Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Câu chuyện DƯƠNG VINH - chứng minh công đức của việc tích chứa phước thiện


Có một người làm đến chức Thiếu sư, tên là Dương Vinh, thuộc huyện Kiến Ninh tỉnh Phúc Kiến. Tổ tiên của ông làm nghề chống thuyền đưa khách sang sông để kiếm sống. Có một lần, mưa xuống rất lâu, sông suối ngập tràn, thế nước ào ạt, cuốn phăng nhà cửa của dân. Rất nhiều người đã bị nước cuốn, số chết, số đang vật vã trong dòng nước xiết. Những thuyền khác đều lo đi vớt của cải trôi theo dòng nước, chỉ ông cố và ông nội của Dương Vinh lo đi cứu những người mắc nạn bị nước cuốn, mà không vớt một món vật nào. Người trong làng đều cười chê, cho họ là ngu. Đến khi cha Dương Vinh ra đời, sinh kế của gia đình lần lần khá giả. Có một vị đạo sĩ nói với cha Dương Vinh rằng: “Cha và ông nội của ông tích chứa được rất nhiều âm đức, con cháu nhất định sẽ thành đạt làm quan lớn. Ông nên đem hài cốt cha mình an táng tại chỗ kia”.

Cha Dương Vinh nghe xong, y lời đạo sĩ, đem hài cốt của cha và ông nội chôn tại chỗ đại sĩ chỉ. Ngôi mộ đó, ngày nay mọi người đều biết là mộ Bạch thố. Sau đó Dương Vinh ra đời, đến năm hai mươi tuổi thi đậu Tiến sĩ. Làm quan mãi đến chức Thiếu sư thuộc hàng Tam công. Hoàng đế còn truy phong cho cha, ông nội, ông cố của Thiếu sư chức tước như ông.  Con cháu đời sau của Thiếu sư vô cùng thành đạt, mãi cho đến ngày nay vẫn còn rất nhiều bậc hiền tài.

Dương Thiếu sư! Dương Thiếu sư! Ông cố, ông nội tích âm đức, tích âm đức. Lụt lội chỉ lo cứu vớt người, của cải chẳng quan tâm. Người cười như thế là khờ ngu! Đâu ngờ ngu mà được đại phước, được đại phước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét