Một số hành giả dựa trên GIÁO mà hiểu NGHĨA theo tầm cỡ nhận thức của mình hoặc theo truyền thống của tông môn mình, rồi vận dụng ra phương pháp thiền để tu tập và hướng dẫn người khác. Những phương pháp này nằm trong khuôn khổ chế định, mang tính tục đế, tuy cũng có nhiều kết quả khả quan nhưng chỉ giải quyết được những vấn đề cục bộ, như người mù sờ voi, không thể thấy chân tánh toàn diện của thực tại. Phần lớn hành giả chỉ dừng lại ở những kinh nghiệm phiến diện trong các trạng thái định chứ chưa khai mở được tuệ giác.
- Ở tầm vóc cao hơn, một số hành giả đã thấy được LÝ nhưng khi vào SỰ thì hoàn toàn lúng túng. Bởi vì thấy LÝ cũng có nhiều mức độ khác nhau: 1) Hiểu được LÝ qua lý trí. 2) Nhận ra LÝ qua thể nghiệm ban đầu. 3) Thông suốt LÝ qua thể nghiệm toàn diện. Tiến trình này được đức Phật gọi là THẤY – BIẾT – HIỆN QUÁN và THỰC CHỨNG. Ở trình độ này hành giả có thể chứng ngộ được thực tánh pháp tùy theo độ khai mở của tâm (qua các tuệ chứng tương ứng).
- Khi đã thực chứng, tức đã thấy LÝ trong SỰ, hành giả bắt đầu sống TÙY DUYÊN THUẬN PHÁP, trải nghiệm tất cả SỰ trong nghiệp mệnh chính mình chứ không tìm kiếm bên ngoài, nhờ đó thấy ra LÝ và SỰ không hai, LÝ và SỰ dung thông ngay nơi thực tại thân-tâm-cảnh hiện tiền.
Ở trình độ đầu, hành giả thường thích đề cao kinh nghiệm cá nhân, xem đó là sở đắc và luôn muốn đạt được những kinh nghiệm cao hơn. Chính vì vậy họ bị lệ thuộc vào lập trình quy ước của phương pháp, vào thời gian tâm lý trong cố gắng tạo nhân để gặt quả – sở đắc – mà họ mong đợi. Đây là một loại chấp hữu, khó khai mở được.
Ở trình độ thứ hai, hành giả thường tự mãn về LÝ mà mình đã thấy nên chỉ lo thuyết phục người khác mà quên đi thực tại nơi chính mình, vì tưởng rằng thấy lý là đã xong. Do quá đề cao LÝ, họ sống thiếu thực tế và tỏ vẻ lập dị giữa cuộc sống bình thường. Đây là một loại chấp không, khó chấp nhận đời sống hiện thực.
Ở trình độ thứ ba, dù hành giả lặng lẽ hay nói năng đều hợp nhất SỰ và LÝ, thân và tâm, vừa tùy duyên thuận pháp – sống hợp với chân đế; vừa tùy thuận chúng sanh – không xa lìa tục đế; đồng thời tùy hạnh nguyện VÔ NGÃ VỊ THA mà hành xử theo trung đạo chứ không có chỗ tham cầu, không có nơi dừng lại...
Vậy vấn đề là ở chỗ làm thế nào trình bày một pháp thiền vừa có SỰ LÝ viên dung, hợp với nguyên lý giác ngộ giải thoát, vừa đáp ứng được nhu cầu tu tập thực tiễn của nhiều căn cơ trình độ khác nhau trong bối cảnh thời đại hiện nay, chứ không rập khuôn theo những phương pháp lưu truyền từ các trường phái thiền xưa cũ mà phần nhiều đã mất gốc hay đã lỗi thời!
Thế rồi cơ duyên cũng đến, năm 2007, một tập đoàn doanh nhân xin đăng ký học thiền. Tập đoàn này có nhiều trình độ, nhiều tôn giáo hoặc không tôn giáo khác nhau. Họ là những người có đầu óc khoa học nên đó là đối tượng mà thiền dễ tiếp cận hơn là những người mê tín hoặc những kẻ mong cầu năng lực siêu nhiên. Nhưng ngoài tính thực dụng thì họ cũng rất lý trí nên lại là trở ngại lớn cho việc sống thiền vốn rất giản dị hồn nhiên vượt ngoài lý trí. Hơn nữa mục đích thực tiễn của họ đơn giản chỉ muốn sử dụng thiền như một giải pháp cho đời sống, để kinh doanh có hiệu quả hơn, để vượt qua sự bất an căng thẳng, để nâng cao năng lực thể chất và tinh thần cho đời sống thành đạt và hạnh phúc hơn...
Tất nhiên thiền đủ thực tế để có thể đáp ứng được những nhu cầu đó của họ, nhưng đó không phải là mục đích tối hậu của thiền, nên cũng không thể hy sinh thiền cho những mục đích tầm thường của đời sống dung tục, dù thiền chưa bao giờ tách rời cuộc sống bình thường. Thiền xa rời cuộc sống là tự cô lập, và đó chỉ là một thứ xa xỉ phẩm không cần thiết từ sự chọn lựa lệch lạc và hư ảo. Thiền phải mở ra một chân trời vô hạn để vượt qua cái hữu hạn tầm thường chứ không phải chỉ để góp nhặt những kinh nghiệm cục bộ, hay tìm cầu những thành tựu như ý theo thị hiếu cá nhân. Vậy phải vận dụng như thế nào để có thể giúp họ đạt được mục đích bình thường của đời sống, mà vẫn không trái với nguyên lý cứu cánh giác ngộ giải thoát của thiền.
Tuy nhiên, giác ngộ giải thoát là một cụm từ đã bị hiểu lầm trầm trọng. Có giác ngộ mới có giải thoát, nhưng phần lớn hành giả quá chú trọng đến giải thoát, nên đã bỏ qua yếu tố giác ngộ và đã biến giải thoát thành nỗ lực hành động để sớm thoát khỏi tình trạng bất như ý, hầu mong nhanh chóng đạt được trạng thái như ý. Nhưng đây chính là quy trình của sự trói buộc chứ không phải giải thoát, đơn giản chỉ vì muốn đạt được trạng thái như ý – dù dưới nhãn hiệu thiên đường, cực lạc hay Niết-bàn – thì vẫn xuất phát từ cái ta vô minh ái dục, mà đó mới chính là trung tâm của toàn bộ nỗi khổ đau bất hạnh của đời sống vốn không bao giờ như ý.
Giác ngộ là thấy ra sự thật (thực tánh pháp). Không thấy ra sự thật tức còn vô minh. Còn vô mình tức còn ái dục thì làm sao có sự giải thoát? Giống như người sợ hãi vì tưởng sợi dây là con rắn, bao lâu người ấy chưa thấy ra đó chỉ là sợi dây thì không thể nào thoát khỏi sợ hãi, dù tìm đủ mọi cách để cố gắng loại trừ sợ hãi thì chỉ vô tình làm cho sợ hãi gia tăng, bởi vì chính cái ta nỗ lực loại trừ sợ hãi là nguyên nhân phát sinh sự sợ hãi. Từ vipassanā trong Thiền Minh Sát đơn giản chỉ có nghĩa là thấy minh bạch, tức thấy ra thực tánh chân đế, mà Thiền Tông gọi là kiến tánh, chứ không thấy qua ảo tưởng của khái niệm tục đế, nhất là khái niệm “ta” và “của ta”.
Khi khái niệm “ta” và “của ta” được hình thành thì khổ đau, bất hạnh cũng bắt đầu. Cái ta ảo tưởng (attavipallāsa) chính là đầu mối của luân hồi sinh tử. Nếu không có cái ta ảo tưởng xen vào thì pháp vốn vận hành rất hoàn hảo, tự nhiên, và tánh biết cũng biết pháp một cách hoàn hảo, tự nhiên, vì đặc tánh của tâm chính là biết pháp. Đó là lý do vì sao đức Phật dạy:“Khi tâm thanh tịnh thì thấy các pháp đều thanh tịnh”. Tâm thanh tịnh tức là tánh biết rỗng lặng trong sáng tự nhiên, không bị che mờ bởi ảo tưởng của cái ta tà kiến và tham ái, nên chỉ cần buông cái ta ảo tưởng xuống thì tánh biết liền thấy pháp minh bạch mà không cần khổ công tu luyện gì cả. Khổ công tu luyện là rơi vào cái bẫy “ý chí muốn trở thành” trong quy trình “ái – thủ – hữu” của vòng luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau.
Thiền không phải là nỗ lực tìm cầu để đạt được cái chưa có mà là buông hết mọi nỗ lực tìm cầu thì liền thấy ra ngay đó đã có tất cả. Nhiều người nỗ lực tu luyện để thấy ra thực tánh pháp (hay kiến tánh) trong trạng thái thiền định xuất thần, hoặc trong những trạng thái siêu hình huyền bí, nhưng tất cả chỉ là ảo giác của cái ta ảo tưởng. Cái ta có thể tạo ra tam giới nhưng chỉ để trói buộc chính mình trong đó mà thôi. Thực tánh ở khắp mọi nơi, có thể thấy ngay (sandiṭṭhiko), không qua thời gian (akāliko), nên không cần phải dấn thân tìm kiếm kinh nghiệm một cách manh mún, như chủ nghĩa hiện sinh phương Tây. Ngay khi tâm rỗng lặng trong sáng thì tánh biết liền thấy thực tánh chân đế một cách toàn diện, trong tất cả pháp, chứ không phải chỉ thấy riêng trong một kinh nghiệm pháp đặc biệt nào.
Để các học viên trong khóa thiền thực hiện được điều này, tôi đã trình bày những yếu tố cốt lõi nhất và đơn giản nhất sao cho họ có thể thấy ra nguyên lý sống tùy duyên thuận pháp, vô ngã vị tha, mà trong đó phương tiện cũng chính là cứu cánh chứ không phải xem thiền như là phương tiện để nỗ lực đạt được mục đích ở tương lai. Những yếu tố sống trong thực tại đó được trình bày như sau:
1) An nhiên vô sự: tức tâm buông xả (upekkhā), khinh an (lahutā) và thư thái (passaddhi).
2) Trở về thực tại: tức chánh niệm (sammā sati), sống trọn vẹn với chính mình ngay tại đây và bây giờ.
3) Thấy biết trong sáng: tức thái độ nhận thức tỉnh giác (sampajaññā) trong chánh kiến (sammā diṭṭhi).
4) Suy nghĩ chân thực: tức chánh tư duy (sammā saṅkappa) suy nghĩ trung thực với sự kiện đang được thấy biết trong sáng.
5) Nhiệt tâm cần mẫn: tức chánh tinh tấn (sammā vāyāma) không buông lung phóng dật theo ý đồ của bản ngã.
6) Bình thản đón nhận: tức nhẫn nại (khantī), không đối kháng với pháp bất như ý hay nghịch cảnh, nghịch nhân.
7) Hành xử tinh tế: tức giới (sīla), luật (vinaya), hoặc điều học (sikkhāpada) biểu hiện trong chánh ngữ (sammā vācā), chánh nghiệp (sammā kammantā) và chánh mạng (sammā ājīva).
8) Nội tâm tĩnh lặng: tức chánh định (sammā samādhi), không phải định trong các trạng thái tập trung tư tưởng hay xuất thần.
9) Ngay đó là bờ: tức pháp Ba-la-mật (pāramī), mười phương diện giúp buông bỏ sự trói buộc của cái ta ảo tưởng để trả về với sự hoàn hảo nguyên thủy của tâm và pháp.
Những yếu tố đó ai học Phật cũng đều có vẻ như hiểu được một cách dễ dàng, nhưng trên thực tế có thật sự thể hiện được các pháp đó trong đời sống hay không thì lại là vấn đề hoàn toàn khác. Do đó trong cách trình bày những yếu tố SỐNG TRONG THỰC TẠI tôi chú trọng đến tính chất hiện thực sống động và cụ thể của pháp (sandiṭṭhiko) để mọi người có thể đi thẳng vào hơn là sử dụng những định nghĩa mang tính trừu tượng trong từ điển của các truyền thống kinh viện.
Có thể cách trình bày của tôi còn vụng về thiếu sót, nhưng đây là sự chia sẻ hết sức chân tình, chỉ mong quý bạn đọc trực tiếp nhận ra tất cả yếu tố giác ngộ nêu ra trong cuốn sách này đều đã có sẵn trong chính mình. Thấy pháp xin hãy quên lời, chỉ ngay nơi thực tại mà thấy – biết – hiện quán và thực chứng chứ không cần vay mượn bất cứ phương tiện nào bên ngoài.
Trân trọng
An Cư Mùa Mưa năm 2011 (2555)
Viên Minh