Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Cư Trần Lạc Đạo - HT. THÍCH TRÍ QUẢNG

Như chúng ta đã biết, Phật giáo phát xuất từ Ấn Độ do Đức Phật Thích Ca tu hành đắc đạo, thành tựu Phật quả và Ngài giảng kinh, thuyết pháp tiếp độ chúng sinh. Từ đó, giáo pháp mới có trên nhân gian và được truyền bá qua nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, phần lớn mang tư tưởng chính thống của Phật giáo Ấn Độ, hoặc tư tưởng Phật giáo phát triển của Trung Quốc; nhưng đến khi Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông làm vua và tu hành, thì mới thể hiện rõ nét tính cách đặc biệt của Phật giáo Việt Nam; cho nên, giới Phật giáo chúng ta tôn vinh Đức vua Trần Nhân Tông là vị Phật, vị Tổ của Phật giáo Việt Nam. Trong cuộc hội thảo kỷ niệm 700 năm ngày Niết bàn của Đức vua Trần Nhân Tông, mọi người đã khẳng định điều này.

Đức vua được tôn kính là Phật, là Tổ của Phật giáo Việt Nam, vì tư tưởng đặc sắc của Ngài đã nói lên tính chất thuần túy Việt Nam, được thể hiện qua bài phú nổi danh là Cư trần lạc đạo do chính đức vua cảm tác. Nguyên văn bài phú đó như sau:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

Từ trước, người ta thường nghĩ rằng Phật giáo xuất thế nghĩa là ra khỏi thế gian, hay chúng ta thường nói xuất gia là ra khỏi nhà thế tục, ra khỏi tam giới và ra khỏi phiền não, tức lìa bỏ cuộc đời, lìa bỏ phiền não của tâm và lìa bỏ thế giới sống. Và nếu hiểu sai lầm quan niệm này, người tu xuất thế sẽ bỏ thế gian, bỏ cuộc sống, bỏ xã hội mà đi vào thế giới không tưởng nào đó, thì sẽ bị lạc đường. Vì vậy, trong kinhViên Giác, Đức Phật đã nhắc nhở người từ bỏ cuộc đời để đi tìm Niết bàn ở nơi khác để sống thì chẳng khác gì tìm lông rùa, sừng thỏ, mà thỏ làm sao có sừng, rùa làm sao có lông.

Đức vua Trần Nhân Tông đã tỏ ngộ lý này, cho nên Ngài thanh thản sống trong cuộc đời để tu hành, không có ý niệm ra khỏi cuộc đời, không tìm an lạc giải thoát ở ngoài cuộc đời, mà tất cả những gì tốt lành đều hiện hữu đầy đủ trong cuộc sống nhân gian này.

"Gia trung hữu bảo” là nương theo kinh Pháp Hoa nói rằng trong chiếc túi da ô uế có viên minh châu, hay cái thân tứ đại ngũ uẩn này gây ra cho chúng ta không ít khó khăn, nhưng trong đó có viên ngọc quý. Nếu tìm được viên ngọc hay sử dụng được nó, chúng ta sẽ trở thành người giàu có nhất, tức thành Phật, thành Hiền thánh.

Tôi tâm đắc bài phú này, luôn suy nghĩ về yếu nghĩa của nó; cho nên, tôi phát nguyện đời đời kiếp kiếp làm hành giả Pháp Hoa, nghĩa là không có ý niệm vãng sanh Cực lạc, hay về Niết bàn, nhưng đời đời kiếp kiếp ở Ta bà, ở trong nhà ngũ uẩn và cố gắng tìm viên ngọc quý để sử dụng. Nói cách khác, làm sao sống an lạc ngay trong cuộc đời này. Vì vậy, chủ trương của tôi là sống an lạc, chết giải thoát. Sống phải an lạc, chết mới có Cực lạc. Sống không an lạc mà mơ tưởng Niết bàn là không tưởng. Đó chính là điểm đặc sắc của kinh Viên Giácvà kinh Pháp Hoa mà đức vua Trần Nhân Tông đã khám phá và thể nghiệm được trong cuộc đời trị nước an dân của Ngài.

Thể hiện ý này, trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật cũng chỉ cho chúng ta thấy Thiện Tài cầu đạo, tìm thiện tri thức, hay chính Đức Phật tu hành tìm đạo giải thoát ngay trong cuộc đời, không thể từ bỏ cuộc đời. Vì vậy, từ những điều tốt nhất cho đến việc xấu nhất trên thế gian đều là đối tượng để chúng ta quan sát và tìm giải thoát, nhận ra rằng sự giải thoát hiện hữu trong sự ràng buộc của thế gian. Đức Phật nói rằng chư Phật giải thoát trong cảnh ràng buộc của thế gian, còn chúng sinh thì bị ràng buộc trong thế giới Phật. Thật vậy, chúng ta tu hành, đang sống trong thế giới Phật, nhưng lại cảm thấy bị ràng buộc khổ sở. Cũng vậy, nếu các Phật tử tham dự khóa tu Một ngày an lạc, nhưng không thấy an lạc, là bị ràng buộc trong cảnh giải thoát của Phật rồi đó.

52 chặng đường tu chứng của kinh Hoa Nghiêm, hay 52 thiện tri thức mà Thiện Tài cầu học, cũng mang ý nghĩa Thiện Tài đã nhận được một trong những pháp tốt nhất từ giáo lý Nguyên thủy tiêu biểu bằng bốn vị Tỳ kheo là Đức Vân, Hải Vân, Thiện Trụ và Hải Tràng theo tinh thần Đại thừa. Nghĩa là chúng ta tìm Phật pháp, tìm các vị thiện tri thức ở ngay trong cuộc đời này. Đừng lầm mà đi tìm các vị này ở ngoài cuộc đời. Tương tự như vậy, người Việt Nam có câu ca dao rất hay: Trai khôn tìm vợ chợ đông. Gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân.

Bình thường, quý vị thấy Tăng Ni đều mặc áo giải thoát, nhưng phải đụng việc mới thấy ai giải thoát, thấy người tốt, người không tốt, thấy người tu giả, người tu thật. Tôi trải qua hai lần trong cuộc sống đã phát hiện được điều này. Lần thứ nhất vào năm 1963, trong hoàn cảnh đất nước khó khăn vô cùng, mới phát hiện được thiện tri thức, người thật sự là đệ tử Phật hiện hữu giữa lằn ranh sống và chết vẫn quyết tâm giữ đạo. Còn người chạy trốn khó khăn không thể có được cuộc sống tốt đẹp; vì người sợ chết đã chết, người sợ khổ đã khổ, người sợ tù đày đã bị tù đày. Trong khi người quyết tâm tu hành thì được Phật hộ niệm, được Hộ pháp giữ gìn và cuộc sống của họ vẫn luôn an lành. Thấy được tấm gương sáng như vậy, mới thấy đạo và chúng ta bước theo dấu chân Phật, tìm người đức hạnh giải thoát ngay trong thế gian này.

Đối với hàng đệ tử Phật, thế sự phù vân, cuộc đời như mây nổi bềnh bồng trong hư không. Vì vậy, người tu giải thoát không kẹt ăn uống, địa vị, quyền lợi, danh vọng,… Ta có cảm giác như họ sống trên mây, không vướng bận trần thế là biết họ giải thoát thật sự.

Không đối cảnh, không gặp khó khăn, thì ai cũng như nhau. Có khó mới thấy người tốt xấu, giỏi dở. Người xưa cũng thường nói nhà nghèo mới biết con cháu có hiếu thảo hay không; vì cha mẹ không có tài sản để cho, con cháu đều cố gắng dành dụm để phụng dưỡng cha mẹ. Còn cha mẹ có nhiều tiền của, đứa con nào cũng giả bộ có hiếu để được chia gia tài. Con có hiếu lo cho cha mẹ, không đòi quyền lợi. Nước có loạn mới biết người trung thành, một lòng vì nước.

Hai lần lãnh đạo chống giặc ngoại xâm Nguyên Mông, đức vua Trần Nhân Tông đã biết rất rõ người tốt kẻ xấu và đặc biệt Ngài biết để tha thứ, không phải để trị tội. Thật vậy, khi giặc Nguyên thua trận, đức vua nhận được cái hòm chứa biểu của các ông quan xin đầu hàng giặc, nhưng Ngài bảo đem đốt các tờ biểu này. Vì bằng tâm thanh tịnh, đức vua đã biết rõ ai là kẻ xấu rồi, thì đối với Ngài, bọn giá áo túi cơm này chẳng làm được gì và trị tội họ thì làm tổn thương lòng từ của Ngài. Giả sử như ta ở trong trường hợp này, biết họ xấu, nhưng cũng tìm hiểu một chút, cũng đọc xem họ nói gì trong tờ biểu, rồi mới cho đốt bỏ. Còn đức vua thì không cần đọc, vì Ngài đã thấu rõ tâm can của bọn xấu này và cũng không cần phải đối phó với chúng, chúng chẳng làm gì hại Ngài được.

Trên bước đường tu, chúng ta tìm những bậc chân tu đức hạnh trong hoàn cảnh khó khăn. Riêng tôi, phát hiện được những bậc thầy từ hoàn cảnh hiểm nguy năm 1963. Nhờ vậy, tôi có được thầy hiền bạn tốt hợp tác trong các Phật sự. Học Phật giáo Đại thừa là học tinh thần này, biết người đức hạnh để chúng ta kết thành quyến thuộc Bồ đề. Tôi làm được một số việc nhờ những quyến thuộc Bồ đề gồm có tu sĩ và cư sĩ tại gia. Thân cận và được sự trợ lực của hàng tu sĩ là điều dễ hiểu; nhưng hàng cư sĩ tại gia đúng nghĩa thì khó kiếm và quan trọng. Trong cuộc đời hành đạo của riêng tôi, nhờ sự hợp tác của những cư sĩ ẩn danh hằng tâm hằng sản, tôi mới thành tựu được những việc khó. Rõ ràng những cư sĩ ẩn danh này biểu hiện hình ảnh đệ tử của đức vua Trần Nhân Tông ở ngay trong cuộc đời này. Mục tiêu của họ rất rõ là :     
Cư tài chi sĩ                     
Cư gia chi sĩ
Tại gia chí Phật đạo giả.

Nghĩa là những cư sĩ tuy không mặc áo xuất gia, nhưng học Phật pháp rất cao và tu chín chắn, hết lòng cầu Phật đạo. Đại thừa gọi đó là Bồ tát, vì họ biết rằng mặc áo xuất gia, công việc sẽ bị hạn chế. Đức Phật chỉ cho phép người xuất gia thuyết pháp giáo hóa, không được làm việc khác. Còn cư sĩ có rất nhiều việc làm lợi ích cho đạo. Chính vì vậy, nếu Trần Nhân Tông không làm vua, thì không cứu dân cứu nước được, không xương minh Phật pháp được. Tất nhiên với tư cách thuần túy là Thiền sư, không thể làm những việc của vua.

Phật hoàng Trần Nhân Tông khoác áo vua, nhưng không đam mê tửu sắc và không hưởng thụ dục lạc để cuối cùng làm mất nước như các ông vua thường tình của thế gian. Ngài mang áo long bào nhưng nghĩ như chiếc giày rách, bỏ lúc nào cũng được. Sở dĩ Ngài làm vua là để cứu dân; cho nên đối với Ngài, cung phi mỹ nữ không cần thiết, Ngài cho họ trở về quê quán và nếu lập gia đình, Ngài còn cho bổng lộc.

Nét ưu việt của đức vua Trần Nhân Tông là trong tâm Ngài có Phật, cho nên ma tham dục không thể quấy phá được và Ngài bất động trước phú quý vinh hoa. Như vậy, chúng ta thấy tinh thần cư trần lạc đạo là làm lợi ích cho cuộc đời, nhưng tâm vẫn an trụ giải thoát.

Thông thường người ta nghĩ rằng tu hành thì bỏ mặc cuộc đời, không tu mới tranh giành để sống. Tuy nhiên, đối với Phật giáo Việt Nam, nếu đóng vai tu sĩ mà làm được lợi ích cho nhiều người thì nên làm tu sĩ và nếu làm cư sĩ cũng vậy, để đem lại lợi lạc cho người. Đó chính là sự thể hiện tinh thần tùy duyên, nhưng cốt lõi bên trong là Phật, là Bồ tát. Và những lúc khó khăn mới tìm thấy những người tốt, còn người hèn thì gặp khó là trốn tránh.

Thật vậy, chính trong hoàn cảnh gian khó, mới tìm được các bậc trí tuệ có sáng kiến để giải quyết khó khăn, tiêu biểu là Hải Vân Tỳ kheo trong kinh Hoa Nghiêm. Trên thực tế cuộc sống, trong lúc sinh hoạt Giáo hội gặp khó khăn, tôi phát hiện những vị Hòa thượng minh triết đã tháo gỡ được các vấn đề nan giải.

Kết hợp hai vị thiện tri thức là Hải Vân và Đức Vân Tỳ kheo, chúng ta có được mẫu người trí sâu như bể, đức sánh trời cao. Họ sống ngay trong cuộc đời này, nhưng cuộc đời không thể làm ô nhiễm họ. Như Phật dạy, họ sống tự tại, giải thoát, an vui trong cuộc đời triền phược của chúng sinh; vì tâm họ không màng phú quý, lợi danh, mà vẫn làm vui cho cuộc đời. Đức vua Trần Nhân Tông "thả tùy duyên”, nghĩa là Ngài tùy duyên tu hành, tùy duyên trị nước chăn dân, tùy duyên độ đời, làm những việc đáng làm và thành tựu những việc khó làm.

Như vậy, có thể khẳng định rằng ở ngay trong cuộc đời này, chúng ta mới tìm được hai bậc thiện tri thức đại trí và đức hạnh nhất; nếu không có khó khăn, chúng ta không bao giờ tìm gặp được họ. Riêng tôi, tìm thấy những người bạn tốt trong cuộc sống này và trong hoàn cảnh xấu, tôi cũng có được bạn tốt.

Vị thiện tri thức thứ ba là Thiện Trụ Tỳ kheo giúp chúng ta gặp hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm, vẫn giữ được tâm thanh thản. Trên bước đường hành đạo, đối đầu với hiểm nguy, tôi thường tự nhủ rằng chết là cùng! Thân xác này có sinh phải có chết; nhưng làm sao cho tâm từ bi và trí tuệ của chúng ta không chết. Trí tuệ phát triển và tâm từ bi mở rộng thì chúng ta sống mãi. Nhờ vậy, tâm chúng ta an trụ để quán sát trần thế. Tâm tán loạn sẽ thấy không đúng, tâm tập trung mới thấy vấn đề một cách chính xác. Võ sĩ cũng vậy, trước cái chết mà bình tĩnh thì có thể sống, còn cuống lên, chắc chắn chết.

Thiện Trụ là trụ tâm định tĩnh trong hoàn cảnh dao động để có được giải pháp tốt nhất. Điều này cũng thể hiện tinh thần cư trần lạc đạo. Đức vua Trần Nhân Tông lúc chống giặc ngoại xâm, Ngài nhập Thiền, nghĩa là bình tĩnh quan sát để bố trí nhân tài và giải quyết chiến sự.

Và vị Tỳ kheo thứ tư là Hải Tràng. Theo tinh thần Đại thừa quan sát những vị tu hành, thấy họ không làm, nhưng mọi việc đều tốt vì uy đức của họ. Vua Tống Nhân Tông ngộ được lý này mới thốt lên rằng: "Bang bang như ý, chủng chủng hiệp thành”, nghĩa là ông thấy người tu không làm, mà sao việc nào của họ cũng thành tựu như ý. Còn ông cố gắng làm, nhưng không thành. Các bậc Thánh giả không cần làm, vì đã tìm được hạt châu trong tâm rồi, cho nên đức vua Trần Nhân Tông mới nói "hưu tầm mịch”, trong nhà có của báu, chỉ việc lấy ra sử dụng, không cần tìm nữa.

Sở dĩ Phật hoàng Trần Nhân Tông thành công mọi việc khó khăn, vì Ngài đã tìm thấy viên minh châu trong tâm và sử dụng hạt châu đó để nhiếp hóa, lãnh đạo tất cả một cách tự tại; nói cách khác, là nhờ đạo đức, trí tuệ và tâm từ bi đạt đến đỉnh cao, ba Thánh tài quý báu này đi vào lòng người, khiến cho mọi người quy ngưỡng Ngài, hết lòng làm việc cho Ngài, nên mọi việc thành tựu nhẹ nhàng.

Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy chúng sinh muốn gì, nghĩ gì, có thể làm gì, nếu lòng chúng ta sáng sẽ nhận ra những điều này và chúng ta soi sáng cho người. Đức vua Trần Nhân Tông nhận ra như vậy, nên Ngài không tìm bên ngoài, mà sử dụng ngay tuệ giác đó; vì vậy, Ngài không cần phải mở hòm thư để biết những người nào đầu hàng địch, vì Ngài đã biết trước rồi.

Khi viếng thăm Hòa thượng Trí Tịnh, Ngài hỏi tôi : "Thầy Trí Quảng có thấy mạng nhện chưa”. "Bạch Hòa thượng, con thấy”. Ngài chỉ nói một câu đơn giản như vậy, nhưng tôi về, suy nghĩ mãi cái mạng nhện. Quan sát con nhện bò lên, thả xuống sợi tơ giăng từ cành này qua cành kia; đó là cách bố trí mạng lưới của nó để bắt mồi, thấy nó khôn quá. Chúng ta tu hành cũng thế, làm sao bố trí mạng lưới bằng cách móc được một đầu lên Cực lạc của Đức Phật Di Đà, hay lên thế giới Tịnh Lưu Ly của Đức Phật Dược Sư và giăng xéo về thế giới của Đức Phật Di Lặc; còn ở giữa, chúng sinh tới, ta tùy nhân duyên mà làm, gọi là "Thả tùy duyên”. Như vậy, chúng ta đã móc nối được với thế giới Phật thì giải quyết theo Phật, đâu còn khó, đâu cần lo; cho nên, đức vua Trần Nhân Tông mới nói "Đối cảnh vô tâm”, tức mọi việc được giải quyết theo đúng quy trình của nó, chỗ này giải quyết theo Phật Di Đà, chỗ kia giải quyết theo Phật Dược Sư, chỗ nọ theo ý Đức Di Lặc… Hay Trời Đế Thích cũng có mạng lưới mà chúng ta thường đọc trong thời kinh là "Lưới Đế châu ví đạo tràng. Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời”, đó là mạng lưới kết hợp bằng những hạt châu, trong đó hiển bày đủ mọi sự việc, giúp cho Trời Đế Thích ngồi yên một chỗ mà vẫn thấy rõ ràng tất cả.

Tóm lại, bước theo dấu chân Phật, hành giả phải phát huy được tuệ giác và đức hạnh của chính mình, từ đó mới cảm hóa được người sống theo Chánh pháp, mang lại an vui lợi ích cho người người, hành giả mới thể hiện được tinh thần cư trần lạc đạo, xây dựng được Tịnh độ ngay tại nhân gian này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét