Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Sẵn Sàng Đón Nhận Nghiệp Quả

Có mấy người láng giềng luôn ngấm ngầm hãm hại gia đình tôi. Tôi không thể chịu đựng được nữa. Như vậy, tôi nên cố gắng nhẫn chịu hay nên dời nhà đến nơi an toàn để dễ dàng hành thiền hơn? Nếu chấp nhận ở lại không chịu khai thông trở ngại làm sao tôi có thể đạt được giải thoát?


Thầy Thích Viên Minh trả lời:
Trước khi trả lời câu hỏi, tôi xin kể vắn tắt câu chuyện đức Phật bị sỉ nhục khi đi vào thành Kosambi khất thực. Để trả mối thù tự ái bị tổn thương trước đây, bà thứ phi Migandiyā xứ Kosambi đã xúi giục dân chúng mắng chửi, nhục mạ đức Phật một cách thậm tệ. Tôn giả Ananda thấy vậy liền xin thỉnh đức Phật đi qua thành khác khất thực. Đức Phật hỏi nếu qua chỗ khác cũng bị mắng chửi nữa thì sao? Bạch Thế Tôn, thì đi chỗ khác nữa. Phật nói, nếu đi đến đâu cũng bị mắng chửi, thì chúng ta cứ đi, đi mãi, hay sao? Này Ananda, hãy để cho phiền não tự diệt nơi đâu chúng khởi sinh. Quả nhiên, bảy ngày sau dân chúng thành Kosambi không còn nhục mạ đức Phật nữa.

Đừng tưởng rằng bạn càng tu lên cao thì càng được an toàn hơn. Ngược lại, nếu bạn muốn được tốt hơn thì phải đối đầu với nhiều thử thách hơn. Ngay cả Đức Phật, sau khi giác ngộ vẫn còn chịu tám nạn lớn trong đó có sự mưu sát của Devadatta. Cũng vậy, Đức Chúa bị Juda phản bội và phải chịu cực hình đóng đinh trên thập tự giá. Thánh Gandhi bị thảm sát mặc dù chủ trương bất bạo động.

Nếu chướng ngại là quả của nghiệp thì không có cách nào tránh né được. Như đức Phật dạy trong Kệ Pháp Cú 127:

“Không phải trên hư không,
 không phải giữa biển cả,
không phải vào hang sâu,
không nơi nào trên đời
có thể tìm thấy được
chỗ tránh quả ác nghiệp”.

Vì vậy, bậc thiện trí thức sợ gieo nhân chứ không sợ gặt quả. Nhiều người làm ác hay làm lành mà chẳng thấy báo ứng đâu cả nên không tin nhân quả nghiệp báo, nhưng đó là vì chưa đến lúc trổ quả mà thôi.

Thực ra, nghiệp quả có ý nghĩa giáo dục rất cao:
  1. Giúp chúng ta biết chịu trách nhiệm về hành vi đạo đức của mình.
  2. Chỉ cho chúng ta thấy ra nguyên nhân đã tạo trong quá khứ.
  3. Thấy nhân thấy quả chính là thấy bản chất vô thường, khổ và vô ngã của vạn pháp.
  4. Rèn luyện cho chúng ta những đức tính cao qúi như nhẫn nại, cảm thông, từ ái, bi mẫn, bao dung, khiêm tốn v.v...
  5. Người sẵn sàng đón nhận nghiệp quả mà vẫn định tĩnh sáng suốt, vẫn vượt khỏi tham ưu, chắc hẳn là người đã thong dong tự tại.
Vậy tại sao bạn không nhân sự quấy rầy của những người hàng xóm để trưởng dưỡng đạo tâm như nhẫn nại, thương yêu, cảm thông và trí tuệ? Thật ra khi trong tâm còn phiền não thì dù đi tới chân trời góc biển nào khổ vẫn bám theo. Bạn luôn muốn đổi mới nhưng thực ra chỉ đổi cái khổ này qua cái khổ khác. Rồi chúng ta không ngừng chọn lựa, nhưng khi đã chọn bề mặt thì chúng ta cũng phải lấy luôn bề trái.

Mặc dù tôi cũng tin như vậy, nhưng thật khó mà nhẫn nhục được với hạng người vừa hung ác vừa xảo quyệt. Họ vừa ăn cướp vừa la làng, hại người này rồi đổ tội cho người kia. Khổ nỗi họ khéo nịnh bợ cấp trên nên luôn được che chắn, ô dù. Cho nên hạng người này cần được triệt hạ đi vì sự an lạc của mọi người, sao lại phải cam tâm chịu nhịn với chúng?

Tôi hoàn toàn thông cảm với bạn, và hầu như phần lớn chúng ta đều muốn như vậy. Nhưng trên thực tế triệt hạ người ác đâu có dễ, phải không? Ai mà biết chúng ta triệt hạ họ hay họ triệt hạ chúng ta trước rồi! Dù sao, bình tĩnh chịu đựng sẽ tốt hơn, vì cuối cùng nhẫn nại vẫn là thượng sách. Biết đâu bạn càng cố thanh trừng gắt gao, kẻ xấu càng trở nên ma mãnh hơn trong khi nếu bạn trầm tĩnh nhẫn nại thì mọi việc sẽ được giải quyết sớm sủa hơn nhiều.

Lúc đầu phần lớn chúng ta đều cảm thấy khó chịu khi quan hệ với người xấu, nhưng sau một thời gian ứng phó với họ xem ra chúng ta trưởng thành hơn, bản lãnh hơn, khôn ngoan hơn và tiến bộ hơn rất nhiều. Phải chăng đó là những thử thách mà mọi người phải trải qua trên đường chuyển hóa? Không chừng một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra rằng chính hạng người này đã vô tình giúp bạn tự khám phá, tự điều chỉnh để hoàn thiện chính mình. Không có những thử thách đó làm sao bạn có thể biết mình và biết người một cách rõ ràng cụ thể? Nhận ra điều này hẳn bạn sẽ cám ơn những kẻ khó chịu này.

Người làm ác cũng có nỗi khổ riêng của họ: những toan tính bạc đầu, những lo âu sợ hãi, những ray rứt khôn nguôi, lại còn bị căm thù, phỉ nhổ, nguyền rủa, khinh khi v.v... từ bên ngoài. Vậy bạn đừng phản ứng khinh suất. Hãy để họ học ra bài học của mình từ quả đắng tự nhiên của hành động ác, một cách công minh xác đáng. Dù sao, họ cũng đáng thương, cần được cảm thông hơn là ghét bỏ. Hãy cầu nguyện cho họ sớm học ra bài học của mình để biết hồi đầu hướng thiện. Cái chính là bạn phải tự khám phá xem chính mình có xấu xa đê tiện không trước khi quan tâm sửa trị những điều thị phi của người khác.
Trích Chương VI - Sống Trong Hiện Tại - Viên Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét