- Lá thư thầy (3)
- Sư Viên Minh
Ngày … tháng …năm……
Con,
Đã lâu không nhận được thư con, thầy nghĩ là con đã trở lại bình thường. "Trở lại bình thường", thầy nói đây, không phải theo nghĩa thông thường, mà là "bình thường tâm thị đạo". Than ôi ! Chúng sinh ít ai có thể trở lại bình thường vì họ hoặc là quá tầm thường hoặc là quá bất thường hay quá phi thường.
Người tầm thường là người bị cuộc sống cuốn trôi như một kẻ vong thân buông mình theo dòng sông định mệnh.
Người bất thường là người bị phong ba của cuộc đời quăng lên bờ sự sống, nằm giãy chết chờ ngọn thủy triều lôi trở lại giòng sông.
Còn người phi thường muốn với lên cao, bay bổng khỏi thực tại khổ đau của cuộc sống, muốn chắp cánh tung bay, lánh xa sự thế, cho đến ngày kia cánh mỏi, sức mòn lại rơi trở về phong ba, định mệnh.
Chúng sanh thường là một trong ba hạng người trên, hoặc là cả ba cùng làm chủ họ, thế thì biết làm sao trở lại bình thường ?
Con ạ, thầy biết con đã từng là kẻ tầm thường, rồi có khi bất thường và bấy lâu nay (từ khi gặp Đạo) con lại mang thêm mộng ước phi thường.
Con tưởng có thể vùng vẫy ra khỏi quá khứ. Con tưởng có thể hướng đến một tương lai trên giải đất bình an. Và con băn khoăn tự nghĩ "biết bao giờ mình mới được bình an" hoặc tỏ ra khẳng khái "ta nhất định phải đạt được bình an". Nhưng bằng cách ấy, con đã vô tình đánh mất cái bình an thường trụ, mà thầy gọi là cái bình thường, cái đang là hoặc cái đương như muôn thuở của chính mình. Con ơi, sao con lại cứ mãi bỏ rơi cái bình an muôn thuở của con để đuổi bắt cái sẽ là hoặc là cái bình an lý tưởng xa xăm ?
Một thiền sư đã nói :
- Thân tại hải trung hưu mích thủy
- Nhật hành lãnh thượng mạc tầm sơn
- (Thân ở biển khơi thôi tìm nước
- Ngày ngày trên núi chớ tìm non.)
Cái bình thường là cái khổ đau, vô thường và vô ngã mà con luôn luôn ở trong đó. Chỉ vì con vọng cái phi thường - cái thường lạc ngã tịnh, hay cái bình an xa xăm nào khác - nên con đã tự bỏ quên cái bình thường thiên thu vô giá. Cũng như một người đãng trí cầm ngọn đèn đi tìm ngọn đèn ấy, tìm mãi không gặp, mà thật ra ngọn đèn nằm sẵn trong tay chưa rời nửa phút.
Trở lại bình thường không phải là có đi có lại mà con chỉ cần xả ly cái viễn vọng phi thường, chỉ cần buông tay một lần dứt khoát, thế là xong. Nhưng buông tay để trở lại bình thường chứ không phải buông xuôi theo cái tầm thường, nghĩa là làm sao con không bị cuốn trôi trong dòng định mệnh.
Chắc con còn nhớ công án "con cá" mà thầy cho con lúc trước. Tại sao cá không bị cuốn trôi theo giòng nước? Tại sao cá không bị quăng bỏ lên bờ? Tại sao cá không biến thành rồng để bay bổng lên mây? Chỉ vì cá biết bơi lội, bơi lội trong chính giòng nước bình thường muôn đời của nó.
Con tưởng người giác ngộ ra khỏi cái bình thường sao? Không, họ chỉ ra ngoài cái tầm thường, cái bất thường và cái phi thường. Giác ngộ chỉ có nghĩa là trở lại bình thường, mà người ta thường diễn tả thật kêu là "ngộ nhập tự tánh". Một thiền sư đã xác nhận : Người giác ngộ "bất muội nhân quả" chứ không phải "bất lạc nhân quả". Nhân quả biến dịch là cái bình thường, là cái "dữ ngã tịnh sinh" (cùng ta sinh ra), là cái "dữ ngã vi nhất" (cùng ta là một). Cho nên họ ở trong nhân quả mà không "muội" nhân quả, nghĩa là họ sống ung dung trong giòng sông nhân quả ấy mà chẳng hề bị nhân quả cuốn trôi và hẳn nhiên trong sự huyền đồng tuyệt đối đó họ đã là một với giòng sông - và vì biết như thế (như thị giác), nên đã "ra khỏi no馱uot;, ra khỏi sự cuốn trôi (luân hồi) của giòng sông định mệnh. Đó cũng chính là ý nghĩa lời tuyên bố siêu việt của Đức Phật : "Không dừng lại, không bước tới Như Lai thoát khỏi bộc lưu". Nếu con có học Kinh Kim Cang thì con nên hiểu chữ "thoát khỏi" theo lối biện chứng này : "Thoát khỏi mà không thoát khỏi nên gọi là thoát khỏi".
Nếu không thế thì thoát khỏi chỉ là cơn đại mộng của loài người. Đại mộng ấy đã chi phối hầu hết sinh hoạt của họ, đã hóa hiện ảo thuật trong toàn bộ những thăng trầm, khủng hoảng, phân hóa, chiến chinh… của con người mệnh danh là "linh ư vạn vật" !
Ôi tự do ! Chính mi là ngục tù ràng buộc con người. Ôi giải đất bình an ! Chinh mi là bãi chiến trường bốc đầy khói lửa.
"Hãy tỉnh ngộ, hãy dừng chân !". Tiếng thét sư tử vương ấy đã từng đánh thức Angulimàla giữa giấc chiêm bao của kẻ mộng thấy phi thường. Không thể có tự do nào khác, không thể có hạnh phúc nào hơn ngoài cái bình thường muôn thuở. Vậy chỉ còn một lối thoát duy nhất thầy xin mở cho con :
- Tự do là ung dung trong ràng buộc
- Hạnh phúc là tự tại giữa đau thương
Vâng, đúng thế, vui buồn, được mất, hơn thua, xấu tốt… là bản chất của cái bình thường. Nếu con chỉ để một thoáng phân vân lựa chọn là hỏng hết rồi ! Nhưng vì sao người ta không kham nổi với cái bình thường? Đức Phật trả lời : "Chính vì vọng tưởng tham, sân, si".
Sống tầm thường là biểu hiện của si mê. Sống bất thường là biểu hiện của sân hận. Sống phi thường là biểu hiện của tham lam. Và ở đâu có si, ở đó có tham sân. Ở đâu có sân, ở đó có si tham. Ở đâu có tham, ở đó có sân si. Tham, Sân, Si là những ảo ảnh biến hiện không lường, đổi thay không dứt. Chúng là trùng trùng duyên khởi trên cái trùng trùng duyên khởi, là khổ đau chồng chất trên khổ đau, là tri kiến che mờ tri kiến. Bởi vậy, duyên khởi, khổ đau, tri kiến đã bị xuyên tạc, đã mất bình thường. Từ đó con người sống trong thế giới huyễn mộng của tầm thường, bất thường và phi thường. Đó chính là tiến trình vận chuyển của vô minh ái dục, thập nhi nhân duyên, biến kế sở chấp, nghiệp báo luân hồi…
Thoát khỏi tiến trình vô minh, ái dục vì thế không phải là để bay bổng vào thế giới siêu nhiên, huyễn mộng mà chính là lột bỏ tất cả mọi mặt nạ trá hình mang nhãn hiệu cái ta để dừng lại hồn nhiên trong cái nguyên tính bình thường bản lai diện mục :
Thiền sư Vĩnh Gia đã từng nói :
- Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân
- Bất trừ vọng niệm bất cầu chơn
- Vô minh thật tánh tức Phật tánh
- Huyễn hóa không thân tức pháp thân.
Tuyệt học vô vi chính là trở lại bình thường, là nhảy vào giữa giòng định mệnh không một chút sợ hãi, và lạ lùng thay ở đó ta gặp lại mặt mũi của ta trong pháp giới mông lung. Đúng là "bất tranh nhi thiện thắng" như Lão Tử đã dạy, Nhưng biết bao nhiêu người niệm Phật Di Đà, vọng cảnh Tây Phương. Những người phi thường ấy thật là khờ dại khi bỏ cõi tịnh độ ta-bà đi tìm Tây Phương Cực Lạc mộng ảo xa xăm, vì không biết rằng Di Đà là tự tánh, tịnh độ là bổn tâm.
Đức Phật dạy : "Tâm bình thế giới bình", tâm bình hay tâm thanh tịnh là bình thường tâm - "bình thường tâm thị đạo".
Vậy tâm bình thường, thế giới bình thường, là Niết-bàn Tịnh Độ chứ nào phải tìm kiếm đâu xa. Thế nên cổ đức đã từng nói :
- Điểu ngữ, thiềm minh giai đạo lý
- Sương đầu, diệp lạc thị thiền na
- (Chim hót ve kêu đều đạo lý
- Sương mai lá rụng thảy thiền na).
Tâm hồn của một người bình thường là thế, đạo vị và thi vị biết là bao !
Trong tâm thái hồn nhiên, chánh niệm và tỉnh giác, con người bình thường ấy có thể mỉm cười khi thấy :
- Ba cõi lầm mê tâm tịch tịnh
- Một đời sinh tử tánh thường như
- Sớm mai thấy nụ hoa hồng nở
- Nhẹ gót trần sa mộng tỉnh rồi.
Thầy ngừng bút, chúc con thường như trong cái như thường.
Thầy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét