Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Chuyển Hóa Cảm Xúc - HT. THÍCH TRÍ QUẢNG


          Cảm xúc thuộc tình cảm, Phật giáo gọi là tâm thức. Chuyển hóa cảm xúc nghĩa là chuyển hóa tâm thức. Khi Đức Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài vượt ra ngoài định luật chi phối của thiên nhiên và của tình cảm. Vì vậy, Phật thấy trong tam giới không có sanh tử, nên mục đích tu của chúng ta là Vô sanh, tức không có sanh tử. Còn tất cả chúng ta đang ở trong sanh tử, có sanh thì có chết, sanh tử này chúng ta thường nghĩ là một kiếp người, mở mắt chào đời là sanh, nhắm mắt lìa đời là chết. Từ sanh và chết của một cuộc đời, Phật còn nói thêm sanh và chết theo từng niệm tâm. Niệm tâm khởi là sanh, niệm tâm dứt là chết; sanh tử này theo sát-na tâm luôn thay đổi, không cố định, nên ta có thể chuyển hóa được nghiệp của chúng ta theo từng sát-na tâm.

          Chuyển hóa này là gì? Thông thường chúng ta có cảm xúc vui, khổ, không vui, không khổ. Cảm xúc này từ chuyên môn gọi là thọ uẩn, thọ khổ, thọ vui, thọ không khổ không vui. Phần nhiều chúng ta thọ khổ nhiều hơn vui. Đem phân tích khi nào chúng ta thấy vui, khi nào thấy khổ là phải nhận diện ra và tại sao vui, tại sao khổ. Có cảm thọ vui là khi tất cả việc xảy ra theo ý chúng ta; mọi việc xảy ra trái ngược với sự ham muốn thì chúng ta thấy khổ.

         Đức Phật dạy rằng cảm xúc hay ý muốn của con người gồm có ba là tham, giận và si mê hay vô minh. Ba điều này tạo cảm xúc mà nguồn gốc chính là sự không hiểu biết, hay vô minh. Nhận diện cái vô minh này, chúng ta không thể thấy nó, nên cho nó hình dáng mà kinh Lăng nghiêm gọi là vô minh nghiệp tướng là nguồn gốc tạo ra tất cả khổ đau của cuộc đời. Vô minh là không hiểu, nên chúng ta sanh tâm chấp trước là chấp cái không thể có, nhưng mong cho được, nên kết quả khổ. Nguồn gốc vô minh là chính, nên Phật dạy chúng ta tu phải phá vô minh; nhưng phá vô minh, nó có những cái liên hệ để chúng ta phá.

          Đầu tiên, chúng ta tu, Phật phương tiện chia ra tam thừa là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát. Chúng ta tự xếp coi mình thuộc thành phần nào thì dùng pháp nào để phá, sử dụng phải đúng thuốc, nếu không thì sẽ không hết bệnh. Thành phần Thanh văn hiểu theo bây giờ là đại đa số quần chúng kém hiểu biết, vì thượng tầng kiến trúc ít, hạ tầng xã hội đông hơn. Chúng ta thường nói Phật giáo Việt Nam có tám mươi phần trăm thì có thể hiểu tám mươi phần trăm này theo nhiều cách. Thí dụ dân số có một trăm triệu thì tám mươi triệu là Phật tử; nhưng hiểu như vậy là mình đặt ra, vì trên thực tế, các thầy điều động được Phật tử không quá mười triệu. Tám mươi phần trăm này hiểu là con người thiệt thì không đúng. Phải hiểu tám mươi phần trăm là thuộc trình độ hạ tầng kiến trúc. Đa số nghèo và nghèo trí tuệ là chính, từ đó đi đến cái nghèo tiền bạc.

          Phật đặt chuẩn để chúng ta phấn đấu, đó là lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Tôi xuất gia thường nghĩ rằng tôi nhường tất cả, nhưng trừ trí tuệ không nhường, tức phấn đấu để đạt mục tiêu cao nhất, vì những thứ khác luôn thay đổi, không cần thiết và còn sống trong vô minh, đôi khi phước báo làm chúng ta khổ nhiều hơn. Không có tiền, không có phước báo thì không đáng sợ, nhưng sợ không biết sử dụng tiền và phước báo để tạo thành tội lỗi. Vì vậy, người xuất gia sợ nhất làm vua, kế là sợ làm quan, làm tướng, vì nếu chưa làm Chuyển luân Thánh vương, tức minh chưa sanh, ta rất sợ phước báo này. Ta không sợ người không theo ta, nhưng sợ người theo ta mà không làm lợi ích cho người, vì ta còn kẹt trong vô minh, trong sanh tử. Cho nên chúng ta phải phấn đấu phá được vô minh, sanh tử, đến Bồ-đề mới thấy tất cả nhiều mặt của nó. Trong kinhPháp hoa, Phật chỉ cho chúng ta điều đó.

          Minh sanh là gì? Phật ngồi Bồ Đề Đạo Tràng, bạch hào tướng của Ngài chiếu suốt mười tám ngàn thế giới, từ địa ngục A tỳ đến Trời Sắc cứu cánh, là minh sanh phải thấy như vậy và trong pháp giới đó, Ngài thấy được bánh xe luân hồi chuyển hóa từ vị trí này sang vị trí khác của chúng sanh. Minh chưa sanh thì chúng ta phạm sai lầm, phải trả giá. Phật thấy tất cả chúng sanh trong sanh tử từ nghiệp nhân đến nghiệp quả và Phật cũng thấy tất cả mọi người khổ não vô lượng, thấy những người muốn thoát ly sanh tử, tu hạnh Thanh văn, thấy Bồ-tát cứu đời. Đây là bức tranh tổng quát mà Phật thấy, chúng ta chưa thành Phật, nhưng đem bức tranh Phật thấy đặt vô xã hội để chúng ta thấy ai là người thành Phật hiện thân lại giáo hóa chúng sanh, ai là người phát tâm hành Bồ-tát đạo ban vui cứu khổ, thấy người chân tu cầu giải thoát.

          Riêng tôi tầm sư học đạo cố tìm Phật ra đời, tìm Bồ-tát, tìm thánh tăng để nương tựa. Theo kinh nghiệm của tôi, chuyển hóa được là tâm chúng ta luôn chuyển hóa thay đổi, nên gặp vị chân tu cao tăng giải thoát, thấy tâm mình nhẹ nhàng, thanh thản, là chuyển hóa như vậy. Vì vậy, ta tầm sư học đạo là tìm được người chuyển hóa tâm khổ đau thành tâm an lạc. Nếu tìm thấy vị đạt được quả thấp nhất là Sơ quả Thanh văn thì tâm họ hoàn toàn trống không; cho nên tâm chúng ta chạm đến tâm vị chứng Sơ quả, tự nhiên chúng ta cảm thấy tất cả phiền não khổ đau tự rơi rụng. Việc này tôi tin có thực. Hòa thượng Từ Huệ nói với tôi rằng khi ngài gặp Tổ Minh Đăng Quang, lúc đó Tổ mới 30 tuổi, nhưng ngài buông bỏ tất cả để ôm bình bát đi theo Tổ, vì vị này lòng trống không, nên gần gũi Tổ, không có gì tác động được ngài nữa. Nói rằng ngoại đạo không hiểu Sa-môn, vì Sa-môn giữ tâm trống không; nhưng ta tiếp cận được sự trống không này thì tâm ta hoàn toàn trong sáng. Khi tôi tiếp cận người tính toán đủ thứ, tôi thấy nặng lòng. Tiếp cận người trụ pháp Không, tôi thấy nhẹ nhàng.

         Vì vậy, trong sát-na tâm, chuyển hóa tâm mình thành thanh tịnh, nếu may mắn gặp được các bậc tam thừa tứ quả giải thoát, tâm chúng ta chuyển hóa theo hướng Phật dạy. Ngược lại, tiếp xúc với người đầy thù hận, ganh tức, buồn phiền, ham muốn, ta cũng bị chuyển hóa theo hướng này. Trên bước đường tu, chúng ta nhận diện được tâm mình chuyển hóa theo hướng tốt hay xấu. Đương nhiên Phật dạy chúng ta chuyển hóa theo hướng tốt, trong Tứ chánh cần, Phật dạy nên cắt tâm ác đã sanh, nó chưa sanh thì chặn lại không cho sanh, là chuyển hóa; vì chúng ta ở trong sanh tử luân hồi nhiều kiếp nên tâm ác đầy ắp dẫn đến quả khổ mà chúng ta muốn được niềm vui thì không bao giờ có. Người có trí tuệ, minh sanh thì không chấp nhận khổ như vậy, tức thấy thực tế là nhận diện ra ta đang ở vị trí địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh hay A-tu-la, hoặc ở trong loài người. Lòng chúng ta đầy tham lam chấp trước là ngạ quỷ, lòng đầy thù hận là A-tu-la. Nếu là con người thì nhận diện biết được cái thực của cuộc sống, không than trời mà thấy đúng ta là thế.

          Tôi thuở nhỏ chưa hiểu đạo, có tâm hận đời, tại sao mình sanh trong gia đình nghèo, bị xem thường, bị gây khó khăn; nhưng tu hành, nhận ra con người thực của mình là nghiệp, nên người thấy ta là thấy nghiệp của ta. Ngài Huệ Tư nói rằng ghét là ghét cái nghiệp của ta. Nhận diện con người thực và tu là chuyển hóa nghiệp mà cái gốc là chuyển hóa tâm sân hận và tâm tham lam chấp trước do si mê mà ra. Si mê có nhiều nguyên nhân, nhưng Phật dạy rằng chúng ta si mê hay hiểu sai lầm là do tham lam, bực tức tạo thành mờ tối. Vì vậy, tôi nhận ra ý này, nên bắt đầu tu, tôi bực thì không nói, không hành động, vì giận mất khôn là si mê thì nói gì, làm gì cũng không đúng. Phải trở lại trạng thái bình tĩnh là thiền, tập trung lại là định. Bước đầu tiên tôi thấy bực, liền trụ định là ngừng ngay, chuyển hóa sự bực tức trước, ngăn chặn nó ngay. Phật dạy rằng phiền não chỗ nào thì dập tắt chỗ đó, lo chặn phiền não, không lo bên ngoài. Đa số bực tức mà vẫn cứ làm tới, nên hậu quả không lường được. Phật dạy phải chặn lại, đừng cho cháy lan ra, lòng mình đã bực tức, người chưa thấy, nhưng mình nói là người thấy và cao hơn là hành động. Chặn lại cảm xúc không tốt dẫn đến hậu quả không tốt là trụ định. Có nhiều định để trụ. Riêng tôi, khi hành đạo thì bám vào cái nào để ngừng tâm không cho khởi. Thuở nhỏ tôi đeo tượng Phật Quan Âm để khi bực tức nổi lên, nhìn vào tượng Quan Âm và trụ tâm lại, như vậy chỉ mới dừng cái ác thôi, chứ chưa chuyển được. Ác sanh, ta ngừng nó lại và chặn được điểm này thì minh sanh ra là sáng được một chút, biết rõ nổi giận này do đối cảnh sanh tâm, vì thấy bất công mới nổi giận.

          Muốn ngăn chặn, không cho giận, nên tu pháp bế quan, vì đối cảnh sanh tâm, là đóng kín sáu giác quan; đó là điểm đặc sắc nhất của tu thiền. Có vị bế quan đúng pháp sẽ đắc Thiền, đắc đạo, có quả báo lớn không lường được. Nhìn xa, ta thấy Phật là người bế quan, đầu tiên Ngài ngồi ở Bồ Đề Đạo Tràng bốn mươi chín ngày không tiếp xúc là bế quan. Người thứ hai chúng ta thấy là Đạt Ma tổ sư chín năm ngồi xây mặt vô vách; đó là bế quan, không tiếp xúc với cuộc đời, nhưng do bế quan không tiếp xúc mà Phật pháp hay Thiền tông phát triển sang Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Bế quan yên lặng tạo thành lực dụng vô cùng quan trọng. Ở Việt Nam có Thiền sư Thanh Từ trước kia cũng ở Phật học đường Nam Việt, làm giảng sư. Ngài nói trong lúc làm giáo thọ sư giảng dạy cho người, nhưng lúc đó quên giảng cho mình, không dạy tâm của mình, phần lớn làm việc "Sổ tha trân bảo”. Khi ngài thức tỉnh, buông tất cả, từ giáo tông biến thành Thiền tông, ngài ra núi Lớn ẩn tu ba năm, không tiếp xúc, quán tâm mình và dạy tâm mình. Ngài dạy cho mình thuần lại, nhưng điều kỳ diệu là chuyển hóa được tâm rồi, tất cả mọi việc xảy ra hoàn toàn khác. Ngài không có ý thức cất chùa, giảng dạy; nhưng người tìm tới học đạo vì lúc đó tâm ngài hoàn toàn trống không, người đến thấy an lạc giải thoát, nên ngài đặt tên thiền viện đầu tiên là Chơn Không. Ngài đã chuyển hóa tâm đầy ắp giáo lý biến thành phiền não trí, giảng dạy người, nên thấy nhiều điều không vừa lòng. Nhưng ngài về núi Lớn, trụ tâm lại, ở trong chơn không, hay chứng được Sơ quả của Thanh văn thừa là giữ tâm hoàn toàn trống không, không cho sanh khởi nghiệp ác, không cho sanh khởi điều xấu, không buồn giận thương ghét ai, không ham muốn gì, thì không bị sanh tử chi phối. Sống chết thấy bình thường, chết như cởi áo rách bỏ đi là người trụ Không, tức mới chuyển hóa Hữu thành Không, từ thế giới vật chất chấp có qua thế giới tâm linh là Không thì tâm không sanh khởi, nên không bị luật xã hội chi phối. Ngài ở núi Lớn tạo được sự vô tâm. Một hôm, Hòa thượng Thiện Hoa viên tịch, ngài về chùa Ấn Quang thọ tang thì lúc đó đối cảnh lại sanh tâm, nên cảnh ồn ào quá, chịu không nổi. Từ lý này, tôi nghĩ ra thêm là đối cảnh vô tâm mà chúng ta phải tập cho được, Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã thể nghiệm sâu sắc: "Đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền”.

          Chúng ta biết đối cảnh sanh tâm, nên bế quan; nhưng trở lại cảnh coi còn sanh tâm hay không. Nếu trụ định được là đối cảnh vô tâm. Trên bước đường tu, tôi cảm giác ta tu ở chùa, không đối cảnh nữa là ta trở lại môi trường hoàn toàn trong sạch thì tâm nhiễm ô không sanh, các loại vi trùng không có. Thí dụ Phật tử ở những quốc gia có không khí trong lành, về Việt Nam là bị vi trùng xâm nhập liền. Tâm chúng ta cũng vậy. Tại sao người Việt Nam ở đây thấy bình thường, nhưng người ở Mỹ về bệnh liền. Cũng giống các thiền sư ở thiền đường tu lâu, nhưng ra xã hội thì bị tác động liền. Vì vậy, ở giai đoạn hai, thiền sư mới tập cho được thõng tay vào chợ. Trước khi tập vô tâm, chúng ta phải bế quan, nhưng bế quan rồi, hé cửa mở hí hí, coi có thấy hay không và tập kiềm tâm lại đến vô tâm, gọi là người gỗ ngắm chim vẽ. Mọi việc trên cuộc đời là bức tranh xã hội như vậy, muốn khác không thể có. Cuộc đời là như thế, chúng ta coi nó là như thế, Phật dạy rằng phải thấy sự vật đúng như sự thật, muốn khác không được. Câu chuyện Khổng Tử bình thiên hạ, nhưng suốt đời ông đi đến đâu cũng bị đuổi, vì xã hội thời đó là Chiến Quốc, muốn thái bình sao được. Tô Tần và Trương Lương tung hoành ngang dọc, một người kích động, một người dụ dỗ làm cho các nước nghi kỵ, đánh nhau. Phải thấy sự thật là như vậy.

          Hòa thượng Trí Tịnh cảnh giác tôi một câu rằng thầy có tin Phật và Bồ-tát không? Tôi trả lời ngài là không tin Phật và Bồ-tát thì làm sao tu. Hòa thượng lại hỏi thầy có thấy Phật và Bồ-tát không? Bồ-tát sanh ra để cứu đời, nhưng sao Bồ-tát không cứu. Phật sanh ra để độ đời, nhưng Phật ở đâu. Từ lời nhắc nhở của Hòa thượng, tôi quay ngược lại tìm Phật và Bồ-tát để cứu đời, độ đời. Phật dạy rằng chuyển hóa đầu tiên những cảm xúc không lành mạnh thành cảm xúc an lạc là trụ pháp Không trước bằng cách bế quan, không tiếp xúc; còn tiếp xúc, chúng ta thấy sự bất công mà không làm được gì thì chính chúng ta khổ. Quan trọng là làm sao biến mình thành Phật, Bồ-tát mới cứu đời, dạy đời được. Từ nhận thức này, chúng ta mới xuất gia và tu pháp Thanh văn.


          Bước đầu đi xuất gia là bế quan, nhưng bước thứ hai mở mắt hí hí để nhìn đời, tập đối cảnh vô tâm để chứng quả Vô sanh mới ra khỏi sanh tử. Vì vậy, đối cảnh nhưng tâm không sanh thì Phật nói trong tam giới không có sanh tử, nên Phật thấy được thật tướng các pháp. Thế giới Vô sanh là thế giới Thường Tịch Quang, là sự chuyển hóa từ sanh diệt thành Vô sanh ở nguồn cội của nó. Mong rằng tất cả đệ tử Phật đều đạt được sự đối cảnh vô tâm như Phật dạy. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét