Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN - Phẩm Thứ Tám

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
--------
Các Vua Diêm-La khen-ngợi
PHẩm THứ Tám:

1.Diêm-La-Vương cùng Quỷ-Vương vân-tập
  Lúc đó, từ Thiết-vi về tới 
vân-tập nơi Đao-Lợi Thiên-Cung, 
Diêm-vương, Quỷ-Chúa trùng trùng,
Chẳng sao đếm hết số trong hội này. 
Các Quỷ-vương dưới đây lược kể: 
gồm Ác-Độc, Chủ-Mị, Tán-Ương... 
Đại-Tránh, bạch-Hổ Quỷ-vương...
Huyết-Hổ, Xích-Hổ, Điển-Quang, Chủ-Tài... 
Đa-Ác cùng Các Đại-Lợi-Thất... 
Cùng Phi-Thân, Chủ-Tật, Lang-nha... 
Tam, Tứ, ngũ Mục Dạ-Xoa...
 A-na-Tra..., các Lợi-Xoa cũng về... 
Các vương Chủ Mạng, Mê, Cầm, Thú... 
Còn biết bao Quỷ Chúa v.v... 
Dẫn theo tiểu quỷ, cận-thần
Trăm ngàn muôn ức... đều dân Diêm-Phù. 
Mỗi vị đều có khu trọng-trách, 
Có riêng phần, phương cách thẩm-tra, 
Trong Diêm-Phù giới bao la,
Mỗi ngày thẩm xét hằng-hà tội-nhân. 
Diêm-La cùng chư Thần, Quỷ Chúa, 
Đồng nương oai lực của Phật-đà, 
Oai-thần Địa-Tạng hải hà,
 về Cung Đao-Lợi đứng qua bên chầu.
2. Vua Diêm-La bạch Phật
  Diêm-La-vương bạch tâu lên Phật: 
“bạch Thế-Tôn! Quả thật chúng con, 
nương nhờ ân-đức Thế-Tôn,
Cùng ngài Địa-Tạng oai thần rất cao! 
Mới được đến dự vào Pháp-hội, 
nơi cung Trời Đao-Lợi hôm nay. 
Chẳng ngờ phước-báu có ngày,
Trước Phật, bồ-Tát được bày lòng son. 
Có chút việc chúng con chưa rõ, 
Xin Thế-Tôn ban-bố từ-bi, 
Tâm còn tăm-tối ngu-si!
Xin Phật dạy rõ thương vì chúng con!” 
Phật dạy: “Điều chi còn chưa tỏ, 
Ta vì Ông nói rõ ngọn-nguồn.” 
Diêm-La đảnh lễ Thế-Tôn,
Cùng ngài Địa-Tạng, bồn-chồn trình thưa: 
“Bạch Thế-Tôn! Con vừa quan-sát, 
ngài Địa-Tạng bồ-Tát từ lâu, 
Đã vì nguyện-lực rất sâu,
Trăm nghìn phương-chước đỡ đầu chúng-sanh. 
Trong sáu đường pháp lành cứu độ. 
vì chúng sanh tội khổ, chẳng từ 
Khó-khăn mệt nhọc vô bờ,
Cứu chúng thoát khỏi nghiệp dư ngục tù. 
Địa-Tạng ngài lòng từ như thế, 
Lại thần-thông cái-thế vô song. 
Muốn bàn muốn nghĩ chẳng thông!
Chúng-sanh mới đặng thoát vòng khổ-luân. 
Chẳng bao lâu lại hoàn địa-ngục, 
Chốn khổ đau chen-chúc mà vào! 
Chúng con muốn biết tại sao?
Chúng sanh chẳng biết nương vào thần-thông 
Chẳng nghĩ bàn của lòng bồ-Tát! 
Phương-tiện lành giải-thoát chúng-sinh? 
ba con đường ác ngục hình!
vẫn ham lặn-lội? bạch trình Thế-Tôn!”

3. Phật giảng Sở Nhân
  Đức Phật lại ôn-tồn giảng nói: 
“Diêm-La-vương! người cõi Diêm-Phù, 
Tính tình ngang-ngược hèn ngu,
Khó sửa khó dạy nên dù nhọc tâm. 
ngài Địa-Tạng vẫn trăm ngàn kiếp, 
Dùng lực-thần độ nhiếp chúng-sanh, 
giải-thoát mà đến cõi lành,
Cõi khổ lớn cũng tận-tình giải nguy. 
Dùng phương-tiện nhổ đi duyên nghiệp, 
Làm chúng-sanh nhớ biết việc qua, 
Thấy đường ác cố tránh xa.
nhưng lòng quy chánh cải tà khó thay! 
Chúng-sinh vì nghiệp dày tội nặng, 
vừa thoát ra lại gắng chen vào. 
nhọc lòng bồ-Tát biết bao,
Độ sanh chẳng biết kiếp nào mới xong! 
ví như kẻ lòng-vòng lạc lối, 
Đi vào đường tăm tối hiểm nguy. 
Dạ-Xoa, quỷ đói, thiếu gì,
Còn thêm cọp, sói, độc trì, hố hang... 
người lạc lối lang thang nào biết, 
Xảy phút giây nguy hiểm hại thân, 
Có người pháp-thuật tuyệt-trần,
Trừ được ác thú, quỷ thần, dạ-xoa. 
gặp kẻ lạc đương sa hiểm nạn, 
vội kêu lên: “này bạn, ô hay! 
Sao không bước ở đường ngay!
Lại tìm ngõ hiểm như vầy mà đi? 
Hay bạn có thuật chi kỳ lạ, 
Có thể tiêu-diệt cả hiểm hung?” 
Kẻ kia nghe vậy hãi-hùng,
Liền lui trở lại kiếm lùng lối ra. 
vị trí-thức nhẩn-nha dìu-dắt, 
Dẫn kẻ đi lạc thoát ra ngoài. 
Khỏi đường hiểm nạn chông gai,
Tới đường ngay thẳng an-bài lối đi. 
Chỉ cho thấy hiểm nguy, rồi bảo: 
“Từ nay đừng bước nẻo hiểm tà, 
Ai vào đường đó khó ra,
Tổn-thương thân-thể hoặc là mạng vong.” 
Kẻ lạc lối sanh lòng cảm-kích, 
người bạn còn khuyến-khích dặn-dò: 
“Từ nay trên bộ, dưới đò,
gặp ai lạc lối chỉ cho tỏ-tường. 
Cho họ biết con đường độc hại, 
Chớ đi vào mà phải hiểm nguy, 
nhẹ thì thương tổn tứ chi,
nặng thì mất mạng chẳng gì gỡ ra!” 
ngài Địa-Tạng độ tha cũng thế, 
Đức từ-bi chẳng thể nghĩ bàn, 
giúp người khổ nạn an-toàn,
Thác sanh về chốn thanh-nhàn nhân, Thiên.
Chúng sinh nào não-phiền đã trải, 
Chẳng dám còn trở lại nẻo nguy. 
như người đã lạc đường kia,
Thoát rồi chẳng muốn lạc về nẻo xưa. 
nhờ gặp được bạn vừa trí-thức, 
vừa nhân-từ đạo-đức cảm-thông, 
Dắt dìu hiểm nạn thoát xong.
Dám đâu lại lạc vô tròng tối-tăm. 
gặp kẻ khác xăm-xăm nẻo ấy, 
Đón đưòng khuyên hầm bẫy chớ vào. 
Tự mình nói rõ hồi nào,
Đã từng ngu dại lạc vào hiểm nguy. 
Chẳng gặp bạn từ-bi chỉ bảo, 
E còn mang khổ báo đến nay, 
Xin đừng lạc nẻo ác này,
Mà sau hối-hận chẳng ngày nào nguôi! 
người được chỉ, chẳng rời mê chấp, 
Chẳng biết rằng đã gặp thiện-nhân, 
Chánh tà chẳng biết cân-phân,
Tổn-thương vong mạng quy phần lỗi ai? 
như chúng-sinh đoạ-đầy ác đạo, 
Điạ-Tạng ngài xông-xáo cứu ra, 
việc lành lại chẳng thiết-tha,
Lại tìm địa-ngục, mê hà vào chơi. 
nghiệp chúng-sanh gặp thời quá nặng, 
Có cứu ra cũng gắng trở vào, 
Địa-ngục cũng chẳng khác nào,
Là nơi du-hý ra vào đắm-say!”

4. Quỷ-Vương bày thiện nguyện
  Ác-Độc Quỷ chắp tay cung-kính: 
“bạch Thế-Tôn! Đấng Chánh-biến-Tri! 
Xin ngài mở lượng từ-bi.
Chứng minh hạnh-nguyện hộ-trì Quỷ vương. 
Cõi Diêm-Phù vô lường chúng Quỷ, 
Dân chúng con, vô-thỉ đến nay 
Có người làm những việc hay,
Lợi ích cho kẻ đêm ngày biết tu. 
Có người vì oán thù, nghiệp ác, 
Làm tổn-thương kẻ lạc nẻo tà, 
Tuy cùng là việc quỷ ma.
nhưng tùy nghiệp báo chánh tà khác nhau. 
Chúng con thường vào sâu thành ấp, 
Qua sân nhà, ruộng đất, ao vườn... 
Có người trong đó nếu thường
Hương hoa phan lọng cúng-dường Phật, Kinh... 
Hoặc đọc tụng tôn-vinh Phật Pháp, 
Hoặc vẽ hình bồ-Tát, Thánh-Tăng, 
Chúng con thường bảo nhau rằng,
Thấy những nguời đó phải năng giữ-gìn, 
như cung kính trăm nghìn đức Phật, 
Quá, hiện đời hay Phật vị- lai, 
Không cho việc dữ, nạn tai,
Hay bệnh hung hiểm đáo lai thình-lình. 
 bất toại ý cũng đình ngoài cửa, 
Chẳng để cho lần lữa vào nhà.” 
Thế-Tôn đẹp ý phán ra:
“Các Ông làm thế thật là tốt thay! 
Cùng Diêm-La hàng ngày ủng-hộ, 
Kẻ thiện nam, thiện nữ cúng dường. 
Ta truyền Đế-Thích, Phạm-vương,
Hết lòng hộ-vệ vô lường các Ông!”

5. Chủ Mạng thỉnh thưa
  Đức Phật vừa nói xong lời ấy. 
Chủ-Mạng vương cúi lạy Thế-Tôn : 
“Thế-Tôn! bổn nghiệp của con,
Cai quản thọ mạng người còn trên dương. 
Lẽ sinh tử con tường sự-tích, 
bổn-nguyện con lợi-ích lớn-lao. 
Chúng-sinh không hiểu tại sao?
nên giờ sống chết nôn-nao trong lòng.

6. Khi sinh nở nên làm lành kiêng ác
  Mới được sinh ở trong nhân-thế 
Cõi Diêm-Phù, bất kể gái trai, 
người mẹ trong lúc hoài thai,
Cửa nhà nên giữ trong ngoài bình-yên. 
Làm phước lành tăng thêm lợi ích, 
Thổ-Địa Thần ưa thích mừng vui, 
Hết lòng ủng hộ sinh xôi,
Mẹ con đều được sống đời bình-an. 
Lúc sinh nở an-toàn chẳng bệnh, 
Phước lợi chung than-quyến trong nhà. 
Sanh rồi mà giết vịt gà,
Sát sanh để lấy thịt thà tươi ngon, 
Đem nuôi-nấng đứa con, người mẹ, 
Hoặc đặt bày tế-lễ Quỷ-Thần, 
Mẹ con đều phải chung phần,
Sát sanh tạo tội ác tâm vì mình. 
vì sao thế? Lúc sinh sản đó 
Máu huyết tanh dụ dỗ quỷ ma! 
nếu hay khi mới sinh ra,
Là nhờ phước-trạch toàn-gia để dành. 
Sớm đã được Thần-linh Thổ-Địa, 
Làm phước lành bảo vệ mẹ, con, 
Sản sinh mới được vuông tròn,
Phải nên đền đáp công ơn Địa-Thần. 
Phải làm việc với tâm biết phải, 
Huống hồ là sát hại sinh-linh! 
Uống ăn, tế-lễ linh-đình...
biết đâu tội ấy có mình ở trong!

7. Lúc chết nên tu phước
Bạch Thế-Tôn! Trong lòng con muốn 
Mọi sinh-linh trong chốn Diêm-Phù, 
biết đường lành dữ mà tu,
Khỏi đầy ác đạo cho dù mạng chung. 
Lúc sinh tiền nếu không tạo tội, 
Làm việc lành ích lợi đôi bên, 
Tự mình hưởng quả nhân Thiên
Còn làm oai-lực con thêm phước lành. 
Cõi Diêm-Phù, chúng sanh nên rõ, 
Lúc mạng chung vô-số quỷ-thần, 
biến thành cha mẹ, người thân
bắt hồn người chết làm dân nước mình. 
vào ác đạo mặc tình sai khiến, 
Dù là người làm thiện sanh thời. 
Huống chi người ác cả đời,
Chẳng hề nảy-nở sinh-xôi nghiệp lành. 
bạch Thế-Tôn! Chúng-sanh vì thế, 
Lúc mạng chung chẳng thể biện bày, 
Thức thần nửa dại nửa ngây,
Mắt tai chẳng thấy chẳng hay biết gì! 
Các thân-quyến nếu vì người chết, 
Mà sắm-sanh trần-thiết cúng-dường, 
Danh Phật, bồ-Tát xưng-dương,
Tụng kinh, niệm Phật, vô lường hiệu-năng. 
Cho người chết đạo hằng nhớ lại, 
Mà tránh đường ác hại quỷ ma. 
Ác thần đều phải lui xa,
Đó là giải-thoát, ấy là phước-duyên! 
bạch Thế-Tôn! nghe tuyên danh Phật, 
Lúc lâm-chung lợi thật vô cùng, 
Đại-thừa kinh-điển nằm lòng,
Dù tội ngũ-nghịch cũng không tác-thành. 
những nghiệp ác vô-tình gây tạo, 
vì vô-minh đáng đáo Diêm-đình, 
nhưng nhờ trì-tụng pháp lành,
nên đều thoát khỏi, chẳng sanh cõi tà.”

8. Đức Phật căn-dặn
  Đức Thế-Tôn thật là hoan-hỷ, 
Căn-dặn Chủ-Mạng Quỷ Thần-vương: 
“Hay thay! Công-đức vô lường,
Cho lời nguyện lớn trong đường tử sinh! 
Ông phát nguyện vì tình thương-xót, 
Chúng-sinh chưa rửa gột vô-minh, 
Hết lòng cứu-độ hữu tình,
Phước lành ban khắp chúng-sinh nương nhờ. 
Trong đời sau, đến giờ viễn thế 
Của nữ nam, nhớ thệ-nguyện trên 
 việc lành chớ có lãng quên,
giải-thoát tất cả về miền an-vui.” 
Chủ-Mạng-vương bồi-hồi bạch Phật: 
“Xin Thế-Tôn chớ mất công lo, 
Trọn đời, Con dám hững hờ?
Luôn luôn ủng-hộ trong giờ tử sinh. 
Chỉ mong-mỏi chúng-sanh hằng nhớ, 
Lời con khuyên giờ tử, phút sanh, 
Một lòng kiêng ác làm lành.
Con đường giải-thoát đã dành sẵn đây.”

9. Đức Phật thọ-ký cho Chủ-Mạng
 bấy giờ Phật bảo ngài Địa-Tạng: 
“Ông Quỷ-vương Chủ-Mạng này đây 
Trải trăm ngàn kiếp lâu nay,
Đã ủng-hộ chúng những ngày tử sinh. 
Là bồ-Tát thiện-lành Đại-Sĩ, 
vì từ-bi lốt Quỷ gá thân, 
Chẳng phải là Quỷ thật-chân,
Trăm bảy mươi kiếp dự phần như-Lai. 
Hiệu vô-Tướng, kiếp đời An-Lạc, 
Tịnh-Trụ là nước Phật thành danh. 
Sống lâu chẳng thể luận bình,
Chúng-sinh vô-lượng nương danh-hiệu ngài. 
này Địa-Tạng! Thần oai Đại Quỷ, 
Dù lực thần chẳng thể nói ra, 
nhân Thiên giải-thoát hằng-sa,
Số không thể đếm được là bao nhiêu.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét