Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Tâm Bình - Thế Giới Bình - HT. THÍCH TRÍ QUẢNG


     Khi Đức Phật thành đạo ở cội bồ-đề, Ngài nhận ra rằng trên thế gian này không có khổ, nhưng vì chúng sinh do vọng kiến, nghĩa là thấy và hiểu sai lầm nên hành động sai lầm, mới tạo thành khổ đau của muôn loài ở thế gian. Ba điều sai lầm là thấy sai, hiểu sai và hành động sai chủ yếu phát xuất từ tâm. Vì vậy, Phật nói Ngài đã nhận ra được ngôi nhà ngũ ấm và từ đây về sau, người chủ ngôi nhà không còn tạo ngôi nhà mới nữa, tức là Ngài không còn tái sanh trong cõi sinh tử luân hồi.

      Cái gì tái sanh và cái gì tạo nên sự tái sanh? Đức Phật khẳng định rằng tâm tạo ra tất cả. Trong kinh Hoa nghiêm có dạy rõ điều này qua bài kệ:
         Nhược nhơn dục liễu tri
         Tam thế nhứt thiết Phật
         Ưng quán pháp giới tánh
         Nhứt thiết duy tâm tạo.

     Nghĩa là tất cả mọi việc do tâm tạo ra, tâm làm chủ. Vì vậy, nhận ra tâm mình và làm chủ tâm mình, chúng ta không còn tạo ác nghiệp, thì không còn khổ và không còn sanh tử luân hồi.

     Các vọng kiến ngăn che sanh ra ham muốn khác nhau là chỉ cho nghiệp, phiền não và trần lao. Phiền não tạo nghiệp và nghiệp tạo khổ. Gốc của phiền não không có, nghĩa là nếu chúng ta không tạo nghiệp thì cũng không có khổ. Ví dụ lòng tham của con người là phiền não, do lòng tham mới tạo nên nghiệp. Nếu không có lòng tham, thì không tạo nghiệp ác như giết người, cướp của, hay buôn bán bất hợp pháp, v.v... Vì lòng tham muốn có lợi nhuận lớn và người khác cũng vậy, cho nên mới sinh ra lừa dối nhau, đưa tới phá sản, tội lỗi.

     Lòng tham có tham danh, tham lợi và căn bản sâu kín là tham ái, tham dục mà đoạn được là sanh tử luân hồi chấm dứt. Lợi và danh phục vụ cho ái dục, ba cái tham này gắn liền với nhau và tạo tội liên tục. Người có địa vị và danh vọng cao, nhưng gia đạo không an, con hư, vợ hỏng, thì họ rất khổ.

     Đức Phật đã ý thức được sự tác hại của tâm tham, nên Ngài đã sớm từ bỏ cung vàng điện ngọc để đi tìm đạo. Đối với mọi người, ai cũng ham thích cung vàng điện ngọc và kẻ hầu người hạ, nhưng với trí tuệ của thái tử Sĩ-đạt-ta, Ngài thấy đó là khổ, sung sướng chẳng bao nhiêu, nhưng khổ đau gây ra cho thiên hạ thì không lường được. Thái tử có ba tòa lâu đài thích hợp với ba mùa và có trăm ngàn cung nữ ca hát, thị vệ hầu hạ. Người tham dục thấy như vậy là sướng và có khi còn muốn hơn nữa, nhưng dưới mắt của Sĩ-đạt-ta, thì đây là tội lỗi, vì một mình Ngài hưởng mà phải bỏ công sức xây dựng đến 3 tòa lâu đài, tốn kém của dân, là món nợ rất lớn, thì hưởng xong, phước hết, không sống được trong lâu đài nữa. Phước tạo rất khó, nhưng hưởng thì nhanh và dễ hết thì khổ, họa tới không lường được. Cho nên Sĩ-đạt-ta thấy vui trong tham dục để khổ, khổ thân, cho đến khổ tâm. Tất cả những điều này do đâu mà có? Đương nhiên nó phát xuất từ tâm ham muốn của con người tạo nên. Thật vậy, tất cả những tòa lâu đài trên thế gian này đều tàn phá thiên nhiên và phát xuất từ tâm tham hưởng thụ của con người, từ đó tạo nên khổ đau cho mình, cho xã hội và cho muôn loài. Ngày nay, lòng tham của con người khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và thiên nhiên đã đáp trả lại cho chúng ta bằng những tai họa khủng khiếp.

     Phật thấy tâm tạo ác, nhưng cũng tạo thiện, vì tâm làm chủ, cho nên Phật dạy tu hành là chuyển đổi tâm ác thành thiện. Ngài Thế Thân chia tâm chúng ta ra hai phần là ác và thiện để chúng ta phát huy phần thiện và chuyển hóa phần ác thành thiện. Theo Bồ-tát Thế Thân, chúng ta có 8 phần tâm vương mà gốc của nó là vô thưởng vô phạt. Tâm ví như ông vua là chủ vô thưởng vô phạt, vì mọi quyết định do quan và tướng, tức là tâm sở liên hệ với tâm vương. Tâm vương là chủ, nhưng không có tâm sở thì không làm được gì, cũng như làm vua phải có quan và tướng mới làm được. Trong quan và tướng có trung thần và nịnh thần, gian thần, nhưng gian thần và nịnh thần thì đông, còn trung thần chỉ có 11. Ngài ví gian thần như phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến là 6 tên quan nguy hiểm luôn đứng cạnh tâm vương. Vì vậy, khi vua bị lòng tham tác động nhiều thì nguy hiểm vô cùng, hoặc lòng sân hận, kiêu mạn, nghi ngờ tác động vô tâm vương mới khởi lên ác xấu. Nói chung là tánh ác xấu tác động khiến tâm vương khởi. Ta ngồi yên không có gì, nhưng nghe một người nói tốt, thì ta khởi ý tốt, nghe người nói xấu, ta khởi ý xấu. Trong 6 căn bản phiền não vừa nói thì 5 cái trước không quan trọng bằng cái thứ 6 là ác kiến và ác kiến cũng sanh ra thêm 5 cáixấu nữa là thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ, tạo thành 10 triền, 10 sử. Tâm vương bị 10 triền 10 sử ràng buộc và sai khiến, nên khổ, ví như ông vua ngồi trên ngai vàng mà như là ngồi trên đống lửa. Lửa này là 10 triền và 10 sử, nếu vua không sáng suốt sẽ bị cận thần chi phối, sai khiến, họ làm sẵn báo cáo sai rồi buộc vua ký tên vào. Như ông Khang Hy làm vua lúc mới 3 tuổi, nên mọi việc do cận thần sắp xếp, đứng đầu là Ngao Bái nhiếp chánh đại thần quyết định; vì trung thần yếu, còn gian thần, nịnh thần, lộng thần thì mạnh và đông quá, nên vua phải chịu, phải đợi đến khi Khang Hy 12 tuổi mới khôn và trưởng thành. Ông nói rằng ông trưởng thành sớm là nhờ đời trước đã tu làm Sa-môn, nên đời này thiện tâm sở bên trong mạnh; cho nên 12 tuổi mà đã đủ bản lĩnh nắm quyền. Vua Khang Hy mới thấy ai là trung thần, ai là nịnh thần, là gian thần và nhờ trí tuệ sáng suốt mà ông sắp xếp lại việc điều hành triều chính. Phật dạy rằng làm sao trí tuệ sanh ra thì đủ sáng suốt để ta sắp xếp được tất cả những điều xấu ác trong tâm và tạo điều kiện để nó trở thành tốt. Vì vậy, có thể nói tất cả mọi người đều tốt và xấu, nếu biết thì mọi việc sẽ thành tốt, không biết thì thành xấu. Khang Hy nhờ có trí tuệ nên thấy người tốt, người xấu và ông sắp xếp lại đúng chỗ, biến xấu thành tốt, vì hoàn cảnh xấu không có thì không làm xấu được. Hoàn cảnh xấu là vua 3 tuổi chưa biết gì, nên họ làm loạn; nhưng vua 12 tuổi biết rõ mọi việc, mới bắt xử những người xấu thì hết loạn. Chưa biết thì người nịnh nói theo ta, ta thương họ và cất nhắc họ là ta sử dụng người nịnh, nên chết. Có trí tuệ thì dù họ nói gì, ta cũng biết rõ sự thật.

     Đời Đường có vua Đường Thái Tông lên ngôi và sử dụng học giả Ngụy Trưng dám nói thẳng, nói thật, nhờ vậy vua mới biết được việc nên làm, mới có ngài Huyền Trang phát triển Phật giáo. Vua Đường có trí tuệ, nhận thấy người nịnh nói hay, nhưng không thật và vua thấy lộng thần tự bịa chuyện nói là ý chỉ vua để ban chức cho người này người nọ làm xã hội đảo điên. Đường Thái Tông thấy rõ như vậy mới ban lệnh phải sống theo pháp luật, không theo lịnh của vua nữa. Ông vua này rất bình tĩnh và sáng suốt.

     Tâm vương cũng thế, khi tâm chúng ta bình tĩnh, sáng suốt, sẽ nhận thấy những thứ xung quanh tác động chúng ta là 10 triền cái, tức tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ. 10 triền cái này chi phối con người và xã hội. Giới cấm thủ là cố chấp việc nào đó, nên không dám thay đổi. Hoàn cảnh và thời thế thay đổi, nhưng cố chấp là chết. Ví dụ Phật cho 1 y 1 bát, nhưng mùa đông lạnh, Phật cho 3 y để một cái nằm, một cái đắp cho đủ ấm để sống, nếu cố chấp giữ 1 y là chết. Vì vậy, ở cuộc đời này không có gì cố định, phải có trí tuệ thấy sự thật chuyển hóa, thì chúng ta chuyển hóa theo đó. Phật dạy giới định tuệ mà chính tu là dùng định, tức tập trung để phiền não đừng chi phối chúng ta.

     Dùng 11 thiện tâm sở để phá bứt mắt xích của 10 triền cái để tâm chúng ta yên. 11 thiện tâm sở là tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, hành xả, bất phóng dật và bất hại. Người tu phải sử dụng 11 thiện tâm này làm phương tiện tu hành. Tôi vượt khó khăn nhờ sử dụng thiện tâm sở thứ 11 là bất hại, nghĩa là làm gì cũng được, nhưng không hại người. Nếu không làm tốt thì thôi, đừng làm hại, vì làm tổn hại phải bị quả báo. Xưa kia Phật cứu 500 người thương buôn, mà Ngài phải giết tên cướp, nên Ngài cũng phải chấp nhận quả báo này. Vì vậy, khi thành Phật rồi, Ngài cũng bị một nạn cuối cùng là nạn bị thương ở chân, nhưng là trả quả báo nhẹ.

     Trên bước đường tu của chúng ta, quan trọng phải làm sao tránh làm hại người, hại vật; vì làm hại thì sớm muộn gì, quả báo cũng tới. Làm ác nhiều thì quả báo nặng, làm ác ít, quả báo nhẹ. Phải tránh điều hại và hại này, chúng ta phân ra là miệng, thân, hay tâm làm hại. Phật do thân làm hại tên cướp biển, nhưng tâm Ngài không ghét thù hắn. Vì cứu người mà Ngài phải giết hắn, là thân tạo ác nhưng tâm không tạo ác, tức tâm thương người lương thiện bị cướp giết, nên Phật chấp nhận quả báo này. Tên cướp bị giết hận Phật suốt bao nhiêu kiếp cứ theo Phật để báo thù và tâm Phật cũng nghĩ đến tên cướp, nghĩa là vô tình làm hại sẽ gây hối hận suốt đời cho đến nhiều đời. Oan gia này đi theo Phật và chờ cơ hội tốt để trả thù, nhưng không được, vì Phật làm thiện quá nhiều, nên chung quanh Phật, người thiện nhiều, là thường có Thiên long bát bộ bảo vệ. Tâm Phật cũng thiện nhiều, nên quả báo này không xảy ra được. Đến khi Ngài thành Phật phải trả quả báo này, mới khiến có người em họ của Phật là Đề-bà-đạt-đa hại Phật bằng cách xô đá rớt xuống làm chảy máu chân Phật. Lòng Phật thanh thản trả được món nợ xưa. Còn chúng ta vay, nhưng không muốn trả; trong khi Phật luôn tìm cách để trả và Ngài đã trả 8 cái nợ cuối cùng mà Ngài đã vô tình làm khi hành Bồ-tát đạo.

     Tu Thanh văn làm an lạc thì dễ, nhưng tu Bồ-tát muốn chuyển ác thành thiện thì làm sao vừa lòng tất cả mọi người. Nếu chúng ta vừa lòng kẻ cướp thì xã hội này sẽ ra sao. Bắt tập trung cải tạo những người phạm pháp, xã hội mới yên. Hành Bồ-tát đạo là vì muốn người ăn ngon ngủ yên, nên phải bắt trộm cướp, xì-ke; còn con kiến cũng không dám giết thì xã hội sẽ đi về đâu. Chúng ta cần cân nhắc trên bước đường hành Bồ-tát đạo, quả báo càng nhẹ càng tốt, công đức càng nhiều càng tốt. Luôn có tâm bất hại đối với người và vật, nhưng bất đắc dĩ ta mới phải làm tổn hại.

     Tâm thứ hai mà chúng ta phải sử dụng là tâm hành xả, nghĩa là những gì đã qua, chúng ta bỏ qua, tâm chúng ta thanh thản thì huệ mới sanh được. Để tâm thanh thản, trí tuệ sanh, cái gì cũng đưa về quá khứ, để nhìn hiện tại chính xác. Phải hành xả là bỏ, còn làm mà nghĩ đến thành tích, không đi xa được. Cố gắng làm tốt, nhưng xong việc phải bỏ để ta tiếp tục đi tới. Mang bệnh thành tích, làm ít, nhưng kể không hết, thì ai quý trọng được. Vì vậy, suốt đời giúp người, nhưng không để trong lòng và không nói, thì người thọ ơn quý trọng ta.

     Phật nói vô lượng kiếp Ngài đã hành Bồ tát đạo, tạo vô số công đức, nên thấy Phật là chúng ta thương liền. Phật không cần chúng ta biết ơn và trả ơn. Kinh Pháp hoa nói 60 kiếp trước Phật đã độ Xá-lợi-phất phát tâm bồ-đề, nên kiếp này thấy Phật là Xá-lợi-phất đắc quả liền. Riêng tôi, ai thấy tôi mà sanh quý trọng, thì tôi biết đó là bồ-đề quyến thuộc trong những kiếp trước. Ai thấy tôi mà bực bội thì đó là oan gia gặp lại. Oan gia nên giải, còn công đức quá khứ thì nên tiếp tục dìu dắt nhau.

     Tâm hành xả và bất hại quan trọng; ngoài ra, thiện tâm sở đầu tiên là tín, tức niềm tin cũng cần thiết. Vì vậy, chúng ta phải sống thành thật để giữ niềm tin với nhau. Điều gì làm không được thì nói không được, đừng nói mà không làm sẽ làm mất chữ tín thì không ai dùng mình. Niềm tin là mẹ sanh ra tất cả thành công, người làm mất niềm tin không tồn tại được. Trước nhất là niềm tin đối với thầy, bạn thân cận gần gũi với ta, làm việc chung với ta. Những người này không tin cậy nhau thì sớm muộn gì đoàn thể cũng tan rã.

     Niềm tin giữa thầy và bạn mà thầy là Phật, bạn là Bồ-tát. Chọn Phật làm thầy và bạn là Bồ-tát, chắc chắn cuộc đời ta sẽ thăng hoa. Riêng tôi có được trí tuệ sáng suốt là nhờ Phật lực gia bị và việc thành tựu là nhờ Bồ-tát hợp lực. Làm sao gầy dựng niềm tin giữa huynh đệ và nâng lên là Phật và Bồ-tát. Chúng ta sống trong thế giới có niềm tin thì những nịnh thần, loạn thần, kẻ xấu không tác động được và bất cứ ở đâu cũng có bạn tốt, Phật sự thành công.

     Tóm lại, 11 thiện tâm sở luôn áp dụng, thì sẽ có kết quả tốt đẹp. Sử dụng ác tâm sở nhiều thành ma, sử dụng thiện tâm sở nhiều thành Bồ-tát và hoàn toàn thể hiện thiện tâm sở trong cuộc sống thì thành Như Lai. Mong rằng tất cả đệ tử Phật phát huy được thiện tâm sở trọn vẹn để thành tựu quả vị Phật.

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Làm Lại Cuộc Đời - HT. THÍCH TRÍ QUẢNG

    Chúng ta ai cũng có ý niệm làm lại cuộc đời là làm sao cho cuộc đời mình tốt hơn. Tôi chia thành nhiều lớp. Lớp thứ nhất là những người cơ nhỡ phạm pháp, mất quyền công dân. Khi phạm phải những sai lầm tội lỗi bị luật pháp ràng buộc, xã hội xem thường thì tự xét nguyên nhân nào đưa đến lỗi lầm đó và chịu hậu quả xấu. Nhận thức như vậy, chuyển hóa sự sai lầm của mình để trở thành người tốt, người bình thường.

     Đối tượng thứ hai, chúng ta không phải là người tội lỗi phạm pháp, nhưng chúng ta tin nhân quả theo Phật dạy. Ngày nay chúng ta được sanh làm người, nhưng thường ốm đau và gặp nghịch duyên, nghèo khó, khổ cực, bị cuộc đời khinh chê thì chúng ta nghĩ ngay đến lời Phật dạy về ba đời nhân quả, do đời trước làm gì đó mà đời này nghèo khổ, bệnh hoạn, xấu xí và bị ghét bỏ. Nhận ra được điều này có nghĩa là làm lại cuộc đời, từ cuộc đời không tốt đẹp, điều chỉnh thành người tốt đẹp. Trong hạng người thứ hai, tôi là một trong những người này. Tôi sanh ra ở vùng quê nghèo, nơi biên địa có chiến tranh. Những khó khổ này tôi suy nghĩ là nhân quả nhiều đời mình có liên hệ với chiến tranh, có liên hệ với nghèo khổ, nên nay mới bị như vậy; nhưng còn chút xíu thông minh để nhận thức được cuộc sống để xóa đi nghiệp ác của mình, thay đổi cuộc sống, từng bước đi lên. Trong hoàn cảnh như thế, tôi nhờ minh sư khai ngộ, ngài nói tuy ở trong hoàn cảnh nghèo và chiến tranh, nhưng chắc chắn có căn lành, vì tôi học kinh rất dễ, khi chưa xuất gia, nghe kinh đã thuộc, nên thầy bảo tôi có căn tu. Nói cách khác, đời trước tôi đã là thầy tu rồi, nhưng nay sanh trong gia đình nghèo ở nước có chiến tranh, tức sanh trong hoàn cảnh không tu được. Vì vậy, nhớ lại đời trước mình là thầy tu, nhưng làm mất bản chất thầy tu, nên nghèo khó, mới làm lại cuộc đời. Và xa hơn, đọc Sám Quy mạng nói rằng: "Tự di chơn tánh, uổng nhập mê lưu, tùy sanh tử dĩ phiêu trầm, trục sắc thanh nhi tham nhiễm…”. Đọc điều này, tự nhận ra được mình là thầy tu, đáng lẽ lên Niết-bàn, Cực lạc, sao lại rơi vào trần gian, vào hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, chết không biết về đâu, nghĩa là từ nơi tốt mà bỏ đi vào con đường sai lầm giống như biến mình thành người phạm tội. Làm lại cuộc đời là trở lại người bình thường và thứ hai, làm lại cuộc đời là làm người tu. Nguyên nhân là vô minh nổi dậy, một phút lỗi lầm rơi vô hoàn cảnh khổ đau.

     Vì vậy, học Phật, Phật dạy trí tuệ quan trọng nhất của chúng ta. Phát huy được trí tuệ thì trở thành hiền thánh, nhưng mất trí tuệ, xuống thành người tù, hay xuống địa ngục, súc sanh. Có trí tuệ, chúng ta đi lên; không trí tuệ, phạm sai lầm, đi xuống gọi là tự di chơn tánh. Chơn tánh là bản tánh sáng suốt của con người mà chúng ta không giữ được, vì vô minh nổi dậy ngăn che, nên chúng ta phạm sai lầm. Chúng ta nhận ra sai lầm này từ chỗ nào, vô minh là gì. Lòng tham, sự bực tức là vô minh. Tôi nhận ra tánh mình hay nóng, nói tiếng thứ nhất, đến tiếng thứ hai là đánh. Vì nóng, chúng ta dễ phạm sai lầm. Tôi nhớ lúc học tiểu học, lớp 2, tôi bị một anh lớp 3 ức hiếp. Tôi nổi nóng đấm anh bể mũi. Anh này là con của hương quản, nên họ bắt tôi nhốt một ngày. Do nóng giận mất khôn, đánh người, bị nhốt bỏ đói, đó là nóng giận sanh ra vô minh. Nếu bình tĩnh như Hàn Tín biết nhịn chịu cho qua để mưu cầu việc lớn. Từ đó, tôi có nhận thức mới, khi bị ức hiếp, tôi nói hãy đợi đấy, để học xong rồi tính sổ. Bây giờ mình thấp cổ bé miệng, động tay chân dễ ở tù. Nhưng học xong, tu được, dẹp tự ái cá nhân thì vô minh là ý niệm gây sự trả thù cũng hết. Còn đợi cơ hội trả thù thì thù càng chồng chất là oan oan tương báo không chấm dứt. Vì vậy, làm lại cuộc đời là làm lại để thành hiền thánh, gần là làm người tốt, làm thầy tu đúng nghĩa.

    Trên bước đường tu, chắc chắn chúng ta có sơ suất phải trả giá, thì phải có thức tỉnh, sai lầm, làm lại. Trong thời Phật có tướng cướp Vô Não, về sau ông phát tâm đi tu, nhưng đi đâu người ta thấy cũng nghĩ ông là sát nhân, nên đánh ông, dù ông tu rồi, hiền rồi; nhưng ông này quyết tâm làm lại cuộc đời, chấp nhận những gì đổ lên là kham nhẫn, chịu đựng thì cuối cùng, người ta thấy ông hiền. Gốc của ông là hiền, nhưng vì sai lầm mà trở thành sát nhân, nhưng làm lại cuộc đời, chấp nhận mọi khó khăn để thành hiền và đắc quả A-la-hán, được người cung kính. Vì túc nghiệp mà làm một số việc sai, người sẽ đánh giá ta thấp, ta làm lại, nghiệp sẽ thay đổi, trở thành tốt. Trong kinh Bản sanh, Đức Phật cũng nói không phải tự nhiên Ngài thành Phật, Ngài phải trải qua vô lượng kiếp tu hành có phạm sai lầm, nhưng mỗi lần sai có thức tỉnh, có nhận thức mới đi lên được, đó là kinh nghiệm của Phật.
   
  Bồ-tát Quan Âm trong một tiền thân cũng có sai lầm. Ngài nói tiền kiếp xa xưa, ngài từng làm ác quỷ. Ác ma nào cũng có thần thông biến hóa, hay có quyền có thế, có quyền sanh sát. Bồ-tát Quan Âm từng có thần thông, quyền thế, quyến thuộc nhứt hô bá ứng, nhưng vì phạm sai lầm quan trọng, khi có đủ phước báo, người ta thường ỷ lại, nên dễ phạm tội.
   
  Tôi có người bạn đồng tu gặp tôi ở Tokyo, thầy này có quyền thế mới phát biểu rằng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, muốn chơi thì chơi cho biết đá biết vàng, cuối cùng vàng và đá cùng vỡ, vì thế lực đụng thế lực thì cả hai cùng tan. Trong thời Chiến tranh lạnh, nếu nước Mỹ và Nga tranh nhau đến cùng thì trái đất này có thể nổ tung. Vì vậy, thế lực càng lớn, quả báo càng lớn.

    Quan Âm xưa tu có quyền lực, có quần chúng, có thần thông, nhưng dựa vào thế lực, quyền năng, quần chúng và trí khôn để khống chế người khác, đưa đến hậu quả là mỗi lần thắng trận mỗi lần tổn tướng hao binh, nên tướng giỏi mất lần, nhưng giặc có người mạnh hơn. TruyệnTam quốc cho thấy lúc thế lực này mạnh lấn át thế lực kia, luôn có sự xoay vần. Người thương Quan Âm lần lần chết, người thù oán mỗi ngày mạnh lên, đưa Ngài vào thế hoàn toàn bị cô lập, không còn ai theo. Nhìn kỹ cuộc sống sẽ thấy như vậy, làm nên sự nghiệp là nhờ phước báo, nhưng trong cách sống, cư xử thế nào mà làm mất lần, cuối cùng người thân không còn, lại chống ta. May mắn là Quan Âm gặp Phật Tổ Như Lai, nên trên đầu Quan Âm luôn có Phật. Khi Ngài hiện hình ông Tiêu cũng có Như Lai, tức sa cơ đọa địa ngục mới gặp Như Lai, còn quyền thế thì không nghe ai. Sa cơ mới thấy Như Lai xuất hiện là điểm đặc sắc của đạo Phật.

    Đọc cuộc đời hành đạo của ngài Ưu Ba Cúc Đa, ngài gặp người thí chủ giàu có thỉnh về cúng dường, nhưng ngài nói chưa đúng lúc, không nhận. Đến khi bà này sa cơ, bị thải ra bãi tha ma thì ngài tới độ. Bà nói không có gì cúng dường ngài, nhưng ngài nói bây giờ mới đúng lúc là bà còn có niềm tin, nên tôi đến, lúc có tiền có thế lực thì chưa có niềm tin.

     Khi Quan Âm bị đọa, thì Như Lai xuất hiện, hay tôi phát tâm thọ trì kinh Pháp hoa từ năm 1963. Lúc đó tôi bị bắt biệt giam, tôi nghĩ mình không còn gì, nhưng đối với tôi còn Phật, còn niềm tin với Phật. Tận cùng khổ đau, ta có thể phát tâm, Quan Âm nói như vậy, khi ngài còn thế lực thì không phát tâm. Thế lực cạn kiệt mới phát tâm, hay thấy Như Lai, tức có huệ Như Lai sáng lần trong đầu. Nhờ ánh sáng trí tuệ rọi, ta thấy sai lầm từ trước. Công đức đã tạo mới có sự nghiệp, nhưng vì si mê sai lầm nên đánh mất phước đời trước và bị đọa địa ngục. Lúc đó, nhờ có ánh sáng trí tuệ Như Lai rọi vào đầu Quan Âm, Ngài thấy khác là thấy quyền lực quyền năng đều hại người. Chỉ có tình thương quan trọng. Vì vậy, Quan Âm mới phát tâm đại bi, có ý niệm thương người, giúp người dù gặp bất cứ ai cần đến Ngài, đó là nguyện của Quan Âm, không còn ý niệm hại người. Thế lực ác ma là có quyền lực thì ai không theo sẽ giết, nhưng bỏ ý thức giết người mà chuyển thành thương người, là Quan Âm làm lại cuộc đời.
    
    Tuy nhiên, bắt đầu làm lại cuộc đời, túc nghiệp đã có nên phải trả giá. Còn có sẵn phước thì đi lên dễ. Đánh mất, làm lại khó; chưa lỗi lầm, người chấp nhận ta dễ, nhưng ta có lỗi rồi mà muốn người chấp nhận ta tốt, ta phải có sự thay đổi lớn trong cuộc sống. Vì vậy, hư rồi, tạo được lại uy tín khó. Quan Âm phát tâm đại bi, có ý thức cứu giúp người, nên kham nhẫn chịu đựng được những gì đổ lên Ngài. Thực tế cho thấy chúng ta muốn giúp, nhưng họ không cần, xem thường ta, nhưng ta vẫn chấp nhận và giúp là theo hạnh Quan Âm. Bình thường làm tốt dễ, nhưng nay ta muốn làm tốt, họ cũng không chấp nhận vì ta có sai lầm, ta làm lại, nên phải trả giá. Vì vậy, bình thường chúng ta thấy người muốn làm lại, nhưng gặp nghịch duyên thì họ không làm nữa. Nhưng ta theo hạnh Quan Âm, phát tâm cưu mang giúp đỡ, sẵn lòng muốn làm lại thì phải làm đến nơi đến chốn là phát đại bi tâm, giúp cách này không được, ta có cách khác. Ta nói họ không nghe, tìm người khác nói cho họ nghe. Quan Âm muốn cứu giúp chúng sanh, chỉ có mục tiêu duy nhất đó thôi, nên nay Ngài cứu một người, mai giúp một người, lần lần người thân thiện với Ngài, nên số người này càng đông càng làm được việc lớn. Số người thương Quan Âm và theo Ngài là Quan Âm biến thành người có một ngàn mắt, một ngàn tay, nghĩa là ta có thêm một người bạn tốt là ta thêm một cánh tay, thêm một con mắt. Thí dụ tôi ngồi ở đây, ở chùa Ấn Quang có người thương tôi thì người nào nói xấu tôi, muốn hại tôi, tôi cũng biết. Tôi làm được việc là nhờ như vậy. Một mình không làm được gì, nhưng chung quanh mình có nhiều người thương hợp tác thì có bao nhiêu người là ta có thêm bao nhiêu cánh tay, bao nhiêu đôi mắt. Phật nói Quan Âm là thế, cùng tột khổ đau nhận ra được là nhờ Phật huệ thấy biết việc nào làm người khác chấp nhận, người khác được lợi ích thì Ngài làm.

     Làm lại cuộc đời là phục hồi uy tín mà Bồ-tát Quan Âm đã thành công và ta làm theo Quan Âm cũng sẽ thành công. Muốn làm ác ma, ai nghịch, ta hại họ, cho đến người thân mà ta cũng nghi ngờ và hại họ, thì làm sao ai chung sống với ta. Quan Âm tu hạnh đại bi, dù chúng sanh cang cường, Ngài cũng hạ quyết tâm cứu giúp, bây giờ không được, ngày mai cũng phải được, là ý nghĩa độ tận chúng sanh. Vì vậy, Đức Quan Âm có mười hai nguyện ứng vô tâm đại bi của Ngài, nên Ngài trở thành Bồ-tát vạn năng được tất cả mọi người kính trọng. Học hạnh Quan Âm, chúng ta phải có lòng từ bi, sẵn lòng giúp đỡ người khó khăn, thì đồng hạnh với Quan Âm, ta sẽ nhận được lực gia bị của Ngài trên bước đường làm việc từ thiện lợi ích cho xã hội.

Nguồn: chuahuenghiem.net

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Xây Dựng Tương Lai Trong Phật Pháp - HT. THÍCH TRÍ QUẢNG


    Trong hiện đời này, chúng ta phát tâm Bồ-đề hành Bồ-tát đạo nhằm mục tiêu xây dựng tương lai tươi sáng trong Phật pháp, hoặc xây dựng con đường đi về Tịnh độ của chư Phật, hay về Niết-bàn. Còn chúng ta xây dựng tương lai ở trần gian trong cuộc đời giả tạm này thì có sanh có diệt, chúng ta làm gì thì cuối cùng cũng hoàn không. Vì vậy, chúng ta không bận tâm đến xây dựng tương lai trong cuộc đời, mà lo xây dựng tương lai trong Phật pháp và nếu chúng ta thành công, tạo được tương lai tươi sáng trong Phật pháp thì cuộc đời này cũng sẽ tốt đẹp theo, vì chánh báo của chúng ta ở đâu thì y báo ở đó. Cho nên, lo xây dựng tương lai là xây dựng chánh báo, vì chánh báo xấu thì y báo không thể tốt đẹp.

        Phật dạy vì tham vọng của con người, gọi là lòng tham không đáy, không bao giờ thỏa mãn được, nên họ luôn thấy thiếu thốn. Thử nhìn lại cuộc sống vật chất và tinh thần, chúng ta có thiếu thốn hay không. Thiếu vật chất cũng khổ, nhưng không bằng thiếu thốn tinh thần. Có người vật chất đầy đủ, nhưng lòng họ luôn khổ, gần nhất chúng ta thấy một vài tổng thống giàu nhất nhì thế giới, quá dư thừa của cải vật chất, nhưng họ rất khổ tâm, từ khổ tâm do tạo nghiệp, nên phải trốn chui, vì chạy theo vật chất, nên phải khổ với vật chất. Ngược lại, đối với người thiếu vật chất, nhưng tinh thần đầy đủ, Phật nói rằng họ không thiếu bất cứ thứ gì, vì trong lòng họ không ham muốn thì vật chất có hay không đối với họ vẫn bình thường.

         Trong đạo Phật, xây dựng cho mình tương lai thực sự, Phật dạy phải diệt dục là chấm dứt lòng ham muốn. Làm sao cho tương lai hết khổ. Phật đã hỏi Tịnh Phạn vương như vậy, ông không trả lời được. Phật ngồi Bồ Đề Đạo Tràng khám phá được rằng diệt dục, không ham muốn là không khổ, còn ham muốn nhiều khổ nhiều, ham muốn ít khổ ít. Tương lai làm sao phải diệt dục mới hết khổ, mới thành Phật. Tương lai của chúng ta là Niết-bàn là hết khổ. Bước đầu, Phật dạy hạn chế ham muốn, khác với chấm dứt ham muốn, nên Ngài dạy tam thường bất túc là hạn chế ba việc ăn, mặc, ở. Đương nhiên việc thế gian chúng ta cắt, nhưng còn ăn, mặc, ở, thiếu một chút vẫn sống được. Thật vậy, cần một chỗ ở tương đối, hay thiếu một chút thì ai cũng có được. Chúng ta có một chỗ ở khiêm tốn, chỉ cần căn phòng ba mét vuông cũng đủ ở. Ở Nhật, tôi từng ở phòng như vậy, chỉ đủ để một tấm nệm, một cái chăn và một ít sách là đời sống bất túc khiêm tốn nhất. Khá hơn, thuê phòng 12m đến 16m vuông, còn giàu có đòi hỏi thì vô cùng vô tận, phải lo chi trả cho chỗ ở đắt tiền, nên bao giờ họ cũng thấy thiếu. Các sinh viên khác thuê phòng trọ một tháng 15.000 yên, trong khi chỗ ở của tôi rẻ tiền nhất, chỉ trả 3.000 yên một tháng vẫn ở được, học được là kinh nghiệm tôi hạn chế chỗ ở nên chi phí này không lo, thì học bổng ít mà vẫn có dư tiền. Nhờ vậy, tôi trở thành người giàu có vì giúp đỡ được cho người khác. Còn những sinh viên là con của tướng tá, bộ trưởng tuy nhiều tiền, nhưng thiệt nghèo, vì xài hoang phí, nên lúc nào cũng thiếu nợ, phải mượn tiền tôi, họ nói tôi tu không biết xài tiền. Không biết xài tiền, mới tích lũy được công đức. Hạn chế chỗ ở, tâm được nhẹ nhàng, coi phòng ở là chỗ trọ qua đêm, sáng thì đến trường và cuộc đời này cũng là quán trọ, nên chi phí ít để có thì giờ học nhiều.

         Vấn đề thứ hai là ăn là điều tối thiểu của con người, nên biết rằng không cần ăn nhiều, ăn chỉ đủ để sống. Tôi gầy nhờ ăn kiêng, nhưng khỏe. Ăn nhiều béo phì phải uống thuốc. Nhiều người thưa với tôi rằng họ mập nhưng khổ lắm vì đau nhức. Rõ ràng vì họ ăn thừa chất bổ, thừa đạm nên bị nhức mỏi. Có người bị bệnh tiểu đường nói rằng họ khổ vì thèm ăn ngọt, nhưng ăn đường vô là chết. Như vậy, việc ăn kiêng của tôi là hợp lý, nếu ta không biết thì phải nhờ bác sĩ hướng dẫn. Bác sĩ bảo tôi lớn tuổi không nên ăn nhiều chất béo, chất đạm, chất đường. Nếu đói, ăn bột ngũ cốc, tuy gầy, nhưng sẽ không bị bệnh, hay ít bệnh. Có một lần tôi bị gai ở cổ, cúi xuống khó, bác sĩ bảo nên ăn lúa mạch, đừng ăn cơm, chỉ cần điều chỉnh một chút vấn đề ăn uống là khỏe lại. Nên nhớ rằng tuổi càng lớn, nên càng ăn ít, tuổi nhỏ cần phát triển cơ thể thì phải ăn đầy đủ. Từ 40 tuổi trở lên, nên hạn chế ăn thì bao tử nhỏ lại, không ăn nhiều được nữa là kinh nghiệm của thiền sư. Ăn nhiều, bao tử giãn ra, lúc nào cũng thấy đói. Hạn chế được ăn, chúng ta đỡ đau. Ăn vừa đủ, hay ăn thiếu một chút, sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Ngoài ra, hạn chế vấn đề mặc, chúng ta đỡ tốn kém.

         Ba điều căn bản trong cuộc sống là ăn, mặc, ở mà hạn chế được thì chúng ta có thặng dư và sử dụng số dư này để đổi ra phước báo vô lậu. Còn ăn, mặc, ở tốn kém nhiều, ta mắc nợ cuộc đời nhiều, thì ra đi không có hành trang, sẽ trở thành người nghèo khổ. Giảm thiểu ăn mặc ở và đổi thặng dư ra công đức là phước đức và trí tuệ, làm như vậy là xây dựng tương lai. Tương lai của ta tốt do phước đức nhiều và trí tuệ sâu. Như vậy, xây dựng tương lai là lo tích lũy công đức. Thuở nhỏ, mới tu, tôi lập chí nhường tất cả mọi thứ cho cuộc đời, nhưng trừ trí tuệ, học vấn thì không nhường, không biết thì phải học. Xây dựng tương lai là một tương lai có trí tuệ. Phật hơn tất cả mọi người ở Chánh biến tri, tức Ngài thấy biết người và sự việc một cách chính xác.

         Giai đoạn một, phải lo học hành, xây dựng tương lai là vậy. Tuổi trẻ học giỏi, không phạm lỗi lầm, chắc chắn tương lai trong sáng, được đắc dụng. Còn trẻ mà đạo đức kém, học dở là tự khóa tương lai của mình. Vì vậy, xây dựng tương lai bằng cách phát huy trí tuệ và tránh những lỗi lầm. Nếu lỡ phạm lỗi, người chỉ dạy, chúng ta phải sửa ngay, là xây dựng tương lai tốt. Đến khi trưởng thành tiến sang bước thứ hai, uy tín có, vì chúng ta có học thức và đạo đức, đó là cơ hội tốt để dấn thân hành đạo, nên đem tất cả tài chí để phục vụ. Có người có bằng cấp, nhưng treo để khoe, chứ không làm được việc. Cơ hội có, đem tất cả sở tồn đóng góp hết sức mình làm lợi ích cho đời. Bước qua giai đoạn ba quy định từ 60 tuổi trở lên, cuộc đời còn lại, chúng ta lo cho tương lai xa, nghĩa là lo cho kiếp lai sanh; vì chúng ta biết cánh cửa của cuộc đời này sắp đóng lại, chúng ta tìm cách mở cánh cửa cho kiếp sau.

         Tất cả Bồ-tát tái sanh đều có chuẩn bị đầy đủ. Các ngài sanh trên cuộc đời này, làm đúng những gì đã hoạch định và làm xong, nghĩ đến tương lai là bỏ thân tứ đại này sẽ sanh ở đâu, làm gì, đây cũng là điều quan trọng mà chúng ta cần suy nghĩ. Bồ-tát coi cuộc đời của con người là một mắt xích từ vô thỉ cho đến bây giờ và từ bây giờ đến tương lai nối tiếp nhau. Tất cả những gì quá khứ hiện hữu ngay trên cuộc đời và những gì đang có sẽ là nhân cho đời sau. Phật tử lớn tuổi có duyên làm việc, hết duyên, thì chuẩn bị cho đời sau sẽ sanh ở đâu. Chúng ta coi lại kho tàng giáo lý mà Phật và chư vị Tổ sư giới thiệu để lựa chọn. Chúng ta chọn Niết-bàn hay Tịnh độ, tức chúng ta muốn nghỉ ngơi; nhưng nếu chọn sinh mạng tương tục của Bồ-tát hành đạo thì chọn chỗ tái sanh trên cuộc đời cho đến khi thành Phật. Như vậy, chuẩn bị cho chuyến đi xa của chúng ta, ai cũng phải ra đi thì phải có đích đến là đời sau tái sanh lại Ta-bà hành Bồ tát đạo, hay là về Tịnh độ, Niết-bàn. Có Hòa thượng chuyên tu Tịnh độ nói rất dễ thương rằng ngài muốn sanh Tịnh độ, nhưng về với Phật Di Đà vài hôm thôi, rồi sẽ trở lại Ta-bà cùng với quý Thầy làm việc. Có Hòa thượng khác thì nói rằng sợ thế giới này, nên dứt khoát không trở lại, nhất định lên Niết-bàn. Còn con đường thứ ba là chấm dứt cuộc đời thì sẽ quán sát xem tái sanh ở đâu, làm gì; đó là con đường Bồ-tát đạo của kinh Pháp hoa. Người tu Pháp hoa không về Tịnh độ, không về Niết-bàn, mà hành Bồ tát đạo ở Ta-bà, quyết lòng tế độ chúng sanh từ đời này đến kiếp khác, cho đến thành Phật. Con đường này của Bồ-tát Đại thừa có chuẩn bị đầy đủ là xây dựng tương lai, tái sanh ở đâu, làm gì. Tìm chỗ tái sanh có quyến thuộc Bồ-đề, hay có Phật, hoặc có nhiều thiện hữu tri thức mới làm đạo được. Còn tái sanh vào nhà ngoại đạo, hay vào những xứ không biết tu hành theo Phật pháp, chúng ta sẽ mất kiếp. Vì vậy, điều quan trọng nhất là duyên trong Phật pháp phải có gọi là tương tục duyên, nếu chúng ta sơ suất một lần sẽ mất lực, sơ suất hai ba lần sẽ mất kiếp luôn; cho nên con đường này rất nguy hiểm.

         Tôi bảo Phật tử nên tụng Pháp hoa để Bồ-tát tái sanh Ta-bà làm đạo, nghe kinh thì sanh lại làm con cháu chúng ta để khỏi mất kiếp. Thật vậy, sau khi chết, nghe chỗ có tụng kinh, chúng ta vô, chỗ có chùa, chúng ta tới. Tuổi lớn, buông bỏ thế sự, gần gũi chùa và chư Tăng, nghe tụng kinh, tiềm thức có sẵn thì ngủ mơ nghe pháp, tụng kinh chúng ta cũng tìm đến là con đường thứ ba mở ra. Nếu còn sống, mà bị bệnh, không về chùa được, nhưng tha thiết muốn về Thầy, thì bỏ thân này là về chùa liền. Nhưng nếu chúng ta đi lạc một lần là đánh mất một kiếp thì Thức của chúng ta sẽ bị yếu đi;thí dụ, lỡ sanh vào loài súc sanh, không nghe pháp được, không tu hành được, hoặc sanh vào nhà ngoại đạo bị nhồi nhét tà kiến, niềm tin Phật của chúng ta bị yếu đi. Vì vậy, tu hành chọn con đường thứ ba phải có định hướng rõ ràng là chết về đâu, mà đã chọn là phải có hướng tâm về đó. Thí dụ ở Việt Nam, Phật giáo đang thạnh, sau khi chết, tái sanh vào nước Việt Nam, vô gia đình có niềm tin Phật và tương đối có đạo đức, có trí tuệ, thì chúng ta sẽ phát triển con đường tu của mình dễ dàng, vì từ nhỏ, chúng ta đã được đi chùa, nghe pháp, chúng ta sẽ không bao giờ mất kiếp. Tái sanh ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chùa, nếu thần thức đến chùa, thấy người mình quý trọng thì theo về nhà họ để sanh lại là vô nhà Phật giáo. Tôi nghĩ đời trước mình cũng từng tu, nên cha mẹ tôi lên chùa cầu phước, tôi theo về thấy nhà biết tụng kinh. Như vậy, có định hướng tái sanh, chọn chỗ ta thường tới đó tụng kinh, tìm bạn tri thức để ta sanh vào nhà họ. Còn có người cũng đi chùa, nhưng cảm giác giữa mình và chùa xa lạ, không được bạn bè chấp nhận, thì chết họ bơ vơ, vì còn sống đã lạc lõng.

         Định hướng đầy đủ, trở về chùa, tái sanh lại không mất kiếp, sẽ tiếp tục tu. Câu chuyện sau liên hệ đến Hoằng Nhẫn đại sư nói lên ý này. Ngài Đạo Tín muốn truyền pháp cho ông, vì ông đắc đạo, nhưng ông lớn tuổi hơn, nên lỡ ông chết trước thì không nối dòng pháp được. Hoằng Nhẫn nói rằng "Thầy chờ con” là ông tìm chỗ sanh vô, đến gia đình đó thấy có nhân duyên với cô gái nên xin cho ở trọ một đêm. Cô gái bảo ông hãy xin phép bố mẹ cô. Ông nói cô bằng lòng là được. Bấy giờ Hòa thượng tự té xuống chết tại chỗ, liền tái sanh vô nhà này, nên cô gái không chồng mà có mang và sanh ra đứa con. Cô bực quá ném đứa con xuống ao, rớt lên lá sen trôi đến trước cửa chùa. Ngài Đạo Tín bế đứa bé về nuôi là hậu thân của Hoằng Nhẫn. Ngài Hoằng Nhẫn tuổi nhỏ nhưng rất thông minh và được Đạo Tín truyền pháp. Đó là cách chọn chỗ tái sanh của Tổ Hoằng Nhẫn. Trên thực tế, chúng ta thấy các vị Lạt-ma Tây Tạng thường chọn chỗ tái sanh là một trong những cách xây dựng tương lai trong đạo pháp, không bị mất kiếp để tiếp tục tu hành cho đến thành tựu Phật quả.

Nguồn: chuahuenghiem.net

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Tàm Quý - HT. Thích Trí Quảng


     Tàm quý là một trong những hạnh tu của Đức Phật. Theo Thế Thân Bồ tát, tàm quý là một trong 11 thiện tâm sở. Trong Duy Thức học, Ngài Thế Thân chia tâm của con người thành 100 pháp và Ngài viết bộ Đại thừa Bách Pháp Minh luận để lý giải về các dạng thức của tâm và sự linh hoạt của nó. Ngài chia chẻ tâm chúng ta thành 100 phần và con số 100 tính theo cấp số nhân thành vô số, nhưng gom lại thì có 100 để phân biệt trong tâm, cái nào tốt thì phát triển, cái xấu thì đoạn trừ. Đức Phật cũng đã thể nghiệm điều này một cách trọn vẹn, nên Ngài trở thành Đấng Đạo sư hoàn thiện.

     Tàm quý là thiện tâm sở, vô tàm quý là ác tâm sở. Trong tâm của con người có thiện ác lẫn lộn. Người biết tàm quý gọi là người thiện, người không biết tàm quý là người ác. Tàm quý hiểu thông thường là xấu hổ, hổ thẹn. Người biết hổ thẹn với lương tâm mình khi làm điều sai trai là người có hạnh tàm quý. Còn làm sai trái, nói sai trái, nghĩ sai trái mà không xấu hổ là người không biết xấu hổ.

     Tàm quý hay vô tàm quý là thiện ác từ trong tâm chúng ta. Đức Phật dạy rằng tâm rất quan trọng; theo kinh Hoa Nghiêm, tâm sinh ra vạn pháp, tức sinh ra muôn pháp lành hay muôn pháp ác. Vì vậy, từ tâm không biết xấu hổ, người ta dễ dàng buông ra lời nói xấu ác và hành động ngông cuồng, việc làm sai quấy, mà họ vẫn xem thường; nhưng họ chỉ lừa dối được một số người, chứ không thể lừa dối tất cả mọi người, lừa dối được một lúc, chứ không thể lừa dối được trọn đời. Đức Phật nói ác ma khác với Ngài ở điểm họ chuyên môn lừa dối và không bao giờ biết xấu hổ với hành động sai quấy. Còn Phật thì ngược lại, Ngài luôn sống với hạnh tàm quý, nghĩa là Ngài luôn gạn lọc, cân nhắc, sửa đổi từ ý nghĩ, việc làm, cho đến lời nói.

     Khi biết tàm quý, nếu bị người xem thường, chúng ta sẽ nghĩ lại xem mình đã làm gì, nói gì khiến cho người ta xem thường mình. Ví dụ trong lớp học có người không biết tàm quý, tức họ không biết nhìn xem thái độ của người xung quanh đối với mình như thế nào để tự sửa mình, mà cứ nghĩ mình tốt, mình giỏi. Người như vậy vào đạo tràng tìm chỗ tốt mà đứng, không biết nhìn trước nhìn sau coi mình là ai. Nếu lỡ đứng trước người được kính trọng mà không biết tàm quý, lại còn hãnh diện được đứng trước. Nhưng người biết tàm quý thì sợ tổn phúc vì đứng trước người tuổi tác lớn, đạo đức hơn mình. Không biết tàm quý thì người xung quanh liếc mắt với mình, ý nói mình phải lùi phía sau để nhường cho người lớn tuổi, mà mình cũng chưa xấu hổ, không chịu nhường, đến khi người giữ trật tự đến kéo mình lại phía sau, mình cũng chưa chấp nhận, còn đứng lại cãi.

     Người tu biết xấu hổ, vào đạo tràng, biết mình đứng chỗ nào. Đứng đúng chỗ, nói đúng chỗ, ngồi đúng chỗ, mọi người chấp nhận dễ, không có vấn đề gì xảy ra, thì đạo tràng được thanh tịnh. Tâm chúng ta phải nhận biết như vậy. Lỡ đứng trước người lớn tuổi, nếu có tâm tàm quý, phải quay lại xin lỗi họ; đó là biết tàm quý đối với mọi người, đối với xã hội. Tuy nhiên, cái biết tàm quý này cũng chưa đủ, còn phải biết tàm quý với lương tâm mình, vì sự phán xét của xã hội có lúc đúng lúc sai; trong khi cái biết của lương tâm luôn luôn đúng. Lương tâm là tâm lương thiện, là tâm tốt lành; nhưng vì người chưa phát hiện được tâm thiện này, cho nên họ phạm nhiều sai trái. Vì vậy, hạnh xấu hổ với lương tâm mới quan trọng. Từ thuở nhỏ tôi đã cố gắng thực hiện hạnh tàm quý đối với lương tâm mình. Thật vậy, khi mặc áo tu, gặp người lớn tuổi hay bằng tuổi tôi mà họ chắp tay xá chào tôi và nói thưa Thầy, thì lúc đó tòa án lương tâm tự xét lại coi mình có phải là Thầy người ta hay không, mà Thầy ở chỗ nào. Quán sát như vậy, tự thấy xấu hổ với lòng mình, vì thấy không xứng đáng là Thầy người ta mà họ lại cung kính mình là Thầy. Trong các buổi sinh hoạt xã hội, với người gọi tôi bằng Thầy, tôi thường suy nghĩ điều này, hoặc gặp bạn đồng học gọi tôi là anh, tôi thấy bình thường, vì cùng học một lớp thì làm sao làm Thầy họ được. Có những người bạn không biết xấu hổ, lúc nào cũng nghĩ họ là Thầy của thiên hạ; đối với người có tuổi tác đáng là anh, là cha mẹ, là ông bà, mà họ cũng dám xưng Thầy. Tôi lỡ xưng Thầy với ai thì thấy xấu hổ.

     Vì vậy, khi người đối xử không tốt với ta, xem thường ta thì quý vị nghĩ thế nào. Theo tôi, khi đó họ thấy con người thật của mình không phải là Thầy, nhưng mình cứ lầm tưởng mình là Thầy, nghĩa là mình không dạy được điều gì cho họ, không làm gương tốt cho họ, mà đòi hỏi họ cung kính mình, là sai lầm lớn. Biết như vậy, mình phải tự xấu hổ với mình. Hoặc ta lớn tuổi, tu lâu, hay vào đạo tràng lâu, mà người mới vào đạo tràng, người nhỏ tuổi hơn cũng không kính trọng mình được. Nếu ta tự ái, nghĩ mình lớn tuổi, tu lâu là chắc chắn ta rơi vô ngã mạn, tăng thượng mạn thuộc phiền não; cho nên ta đi theo con đường này sẽ bị phiền não dẫn vào lưới ác ma và trở thành ác ma. Nếu gặp tình huống như vậy, chúng ta phải tự giựt mình, suy nghĩ tại sao ta lu lâu, tuổi lớn hơn, nhưng không bằng người mới tu, không bằng người nhỏ tuổi hơn mình. Khi nhận ra rằng tuy tuổi lớn, nhưng hạnh ta chưa lớn, ý ta chưa lớn, đức ta còn nhỏ, cho nên ta cảm thấy tự xấu hổ và nỗ lực vươn lên. Biết tàm quý và biết khắc phục, sửa đổi lời nói, hành động, việc làm cho tốt thì có thể thăng tiến trên con đường đạo hạnh. Và từ đó, chúng ta mới phát hiện điều mới theo tinh thần Đại thừa không căn cứ trên tuổi tác, không căn cứ trên thời gian tu trước hay sau, nhưng căn cứ trên chỗ ngộ.

     Người ngộ tánh là nhận ra tánh sáng suốt của mình, tu hành hơn nhau ở điểm này. Đối với người có tuổi đời tuổi đạo nhỏ hơn ta, tuy họ mới tu, nhưngcó đạo đức lớn hơn ta, có trí tuệ thẩm sâu hơn ta và họ ngộ tánh, ta nên sanh tâm kính trọng họ. Theo tinh thần Pháp Hoa, trên dòng sinh mệnh tương tục, người ngộ tánh hay đã có quá trình tu hành nhiều đời, cho nên đời này còn nhỏ tuổi, mà họ rất thông minh, đạo đức cao và nhận thức sáng suốt. Các Lạt ma Tây Tạng tu Kim Cang thừa thường căn cứ vào chỗ ngộ tánh sáng suốt và có đạo hạnh cao, vượt hơn người, còn tuổi lớn nhỏ không quan trọng. Khi tôi sang dự diễn đàn Phật giáo ở Trung Quốc, gặp vị Lạt ma Tây Tạng được nhân dân Tây Tạng kính trọng dù tuổi đời mới ngoài 20 và các vị trưởng lão tôn túc 60, 70 tuổi cũng kính trọng vị Lạt ma rất trẻ này; đây là việc vô cùng quan trọng trên bước đường tu. Tôi hỏi tại sao các vị lại kính trọng vị nhỏ tuổi này. Họ trả lời rằng tu Kim Cang thừa không căn cứ trên tuổi lớn nhỏ, nhưng quan trọng ở trí tuệ, nghĩa là làm Thầy trí tuệ của chúng ta, có khả năng khai ngộ chúng ta, có khả năng truyền đạt trí tuệ của Phật cho chúng ta.

     Kim Cang thừa thuộc Mật tông nhắm vô tam mật gia trì là chính, nghĩa là thân khẩu ý của chúng ta đều là Mật, không phải chỉ bắt ấn khuyết theo hình thức mới là Mật. Ấn khuyết thực chất là dụng của Tỳ Lô Giá Na, dụng của trí tuệ. Nếu bắt ấn mà không có dụng thì chỉ là hình thức mà thôi. Bắt ấn của hành giả phải phát xuất từ Pháp thân Tỳ Lô Giá Na, hay từ tánh sáng suốt bên trong và tạo thành ấn khuyết bên ngoài, gọi là thể và dụng tương ưng. Dụng có từ thể, thể là nguồn gốc phát ra dụng. Ví như máy phát điện nổ mới có dòng điện. Vì vậy, tu Kim Cang thật khác với tu hình thức.

     Đầu tiên phải ngộ Tỳ Lô tánh, tức bản tánh sáng suốt của con người. Ai ngộ tánh này là Thầy, là Phật. Tuy Phật, chúng sinh và tánh là một, nhưng khác nhau ở ngộ hay không ngộ. Giờ trước chưa ngộ tánh Tỳ Lô là chúng sinh, như Phật Thích Ca khi chưa ngộ tánh là Sa môn Cù Đàm, đến khi Ngài ngộ tánh Tỳ Lô Giá Na thì Ngài hiện thân là Thích Ca Như Lai. Lúc Phật chưa ngộ, năm anh em Kiều Trần Như không kính trọng Ngài như bậc Thầy của họ; nhưng Ngài thành Phật, tức ngộ được chơn tánh thì năm người này trông thấy Ngài, tự động họ kính lễ. Như vậy, "Ngộ” nằm trong sự chuyển hóa, chuyển vật của Như Lai, là dụng của Tỳ Lô tánh.

     Ấn khuyết phát xuất từ tánh bên trong. Hãy hình dung những gì hiện hữu chung quanh tánh sáng suốt này, mà kinh thường gọi là Mạn Đà La, trong đó Pháp thân là Trí, hiện ra Báo thân viên mãn, nghĩa là từ Tỳ Lô tánh hiện ra Tỳ Lô thân là Báo thân viên mãn được kết hợp bằng phước đức trí tuệ vẹn toàn. Nhưng do đâu mà có phước đức và trí tuệ viên mãn. Phước đức trí tuệ này do quá trình thể nghiệm hạnh Bồ tát trải qua nhiều đời; nhờ vậy mà tạo thành quyến thuộc tài giỏi. Nói cách khác, ta từng cưu mang, giúp đỡ, dạy dỗ bao thế hệ thì có bấy nhiêu người tài đức hiện hữu chung quanh mình, mà chúng ta ngộ được Tỳ Lô tánh mới thấy được người tài đức ở xung quanh mình.

     Và ứng Tỳ Lô dụng là ấn khuyết, nghĩa là ta chỉ dạy cho mọi người làm theo ý mình. Còn người tu bắt chước, cũng bắt ấn chỉ bốn phương tám hướng, nhưng chung quanh họ không có người tài đức hỗ trợ thì cũng không có tác dụng gì. Ví dụ Hòa thượng Trí Tịnh ở trong Thiền thất, không thuyết pháp giảng kinh, nhưng Ngài chỉ định mỗi Thầy làm một việc và tất cả các Hòa thượng, Thượng tọa nhận giáo chỉ của Ngài mà làm thì mọi việc đều thành công.

     Ngộ Tỳ Lô tánh, hiện Tỳ Lô thân, ứng Tỳ Lô dụng, tạo thành trí giác và uy đức lãnh đạo được đại chúng; cho nên không căn cứ trên tuổi tác và thời gian tu lâu mau.

     Trở lại hạnh tàm quý, biết tự sửa đổi sai lầm của mình cho đến khi người khác chấp nhận mình, thì từng bước thăng hoa được. Riêng tôi, mỗi lần gặp việc không giải quyết được, tự thấy xấu hổ rằng mình chưa đủ tài đức, cần phải nỗ lực tiến tu, ngày nay chưa được thì ngày mai phải được. Nỗ lực tu hành là tạo thành người đức hạnh và có cái nhìn chính xác, thì các Thầy không chống đối nữa, mà phải chấp nhận tôi. Trái lại, không biết xấu hổ, mà muốn áp đặt, buộc người nghe theo mình, chắc chắn không thể làm đạo lâu dài.

     Hạnh tàm quý là thiện tâm sở rất quan trọng; vì không có hạnh này, người ta dễ tạo tội lỗi và đi vào thế giới ác ma. Cảm thấy xấu hổ khi người xem thường mình, cảm thấy xấu hổ khi được người kính trọng, nhưng thực sự mình không đáng được kính trọng. Biết xấu hổ thì tiến tu được. Dẹp được tâm vô tàm vô quý, trí tuệ chúng ta sáng lần, thấy được việc chính xác hơn; với tâm trung thực, chúng ta mới nhận ra sai lầm của mình trước kia. Trên bước đường hành đạo, có lúc tôi gặp những điều không bằng lòng, chán nản cũng muốn bỏ cuộc. Tâm trạng này tôi đã có 40 năm trước, nhưng nhờ chán nản này, tôi mới sang Nhật tu học và khi bình tĩnh lại, học được, nhìn lại thấy thời đó mình còn quá nông nổi. May nhờ Phật cứu, tôi tìm đường đi tới còn được; trong khi những người bất mãn bỏ cuộc thì cuộc đời trở thành mai một.

     Từ đó về sau, tôi luôn cân nhắc, xem người đối xử với mình mà tự thấy xấu hổ và tự sửa đổi. Tự sửa đổi bằng cách nào? Khi bị người chê, mà ta nói xấu lại, thì phải thấy mình có lỗi và tự sửa đổi; làm như vậy; từ từ bạn sẽ tốt lại với mình. Tôi thấy hạnh xấu hổ giúp mình tiến bộ. Còn được người tin tưởng, đề cao, nếu ta hãnh diện, sung sướng, sẽ rơi vào ngã mạn, tăng thượng mạn là phiền não. Tổ Phi Lai dù đã ngộ tánh, biết rất nhiều việc, nhưng người ta kính trọng Ngài là người hiểu biết rộng, Ngài cũng từ chối, nói "Không dám”. Người ta đề cao, Ngài vẫn khiêm tốn. Những điều Ngài tiên đoán như thần, nhưng Ngài nói rằng đó là nhờ Hộ pháp mách bảo trong giấc mơ, không dám tự nhận mình biết. Vì vậy, hạnh khiêm tốn giúp cho hạnh tàm quý dễ dàng thực hiện tốt hơn, làm cho chúng ta dễ thương hơn, dễ được xã hội chấp nhận và có thể tiến tu dài lâu.

     Trong 11 thiện tâm sở, khởi đầu là Tín, tức là niềm tin rất quan trọng; nhưng chỉ có niềm tin thì cũng nguy hiểm, mà không có niềm tin thì cũng không tu được. Riêng tôi, nhờ niềm tin mãnh liệt với Bồ tát Quan Âm, đến đâu, làm gì, tôi cũng cảm giác Quan Âm hướng tôi đi trên lộ trình đúng đắn, giúp tôi làm được.

     Chúng ta cũng thấy từ niềm tin mà hàng vạn Phật tử đã đến chiêm bái tượng Phật ngọc. Chúng ta chưa vượt ngũ ấm thân, nên không thể thấy siêu hình, không thấy các Bồ tát vô hình, không thấy bề trái của cuộc đời, không thấy bề trong của sự vật; nhưng vị Lạt Ma Tây Tạng sống với bản tâm thanh tịnh, nên nhìn khối đá mà thấy Phật hiện hữu bên trong. Người bình thường thấy đá là đá, thấy gỗ là gỗ. Còn người phi thường thấy trong đá có Phật, trong gỗ có Phật; nhưng không phải đá nào, gỗ nào cũng tạc tượng Phật được, có đá tạc tượng Phật mà không ai thờ cúng. Trong khối đá, hay trong khối gỗ có Phật, gọi là khối đá thiêng, cây gỗ thiêng để tạc tượng. Chúng ta nhớ khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, có năm ngôi chùa là Pháp Vân, Pháp Vũ, v.v...…Nhà sư Khuông Đà La đã chọn được gỗ thiêng để chạm các pho tượng Phật ở những chùa này; không phải cả rừng đều là gỗ thiêng. Dùng gỗ thiêng chạm tượng Phật an trí chỗ nào thì chỗ đó được bình an, người ta cầu nguyện được như ý. Xưa kia, các vị Thiền sư ngộ đạo thường tìm vùng đất thiêng để cất chùa, có thể tấn xuất nhân tài, gọi là địa linh nhân kiệt. Tuy thực tế thấy có nơi tầm thường, nhưng dựng chùa ở đó thì dân chúng được bình an và nhân tài xuất thân từ đây. Nhưng ngày nay, cũng đừng quá tin vào điều này, sẽ bị người xấu lợi dụng, chắc chắn họ không có mắt thiêng mà có thể chỉ được đâu là vùng đất thiêng.

     Khối ngọc do vị Lạt Ma phát hiện trong Thiền định có thể tạc tượng Phật được, thì trước tiên vị Lạt Ma phải đưa tâm mình vô khối ngọc làm cho khối đá này tỏa sáng và cũng nhờ vào lực gia trì của Lạt Ma làm cho người thợ tạc nên pho tượng Phật có sức sống. Không phải thợ nào cũng tạc được và không phải lúc nào cũng tạc tượng Phật được.

     Cũng vậy, tượng Phật chùa Ấn Quang hình thành do Hòa thượng Trí Hữutụng kinh Pháp Hoa cầu nguyện và tạo lực gia trì cho nghệ nhân tạc tượng. Đồng thời nghệ nhân vừa tạc tượng vừa lạy Phật, bộ kinh Pháp Hoa có hơn 60.000 chữ thì vị này lạy hơn 60.000 lạy là tạc xong pho tượng Phật. Còn Hòa thượng Trí Hữu thì đốt liều hương trên đầu để cúng dường Phật và khi trên đầu không còn chỗ để đốt hương, Ngài đốt hương trên cánh tay, thậm chí đốt rụng cả ngón tay mà không cảm thấy nóng. Sợ nóng và thấy nóng thì không thể đốt được vì niềm tin chưa có. Niềm tin mãnh liệt như Hòa thượng Quảng Đức thì đốt cháy cả toàn thân mà vẫn ngồi an nhiên tự tại trong lửa.

     11 thiện tâm sở gồm có Tín, Tàm, Quý, Vô tham, Vô sân, Vô si, Tinh tấn, Khinh an, Bất phóng dật, Hành xả, Bất hại, trong đó niềm tin khởi đầu. Và niềm tin trong sáng, cao quý được đặt vào tượng Phật. Ngọc đã quý và đưa thêm lòng thành của Lạt Ma Tây Tạng và nhà sư Thái Lan vào khối ngọc tạo thành sức thu hút hàng vạn người đến đảnh lễ tượng Phật này. Kinh Hoa Nghiêm nói niềm tin là mẹ sinh ra các công đức lành. Và niềm tin dẫn đi xa hơn theo chiều hướng của 11 thiện tâm sở, thì Tín phải kèm theo tâm tàm quý, tức biết xấu hổ với người và với lương tâm mình, mới thấy được con người thật của mình. Qua sự đánh giá của xã hội mà chúng ta nhận ra được con người thật của mình, xã hội đánh giá mình như thế nào thì mình là như vậy. Xã hội đánh giá mình không giỏi, thì phải phấn đấu tu học để trở thành giỏi. Còn người đánh giá mình tốt mà liền chấp nhận, thỏa mãn là đã ngã mạn; nói cách khác, là phủ lớp sơn giả lên mình rồi.

     Và có tâm tàm quý sẽ đi đến tâm vô tham, vô sân; vì biết rõ mình thì không còn ham muốn. Đối với người thế gian, ham muốn chính yếu là ham tình ái, ham danh lợi và ham ăn ngủ.
Khi đã thành tựu tâm vô tham, vô si thì càng được quý trọng bao nhiêu, chúng ta càng tinh tấn bấy nhiêu. Tinh tấn làm nhiều việc phước đức mà không biết chán nản, không mệt mỏi; cho nên tâm ta luôn được khinh an, tức nhẹ nhàng, thoải mái, thanh thản, không bị áp lực công việc. Kế đến, trang nghiêm tâm bất hại là nhớ đừng làm mất lòng người và cuối cùng là tâm hành xả, việc gì qua rồi thì mình cho nó nhẹ nhàng trôi qua.

     Nuôi dưỡng được tâm tàm quý và cả 11 thiện tâm sở như vậy, chắc chắn chúng ta thăng hoa trên con đường tu tạo phước đức trí tuệ của chính mình và mang lại an lạc hạnh phúc cho gia đình, cho xã hội.

(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 61 tại chùa Phổ Quang ngày 5-4 -2009)
Nguồn: http://www.chuahuenghiem.net/thu-vien/sach/khai-thi-2009/tam-quy/#title

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Vượt Qua Trầm Cảm - HT. THÍCH TRÍ QUẢNG


Vượt qua trầm cảm
     Ngày nay, người ta thường quan tâm đến bệnh trầm cảm. Trầm cảm là gì và nguyên nhân đưa đến bệnh này để chúng ta giúp người khắc phục, vượt qua. Trầm cảm là con người có tâm hồn trầm lắng, điều này khiến người ta dễ hiểu lầm về thái độ trầm lắng của Phật và các Sa-môn. Có thể khẳng định rằng trầm cảm phát xuất từ nghiệp của con người khiến họ đi đến bệnh hoạn, cần phải khắc phục. Đức Phật và Sa-môn trầm mặc, vì sống với tinh thần và trí tuệ vô lậu phát sanh từ tâm hồn thanh tịnh.

     Mặc cảm do nghiệp mình từ bên trong phát sanh ra có hai là tự ti mặc cảm, tức là tự thấy mình không bằng ai, từ tự ti mặc cảm, họ lánh xa người để có đời sống khép kín đến mức tâm hồn bệnh hoạn là trầm cảm. Đây là một loại bệnh cần chữa trị, khác với tâm tĩnh lặng. Từ mặc cảm tự ti đưa đến trầm cảm, nên nhìn đời không đẹp và thấy khổ là một loại bệnh của thời đại.

     Hạng người học hành, hay làm ăn thất bại, sanh ra buồn khổ, xa lánh mọi người và tâm hồn lúc nào cũng u tối, khác với người trụ định trong thế giới tu hành. Người trụ định hướng về nội tâm, phát triển trí tuệ, nên mặt sáng tiêu biểu cho hào quang chứng tỏ tâm hồn đã trong sáng, nên thấy được bề mặt và bề trái của cuộc đời, đó chính là Đức Phật. Còn phần nhiều người ta không thấy bề trái và cũng không tìm hiểu bề trái để khắc phục. Còn Phật thấy bề ngoài và hiểu được bề trái là thấy nguyên nhân sâu xa tiềm ẩn nhiều đời và Ngài thí nghiệm nhiều lần thấy chính xác bề trái, gọi là chân lý bên trong, hay Tập đế và Đạo đế. Thấy bề ngoài khổ, gọi là Khổ đế, nhưng không thấy nguyên nhân sâu xa, nên nghiệp và phiền não tăng trưởng. Thí dụ thấy bề ngoài người khỏe mạnh, giàu có, địa vị hơn ta sẽ làm ta mặc cảm tự ti cho đến trầm cảm, còn thấy ta hơn người thì sanh ra mặc cảm tự tôn. Theo Phật, hai tâm này đều là nghiệp. Trái lại, dưới cái nhìn trầm mặc của Phật, thấy được con người thực của chúng ta, nghĩa là nhìn lên, chúng ta thấy mình không bằng Thánh Tăng, A-la-hán, Bồ-tát và Như Lai, nhưng nhìn xuống lục đạo tứ sanh, chúng ta còn hơn họ. Bấy giờ thấy con người thực của chúng ta ở đâu và ta là gì. Phật dạy rằng nhìn người thấy hơn mình, ta tìm xem nguyên nhân tại sao họ hơn, hay tại sao họ thua kém thì chúng ta cố khắc phục sự thua kém để đi lên cho bằng họ và khởi ý niệm thương xót, dìu dắt người kém ta để giúp họ bằng ta; đó là tâm lý của Phật giáo mà đệ tử phải áp dụng trên bước đường tu.

     Hiền thánh hơn ta sức thông minh và sự hiểu biết. Hiểu biết khác với thông minh. Ta dạy người hiểu biết được, nhưng họ không thông minh, ta không làm cho họ thông minh được. Tôi có một người bạn học giỏi là người Việt Nam làm thẩm phán đầu tiên, ông nói một câu khiến tôi suy nghĩ. Ông nói lao động hóa trí thức thì được, nhưng trí thức hóa lao động không được; vì khi đất nước ta độc lập một nửa, ông ở miền Bắc tham gia việc chống nạn mù chữ khiến ông rất vất vả. Người trí thức lao động một thời gian ngắn, họ vượt hơn người nông dân về kỹ thuật, nhưng bắt người lao động học thì khó lắm. Thuở nhỏ tôi đi học ngồi cạnh người con của bà bán bánh bò, nó chỉ ăn một nửa bánh, để cho tôi một nửa để bảo tôi học thế dùm nó!

     Đức Phật nhìn sâu xa hơn, thấy tất cả các loài đều có thể thành Phật, nhưng người thành trước, người thành sau; vì Phật thấy nguyên nhân chính là nghiệp. Vì vậy, phá được nghiệp này để vượt qua, vì sự nỗ lực được hướng dẫn có thể thay đổi là bước đường tiến hóa của con người, chúng ta thấy rõ ý này. Người đi học có bằng cấp, mình không học không có bằng cấp, tức họ hơn mình bằng cấp, nhưng chưa chắc họ thông minh hơn ta, nên điều này cũng không đáng ngại. Nếu chúng ta thông minh, nỗ lực học cũng bằng họ. Đọc truyện Lưu Bình Dương Lễ, chúng ta thấy Dương Lễ không thông minh bằng Lưu Bình. Lưu Bình chỉ có nghiệp lười, ham ăn chơi. Dương Lễ nhờ siêng năng học, nên tốt nghiệp, được làm quan. Dương Lễ không thông minh hơn, nhưng nhờ cần cù là học được. Còn thông minh thì khó, nhưng khi Lưu Bình quyết tâm học, chỉ một thời gian ngắn làm quan cao hơn Dương Lễ là nhờ có sức thông minh, biết khai thác thì trở thành người quan trọng.

     Đối với người kém thông minh, Phật cũng thấy, Phật thấy Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát cho đến chúng sanh các loài đều có Phật tánh, tức thông minh, nhưng chưa được khai thác. Đạo Phật nhắm vô thông minh, không phải khai thác văn tự, gọi là vô tự chân kinh tức muốn dạy chúng ta làm Phật; nói cách khác là phát triển sự thông minh gọi là vô lậu học. Học để phát huy huệ vô lậu, tức sức thông minh; không phải học ngữ ngôn văn tự khiến chúng ta dễ chán, lạc vô cách học này thì càng học rộng dễ thành người mặc cảm. Huệ vô lậu phát sanh để chúng ta thông minh như A-la-hán, Bích chi Phật, Như Lai, các Ngài không học ngữ ngôn văn tự, nhưng học để phát huy sức thông minh, vượt qua tất cả và trở thành hiền thánh; nhưng đầu tiên chúng ta phải vượt qua trước, mới giúp người vượt qua. Khi Phật còn là thái tử, Ngài thương tất cả mọi người, nhưng không biết làm sao cứu họ, cũng như chúng ta xác định sức người có hạn, ta muốn giúp nhưng không giúp được. Phật cũng vậy, không cứu được vì lúc đó chưa có sức thông minh để biết cách giúp. Vì vậy, Ngài tu là cố tìm ra cách để cứu chúng sanh, gọi là đi tìm đạo.

     Đạo của Phật tìm ở đâu. Ngài đi, nhưng không tìm thấy đạo. Tôi đã trải nghiệm con đường tìm đạo, lang thang từ chùa này sang chùa khác cũng không thấy được đạo. Khi Phật ngộ đạo được, Ngài mới tuyên bố không có gì không phải là đạo mới là đạo, không có người nào không phải là Phật thì chính đây là Phật, không có chỗ nào không phải chúng hội đạo tràng mới là đạo tràng. Kinh Pháp hoa diễn tả ý này là không nhứt thiết phải ở chùa, nhưng thực người ngộ đạo thì ở chỗ nào, chỗ đó là đạo tràng.

     Phật ngộ đạo ở cây bồ-đề, gọi là Bồ-Đề Đạo Tràng; nhưng Phật đến Lộc Uyển, Trúc Lâm thì nơi đó là đạo tràng. Sự hiện hữu của người ngộ đạo rất quan trọng, nếu chúng ta cứ chấp Bồ-đề là đạo tràng, nhưng đến đạo tràng này, chúng ta thấy gì? Tôi đến Bồ-Đề Đạo Tràng nhiều lần thấy rất nhiều người của các dân tộc tụ họp nơi đây, làm cho cảnh trí trở thành bát nháo và qua chuyến hành hương nửa tháng đi từ non Linh Thứu đến Lộc Uyển và Câu Thi Na, thấy những nơi này là những phế tích hoang tàn đổ nát, làm sao thấy Phật được. Tuy bề ngoài thấy vậy, nhưng khi tôi lắng lòng xuống, có đời sống trầm mặc mới nhìn thấy thế giới của tâm hiện ra thì cảnh giới này trở thành muôn màu muôn vẻ. Lần đầu tôi cảm giác tâm tôi đi ngược về quá khứ là nhìn phế tích thấy được mấy ngàn năm trước khi Phật còn là thái tử đến nhập định ở gốc cây bồ-đề, hay nói cách khác, trở lại đời sống nội tâm thì từ đời sống nội tâm này hiện lên Phật quá khứ, thấy cảnh đổ nát hoang tàn ngày nay chúng ta có từ đâu và từng bước thấy nước Ấn Độ ở thời kỳ Phật và sau thời kỳ Phật, mới thấy Hồi giáo tàn sát Phật giáo và thấy phản ứng của Tăng Ni, Phật tử đối với Hồi giáo, nghĩa là thấy cảnh này diễn ra trong nội tâm, tôi hình dung ra Phật giáo như thế, nên thấy hai trăm lính Hồi giáo mà tiêu diệt được cả hai vạn Tăng ở Nalanda. Từ đó, tôi so sánh ví như hai trăm con chó sói với hai vạn con cừu. Ta tu mà biến thành con cừu là nguy hiểm, là Phật giáo quá khứ đã vậy và từ đó, tôi rọi ngược về Phật giáo Việt Nam thời Lý Trần lại thấy khác, thấy chúng ta có hai trăm con voi, sư tử. Phật giáo ví như là voi, là sư tử, không phải là cừu; đó chính là thế giới vô hình dưới mắt Đại thừa. Vì vậy, tôi có ý niệm làm sao biến cừu thành voi mới là đạo Phật. Phật giáo ví như voi có khả năng vác nặng đi ngược dốc mà không ai có sức ngăn cản được. Bồ-tát Văn Thù và Phổ Hiền tiêu biểu cho sức mạnh của voi, sư tử ở hội Hoa Nghiêm. Ta cũng là voi, là sư tử, nhưng được huấn luyện trong tinh thần tiêu cực, thành người ăn hại, nên mặc cảm mình là cừu, không bằng ai; đạo Phật không phải như vậy. Thấy người để chúng ta so sánh và vượt khó để chúng ta làm Phật, Bồ-tát, Thánh hiền. Nếu chúng ta đã có sức thông minh thì đi vào con đường này rất nhanh.

     Chúng ta trở lại thời Trung cổ của Phật, cũng như Phật trở lại thời Phật quá khứ, Ngài nói ở Bồ-Đề Đạo Tràng xưa kia các vị Cổ Phật cũng đã thành Phật ở đây. Đọc kinh thấy vậy, nhưng Cổ Phật có ở đây hay không. Đức Phật thấy các vị Cổ Phật bằng tâm. Khi có sức thông minh, hay huệ phát thấy được vật như trái cam để trên bàn tay, nên Phật thấy luôn ba đời nhân quả, thấy người liên hệ với mình thế nào và dùng pháp gì để độ là bước thứ hai, Phật phá được sự trầm cảm. Phật đã dẫn dắt người tự ti mặc cảm, sa cơ, bị xã hội khinh rẻ tiến lên. Ngài đã chuyển hóa tâm tội lỗi, tâm không bằng ai của họ trở thành ý chí phấn đấu đi lên.

     Ngày nay, nếu trong nhà có con em sa cơ, mặc cảm thì ta là người thay Bồ-tát để chia sẻ với con em. Trái lại, khi con mình lỡ bước sa chân, mình nóng giận, mắng chửi, xua đuổi nó là đẩy nó vào con đường cùng, trong khi đó, nó cần sự chăm sóc của mình để vượt qua bệnh trầm cảm. Người bị xã hội khinh rẻ, lại bị cha mẹ ghét bỏ thì làm sao sống nổi. Vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu để an ủi, chia sẻ nỗi khổ niềm đau, để tháo gỡ được thì tâm lý xấu của đứa trẻ được hóa giải, mặt nó tươi tỉnh lại, bớt khổ, nhân đó bệnh trầm cảm của nó được phá bớt một phần; nhưng muốn làm được như vậy, chúng ta phải tu để có năng lực chuyển hóa sự trầm cảm, thì lần lần cuộc sống của con em cũng khá lên được.

Nguồn: http://www.chuahuenghiem.net/bai-giang/phat-phap-va-doi-song/vuot-qua-tram-cam/

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Kiến Thức Và Trí Tuệ - HT. Thích Trí Quảng


     Nhiều người lẫm lẫn kiến thức và trí tuệ. Theo Phật pháp, kiến thức là hiểu biết của con người sinh ra do nghe, thấy, suy nghĩ. Vì vậy, hiểu biết này là hiểu biết thông thường của con người nhờ học mà có được. Người nào chịu cực học và đọc sách vở nhiều sẽ có kiến thức rộng; nhưng tại sao Đức Phật lại nhắc nhở chúng ta rằng biết nhiều thì khổ nhiều, biết ít khổ ít, không biết không khổ. Các vị Thánh La hán được gọi là hàng vô học, còn từ tam Hiền trở xuống là hàng hữu học. Những bậc hữu học có nhiều hiểu biết trên sách vở, ngôn từ; trong khi hiểu biết của Thánh nhân là buông bỏ tất cả. Có thể nói thái độ của người học Phật khác với người học theo thế gian. Người học Phật là học có tiêu hóa, không phải chấp văn tự, ngữ ngôn.

     Học có tiêu hóa nghĩa là những gì chúng ta học được, đọc được không giữ y nguyên trong lòng chúng ta, mà phải có đào thải. Vì vậy, chúng ta loại bỏ những gì không cần thiết cho lộ trình giải thoát và chúng ta chỉ giữ lại những tinh chất dinh dưỡng của trí tuệ. Ý này được kinh Pháp Hoa gọi là nghĩa lý sâu xa bên trong, văn tự thì ở bên ngoài. Khi đào lọc những cặn bã sẽ còn lại tinh chất là nghĩa lý sâu xa, theo đó chúng ta tu tập mà Phật thường nhắc là phải đúng như pháp tu hành để sanh trí tuệ.

     Phật đưa ra thí dụ trong phẩm Tín giải của kinh Pháp Hoa, có một Cùng Tử sau bao tháng ngày lang thang đã gặp lại người cha của mình là ông trưởng giả, nhưng Cùng Tử không nhận ra, mà lại sợ quá bỏ chạy khi trông thấy người cha quá giàu sang và có nhiều quyền uy. Ông trưởng giả thấy vậy mới sai hai người hầu cận đuổi theo bắt lại. Anh Cùng Tử hoảng sợ đến ngất xỉu. Ông trưởng giả bảo không cần bắt anh ta, mà để cho anh ấy đi. Anh Cùng Tử đi qua xóm nghèo làm thuê mướn. Ông trưởng giả mới sai một người què, mộtngười chột đến dụ anh Cùng Tử trở về hốt phân cho ông trưởng giả.

     Nếu chúng ta đọc câu chuyện này, ngày nào cũng đọc như vậy mà không hiểu Phật muốn ẩn dụ điều gì, thì đó là đọc kinh không tiêu hóa. Đọc kinh có tiêu hóa là tìm nghĩa lý sâu xa bên trong thí dụ Phật đưa ra. Ông trưởng giả ví cho Đức Như Lai. Khi Đức Phật xuất hiện ở Bồ đề đạo tràng và Ngài thành Phật ở nơi đây. Vì vậy, cây Bồ đề là nơi đánh dấu sự thành tựu quả vị Vô thượng Đẳng giác của Phật. Chúng ta tới nơi đây để tìm Phật hay để đưa tâm mình trở về 2500 năm trước và nhận ra rằng Phật tâm có thể đi ngược đến tận vô số kiếp quá khứ. Không phải chúng ta chỉ lạy suông cây Bồ đề rồi cho rằng linh thiêng. Riêng tôi ngồi ở Bồ đề đạo tràng nhớ lại Đức Phật xưa kia thành đạo nơi này, Ngài đã trải qua những tầng tâm thức như thế nào. Tôi trầm ngâm suy nghĩ đến quên sự vật chung quanh và có được tâm nhẹ nhàng giải thoát đồng với tâm Phật, gọi là đồng cảm, đồng hạnh và đồng nguyện giúp cho tâm tôi kết nối được với Phật một cách sâu sắc, nên tôi hiểu về Phật, hiểu về cây Bồ đề.

     Đối với tôi, cây Bồ đề là nơi Phật giác ngộ. Cây Bồ đề được thành hình từ hạt giống Bồ đề đầu tiên Phật phát tâm, gọi là phát tâm Bồ đề và từ đó Ngài dấn thân hành Bồ tát đạo trải qua vô lượng kiếp. Nói cách khác, chúng ta hình dung ra hạt Bồ đề phát xuất từ tâm Phật, hay từ tâm chúng ta mà theo năm tháng Phật thành tựu viên mãn hạnh Bồ tát, mới nuôi lớn thành cây Bồ đề, tức tuệ giác của Phật sinh ra, thăng hoa và viên mãn, đó là ý nghĩa sâu xa của cây Bồ đề.

     Đức Phật từ khi phát tâm Bồ đề đến thành tựu quả vị Phật ở Bồ đề đạo tràng. Còn cây Bồ đề của chúng ta đang ở chặng đường nào? Khi tâm tập trung và lắng yên để tìm ý nghĩa sâu xa, chúng ta rời thế giới phàm phu, đi vào thế giới tâm linh và tâm trí chúng ta theo đó được khai mở thì như vậy, chúng ta đang từng bước thể hiện nghĩa lý sâu xa.

     Trở lại kinh Pháp Hoa, Đức Phật thành đạo ở cội Bồ đề là trí tuệ Ngài đạt đến đỉnh cao nhất, Phật nhận ra rằng tất cả mọi người đều không có sinh tử, đều sẽ thành Phật giống như Phật. Nhưng tại sao chúng ta lại mãi trôi lăn trong sinh tử. Nhận ra nghĩa lý sâu xa, tôi thấy rõ cuộc đời của chúng ta chỉ là giấc mộng, cho nên trong cuộc sống này, hay trong giấc mộng đời này thì có thuyết pháp, có việc này việc nọ, có người chống đối, v.v...; nhưng khi trở về trạng thái tâm lắng yên là cắt đứt được tất cả trần duyên thì thấy giải thoát liền. Vì vậy, tôi nói "Trần duyên thuận nghịch tâm không thiết”, người ta cung kính cúng dường mình, hay chê bai, nói xấu cũng chỉ là mộng; vì trở về cuộc sống tâm linh, tất cả những sự kiện này chấm dứt. Kinh Bát Nhã diễn tả ý này là "Độ nhứt thiết khổ ách”, tức vượt qua được tất cả khổ đau.

     Chúng ta nhận diện được hai trạng thái tâm, nếu trở lại cuộc sống thật hoàn toàn thanh tịnh thì không có vấn đề gì, nhưng sống trong mộng thì có đủ tất cả tốt xấu, vui buồn, vinh nhục, v.v...… Đọc kinh và nhận chân được nghĩa sâu sắc này là chúng ta đã tiêu hóa được kinh.

     Qua thí dụ gã Cùng Tử nói trên nhắc đến một người mù có hai chân khỏe cõng người què sáng mắt cùng đi nhằm chỉ cho hàng nhị thừa là người có trí tuệ và người có đạo đức. Kết hợp phước đức và trí tuệ để chúng ta cùng tiến tu, sẽ dễ dàng gặt hái được công đức. Quan sát thực tế chúng ta nhận ra ý này, người có phước đức ví như có của cải, nhưng không biết khai thác vì không có trí tuệ. Trái lại, người có trí tuệ nhưng không có vốn liếng thì không thể làm giàu được. Phải biết kết hợp phước đức và trí tuệ mới thành công. Xưa kia, Lưu Bị phải cầu Khổng Minh hỗ trợ vì ông này có hiểu biết nhưng không có điều kiện làm. Lưu Bị có điều kiện làm, nhưng không có cái đầu mưu chước như Khổng Minh.

     Anh Cùng Tử được đưa về làm công việc hốt dọn phân nhơ, nghĩa lý sâu của điều này là gì?Đức Phật nói rằng anh Cùng Tử thật sự không nghèo, nhưng tại anh tự cảm thấy nghèo và tự than thân trách phận. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta là con của Đức Như Lai. Phước đức của Như Lai vô lượng, còn chúng ta nghèo, vì không nhận ra được bản chất của thân tứ đại và cuộc sống này của mình là mộng.

     Thí dụ anh Cùng Tử hốt phân gợi nhắc chúng ta liên tưởng đến Bàn Đặc dọn quét bên ngoài, nhưng biết kết hợp với dọn phiền não, nghiệp chướng, trần lao bên trong. Khi chúng ta công quả, quét dọn chùa, cảm thấy an lạc là nhờ đã quét dọn được tâm nhơ bên trong. Cùng Tử dọn dẹp phân nhơ là quét dọn tinh xá sạch sẽ thì tâm bên trong của anh cũng được trang nghiêm. Trong thực tế cuộc sống, nếu nhà chúng ta dọn ngăn nắp, sạch sẽ, mình cảm thấy khỏe, còn nhà bừa bãi làm chúng ta thấy mệt. Cũng vậy, những gì chúng ta không bằng lòng thì nên loại bỏ, đem những thứ bực bội vô lòng làm chi cho thêm khổ, rồi còn nói một câu nghe thật tội nghiệp "Sống để dạ, chết mang theo!”.Những gì không bằng lòng, chúng ta quét sạch, quét bên ngoài tinh xá trong sạch, bụi dơ trong lòng cũng bay ra. Nhờ vậy, lâu ngày, lòng chúng ta cũng sạch thì mới nhìn đời chính xác. Lúc trước, tâm còn đầy phiền não, nên nhìn đời ảm đạm và thấy mọi người không đáng tin cậy, cho nên người cũng xử sự với ta như vậy; nhưng tâm trong sáng rồi, thấy được việc tốt của người khác. Phật nói rằng sanh được làm người là có phước rồi. Cho nên, chúng ta thấy phước của người và quan hệ với cái phước đó, khai thác cái phước đó, thì họ sẽ thương mến ta.

     Nhờ quét dọn tinh xá, tâm Cùng Tử lần trong sáng thì trưởng giả cho quản lý gia tài và trưởng giả nói rằng Cùng Tử nghèo nhưng không tham lam, ích kỷ như những người làm công hèn hạ khác. Cùng tử nghèo nhưng không hèn, người khác nghèo và hèn. Theo Phật, hiểu ý sâu của cùng tử trong kinh Pháp Hoa, chúng ta cố tập sống không hèn là không tham lam, ích kỷ, làm cho người khác hưởng và tiếp tục ở am tranh cũng như ở lầu các. Ở lầu các, chúng ta nợ biết bao nhiêu người, làm sao trả nổi. Người học đạo và tu hành luôn tránh vấn đề thọ dụng, vì thọ dụng bị tổn phước; làm mới tạo được phước.

     Cùng Tử không thọ dụng, không hèn, trí tuệ phát sanh, hiểu biết nhiều, cho nên được trưởng giả giao quản lý gia tài, điều này nhằm nói đến giai đoạn Phật bổ xứ chúng ta làm, nên được Hộ pháp long thiên gia bị và thành tựu Phật sự. Và cuối cùng, trưởng giả phú chúc gia tài cho Cùng Tử.
Hành giả đi đúng lộ trình Phật dạy, từ thân phận Cùng Tử cũng có thể đi đến quả vị cao nhất là Phật quả; không phải chỉ học suông giáo pháp trên lý thuyết thì không tăng trưởng được hiểu biết, không tu được và huệ không sanh. Theo đạo Phật, học để tu mới sanh công đức, học để hiểu thôi thì chỉ có kiến thức.

     Đức Phật thành đạo ở Bồ đề đạo tràng, trí tuệ của Ngài rọi khắp Pháp giới, thì kinh Hoa Nghiêm nói rằng Phật thấy rõ từ địa ngục A tỳ cho đến Trời Sắc Cứu cánh tất cả Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát, Ngài thấy rõ tất cả hình tướng và tâm bên trong của họ, cùng những tác động qua lại giữa chúng sinh. Phật thấy như vậy không sai lầm, kinh Pháp Hoa gọi là thập như thị, cho nên Phật mới điều động được sự vật. Còn chúng ta bị vật chuyển, nên chúng ta bị lệ thuộc thiên nhiên và xã hội.

     Trên bước đường tu, làm sao chúng ta bớt lệ thuộc thiên nhiên và xã hội, nghĩa là giảm bớt điều kiện sống. Hãy nghiệm xem chúng ta có điều kiện sống càng tốt chừng nào thì càng bị thụ động, chẳng hạn như chúng ta quen ăn ngon, khi tu một Ngày an lạc ở đây, sẽ cảm thấy khó chịu với cơm hộp. Và lệ thuộc rộng là xã hội tạo điều kiện cho người càng lệ thuộc thì càng dễ sai khiến họ. Phật tử ở Mỹ về Việt Nam nói rằng ở đây tuy nghèo, nhưng sướng, vì còn thì giờ đến chùa tu. Ở Mỹ, chúng con không có thì giờ, làm việc suốt ngày, suốt tuần; nhưng làm cực khổ như vậy mà tiền không dư. Phật tử ở Việt Nam không làm gì, nhưng không thiếu, là tâm chúng ta không thiếu; vì chúng ta tu theo Phật, tham vọng được hạn chế tối đa, nên không thấy thiếu. Người tu khác người đời là biết cắt bỏ ham muốn, hạn chế được một phần ham muốn thì dứt được một phần khổ đau và phát sanh trí tuệ, cho đến hạn chế tối đa, chỉ còn ba việc là ăn, mặc và ngủ, nhưng Phật dặn chúng ta đối với ba việc này cũng "bất túc”, chúng ta tập lần như vậy để nghiệp không sanh. Bình thường ăn ba bát cơm thì no, chúng ta tập ăn hai bát thôi, hạn chế lần nên cơ thể không tăng trọng lượng. Hạn chế ăn và ngủ để chúng ta đi sâu vào Thiền quán giúp cho trí tuệ phát sanh.

     Bước đầu, Phật khuyên chúng ta phải học và đọc kinh Phật để có kiến thức và từ đó, thực tập để có trí tuệ; đó là quá trình văn, tư và tu. Phải học rộng nghe nhiều, ở đâu có pháp sư nổi tiếng chúng ta cầu học, nhưng học xong phải thực tập những gì đã học. Pháp sư giảng pháp và cuộc sống của họ cũng tốt, còn cuộc sống không ra sao thì chỉ là văn tự pháp sư, nghĩa là vị này chỉ học rộng thôi và chỉ làm công việc mà Tổ quở rằng "Sổ tha trân bảo, hữu hà ích”, tức đếm tiền cho người khác còn mình thì nghèo hoài, hoặc giới thiệu món ăn mà không được ăn, bụng đói meo. Quan trọng là phải ăn mới no, phải có tiền để sống. Nếu giới thiệu Phật và Bồ tát làm những việc công đức, còn mình làm gì. Hòa thượng Thanh Từ kể rằng khi Ngài mới ra trường giảng về bốn quả của Thanh văn, có một Phật tử hỏi Ngài chứng được quả nào chưa. Tôi nghĩ đây là Bồ tát hiện ra để nhắc nhở Hòa thượng tu, nên Ngài đã ra núi Lớn tham Thiền và chứng được quả Ly sanh hỷ lạc, nghĩa là được an lạc ở ngoài cuộc sống, sự an lạc nội tâm không lệ thuộc cuộc đời và thiên nhiên. Cuộc sống thế nào, hoàn cảnh thế nào, Ngài cũng an lạc, vì trụ tâm, không chạy theo vọng trần vọng nghiệp. Chưa chứng quả nào thì không làm vừa lòng ai, nhưng ra núi tu một mình, thấy an lạc, Tăng Ni, Phật tử tự động tìm đến cầu học với Ngài.

     Chúng ta học để mở rộng kiến thức và nhờ kiến thức mà hiểu nghĩa lý sâu để ứng dụng vào cuộc sống tu hành. Và thực tập được quả nào là huệ phát sanh. Như vậy, khởi đầu bằng kiến thức và cuối cùng có trí tuệ. Người tu không có trí tuệ vì bị vướng mắc với ngữ ngôn văn tự trong sách vở. Người thực tập vượt qua sách vở để có trí tuệ.

     Theo Phật, quán Tứ niệm xứ để sanh huệ thì trước tiên, chúng ta thâm nhập được thế giới Không. Bấy giờ, huệ là Không, là giải thoát môn, chúng ta sẽ nhận ra lằn ranh giữa sanh và tử, sanh trong thế giới này và chết chúng ta ở thế giới Phật và ngược lại, từ thế giới Phật, sanh lại thế giới này. Nói cách khác, chúng ta quên thế giới này, đi xa đến thế giới Thật báo trang nghiêm là thế giới Thiền định thì ta giống như người chết giả trên cuộc đời.

     Như vậy, đi qua cánh cửa đầu tiên bằng Tứ niệm xứ quán, thì huệ sanh do cắt bỏ trần duyên, nên có được hiểu biết đúng như thật về bề mặt và bề trái của cuộc đời. Và nếu thực tập trọn vẹn 37 trợ đạo phẩm, đạt được Bát chánh đạo thì cũng là ba nghiệp thân khẩu ý này, nhưng là con người hoàn thiện với chánh kiến, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh ngữ, chánh tinh tấn, chánh tư duy, chánh niệm và chánh định.

     Chánh kiến là nhìn cuộc đời chính xác bằng trí tuệ, không phải thấy theo kinh nghiệm, hay sách vở. Thực tế chúng ta thấy người có kinh nghiệm nhiều thì khó gần gũi được, vì họ hay phê phán, chỉ trích, bắt lỗi đủ thứ. Thấy theo kinh nghiệm hoàn toàn không chính xác, nhưng thành tựu huệ trong Bát chánh đạo là chánh kiến thì Như Lai thấy không sai lầm và thấy thế giới này một cách rõ ràng như thấy trái cam trong lòng bàn tay.
Tu theo Phật, việc quan trọng nhất làm sao chúng ta thấy biết mọi người, mọi việc thật chính xác. Người ta đến nói đủ thứ, nhưng chúng ta thấy được động cơ trong nội tâm của họ, tức là Hành uẩn, họ đang tính toán cái gì. Sợ nhất là vô minh, hay lòng tham của ta nổi lên làm mờ mắt mình. Có một Thầy kể rằng ông gặp một người quen gọi lại nói rằng có mấy thỏi vàng, nhưng vội quá không đi bán được, nhờ Thầy bán giùm và trả cho họ một số tiền ít hơn giá trị của vàng, nhưng thật ra đó là vàng giả. Nếu có trí tuệ thì phải biết được họ dụng ý gì, đừng để lòng tham làm mờ tâm trí mà đưa tiền mua để được lời nhiều. Học Phật là phải có huệ để thấy biết người và việc một cách chính xác. Các vị Thiền sư ngày xưa phò vua giúp nước, làm nên đại nghiệp, điển hình như Thiền sư Vạn Hạnh đã khuyên vua Lê Đại Hành không cần đánh, chỉ ngồi yên trong điện các mà vẫn thắng. Quả đúng như vậy, trong 21 ngày, giặc Tống phải tự rút lui. Thiền sư Vạn Hạnh thấy rõ được tâm trạng của quân Tống, với chánh kiến đúng đắn hoàn toàn như vậy cho nên lời dạy của Ngài được mọi người coi như sấm. Nói ít, nhưng nói ra điều gì cũng đúng hoàn toàn. Người đời nói nhiều thì lỗi nhiều vì lời nói phát xuất từ tà tâm, tà kiến.

     Tóm lại, Bồ tát trong kinh Pháp Hoa thấy thế giới này không cần thiết, nhưng các Ngài trở lại cuộc đời để độ sanh, gọi là "Xuất một vị tha tác tắc”, tức là vào cuộc đời này hoàn toàn tự tại, đủ duyên thì vào cuộc đời độ sanh, hết duyên thì ra khỏi cuộc đời. Không có việc gì, không có người nào có thể làm vướng bận tâm trí Bồ tát, không có vinh hoa phú quý nào cầm giữ được bước chân hoằng pháp độ sanh của Bồ tát. Bồ tát ra đi khỏi thế gian, hay lưu lại cõi hồng trần này, Bồ tát làm mọi việc hay ẩn tu, không làm gì cả, đều phát khởi từ tuệ giác và đứng trên Bát chánh đạo mà hành sử mọi việc trên tinh thần vị tha vô ngã, đem lại ánh sáng trí tuệ và đạo đức cho tất cả mọi người.


(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 84 tại chùa Phổ Quang ngày 18-10-2009)