Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Phương pháp sửa đổi lỗi lầm thứ ba



Thứ ba là phát khởi tâm dũng mãnh tiến lên.

Người ta sở dĩ làm lỗi mà không sửa đổi được là do tâm dễ duôi, lần lữa qua ngày mà không chịu lập chí tiến thủ, dũng mãnh kiên quyết. Đây chính là nguyên cớ đọa lạc, thối lui. 

Phải biết nếu muốn sửa đổi lỗi lầm nhất định phải lập chí kiên quyết, lập tức cải đổi, quyết không nên chần chừ, do dự. Không nên ngày nay lại hẹn đến mai, mai lại hẹn đến mốt, cứ thế kéo dài, lần lữa đến chết. Lỗi lầm nhỏ hãy xem như gai đâm vào xương thịt, để lâu một ngày là nhức nhối một ngày, nên phải gấp rút nhổ ra. Lỗi lầm lớn hãy xem như rắn độc cắn phải, để chậm môt giây là nguy hiểm đến tánh mạng một giây. Như quẻ Ích trong Kinh Dịch nói: Gió thổi sấm nổ, vạn vật sinh truởng, lợi ích lớn lao như vậy. Đây là dụ cho người đổi ác làm lành, được ích lợi lớn như vạn vật nhờ mưa thuận gió hòa mà sinh truởng tốt tươi.

Sửa lỗi phải phát tâm, phát tâm là tâm gì? Một, tâm biết hổ nhục, hai, tâm biết sợ tội, ba là tâm dõng mãnh. Đầy đủ ba tâm này, sẽ sửa được lỗi ngay, sẽ sửa được lỗi ngay!

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Phương pháp sửa đổi lỗi lầm thứ hai

Phương pháp thứ hai để sửa lỗi là phải khởi tâm lo sợ thận trọng.

Chúng ta phải biết Chư Thiên Hộ Pháp luôn ở bên cạnh chúng ta. Chư Thiên Hộ Pháp thấy được tất cả những hành vi của mình, nên ta không thể lừa dối họ được. Chúng ta có thể giấu được mọi người làm điều sai trái, qua mặt pháp luật, nhưng không sao qua mắt được Chư Thiên Hộ Pháp. Việc ác của chúng ta đối với họ như soi kính, đều hiện ra rõ ràng không sót. Chúng ta cho dù dấu kín được tội, song Chư Thiên Hộ Pháp nhìn thấy rõ tâm can phế phủ của mình. Chúng ta khởi tâm động niệm như thế nào, các vị ấy đều biết rõ. Cho nên, mình biết rõ tâm niệm hành vi của mình như thế nào, Chư Thiên cũng biết rõ như vậy.

Nếu chẳng may hành vi xấu xa của chúng ta bị người khác biết được, thì chẳng phải mình mất hết giá trị, bị người ta xem thường phỉ nhổ hay sao? Cho nên, ta lúc nào cũng phải có tâm lo sợ, thận trọng.

Cho nên, gây tạo tội nặng sẽ rước lấy tai họa, gây tạo tội nhẹ sẽ tổn phước giảm đức. Tội lỗi đối với thần minh, long thiên Hộ Pháp không sao che giấu được, như vậy ta lẽ nào không biết sợ hay sao?

Chúng ta chỉ cần còn một hơi thở, cho dù phạm tội lớn đến đâu, đều có thể sám hối. Thuở xưa có người cả đời làm ác, đến khi lâm chung tỉnh ngộ ăn năn, khởi lên niệm lành rất lớn, liền được an ổn vãng sinh.

Nói như vậy có nghĩa, nếu người ta khi đối diện cửa ải tử sinh, chỉ cần thống thiết, dũng mãnh khởi lên niệm thiện, ăn năn tỉnh ngộ, thì có thể rửa sạch nghiệp tội tích chứa trong suốt trăm năm. Ví như hang tối ngàn năm, chỉ cần thắp lên một ngọn đèn sáng, thì lập tức sẽ quét sạch bóng đen, chỉ còn ánh sáng rỡ ràng. Cho nên, không luận làm ác bao lâu, nhiều ít như thế nào, chỉ cần thống thiết ăn năn, sửa đổi lỗi lầm, nhất định sẽ được thanh tịnh.

Tuy nói có lỗi chỉ cần biết ăn năn cải đổi là được, song tuyệt đối không được vì thế mà ỷ lại, cho rằng thường phạm lỗi không sao. Người như thế có tâm phạm lỗi, tội càng sâu nặng hơn.

Trong thế gian bất tịnh này, vạn vật đều huyễn hóa vô thường, tấm thân huyết nhục này nay còn mai mất không sao liệu trước được. Chẳng phải một hơi thở ra mà không hít vào là đã qua đời khác sao? Đến lúc đó có muốn sửa đổi lỗi lầm cũng không sao kịp nữa. Khi cái chết đến mọi thứ đều bỏ lại,  chỉ có nghiệp tội đi theo chúng ta mà thôi.

Do đó, kẻ làm ác báo ứng ở dương gian là phải chịu tiếng xấu trăm ngàn năm, cho dù có con hiếu cháu hiền cũng không sao rửa sạch được vết nhơ này. Còn quả báo đời sau là phải trầm luân trong địa ngục, chịu vô lượng vô biên khổ não, đọa đày trong ngàn muôn ức kiếp. Lúc đó dù gặp được Phật, Bồ tát, Thánh nhân, cũng không cách nào cứu chúng ta được. Như vậy há không đáng sợ sao?


Trích: Làm Chủ Vận Mệnh (Liễu Phàm Tứ Huấn) - thầy Thích Minh Quang biên dịch

Phương pháp cải đổi lỗi lầm thứ nhất



Phương pháp cải đổi lỗi lầm, trước hết là phải phát khởi tâm hổ nhục.

Chúng ta nên suy nghĩ: Thánh Hiền đời xưa như ta không khác, đều là nam tử hán, đại trượng phu. Thế tại sao các vị ấy có thể lưu lại tiếng thơm muôn đời, làm gương sáng cho hậu thế; còn chúng ta lại luống qua một đời, hay thân bại danh liệt?

Đó là vì chúng ta quá đam mê huởng thụ, bị hoàn cảnh vật dục bên ngoài ô nhiễm, lén làm những việc không nên làm. Càng ngày chúng ta càng trầm luân trong bể dục, không khác gì cầm thú, mà tự mình chẳng biết chẳng biết chẳng hay.

Cái hổ nhục trên đời không có gì lớn hơn như vậy. Mạnh tử nói: “Việc lớn nhất,quan trọng nhất của một người không gì hơn chữ nhục”. Vì sao? Vì hiểu được chữ “nhục” này, ta có thể sửa đổi được tất cả lỗi lầm, trở nên Hiền Thánh. Nếu không hiểu được chữ  “nhục” này, thì sẽ phóng túng làm càn, đánh mất nhân cách, không khác gì cầm thú. Những lời trên chính là bí quyết chân chánh để sửa đổi.


Trích: Làm Chủ Vận Mệnh (Liễu Phàm Tứ Huấn) - thầy Thích Minh Quang biên dịch

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Tùy duyên hết sức tu thập thiện


Chúng ta sống ở đời, nếu gặp phải cơ duyên nên tùy sức tùy phận giúp đỡ người khác. Có điều cứu giúp mọi người cũng không phải là việc dễ dàng, và cách thức lại rất nhiều. Nay lược nêu ra mười điều: 

Một, giúp người làm thiện. Khi thấy người có lòng lành, ta phải khuyến khích, giúp đỡ khiến cho tâm lành của họ ngày càng tăng truởng. Người khác làm việc lành, sức không đủ, làm không thành, ta phải trợ giúp khiến việc lành đó thành tựu. Đó là tùy hỉ khuyến trợ việc thiện.

Hai, có lòng thương yêu kính trọng. Chúng ta phải có lòng thương yêu kính trọng không những là người học vấn, tuổi tác, vai vế lớn hơn mình, mà ngay cả người nhỏ tuổi, vai vế thấp, nghèo hèn, mình cũng phải bình đẳng quý trọng.

Ba, là thành tựu cho người. Ví như có một người định làm một việc tốt, song chưa quyết định, thì ta phải khuyên họ nên hết lòng hết sức làm. Lúc người khác làm việc lành, nếu gặp chướng ngại, không thể thành công, thì ta nên tìm cách chỉ dẫn họ, khích lệ họ khiến thành công, mà không được sinh tâm ganh tỵ đi phá hoại họ.

Bốn, khuyên người làm việc thiện. Gặp người làm việc ác, phải nói nhân quả cho họ nghe, làm ác nhất định gặp ác báo. Gặp người không chịu làm việc thiện, hay chỉ làm những việc thiện nhỏ nhoi, thì ta phải khuyên họ, khiến biết được làm việc thiện quyết định có quả báo tốt đẹp, nên không những phải hoan hỉ làm, mà còn phải hết sức làm.

Năm, cứu người khi nguy cấp. Người ta thường thích trên gấm thêm hoa, song lại thiếu tinh thần biếu than mùa tuyết lạnh. Đây là nói người khá giả quyền thế thì lắm người xu phụ, còn kẻ nghèo hèn lại không ai quan tâm. Cho nên, khi chúng ta gặp người đang lúc nguy hiểm khó khăn, khẩn cấp nhất mà kịp thời giúp đỡ, ra tiền ra sức đưa họ vượt khỏi cảnh khó, có thể nói là công đức vô lượng. Song phải cẩn thận đừng để khỏi tâm ngạo mạn.   

Sáu, làm việc lợi ích lớn. Việc lợi ích lớn, cần người có năng lực lớn mới làm được. Người có năng lực lớn, cũng nên làm việc lợi ích lớn cho nhân quần xã hội. Ví dụ như: làm hệ thống thủy lợi, cứu giúp khu thiên tai hỏa hoạn. Song có khi không cần phải có năng lực lớn cũng làm được việc lợi ích lớn. Như chỉ cần thấy bờ đê có lỗ mọi nhỏ, nghĩ đến bờ đê có thể vì lỗ mọi này mà đưa đến vỡ lở, làm rất nhiều sinh mạng và tài sản bị đe dọa, nên phát tâm lấp lại. Đây tuy là việc làm nhỏ song lợi ích lại rất lớn.

Bảy, xả tài sản làm việc phước. Tục ngữ nói: Người ta vì tham tiền tài mà chết. Người đời lòng luôn yêu tiếc tiền bạc, tài sản. Tiền của càng nhiều càng tốt, có ai lại bỏ của cải ra giúp cho người khác? Cho nên, có thể bỏ tiền bạc ra cứu giúp người khác, đối với người bình thường đã là việc rất khó, đối với người nghèo cùng còn khó và đáng quý hơn nhiều. Nếu nói theo nhân quả, có xả mới có được, không biết xả bỏ sẽ không được. Làm một phần thiện, thì được một phần phước báo. Cho nên không phải e ngại rằng, mình xả tài vật ra cứu người, sẽ khiến cho đời sống của mình trở nên bần cùng.  

Tám, hộ trì Chánh Pháp. Pháp đây là chỉ pháp tắc chân lý, đạo lý làm người. Bất cứ đạo lý gì chúng ta cũng phải suy gẫm xem nó có hợp với chánh đạo hay không? Có làm hại cho thế đạo nhân tâm hay không? Nếu là tà giáo có hại, nhất định phải cấm chỉ. Còn như là Phật pháp chánh tri kiến, khuyến hóa chỉ đạo lòng người trở về nẻo chánh quang minh, xây dựng phong tục tốt đẹp cho xã hội, thì ta phải hết lòng hộ trì. Nếu có ai phá hoại, ta cũng phải dũng cảm đứng ra bảo vệ chân lý, không để chánh pháp suy tàn.

Chín, kính trọng bậc tôn truởng. Phàm là người học vấn sâu, kiến thức rộng, vai vế lớn, tuổi tác cao hay có chức vị đều là bậc tôn truởng. Chúng ta phải kính trọng, không được coi thường hay vô lễ.

Mười, yêu tiếc sinh mệnh của chúng sinh. Phàm là loài có sinh mạng, không luận trùng kiến, chúng đều có tri giác, biết đau khổ, tham sống sợ chết. Cho nên chúng ta phải yêu thương, sao lại có thể tàn sát để ăn? Có người bảo: “Những con vật này sinh ra để cho con người ăn”. Nói như vậy không đúng. Đây chẳng qua là lời của kẻ tham ăn bịa đặt ra.


Trích: Làm Chủ Vận Mệnh (Liễu Phàm Tứ Huấn) - thầy Thích Minh Quang biên dịch

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Câu chuyện: AI NGHÈO HƠN...

Một cô gái độc thân vừa mới dọn nhà đến, cô ta phát hiện nhà kế bên là một gia đình nghèo, một góa phụ và hai đứa con.

Vào một đêm, khu vực nơi đó đột nhiên cúp điện, cô gái ấy chỉ còn cách đốt nến lên.

Không lâu sau, bỗng dưng nghe tiếng người gõ cửa.

Thì ra là cậu bé kế bên nhà, cậu bé vội vã hỏi :
“Dì ơi, cho con hỏi nhà dì có nến không ?”

Cô gái nghĩ : “Nhà của họ nghèo đến nỗi không có cây nến nào sao ? Đừng bao giờ cho họ mượn, không thôi mai mốt họ sẽ ỹ lại !”

Sau đó, cô ta hứ lên một tiếng và lạnh lùng nói : “Không có !”

Vừa lúc cô ta chuẩn bị đóng cửa, cậu bé nghèo nở một nụ cười thân thiện :
“Con cũng biết nhà dì nhất định là không có rồi !”

Nói xong, cậu bé từ trong túi áo lấy ra hai cây nến, nói :
“Mẹ và con sợ dì ở một mình không có nến, cho nên, con mang hai cây nến gửi cho dì nè !”

Lúc này đây, cô gái tự trách mình, cảm động đến hai hàng nước mắt chảy ra từ khóe mắt, ôm chặt cậu bé vào lòng.

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

10 nghiệp lành


01 - Không sát sanh. Từ bi không sát hại. Sẽ được khỏe mạnh trường thọ.
02 - Không trộm cắp. Ngay thẳng không lấy của người . Sẽ được giàu sang . An ổn . 
03 - Không tà dâm. Trong sạch không quan hệ bất chính. Sẽ được xinh đẹp, hạnh phúc
04 - Không nói dối . Chân thật không dối gạt . Sẽ được uy thế , tiếng tăm . 
05 - Không thêu dệt . Trung thực không xảo ngôn . Sẽ được mọi người kính mến . 
06 - Không đâm thọc . Hòa hợp , không nói lời ly gián . Sẽ được nhiều người ủng hộ . 
07 - Không nói thô ác . Hòa nhã không cay nghiệt , thô tục . Sẽ được cao sang .
08 - Không xan tham . Rộng rãi thí xả . Sẽ được vô lượng phước báo . 
09 - Không sân hận . Từ hòa nhẫn nại . Sẽ được vô lượng duyên lành . 
10 - Không si mê . Sáng suốt tỉnh giác . Sẽ được vô lượng trí tuệ . 

Ở Ác Gặp Ác


Trích kinh 42 Chương: Chương 7: Ở ác gặp ác
Đức Phật dạy: Có người nghe tiếng Phật giữ Đạo và thực hành hạnh đại nhân từ, bèn cố ý đến mắng Phật. Phật làm thinh, chẳng đáp.
Khi người kia mắng xong, Phật hỏi: "Ông lấy lễ đãi người, người kia không nhận; lễ ấy có về lại ông chăng?"
Đáp rằng: "Về lại!"
Phật bảo: "Nay ông mắng Ta nhưng Ta không nhận, ông tự đem họa về thân ông vậy Ồ như vang ứng theo tiếng, như bóng hiện theo hình, cuối cùng vẫn chẳng tránh được. Hãy thận trọng, chớ làm điều ác!"
Lược giảng:
Đây là chương thứ bảy. Trong chương trước có nói rằng mang điều ác đến cho người khác tức là tự chuốc họa vào thân, cho nên bây giờ Đức Phật viện dẫn mọi tỷ dụ để chứng minh điều ấy.
Đức Phật dạy: "Có người nghe tiếng Phật giữ Đạo và thực hành hạnh đại nhân từ, bèn cố ý đến mắng Phật." Có kẻ nghe nói rằng Đức Phật là một người tu Đạo và gìn giữ Đạo, lại còn tu hành hạnh đại nhân từ, nên cố ý tới trước mặt Ngài mà nhục mạ.
"Phật làm thinh, chẳng đáp." Mặc dầu nghe thấy người kia hủy báng mình, Đức Phật chỉ im lặng, không lên tiếng, không nói năng gì cả.
"Khi người kia mắng xong, đợi tới khi người ấy thôi, không mắng nữa, Phật hỏi: 'Ông lấy lễ đãi người, người kia không nhận; lễ ấy có về lại ông chăng?' " Ông đối đãi mọi người với thái độ lễ phép, lịch sự, nhưng nếu họ không đón nhận sự lễ phép của ông thì sự lễ phép ấy có về lại nơi thân ông không?
"Đáp rằng: 'Về lại!' " Kẻ nhục mạ Phật trả lời: "Đúng thế! Tất nhiên là phải về lại với tôi. Nếu đối phương không nhận sự lễ độ và cung kính của tôi, thì tôi thu hồi lại."
"Phật bảo: 'Nay ông mắng Ta, nhưng Ta không nhận.' Bây giờ ông đến mắng Ta, song ta không nhận sự trách mắng của ông. Ông nhục mạ Ta, Ta vẫn 'như như bất động '; ông chẳng nhục mạ Ta, Ta cũng bình thản như không. Ta hoàn toàn không bị dao động bởi sự nhục mạ của ông. Ta không nhận sự nhục mạ ấy, vậy ông hãy mang nó về đi. Và, như thế tức là ông tự đem họa về thân ông vậy. Việc ông hủy báng Ta là không đúng. Họa do ông gây ra tất phải về lại thân ông. Ông ắt sẽ gặp chuyện chẳng lành, và đó là do ông tự chuốc lấy!
Cái họa ấy sẽ theo ông như vang ứng theo tiếng, như bóng hiện theo hình, cuối cùng vẫn chẳng tránh được. Tiếng vang thì dội lại ứng theo tiếng động, bóng thì luôn luôn theo sát bên hình, mối họa ấy cũng như thế - nhất định sẽ đeo đẳng theo ông cho tới cùng. Ông không có cách nào lẩn tránh được hậu quả của việc hủy báng Ta. Vì thế, hãy thận trọng, chớ làm điều ác! Ta hy vọng rằng tất cả mọi người đều không làm việc ác!"

MƯỜI ÐIỀU TÂM NIỆM


  1. Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu bịnh khổ, vì không bịnh khổ thì dục vọng dễ sanh.
  2. Ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy.
  3. Cứu xét tâm tánh đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo.
  4. Xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường.
  5. Việc làm đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng khinh thường, kiêu mạn.
  6. Giao tiếp đừng cầu lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa.
  7. Với người thì đừng mong tất cả đều thuận theo ý mình, vì được thuận theo ý mình thì lòng tất kiêu căng.
  8. Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp thì thi ân có ý mưu đồ.
  9. Thấy lợi đừng nhúng vào, vì nhúng vào thì si mê phải động.
  10. Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch thì nhân ngã chưa xả.